Contra: Rogue Corps là tựa game hành động bắn súng tương đối hấp dẫn nếu bạn nhìn ở quan điểm mở và quên đi cái chữ Contra “thần thánh” của những ngày xưa ta còn bé đó đi.
Sau thất bại nặng nề với Contra: Legacy of War trên nền tảng PlayStation và Saturn vào giữa thập niên 90, những tưởng Konami sẽ bỏ ngay và luôn ý định phát triển bất kỳ một tựa game Contra thuần 3D nào nữa nhưng tôi đã lầm. Contra: Rogue Corps chính là câu trả lời cho điều mà tôi từng khẳng định chắc như đinh đóng cột đó. Tuy nhiên, tựa game này không phải là bản tái khởi động của series game hành động kinh điển Contra như bạn dễ nhầm tưởng.
Bất ngờ hơn, nó cũng không phải là phần tiếp theo “bình thường như cân đường hộp sữa” của game SNES Contra III: The Alien Wars hay Super Probotector: Alien Rebels khi phát hành ở thị trường châu Âu. Kỳ thực, đây là phần chơi tiếp theo với định hướng làm mới cả một trải nghiệm game từng rất quen thuộc với thế hệ người chơi 8x và 9x ngày xưa. Không chỉ hiện đại hóa các cơ chế gameplay mà trò chơi cũng chuyển sang hướng thiết kế mới. Điều đó có thể khiến không ít người chơi chẳng hạn như tôi cảm thấy choáng váng, không nghĩ Konami lại dám đánh canh bạc “được ăn cả, ngả về không” cho một series kinh điển rất dễ bị người chơi xét nét và có cái nhìn khắt khe với bất kỳ sự thay đổi nào.
Như đã nói ở trên, Contra: Rogue Corps là phần tiếp theo của một tựa game SNES khá nổi tiếng và được đánh giá cao ở thời điểm phát hành. Trò chơi lấy bối cảnh tiếp nối hai năm sau khi sự kiện Alien Wars kết thúc, khi này Dammned City đã trở thành một đống đổ nát bởi cuộc chiến cuối cùng đó. Giữa cơn bỉ cực thời loạn lạc, một nhóm nhân vật đã xuất hiện với mục tiêu “làm giàu không khó”. Họ rõ ràng không phải là những anh hùng theo đúng nghĩa đen mà bạn nghĩ, nhưng ít ra thì nhóm người này có những món “đồ chơi” có thể giải cứu thế giới dù đó không hoàn toàn là ý định của họ. Nếu đọc tới đây cảm thấy có gì đó sai sai thì có lẽ cách tốt nhất là bạn hãy trải nghiệm game để hiểu ý đồ của người viết vậy.
Contra: Rogue Corps hoàn toàn khác biệt với những gì mà những người chơi kỳ cựu của series Contra vẫn nhớ. Trò chơi không còn là trải nghiệm 2D “vừa chạy vừa bắn” từng “hút hồn” bao thế hệ người chơi ngày xưa nữa. Thay vào đó là lối chơi bắn súng twin stick với các yếu tố nhập vai. Game đưa bạn đến với bốn nhân vật vô cùng có cá tính: anh chàng cơ bắp Kaiser với nhiều nét quen thuộc như anh Bill ngày xưa; mỹ nữ bụng quỷ Ms. Harakiri theo nghĩa đen đủi nhất; người máy Hungry Beast có hình dạng gấu trúc và cuối cùng là người ngoài hành tinh với cái tên “quý ông lịch lãm” The Gentleman. Cả bốn nhân vật đều có các kỹ năng chiến đấu giống nhau, điểm khác biệt nằm ở trang bị vũ khí của mỗi người và kỹ năng đặc biệt.
Điểm nhấn mang dấu ấn ngày xưa của Contra: Rogue Corps là khả năng tùy biến và số lượng vũ khí đa dạng. Người chơi có thể chuyển giữa hai vũ khí chính và phụ giống như Contra III: Alien Wars. Khởi đầu bạn chỉ có đôi ba vũ khí không có gì hấp dẫn lắm, nhưng càng trải nghiệm các nhiệm vụ mới, người chơi sẽ kiếm được tiền, bản thiết kế (blueprint) của vũ khí mới và hàng đống đồ nâng cấp vũ khí cũng như cho nhân vật. Nghe có vẻ vô lý như kỳ thực lại rất hợp lý. Biệt đội của người chơi có thể được “giải phẫu cơ thể” để cường hóa các cơ quan, giúp người chơi tùy biến nhân vật khá sâu để tăng khả năng chinh chiến. Tương tự, đồ nâng cấp dùng để tạo vũ khí mới từ blueprint, mang đến cho bạn rất nhiều vũ khí mạnh vừa “khủng” vừa quái dị.
Tất nhiên, số lượng vũ khí trong Contra: Rogue Corps không đủ đa dạng bằng Borderlands 3, nhưng về ý tưởng kỳ dị thì tôi nghĩ cũng cỡ 49 gặp 50 chứ chưa biết mèo nào cắn mỉu nào đâu. Đơn cử như một trong số những vũ khí quái dị ban đầu mà tôi chế tạo ra là khẩu Devil Baby, bắn ra những con quỷ con lăn về phía kẻ thù rồi phát nổ khá là hài hước. Chính yếu tố chế tạo vũ khí và nâng cấp này giúp trải nghiệm game khá hào hứng và hấp dẫn trong phần lớn trải nghiệm. Tuy nhiên, thỉnh thoảng người chơi sẽ được đưa vào chế độ shooting gallery với góc nhìn thay đổi sang đằng sau lưng nhân vật, khá bực mình. Những lúc thế này, yếu tố nhắm bắn không khác gì thảm họa và nếu bạn mang nhầm súng thì đó thật sự là cơn ác mộng “kỷ niệm nào vội tan”.
Thiết kế màn chơi trong trải nghiệm không có gì nổi bật lắm. Phần lớn thường là những không gian ngập tràn kẻ thù cần phải tiêu diệt tất cả để tiếp cận không gian mới. Thiết kế này còn mang chút cảm giác đi cảnh nhưng mục tiêu của người chơi vẫn là xoay quanh việc “dọn dẹp” kẻ thù, chiến đấu với boss và thu thập chiến lợi phẩm cho mục đích nâng cấp. Đáng tiếc, các trận đánh boss lại không để lại nhiều ấn tượng bằng những tựa game Contra kinh điển cũ, hầu hết chỉ là những con trùm khá tầm thường với những đòn tấn công tương tự nhau. Chỉ có điểm ấn tượng là tạo hình boss khá ngầu, gợi nhớ những “gương mặt thân quen” từng để lại dấu ấn sâu đậm trong series Contra.
Vấn đề ở chỗ, Contra: Rogue Corps có thể khiến không ít người chơi cảm thấy thất vọng với yếu tố cày cuốc khá nặng nề trong trải nghiệm. Dù vậy, yếu tố này cũng góp phần mang đến giá trị chơi lại cho game với yếu tố chiến lợi phẩm mà người chơi nhận về khi hoàn thành nhiệm vụ: bộ phận cơ thể, nâng cấp vũ khí cũng như tiền và điểm kinh nghiệm. Tất cả đều cần thiết cho mục đích tùy biến và nâng cấp, tiếp tục xoay vòng với trải nghiệm “vui là chính” mà tựa game này hướng đến. Tuy nặng tính cày cuốc nhưng trò chơi vẫn khá cuốn hút. Đó cũng là công thức mà series Diablo đã làm rất tốt và Contra: Rogue Corps cũng không phải ngoại lệ.
Bên cạnh đó, Contra: Rogue Corps có một số vấn đề với góc nhìn camera nhiều lúc như muốn trêu người chơi. Không hiếm trường hợp trò chơi thay đổi góc camera khá tùy tiện, khiến bạn khó lòng bao quát được tình huống, cực kỳ ức chế. Chưa kể, chất lượng đồ họa của trò chơi nhìn khá cũ kỹ, cứ như một tựa game được phát triển gần chục năm trước cho Xbox 360 và PlayStation 3 hơn là mới ra mắt gần đây cho thế hệ console mới nhất hiện nay. Trên Xbox One X, đồ họa nhìn như được upscale và độ nét không cao. Bù lại, các nhân vật đều được tạo hình khá chi tiết, môi trường màn chơi đa dạng, tạo hình kẻ thù thông thường tương đối ổn và đáng chú ý nhất là tốc độ khung hình ổn định.
Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của Contra: Rogue Corps là ở thiết kế game hướng đến trải nghiệm co-op. Trò chơi hỗ trợ lên đến bốn người chơi co-op rất hấp dẫn nếu bạn tìm được người để chơi cùng. Nói thế nhưng trải nghiệm solo không quá khó khăn, thậm chí trò chơi cũng không đặt nặng yếu tố trừng phạt khi không để nhân vật mất gì nếu nhiệm vụ thất bại. Dù vậy, trải nghiệm co-op vẫn hào hứng theo một cách mà chơi solo không thể nào cảm nhận được, đặc biệt khi trải nghiệm game mang nặng cảm giác lặp lại dù yêu cầu nhiệm vụ đều được thay đổi một chút cho khác biệt. Không những thế nếu chán co-op, bạn cũng có thể tham gia các chế độ chơi multiplayer quen thuộc thường thấy trong hầu hết những tựa game khác, miễn là kiếm đủ 8 người chơi.
Sau cuối, Contra: Rogue Corps mang đến một trải nghiệm bắn súng twin stick khá hấp dẫn khi cố gắng tìm kiếm hướng đi mới cho một series game kinh điển cũ. Có thể định hướng phát triển của nhà phát triển không được lòng tất cả người chơi, nhất là những người chơi từng có tuổi thơ game dữ dội với series này vài thập kỷ trước. Dẫu vậy, cảm giác trải nghiệm hào hứng dù là chơi solo hay co-op 4 người mà tựa game này mang đến là điều khó có thể phủ nhận. Nếu muốn tìm kiếm một trải nghiệm “vui là chính” cùng với nhóm bạn, đây là cái tên rất đáng cân nhắc.
Contra: Rogue Corps được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!