Charon’s Staircase là trải nghiệm phiêu lưu góc nhìn thứ nhất nhuốm màu sắc rùng rợn, gợi nhiều cảm giác hoài cổ trong thiết kế game. Theo thần thoại Hy Lạp, Charon là người lái đò đưa các linh hồn người đã khuất vượt sông Styx đến cổng địa ngục. Còn trong rạp hát Hy Lạp thời sơ khai theo lịch sử, Charon’s Staircase là cầu thang nối giữa sân khấu đến dàn nhạc, thường dùng cho sự xuất hiện của các nhân vật từ thế giới bên kia. Ở góc độ nào đó, hai nghĩa trên đều phù hợp trải nghiệm thiên về câu chuyện kể của nhà phát triển Indigo Studios – Interactive Stories.
Trong Charon’s Staircase, người chơi nhập vai đặc vụ cấp bộ có tên mã Desmond, được giao nhiệm vụ khám phá khu Oack Grove tìm tài liệu mật. Thế nhưng cũng như bao trải nghiệm rùng rợn khác, nhân vật chính nhanh chóng nhận ra nhiệm vụ tưởng không phức tạp ai ngờ phức tạp không tưởng. Mặc dù có khởi đầu khá chậm rãi, nhưng trải nghiệm game trở nên cuốn hút rất nhanh khi bạn bắt đầu khám phá và “đụng độ” các câu đố. Khía cạnh giải đố tuy đôi lúc để lại cảm giác thượng vàng hạ cám lẫn lộn, nhưng cũng có những câu đố “kỳ đà cản mũi” thật sự.
Phần lớn mục tiêu của người chơi xoay quanh việc tìm chìa khóa hoặc mã mở cửa, đòi hỏi bạn phải khám phá và để mắt đến mọi thứ tìm manh mối. Tôi không biết nên xem là điểm cộng hay điểm trừ nhưng mọi thứ hiếm khi giấu quá kỹ. Người chơi cũng không không thể lục lọi các ngăn kéo hay mở tủ tìm đồ như thường thấy. Mọi thứ Desmond cần hầu như đều nằm đâu đó trong tầm mắt, quan trọng là bạn có nhìn thấy chúng hay không thôi. Xen kẽ với đó là hàng loạt tài liệu và giấy ghi chép góp phần xây dựng nên câu chuyện kể.
Mục tiêu của Desmond là tìm tài liệu nhưng kỳ thực, trải nghiệm của người chơi chủ yếu tìm lối thoát khỏi đây thông qua các cầu thang như cái tên Charon’s Staircase của trò chơi. Ban đầu là ngôi nhà gỗ cũ kỹ giúp bạn làm quen với bóng tối, sau đó đến trang viên Lewelin và kết thúc ở bệnh viện bỏ hoang. Điểm cộng sáng nhất của game là khía cạnh câu chuyện kể được thể hiện thông qua những trang báo, tài liệu hoặc mảnh giấy mà bạn thu thập được trong suốt trải nghiệm game, cộng với những lời độc thoại của nhân vật chính.
Thường thì những game thuộc thể loại “hù dọa” dễ hụt chân ở khía cạnh này do chọn giọng lồng tiếng không hợp lý, nhưng Charon’s Staircase dễ dàng vượt qua cạm bẫy nguy hiểm đó. Giọng diễn viên lồng tiếng cho Desmond khá truyền cảm. Phần độc thoại khiến người viết gợi nhớ đến khâu lồng tiếng xuất sắc của nhân vật chính trong Dear Esther. Nhân vật chính luôn cung cấp quan điểm cá nhân trước những thông tin mà người chơi thu thập được, giúp bạn dễ dàng hiểu rõ chuyện gì đang diễn ra ở Oack Grove. Hơi tiếc là khía cạnh câu đố chưa chỉn chu như vậy.
Thiết kế màn chơi cũng là điểm cộng của Charon’s Staircase. Ba khu vực trải nghiệm chính đều có câu chuyện riêng gợi cho bạn sự tò mò. Từ ngôi nhà gỗ cũ kỹ luôn kêu kẽo kẹt và có nguy cơ sụp đổ bất kỳ lúc nào trước mỗi bước chân của Desmond, cho tới trang viên Lewelin được trang hoàng sang trọng cũng như không kém phần cổ kính bằng nhiều bức tượng và thảm. Bệnh viện bỏ hoang cũng không ngoại lệ. Đây cũng là tâm điểm của những trò hù dọa khiến tim bạn đập loạn nhịp vì giật mình. Các địa danh đều tạo nên bầu không khí ngột ngạt trong suốt trải nghiệm rất tốt.
Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của Charon’s Staircase là xử lý hiệu ứng ánh sáng không tốt trong nhiều khung cảnh. Bạn có thể thấy rõ điều này ngay từ đầu trải nghiệm. Mọi thứ tối đen như mực và gần như không thể quan sát môi trường khám phá. Tuy nhiên, đây dường như là chủ ý thiết kế của nhà phát triển vì khi tăng độ sáng lên, bầu không khí mất đi cảm giác ngột ngạt mà tôi vừa đề cập và bớt đáng sợ hơn rất nhiều. Người viết chỉ không thể không tăng độ sáng khi mọi thứ luôn chìm trong bóng tối, biến việc khám phá gần như là nhiệm vụ bất khả thi.
Mặt khác, hình ảnh cũng không phải điểm cộng của game. Bên cạnh lối chơi được thiết kế tương tự các dòng game kinh dị kinh điển của vài thập niên trước, Charon’s Staircase sở hữu phong cách đồ họa nhìn khá cũ kỹ phù hợp với quy mô phát triển nhỏ của game. Trên Nintendo Switch, hiệu năng của trò chơi cũng không ấn tượng. Nhân vật di chuyển khá chậm dù vẫn nhanh hơn Thần Trùng, cộng với vài lỗi hình ảnh và lỗi game linh tinh, vô tình làm giảm bầu không khí căng thẳng thường trực được đội ngũ phát triển Indigo Studios – Interactive Stories xây dựng quá tốt.
Đặc biệt, Charon’s Staircase sử dụng rất tối giản phần âm thanh tiếng động. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nên bầu không khí đáng sợ, tận dụng tốt tiếng động môi trường và tiếng bước chân từ xa vang lên trước khung cảnh tối đen. Một trong những phân đoạn khiến tôi cảm thấy khá căng thẳng là tầng hầm của trang viên Lewelin. Nơi này nổi bật với các hành lang vừa dài vừa tối và nhiều căn phòng cũ kỹ. Nó khiến tôi nhớ lại khoảnh khắc rùng mình hồi học cấp 1, khi đang lang thang một mình trong các lớp học trên lầu chờ người đón thì cúp điện.
Sau cuối, Charon’s Staircase mang đến một trải nghiệm phiêu lưu rùng rợn rất hấp dẫn. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là cốt truyện cuốn hút dù tương đối dễ đoán, cộng với số lượng câu đố rất nhiều và bầu không khí căng thẳng đặc trưng trong suốt trải nghiệm. Nhiêu đó đủ biến trò chơi thành cái tên cực kỳ đáng cân nhắc cho thư viện game kinh dị, trừ khi bạn đặt nặng yếu tố đồ họa hơn.
Charon’s Staircase hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!