Assassin’s Creed IV: Black Flag là game phiêu lưu hành động thế giới mở hấp dẫn với đề tài cướp biển và các trận hải chiến kịch tính.
Nếu chỉ tính các dòng sản phẩm chính thì Assassin’s Creed IV: Black Flag là tựa game thứ sáu trong series Assassin’s Creed. Sau thành công của phiên bản đầy tham vọng Assassin’s Creed III nhưng dính đầy lỗi vào ngày đầu phát hành, người chơi lại tiếp tục với trải nghiệm hấp dẫn trong phần chơi Black Flag. Trò chơi lấy bối cảnh vào năm 1715, thời điểm mà người ta gọi là kỷ nguyên vàng của cướp biển. Và nếu bạn không biết thì Black Flag có nghĩa là cờ đen, là lá cờ biểu tượng của cướp biển với nền đen, ở giữa là hình đầu sọ và hai mảnh xương đặt chéo nhau bên dưới.
Trong lịch sử thế giới, 1715 là thời điểm sau cuộc chiến kế vị ở Tây Ban Nha từng tạo nên cuộc tranh chấp lớn giữa các nước Âu châu. Nó được gây ra bởi Charles II, vị vua cuối cùng của vương triều Habsburg của Tây Ban Nha, vừa ốm yếu lại vừa không có con. Cuộc chiến này sau đó kết thúc nhờ vào hàng loạt các hiệp ước hòa bình được ký kết vào năm 1713 và 1714 dẫn đến nhiều chia tách giữa các quốc gia. Kết quả dẫn đến hàng ngàn thủy thủ, bao gồm cả các lực lượng bán quân sự của Anh và Mỹ mất công ăn việc làm, đúng vào thời điểm thương mại vận tải xuyên Đại Tây Dương đang bắt đầu bùng nổ. Thêm vào đó là những người dân châu Âu thất nghiệp phải chấp nhận kiếm sống bằng nghề thủy thủ và lính, bị buộc phải làm quần quật như nô lệ nên luôn khát khao bỏ nghề. Lực lượng này sau đó đã chuyển sang làm cướp biển, tuyển mộ nhiều người ở các vùng biển Tây Phi tham gia đầu quân cướp bóc khắp nơi. Đây chính là bối cảnh đầy hấp dẫn của Assassin’s Creed IV: Black Flag mà người chơi sẽ được trải nghiệm trong trò chơi.
Mặc dù vẫn giữ lại những yếu tố khám phá đất liền ở góc nhìn thứ ba, cũng như hệ thống cận chiến và hành động lén lút quen thuộc ở các phần trước, nhưng Assassin’s Creed IV: Black Flag lại tập trung nhiều hơn vào trải nghiệm thế giới mở giương buồm ra khơi đi khắp Caribbean, khám phá những hòn đảo rộng lớn và độc đáo. Tất nhiên bạn cũng sẽ dính vào rất nhiều phiền phức khác được nhà phát triển xây dựng và đưa vào trò chơi, nhưng đó thật sự lại là những khoảnh khắc gameplay đáng nhớ mà rất hiếm tựa game nào có thể mang lại cảm giác tương tự. Nhân vật chính của người chơi là Edward Kenway, có lẽ được lấy cảm hứng từ Edward Teach, tên cướp biển râu đen nổi tiếng vào thời đại đó, kẻ từng gieo rắc kinh hoàng khắp bờ biển Bắc Mỹ.
Đồ họa có lẽ không phải là vấn đề đáng bàn trong Assassin’s Creed IV: Black Flag. Đây là một trong những tựa game có đồ họa đẹp nhất vào thời điểm phát hành năm 2013 và tính đến nay vẫn có chất lượng đồ họa ở mức khá. Thậm chí nếu từng trải nghiệm Assassin’s Creed III, bạn sẽ thở phào nhẹ nhõm khi biết chất lượng đồ họa trong phiên bản này thậm chí còn ấn tượng hơn. Từ ánh sáng, cho tới những địa điểm khám phá miền nhiệt đới và đặc biệt là hiệu ứng nước đều rất ấn tượng. Trải nghiệm còn tuyệt vời hơn nhờ vào thời gian loading được tối ưu nên mang đến cảm giác trải nghiệm rất mượt mà. Ngay cả tầm nhìn vạn vật ở xa cũng được chăm chút khá tỉ mỉ, xây dựng hết sức ấn tượng tạo nên những quang cảnh thật sự đẹp mắt. Chẳng hạn như cảnh hoàng hôn tím khi con tàu chạy hết tốc độ, xung quanh là tiếng gió biển đập vào tai người chơi, chúng hòa quyện cảm giác nghe nhìn rất thú vị.
Cảm giác trải nghiệm trong Assassin’s Creed IV: Black Flag khá hấp dẫn, nhất là khi bạn có thể thoải mái khám phá mọi thứ trên vùng biển đầy mê hoặc đó theo cách mà bạn muốn. Người chơi không những có thể tìm tòi mọi ngóc ngách của Kingston để tìm kiếm bí mật của hội Templar, mà nếu thích bạn cũng có thể mua một con thuyền nhỏ và đi săn các sinh vật biển. Điều thú vị là nếu lơ là các nhiệm vụ chính, bạn lại cảm thấy “sướng” hơn nhiều khi giương buồm đến những hòn đảo xa xôi hẻo lánh nào đó, hay leo lên đỉnh núi và đứng ngắm nhìn thế giới tuyệt vời xung quanh. Thậm chí còn thú vị hơn nếu bạn tải ứng dụng Assassin’s Creed IV Companion App để biến chiếc điện thoại hay máy tính bảng đang bị bỏ xó ở góc nhà thành bản đồ khám phá, thậm chí là cơ sở dữ liệu Animus hoặc nhận rất nhiều thông tin quý giá khác cho trải nghiệm. Thay vì phải liên tục mở menu để theo dõi bản đồ, đây là hướng đi mới mà nhiều game khác trên thị trường đang tận dụng, và Black Flag cũng làm rất tốt điều này, giúp trải nghiệm của người chơi được liền mạch hơn.
Song song với vai trò cướp biển, người chơi vẫn tiếp tục được chào đón với trải nghiệm mang đậm dấu ấn phiêu lưu và hành động lén lút quen thuộc trong series Assassin’s Creed nhưng với cái tông nhẹ nhàng và ít máu me hơn. Nó tạo cảm giác Assassin’s Creed IV: Black Flag ít bạo lực hơn người tiền nhiệm của mình, nhưng cũng đồng thời mang cảm giác có gì đó sai sai, nhất là khi chủ đề chính của trò chơi là về sát thủ. Mặt khác, phiên bản này vẫn mắc phải những lỗi quen thuộc gây khó chịu trong series Assassin’s Creed, chẳng hạn như buộc bạn phải theo dõi một nạn nhân ở khoảng cách an toàn cho tới phút cuối, mất thời gian theo dõi cuộc hội thoại không có gì đáng nghe đến cả chục phút rồi mới “được phép” ra tay.
Không chỉ vậy, phần nội dung chính lại khá dễ đoán, mà thật ra nó cũng không có gì hấp dẫn. Câu chuyện của Edward tuy thú vị, nhưng phần liên quan đến các Assassin và Templar thì khá nhàm chán. Ngay cả hệ thống chiến đấu cũng có phần “dễ dãi” hơn trước đây, chắc chắn sẽ khiến không ít người chơi cảm thấy nhàm chán với những trận đánh thông thường. Đổi lại, các trận hải chiến khá hào hứng và hấp dẫn, nhưng lại thiếu đi một số yếu tố tùy biến nên có để tạo kịch tính hơn. Chưa kể, mặc dù trò chơi vẫn cho phép bạn nâng cấp tàu, nhưng đáng tiếc là không có những điểm khác biệt kiểu như tàu lớn thì chạy chậm hoặc tàu rẽ nước nhanh chẳng hạn.
Sau cuối, Assassin’s Creed IV: Black Flag là một tựa game phiêu lưu hành động lén lút hấp dẫn với những ai yêu thích đề tài cướp biển. Ngoài các trận hải chiến ra, lối chơi vẫn giống như những game Assassin’s Creed trước đây, dù có thay đổi về bối cảnh, tạo cảm giác vừa quen thuộc vừa có chút mới lạ cho các fan lâu năm của series này. Cảm giác “giương buồm ra khơi” khám phá khắp mọi nơi khá ấn tượng, thậm chí mang đến cảm giác thư giãn tuyệt vời cho người chơi. Chỉ có chút đáng tiếc khi cốt truyện dường như là điểm yếu nhất của trò chơi, nhưng bạn sẽ nhanh chóng quên đi điều này khi trải nghiệm “kỷ nguyên vàng của cướp biển” thôi.
Assassin’s Creed IV: Black Flag được phát hành trên Windows, PlayStation 4, Xbox One, Xbox 360, PlayStation 3 và Wii U. Xem thêm kinh nghiệm chơi Assassin’s Creed IV: Black Flag.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác
Chế độ multiplayer phong phú
Một trong những điểm nổi bật của Assassin’s Creed IV: Black Flag không chỉ nằm ở chế độ chơi đơn mà còn ở chế độ multiplayer. Trò chơi cung cấp cho người chơi nhiều chế độ chơi khác nhau, từ đuổi theo và tiêu diệt đến kiểm soát mục tiêu. Việc kết nối với những người chơi khác để phối hợp, sử dụng kỹ năng ẩn náu và tìm ra cách tiêu diệt mục tiêu là một trải nghiệm thú vị, mang lại cảm giác hồi hộp không kém gì khi chơi đơn.
Sự ảnh hưởng của văn hóa cướp biển
Assassin’s Creed IV: Black Flag không chỉ là một tựa game hành động mà còn là một tác phẩm văn hóa. Trò chơi khắc họa một cách sâu sắc đời sống của những tên cướp biển, từ phong tục tập quán, các bí mật lịch sử đến sự khai thác tài nguyên. Điều này giúp người chơi có cái nhìn sâu hơn về văn hóa cướp biển và thời kỳ lịch sử mà trò chơi đang bám theo.
Kết nối với các phần khác trong series
Ngoài những câu chuyện riêng biệt, Assassin’s Creed IV: Black Flag cũng nổi bật nhờ cách kết nối những sự kiện và nhân vật từ các phần game trước. Các nhân vật từ các phần trước như Altar và Ezio đều được nhắc đến, tạo ra sự liên kết chặt chẽ cho người hâm mộ của series này, đồng thời mở ra một thế giới phong phú hơn cho người chơi khám phá.
Có thể tải xuống nội dung mở rộng
Trò chơi còn cung cấp nhiều nội dung mở rộng (DLC) mà người chơi có thể tải về, bao gồm các nhiệm vụ mới, quần đảo mới và nhân vật độc đáo. Điều này không chỉ nâng cao giá trị chơi lại của game mà còn mang đến nhiều trải nghiệm mới lạ cho những ai đã chơi qua tựa game này.
Yêu cầu cấu hình máy tính
Để có thể thưởng thức trọn vẹn Assassin’s Creed IV: Black Flag, người chơi nên chú ý đến cấu hình máy tính của mình. Yêu cầu tối thiểu cho phiên bản PC là: bộ xử lý Intel Core 2 Quad Q6600 hoặc AMD Phenom II X4 940; RAM 2GB và card đồ họa NVIDIA 8600 hoặc ATI HD 2600. Nếu muốn trải nghiệm với đồ họa và hiệu suất tốt nhất, các cấu hình trên cao hơn sẽ là lựa chọn lý tưởng.