Với những ai yêu thích dòng game bắn súng, có lẽ những câu chuyện hậu tận thế rồi “đi đu đưa đi” đã trở nên quá quen thuộc trong trải nghiệm, dễ khiến người chơi bội thực với đề tài đang ngày càng trở nên khá nhàm chán này. Có lẽ vì thế nên khi Borderlands lần đầu ra mắt, tựa game này đã thu hút được sự chú ý của tôi với lối chơi nhập vai bắn súng góc nhìn thứ nhất khá ấn tượng về phong cách đồ họa và thiết kế màn chơi thế giới mở rộng lớn, mang đến cảm giác chiến đấu và khám phá khá tự do cho người chơi.
Sau bản spin-off tiền truyện Borderlands: The Pre-Sequel ít nhiều gây thất vọng, series này đã trở lại và lợi hại hơn trước với Borderlands 3. Phần chơi mới nhất vẫn đi theo công thức cũ đã tạo nên thành công cho cả series với một số cải tiến nhỏ nhưng đáng chú ý, tiếp tục mang đến trải nghiệm hào hứng và hấp dẫn mà những tựa game “đàn anh đàn chị” từng tạo dấu ấn. Không có PvP hay lootbox vốn là những thứ “gia vị” thường thấy trong nhiều tựa game cùng thể loại khác đang làm gần đây, vậy thì điều gì sẽ giúp tựa game này hấp dẫn được người chơi cũ và thu hút người chơi mới?
Borderlands 3 lấy bối cảnh tiếp nối nhiều năm sau các sự kiện trong Borderlands 2. Lilith và Crimson Raiders vẫn “làm trùm” ở Pandora nhưng một “nhân tố mới” xuất hiện đã khiến mọi thứ đảo lộn. Đó là băng đảng Children of the Vault, dưới sự dẫn dắt của “bao lãnh đạn” song sinh Calypso đã dòm ngó đến kho báu Vault, cướp mất bản đồ Vault Key và sức mạnh Siren của Lilith. Tất nhiên “cô nàng bá đạo” của chúng ta đâu thể làm ngơ khi bị một đám “trẩu cẩu” làm càn trước mặt như vậy. Đó cũng là khi bạn dấn thân vào cuộc phiêu lưu mới đầy éo le trong vai một nhân vật của nhóm bốn tân binh Vault Hunter để hỗ trợ Litlith thu hồi những gì đã mất từ “cặp đôi không hoàn hảo” Tyreen và Troy.
Nếu so với các phần chơi trước, Borderlands 3 vẫn giữ được sự điên rồ và hài hước trong từng lời thoại và cả tính cách của các nhân vật. Nói đâu xa, bạn có thể thấy ngay điều đó từ bốn nhân vật điều khiển ngay từ đầu trải nghiệm. Ưu ái nhất phải kể đến nhân vật chính mà tôi trải nghiệm: Amara. Đây là một Siren có thể gọi “quả đấm thần chưởng” để dạy cho kẻ thù một bài học “mày biết tao là ai không?”. Kế đến là những “gương mặt lạ lẫm”: Zane thích phân thân và đặt bẫy; Moze thích chơi ngông và sở hữu một người máy bụng bự; cuối cùng là Fl4K tạm gọi “thần thú” cho oai. Dù khác “lớp nhân vật” nhưng chẳng quan trọng gì, vì các thao tác nhắm và bắn của cả bốn đều rất chuẩn xác và tuyệt vời, tất nhiên là tùy vào trình độ của người chơi.
Mỗi nhân vật đều có cây kỹ năng riêng để bạn có thể nâng cao khả năng tăng cường chiến đấu và “hợp đồng tác chiến” khi chơi co-op. Kỳ thực, mỗi nhân vật có rất nhiều tùy chỉnh khác nhau về kỹ năng, cho phép người chơi đa dạng hóa lối chơi hoặc có những lựa chọn phù hợp với phong cách trải nghiệm quen thuộc của bản thân. Tính năng thay đổi hình đại diện cho nhân vật cũng vẫn giữ nguyên, bạn có thể tùy biến cho nhân vật của mình tại các Station ven đường, có hình dạng giống như những chiếc máy bán hàng tự động vậy. Đây là một điểm khá hay mà Borderlands 3 vẫn tiếp tục kế thừa từ các “đàn anh đàn chị” trong series. Nhiều người chơi cũ và mới chắc chắn rất thích tính năng tùy biến nhân vật thú vị và quen thuộc này.
Thế nhưng, mặc dù đội ngũ biên kịch khá theo sát xu hướng thời đại khi xây dựng cặp đôi song sinh Troy và Tyreen mang nhiều cảm giác là YouTuber và người có sức ảnh hưởng (influencer) của xã hội thời nay, cả hai lại thật sự không khiến tôi hào hứng lắm nếu không nói là khá nhạt nhẽo. Tuy điều này có thể hơi thiên về cảm nhận cá nhân, nhưng nếu so với Handsome Jack trong Borderlands 2 thì chỉ có thể gọi là khác một trời một vực. Nhân vật phản diện này làm đủ thứ chuyện độc ác và tồi tệ, với một thái độ rất ư là “láo cún”, đến mức khiến người chơi cảm giác căm ghét và chỉ mong chờ đến lúc có thể đập hắn “không trật phát nào” và tiễn “xuống lỗ”. Cặp song sinh Calypso thì ngược lại 180 độ.
Về cơ bản, chúng chẳng khác gì các “anh hùng bàn phím” thời nay khi hành động và lời nói chẳng đi đôi với nhau. Tính cách thì “trẻ trâu” không có gì đáng nhớ, chỉ đủ khiến bạn thấy “ngứa mắt” chứ chưa ghét tới mức muốn tiễn chúng “lên đường”. Ngay cả những nhân vật cũ trong các phần chơi trước như Lilith hay Ellie cũng khá nhạt, không tạo cảm giác “ngầu lòi” như tôi vẫn nhớ. Họ thể hiện bản thân bằng lời nói thay vì hành động như trong Borderlands 2. Cảm giác như trò chơi hơi thiên vị người chơi mới và hướng đến độ tuổi trẻ hơn. Nếu một nhân vật nào đó là xấu xa đồi bại hay thích gì, họ sẽ cho bạn biết điều đó qua lời nói kiểu “Đumas, tao thích cắn càn đấy, rồi sao?” chứ không thể hiện có chiều sâu hơn bằng hành động nữa.
Đồ họa của Borderlands 3 vẫn tiếp nối phong cách quen thuộc cũ là cel-shade khá ấn tượng, hỗ trợ chơi game 4K trên các thiết bị phần cứng đủ mạnh cùng với HDR giúp yếu tố thẩm mỹ của trò chơi thêm phần nổi bật. Nếu sở hữu PS4 Pro hoặc Xbox One X, người chơi có thể lựa chọn giữa ưu tiên tốc độ khung hình hoặc độ phân giải 4K. Cho dù bạn lựa chọn ưu tiên yếu tố nào thì trải nghiệm nhìn chung đều khá tốt, ít nhất là trên Xbox One X. Trải nghiệm trên Xbox One cũng không hề tệ, người chơi “túi tiền eo hẹp” cũng không phải lo lắng về vấn đề hiệu năng. Tuy không có cơ hội trải nghiệm bản PC, nhưng tôi nghe một số than phiền về lỗi vặt của phiên bản này, tiếc là không có cơ hội để kiểm chứng lại điều này.
Lối chơi của Borderlands 3 vẫn giữ nguyên công thức cũ trước đây, thiên về phần thưởng và nhiệm vụ. Nhiều vụ càng khó, phần thưởng càng “khủng” và ngược lại. Điểm nhấn trong gameplay là trò chơi tạo cảm giác cân bằng hơn trong yếu tố hành động, cho phép người chơi có thể leo lên các tảng đá hay những gờ mặt phẳng chông chênh để tiếp cận những vị trí cao hơn mà không phải đi lòng vòng mất thời gian như các phần cũ. Yếu tố bắn súng cũng “máu lửa” hơn với hành động mới, cho phép nhân vật vừa trượt lưng trên mặt đất vừa bắn “trất như trái gấc” y chang mấy phim hành động của Hollywood. Chưa kể, hệ thống vũ khí giờ đây “vô cùng ảo diệu”, với số lượng súng có lẽ lên đến hàng tỷ và đa dạng vô cùng.
Đây có lẽ là tựa game bắn súng có lượng vũ khí “khủng nhất” trên thị trường hiện nay. Mỗi thương hiệu súng trong Borderlands 3 đều có những nét đặc trưng riêng, chẳng hạn thích chơi kiểu an toàn thì bạn có thể dùng súng của Hyperion có tính năng tự động bật màn chắn từ trường bảo vệ khi bạn nhắm bắn. Hay như thích “chơi lầy” thì dùng súng của Atlas có khả năng tìm diệt đúng đối tượng. Cảm giác “vô tình lượm được bí kíp” khi nhặt được một khẩu súng cam Legendary vẫn mang đến cho tôi cảm giác “sướng tê người” như ngày xưa, không có gì để phàn nàn. Ngay cả vấn đề mà tôi quan ngại nhất là chuyện hack game hiện nay vẫn chưa thấy hoặc có thể tôi may mắn chưa gặp phải khi co-op với những người chơi trên khắp thế giới.
Đây từng là một vấn đề không hề nhỏ ở thời điểm ban đầu mà tôi chơi Borderlands, phần đầu của series. Vừa chân ướt chân ráo vào game đã có “bạn cùng chơi” không biết ở nơi đâu “nhảy vào” ném cho vài khẩu súng “one hit one kill” rất khủng, không đòi hỏi cấp độ. Mãi sau này tôi mới biết đó là súng hack, với những tính năng có “1-0-2” khiến nhân vật trở nên vô đối với bất kỳ đối thủ nào kể cả boss. Tình trạng “tặng súng” này diễn ra khá thường xuyên trong những lượt chơi sau đó khiến tôi buộc phải tắt chức năng online và chỉ chơi co-op cùng với bạn bè. Tính đến nay đã gần một tháng trôi qua, trải nghiệm Borderlands 3 vẫn chưa gặp tình huống này nên tôi cũng hy vọng là nhà phát triển đã giải quyết vấn đề hack tốt hơn trước.
Thế nhưng, đáng tiếc nhất là Borderlands 3 lại mắc điểm trừ ngay ở khâu thiết kế màn chơi. Trải nghiệm game được diễn ra trên nhiều hành tinh khác nhau, tất cả đều mang đến sự khác biệt ở khâu hình ảnh, nhưng mang cảm giác như được “thay da đổi thịt” lớp phủ đồ họa bên ngoài chứ kết cấu màn chơi và thiết kế vẫn có vẻ hao hao nhau, nặng cảm giác lặp lại như chủ đích để kéo dài thời gian trải nghiệm. Chỉ có mỗi Pandora là khác biệt rõ nét nhất với cảm giác không gian thế giới mở thật sự, trong khi các hành tinh khác hệt như những hang động tuyến tính, vừa dài lại hẹp. Đi miệt mài đến không gian rộng một chút là y như rằng “có biến”, chiến đấu xong lại thu thập chiến lợi phẩm và đạn dược rồi tiếp tục lặp lại đến khi đụng boss.
Dù vậy, Borderlands 3 có một tính năng khá hay là thiết kế tính năng Loot Instancing giúp cân bằng tốt hơn hẳn các phần chơi trước. Đây là một tùy chọn khi bạn thiết lập ban đầu trước khi vào game ở chế độ online, cho phép điều chỉnh phần thưởng và độ khó của quái xuống ngang cấp độ với từng nhân vật của người chơi, bất kể sự chênh lệch cấp độ giữa các nhân vật như thế nào. Để dễ hình dung, giả sử bạn có nhân vật cấp 25 và người chơi khác có nhân vật cấp 10 vào cùng chơi, nhân vật cấp nào sẽ nhận chiến lợi phẩm tương ứng với cấp đó và kẻ thù khi đó cũng được tăng hoặc hạ cấp tương ứng với nhân vật đó, giúp trải nghiệm game cân bằng hơn.
Nếu không bật tính năng này, mọi thứ sẽ giống như các phần chơi cũ trước đây và nhân vật cấp thấp sẽ “không có cửa” khi chiến đấu ở khu vực cấp cao cùng người chơi có nhân vật cấp cao. Bởi lẽ, độ khó của game khi đó được tăng tương ứng với số lượng người chơi co-op. Trong không ít trường hợp, nó khá phiền phức và bực mình khi bạn hoặc người chơi khác phải “gánh tạ” cho những người chơi cấp thấp trong trường hợp này, do họ không có khả năng tấn công kẻ thù cấp cao dù được trang bị vũ khí xịn tới đâu. Mặt khác, chơi co-op cũng là một trải nghiệm tuyệt vời nhất trong Borderlands 3 so với chơi solo. Đây cũng là thiết kế đặc trưng và hấp dẫn nhất mà series Borderlands nói chung đã mang đến trong suốt bao phần chơi. Claptrap vẫn “ngáo đá” như ngày nào có lẽ cũng là điểm cộng thú vị.
Sau cuối, Borderlands 3 mang đến một trải nghiệm nhập vai bắn súng góc nhìn thứ nhất vô cùng hấp dẫn, có thể làm hài lòng phần lớn người chơi cũ và không ít những ai lần đầu đến với series này. Trò chơi không có nhiều thay đổi về gameplay cũng như tính năng mới so với người tiền nhiệm, nhưng vẫn duy trì được giá trị cốt lõi mà series này đã gầy dựng trong suốt gần 20 năm qua. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa những ai mong mỏi một điều gì đó mới mẻ hơn có thể cảm thấy thất vọng vì những gì mà tựa game này mang đến, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là thiểu số so với mức độ hào hứng trong trải nghiệm game, đặc biệt khi co-op bốn người.
Borderlands 3 được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và nền tảng stream game Stadia.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!