Call of Duty: Warzone là tựa game battle royale với “phần nền” từ phiên bản làm lại Call of Duty Modern Warfare phát hành hồi tháng 11/2019.
DayZ phát hành cuối năm 2013 có thể xem là tựa game khởi xướng cho dòng game mới: battle royale. Đến nay, số lượng game thuộc thể loại này ngày càng nhiều trên thị trường, với sự góp mặt của không ít “ông lớn” như Epic Games hay Electronic Arts. Từ “chiến trường của người chơi vô danh” PlayerUnknown’s Battlegrounds đang sắp thành “dead game” đến nơi cho tới Fortnite vẫn sống khỏe hiện nay hay gương mặt mới nổi Apex Legends của nhà phát triển đã làm nên thành công cho Star Wars Jedi: Fallen Order. Với sự phát triển “quá nhanh, quá nguy hiểm” của thể loại battle royale, series Call of Duty cũng không hề đứng ngoài cuộc bằng chế độ Blackout từ vài năm trước và có sự “chuyển mình” trong Call of Duty: Warzone với quy mô “khủng” hơn.
Nếu đã từng chơi bất kỳ tựa game nào được nhắc đến ở trên trừ Star Wars Jedi: Fallen Order, có lẽ bạn cũng không lạ gì lối chơi quen thuộc của thể loại này. Mọi người được máy bay vận chuyển vào “đấu trường sinh tử” và nhảy dù. Thiết kế màn chơi rộng lớn và thu hẹp dần theo thời gian. Kho vũ khí đồ sộ chờ bạn “quẹo lựa”. Tất cả sẽ trở thành “thợ săn mồi” những người chơi khác để tìm ra bộ ba người chơi sống sót sau cuối. Đáng nói, đây là “con đường chinh chiến” duy nhất trong Call of Duty: Warzone. Nếu không có bạn chơi cùng đồng nghĩa chấp nhận ghép nhóm với những người chơi khác trên khắp thế giới, ít nhiều đều gây khó khăn do bất đồng ngôn ngữ dù có hệ thống ping khá hữu dụng để lưu ý đồng đội như Apex Legends.
Ở khía cạnh ngược lại, có lẽ do số lượng người chơi đông mà mỗi lần ghép nhóm diễn ra khá nhanh, chỉ khoảng dưới 30 giây là đã có thể vào trận làm kẻ thù hoặc đồng đội của nhau. Khác biệt lớn nhất của Call of Duty: Warzone là số lượng người cùng chơi khổng lồ, lên đến 150 người. Trong tương lai, con số này sẽ được nâng lên 200 như ý đồ thiết kế ban đầu của nhà phát triển. Dù số lượng người cùng chơi đông, chế độ chơi Battle Royale vẫn giữ nguyên lối chơi cơ bản giống như bao tựa game cùng thể loại khác, nhưng có thêm một số tính năng thú vị để làm mới trải nghiệm. Người chơi cũng tận dụng môi trường và mọi thứ nhặt nhạnh được để chiến đấu đến tận hơi thở cuối cùng hay đại loại vậy cùng các đồng đội của mình.
Nếu bỏ qua yếu tố battle royale, cơ chế gameplay trong Call of Duty: Warzone có mọi thứ đã làm nên thành công của bản làm lại Call of Duty: Modern Warfare. Từ chuyển động nhân vật mượt mà cho tới những màn đá bay cửa hay trượt người dưới đất né đạn và cả kho vũ khí quân dụng mang đến cảm giác bắn rất “chim ưng”. Sự kết hợp này tạo nên những trận chiến vô cùng thỏa mãn trong thiết kế màn chơi rộng lớn và có mức độ chi tiết cao. Bạn sẽ dễ nhận thấy bên trong lẫn bên ngoài các ngôi nhà bỏ hoang đều rất đa dạng về kết cấu, hoàn toàn khác với cảm giác “copy and paste” trong PUBG hay chế độ chơi Blackout cũ. Ngay cả tạo hình nhân vật cũng trông như người thật, cực ngầu và rất chi tiết. Anh Ghost là một ví dụ điển hình.
Ngay từ đầu trải nghiệm, Call of Duty: Warzone đã mang đến cảm giác rất được đầu tư chăm chút. Những yếu tố từng gây ức chế trong chế độ chơi Blackout trước đây đều được tinh chỉnh và mang đến trải nghiệm tốt hơn, như khả năng loot đồ, tự động nhặt đạn hay giáp v.v… Khởi điểm của mỗi người chơi cũng mang cảm giác công bằng hơn so với nhiều tựa game cùng thể loại khác khi có sẵn súng lục, thay vì “tay trắng” với rủi ro “chưa đến chợ đã tiêu hết tiền” nhiều lúc vô cùng ức chế. Đặc biệt, người chơi còn có thể dùng tiền trong game tại các Buy Station đặt rải rác trong màn chơi để “triệu hồi” một thành viên trong nhóm đã “lăn quay” văng hết đồ vì bất kỳ lý do gì.
Tuy nhiên, “tái sinh” trong trường hợp này cũng có thể biến bạn trở thành mục tiêu của các xạ thủ khi đang bận nhảy dù, khá là ức chế. Dù vậy, hấp dẫn nhất là tính năng “cơ hội thứ hai”. Về cơ bản, khi nhân vật “bay màu” lần đầu tiên, người chơi sẽ được giải về nhà tù và thách đấu 1v1 với người chơi “văng hết đồ” khác bằng vũ khí mặc định. Nếu thắng, bạn sẽ quay trở lại chiến trường tiếp tục chinh chiến cùng đồng đội nhưng nếu tiếp tục để nhân vật “ra đi”, chỉ có “đồng tiền xương máu” của đồng đội mới cứu được bạn lúc này. Đặc biệt, những ai đã mua Call of Duty: Modern Warfare bản làm lại sẽ được ưu ái hơn khi có thể sử dụng tiền kiếm được từ trải nghiệm tựa game này trong Warzone.
Bên cạnh Battle Royale, Call of Duty: Warzone còn có thêm chế độ chơi Plunder với ý tưởng tuy không hoàn toàn mới nhưng hấp dẫn chẳng kém. Trong chế độ chơi này, các nhóm người chơi sẽ thu thập những túi tiền đặt rải rác trong màn chơi và đưa về nơi quy định. Chiến thắng thuộc về đội nào đạt được con số một triệu đô đầu tiên. Về cơ bản, Plunder vẫn giữ lại nhiều yếu tố gameplay trong chế độ chơi Battle Royale, từ “sinh tử chiến” cho tới các thùng đồ loot. Khác biệt lớn nhất là người chơi tự do “respawn” và cũng chẳng mất hết tiền khi để nhân vật chết. Chưa kể, ai “kiếm tiền giỏi nhất” còn được “điểm mặt vinh dang” khiến tôi liên tưởng đến một tính năng tương tự trong Overwatch: Legendary Edition.
Đáng chú ý, Plunder có dòng chữ Beta nên khả năng cao là chế độ chơi này sẽ còn nhiều điều chỉnh trong tương lai để mang đến trải nghiệm tốt hơn. Bên cạnh Battle Royale và Plunder, Call of Duty: Warzone còn có thêm chế độ chơi Practice dành cho những ai muốn “thành chánh quả” trước khi “thực chiến” với những người chơi khác. Bạn nào thích “màu mè” cho nhân vật đã có Operators cho mục đích này. Chế độ này hoàn toàn khác so với Call of Duty: Modern Warfare bản làm lại, đừng nhầm lẫn. Tuy nhiên, có một vấn đề không thể không nhắc đến là người dùng Xbox One cần phải có gói dịch vụ online như Xbox Live Gold để chơi. Trong khi đó, người dùng PC và PS4 đều không cần gói dịch vụ tương tự mà có thể chơi miễn phí đúng nghĩa.
Sau cuối, Call of Duty: Warzone mang đến một trải nghiệm battle royale hấp dẫn khi kết hợp cùng những yếu tố gameplay đã làm nên thành công của series Call of Duty từ trước đến nay. Nếu yêu thích thể loại “đấu trường sinh tử”, đây chắc chắn là cái tên rất đáng chú ý mà bạn không có lý do gì để không thử qua. Chỉ có một rào cản nhỏ là tùy vào nền tảng, dung lượng tải về chiếm trên dưới 100GB có thể thành “cơn ác mộng” ban đầu với không ít người chơi.
Call of Duty: Warzone được phát hành free-to-play trên Windows (Battlenet), PlayStation 4 và Xbox One. Xem thêm kinh nghiệm chơi game Call of Duty: Warzone.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!