Deadlight: Director’s Cut mang lại một trải nghiệm cinematic platform hiếm hoi và thú vị, đặc biệt khi nó được nâng cấp mọi thứ. Bản thân tôi chưa từng chơi phiên bản Deadlight đầu tiên được phát hành vào năm 2012. Mới đây, Deadlight: Director’s Cut được “cho không biếu không” trên GOG, nên đây là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm trò chơi.
Deadlight lấy bối cảnh vào cuối thập niên 80 tại thành phố Seattle. Câu chuyện được kể lại thông qua những hình vẽ phác thảo và hình chân dung của nhân vật. Cách xây dựng nội dung thế này tạo cảm giác khá lạ mắt, đồng thời giúp người chơi hình dung được bối cảnh đang diễn ra như thế nào. Nói một cách đơn giản thì nơi đây xảy ra một đại dịch zombie mà trong game gọi chúng là các Shadow. Và nhân vật đang trên đường tìm kiếm bạn bè của mình.
Đồ họa của Deadlight: Director’s Cut khá đẹp. Nó hoang tàn nhưng vẫn trông khá thực. Trò chơi khắc họa rất tốt môi trường màn chơi, từ các ngôi nhà bị những kẻ lang thang lục tung tìm kiếm miếng ăn sót lại, cho tới những con người đang cố cách bảo toàn mạng sống khỏi các Shadow lang thang khắp nơi thành phố. Đó thật sự là những cảnh tượng khủng khiếp sau hậu quả của trận dịch zombie nói trên. Nhân vật được tạo hình khá thú vị. Trong phần lớn các cảnh game, nhân vật chính trông không khác gì một gã ninja áo đen bí ẩn.
Ban đầu, tôi cứ nghĩ Deadlight: Director’s Cut là một tựa game đi cảnh thông thường mà nhân vật phải chạy trốn khỏi hàng hàng lũ lũ zombie đuổi theo phía sau. Thật may là không phải vậy. Phần lớn chỉ là một nhóm nhỏ các Shadow truy đuổi theo nhân vật của người chơi. Trò chơi kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố đi cảnh và giải đố, ghép vào đó một câu chuyện qua những khung hình vẽ nghệch ngạc và lời kể của nhân vật.
Phần lớn những trở ngại mà người chơi gặp phải thường là những cái bẫy để cướp đi sinh mạng của nhân vật, đôi lúc là một trận “cuồng phong” các Shadow hoặc là sự kết hợp của cả hai. Nhân vật chính của người chơi là Randall Wayne, với khả năng parkour khá nhuần nhuyễn. Randall có thể leo, trèo, đu, bám, ngồi và trườn qua các chướng ngại. Thế nhưng, nhân vật có thanh stamina rất hạn chế và tất cả mọi hành động dùng sức đều làm giảm stamina, tương tự như ngoài đời thật vậy. Chính yếu tố này mới khiến mọi thứ phiền nhiễu xảy đến với người chơi trong trải nghiệm Deadlight: Director’s Cut.
Tuy nhiên, Randall không hoàn toàn kém cỏi như bạn tưởng. Ngoài việc giới hạn stamina như nhiều cinematic platformer khác, nhân vật này khá giỏi trong việc sử dụng súng nhờ đã có tập luyện từ trước. Người chơi có thể sử dụng khẩu revolver hoặc shotgun để tự bảo vệ mình khỏi đám Shadow. Việc nhắm bắn cũng được thiết kế mang lại cảm giác bắn khá tốt bằng cách sử dụng cần analog phải hoặc bằng chuột. Ngoài ra còn có slingshot, tuy nhiên đây không phải là vũ khí mà chỉ là công cụ dùng để giải một số câu đố nhất định.
Thế nhưng, vấn đề của Deadlight: Director’s Cut lại nằm ở phần điều khiển đã được cải thiện so với tựa game gốc ban đầu. Thực tế, sau khi đã thử trải nghiệm cả hai cơ chế điều khiển, tôi không thấy có gì cải thiện về khía cạnh kỹ thuật cả. Rất nhiều trường hợp, người chơi không bấm nút đúng “chuẩn” sau khi nhân vật hoàn tất hành động hiện tại, Randall cứ thường nhảy qua nhảy lại giữa một bức tường hay cái thang treo hay thậm chí là ngẫu nhiên nhảy xuống đất. Để hiểu thêm về vấn đề này, các bạn có xem thêm về vấn đề của cinematic platformer tại đây. Tệ hơn hết là phần cuối game, đoạn mà vừa phải chạy và bắn khá hỗn độn thì phần điều khiển chỉ khiến bạn… cắn lưỡi vì tức. Mọi hào hứng ban đầu đều tắt ngúm khi chơi đến Act cuối, nhất là khúc làm nhiệm vụ hộ tống.
Một vấn đề nữa cũng khiến trải nghiệm khá mất hứng là thỉnh thoảng có những cảnh bị khựng hình trong giây lát, giống như bị tụt tốc độ khung hình bất ngờ vậy. Nhưng đáng nói hơn là trải nghiệm Deadlight: Director’s Cut khá ngắn, khiến tôi cảm thấy không thõa mãn ngay cả khi đã hoàn tất trò chơi. Tính ra nếu chịu khó tìm tất cả vật phẩm và các bí mật ẩn giấu trong màn chơi, thời lượng cũng không vượt qua ba tiếng trải nghiệm. Như thế là quá ngắn cho phần chơi cốt truyện. Vì thế, những ai muốn chơi cho đáng tiền có lẽ phải chịu khó đầu tư cho phần chơi Survival và Nightmare mới.
Nightmare cơ bản là một độ khó đặc biệt của trò chơi. Người chơi chỉ có một mạng duy nhất để trải nghiệm toàn bộ ba act của phần chơi campaign. Nếu để mất mạng, bạn phải chơi lại từ đầu. Phần chơi này có lẽ chỉ dành cho những ai thích săn thành tích vì nó là một thử thách thú vị, đòi hỏi chút kiên nhẫn và chính xác trong điều khiển của người chơi.
Trong khi đó, Survial như tên gọi của nó, nhân vật được thả vào một bệnh viện không lối ra. Mục tiêu của người chơi là sống sót càng lâu càng tốt. Ban đầu bạn chẳng có gì, nhưng sau khi “dò la” khắp nơi trong màn chơi mới tìm được vũ khí giống như những gì đã sử dụng trong phần chơi cốt truyện. Đáng nói là phần chơi này khá khan hiếm đạn và thường được đặt ở những vị trí có tính chiến thuật hạn chế để bẫy người chơi làm mồi cho lũ Shadow. Chưa kể, các thùng đạn sẽ biến mất sau một thời gian nhằm tránh việc bạn “cắm rễ” ở một vị trí quá lâu.
Sau cuối, Deadlight: Director’s Cut thật sự mang đến một trải nghiệm thú vị. Thế nhưng vài vấn đề trong phần điều khiển và thời lượng chơi tương đối ngắn có thể khiến bạn cảm thấy thiếu thuyết phục. Với những người đã chơi Deadlight phiên bản ban đầu từ trước, Director’s Cut có lẽ không có giá trị nhiều, trừ khi bạn muốn thử sức với hai chế độ chơi mới. Thế nhưng, với những ai chưa từng chơi qua trước đây, thì Deadlight: Director’s Cut vẫn là một cinemactic platformer đáng để trải nghiệm vì những gì mà trò chơi mang đến.
Deadlight: Director’s Cut hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4 và Xbox One.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!