Call of Duty: Modern Warfare II phiên bản 2022 là hậu bản của bản tái khởi động series Modern Warfare năm 2019, tựa game dễ bị lầm tưởng là bản làm lại của Call of Duty 4: Modern Warfare năm 2007 do cách đặt tên trùng lặp. Tuy có nhiều cải tiến gameplay đa dạng hơn cộng với khía cạnh nghe nhìn ấn tượng, nhưng trải nghiệm Campaign không đọng lại cho người viết nhiều cảm xúc như bản 2009. Phần lớn do cách kể chuyện khá “lạc trôi” và không có những nút thắt bất ngờ, cũng như giao diện game luộm thuộm cùng nhiều lỗi game hài hước không cười nổi.
Đầu tiên, tôi phải đính chính thông tin trong bài Call of Duty: Black Ops Cold War khi cho rằng đây là phần chơi Call of Duty cuối cùng cho thế hệ console cũ. Kỳ thực, bản Call of Duty: Vanguard năm ngoái vẫn tiếp tục ra mắt song song cả hai thế hệ console và Call of Duty: Modern Warfare II phiên bản 2022 cũng không ngoại lệ. Khác biệt lớn nhất giữa hai thế hệ console chủ yếu là tốc độ khung hình và độ phân giải. Phần lớn cảm giác nhìn vẫn khá tương đồng với trải nghiệm mang nhiều cảm giác điện ảnh các bản Call of Duty những năm gần đây.
Tiếp nối cốt truyện trong Call of Duty: Modern Warfare năm 2019, phần hậu bản này đưa người chơi đến với các thành viên trong đội đặc nhiệm Task Force 141. Bạn sẽ gặp lại những gương mặt thân quen từ thuở nào, chẳng hạn nhân vật Ghost từng khiến người viết sốc vì tình huống KIA trong phiên bản 2009. Bên cạnh những nhân vật điển hình của dòng game Modern Warfare như Captain Soap và Captain Price, hậu bản này còn có thêm nhân vật mới Alejandro Vargas thuộc đội đặc nhiệm Mexico cùng hợp tác chống lại kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đó.
Sau nhiệm vụ Strike đầu tiên mang tính xã giao, à nhầm, tutorial, trải nghiệm của người chơi chính thức bắt đầu từ nhiệm vụ thứ hai: Kill or Capture. Nhiệm vụ này đẩy bạn vào cuộc chiến thông qua kính nhìn đêm, gợi nhớ đến nhiệm vụ Clean House trong Call of Duty: Modern Warfare nhưng mức độ kịch tính gấp đôi. Sự đa dạng gameplay trong phần chơi Campaign còn thể hiện ở nhiệm vụ Violence and Timing, đưa người chơi tham gia cuộc truy đuổi vừa lái xe vừa đấu súng với kẻ thù nhưng không “máu lửa” bằng phân cảnh tương tự trong Uncharted 4: A Thief’s End.
Không chỉ dừng ở đó, sự đa dạng gameplay của Call of Duty: Modern Warfare II còn tiếp nối trong nhiệm vụ Alone với yếu tố sinh tồn và chế tác. Tuy nhiên, trải nghiệm đến đây thì người viết cũng gặp kha khá lỗi trong phần chơi Campaign, nhưng đến thời điểm bài viết vẫn chưa thấy nhà phát triển có động thái khắc phục. Đơn cử tình trạng nhân vật chính bị mắc kẹt không thể di chuyển khi thực hiện hành động nhất định, buộc tôi phải ‘restart checkpoint’ hoặc chơi lại từ đầu màn và không gây ra hành động khiến game rơi vào vòng lặp lỗi nói trên.
Một trong những lỗi khiến tôi nổi điên là nhiệm vụ Prison Break, khi game yêu cầu bạn đu dây nhưng đồng đội lại cản lối và không mở đường tiếp cận dây đu. Lỗi này đặc biệt ức chế khi trải nghiệm Call of Duty: Modern Warfare II ở thiết lập độ khó Veteran trở lên. Đoạn này khiến người viết để nhân vật thiệt mạng nhiều không đếm xuể. Đã vậy, giải pháp khắc phục tạm thời còn khiến tôi có cảm giác đó là chủ ý thiết kế của trò chơi. Thế nhưng, chỉ có nhà phát triển Infinity Ward mới trả lời được câu hỏi này vì người chơi như tôi xem nó là lỗi game.
Không những thế, Call of Duty: Modern Warfare II còn gây ức chế cực kỳ với đồng đội AI của người chơi. Trong nhiều trường hợp đấu súng với kẻ thù, đồng đội của bạn hầu như chỉ bắn làm màu như diễn viên quần chúng chứ không hỗ trợ người chơi tiêu diệt kẻ thù. Thay vào đó, người chơi phải tự thân vận động làm hết mọi thứ. Dường như thấy vậy chưa đủ, đội ngũ phát triển còn đưa vào nhiều thiết kế cực kỳ bất công, buộc bạn phải chiến đấu với các “thiết giáp nhân” gần như không không gì cản được chúng tiến công trừ khi dùng giải pháp mạnh tay hơn.
Đáng nói, Call of Duty: Modern Warfare II kết thúc trải nghiệm thiếu kịch tính, đặc biệt trận đánh trùm cuối khiến người viết cực kỳ thất vọng vì thiết kế màn chơi nhàm chán và mang tính câu giờ hơn là hào hứng so với các màn chơi trước đó hấp dẫn hơn nhiều. Dù vậy, phần chơi Campaign đưa người chơi tham gia các nhiệm vụ với trải nghiệm rất đa dạng, nhiều tình huống thú vị. Chẳng hạn làm xạ thủ bắn tỉa “một viên đạn hai cái xác” như Sniper Elite 5 hay đột kích kho hàng giữa biển với các container liên tục di chuyển do mưa bão.
Điều thú vị là những tình huống nhiệm vụ trong phần chơi Campaign cũng được xây dựng thành các chế độ chơi multiplayer riêng rất hào hứng. Đây cũng là điểm cộng lớn nhất của Call of Duty: Modern Warfare II với hai nhóm hệ thống Core Map và Battle Map. Kỳ thực Core Map không có gì nhiều để đề cập, chủ yếu là những chế độ chơi quen thuộc với quy mô nhỏ 6v6 giữa hai đội như Free-for-All, Team Deathmatch, Domination… Chế độ chơi mới như Prisoner Rescue kỳ thực chỉ là biến tấu từ chế độ chơi VIP Escort trong Call of Duty: Black Ops Cold War mà thôi.
Thay vì hộ tống VIP thì bạn khiêng tù nhân của phe ta hoặc giết tù nhân của đối phương. Ngược lại, nếu thích chơi nhanh gọn lẹ với trận chiến diễn ra ở nhịp độ nhanh, Knockout và Search and Destroy là hai chế độ chơi khá hào hứng. Cả hai đều không cho ‘respawn’ nên đồng đội chiếm vai trò rất quan trọng. Thế nhưng, hào hứng nhất với các chế độ chơi Ground War và Invasion trong hệ thống Battle Map với màn chơi rộng lớn, cộng với quy mô người chơi cùng tham gia khổng lồ khiến cuộc chiến luôn khó lường, mang tới giá trị chơi lại rất cao.
Cụ thể, Ground War đưa người chơi đến với cuộc chiến 32v32 chiếm 5 cứ điểm trên bản đồ vô cùng rộng lớn. Người chơi có thể tùy nghi sử dụng mọi thứ trong màn chơi tạo nên sự hỗn loạn cực kỳ hào hứng. Thậm chí, với hệ thống vật lý mô phỏng đạn đạo không có gì để chê trong Call of Duty: Modern Warfare II và cuộc chiến rất hoành tráng, người viết có cảm giác như đang tham gia chiến trường thật sự dù chưa đến mức hardcore như Hell Let Loose. Bạn hoàn toàn có thể trúng đạn từ đối phương mà không thể định vị được họ.
Tuy nhiên, nếu chỉ tham gia vào các trận chiến trong hệ thống Core Map với quy mô nhỏ 6v6, bạn khó lòng cảm nhận được điều này. Đó là cảm giác rất khác biệt và khó diễn tả, trừ khi bạn tự dấn thân vào trải nghiệm game. Kỳ thực, người viết cảm thấy ngay cả phần chơi mới nhất trong series Battlefield là Battlefield 2042 vốn chú trọng khía cạnh này nhiều hơn, nhưng cũng chưa tạo được cảm giác chiến trường máu lửa tương tự các chế độ chơi trong hệ thống Battle Map của Call of Duty: Modern Warfare II.
Hấp dẫn không kém là chế độ chơi Invasion được thiết kế như Team Deathmatch, nhưng sở hữu quy mô chiến trường tương tự Ground War. Khác biệt lớn nhất giữa hai chế độ chơi này là cuộc chiến 20v20, cộng với số lượng nhân vật do AI điều khiển “thế mạng” cho những người chơi ‘drop in, drop out’, kết hợp tận dụng các phương tiện di chuyển tạo nên cuộc chiến kịch tính. Đội thắng là đội đạt 2000 điểm đầu tiên. Điều thú vị là những nhân vật do AI điều khiển chỉ được tính 1 điểm khi bị triệt hạ, thay vì 5 điểm nếu đó là nhân vật người chơi.
Thế nhưng, tuy thiết kế màn chơi Call of Duty: Modern Warfare II “chuẩn không cần chỉnh”, nhưng map quá rộng không phải lúc nào cũng mang đến sự hào hứng. Ở góc độ người chơi, điểm trừ lớn nhất của các chế độ chơi trong hệ thống Battle Map là môi trường màn chơi trở thành cơ hội rất lớn, nếu không nói có phần ưu ái những người chơi thích ‘camp’. Điều này không hiếm lần gây ức chế, thậm chí tạo cảm giác bất công. Đó là chưa kể khi đạt killstreak cao nhờ tận dụng lợi thế map, người chơi còn nhận nhiều hỗ trợ trên chiến trường.
Một điểm trừ khác là nếu bạn muốn sử dụng vũ khí yêu thích, quá trình mở khóa khá “đuối” nếu người chơi không tìm hướng dẫn trên internet. Cụ thể, súng và attachment được thiết kế không chỉ đơn giản là dùng rồi thăng cấp. Chúng có tính liên kết đến nhiều loại vũ khí khác nhau. Chẳng hạn, nếu bạn muốn mở khóa khẩu Lachmann Sub thì phải thăng cấp Lachmann 556 lên cấp 12. Đó chỉ mới là kết quả cuối cùng, còn quá trình mở khóa Lachmann Sub kéo dài qua những lần thăng cấp vũ khí khác và không chỉ có vậy. Mở khóa attachment cũng tương tự.
Ngược lại, hào hứng không kém là chế độ chơi multiplayer mới toanh: 3rd Person Moshpit. Như cái tên gợi ý, chế độ chơi này đưa bạn đến với trải nghiệm multiplayer ở góc nhìn thứ ba rất hào hứng để thay đổi không khí, góp phần không nhỏ mang tới sự đa dạng cho phần chơi multiplayer. Thế nhưng, bất ngờ nhất là sự trở lại của chế độ chơi co-op Spec Ops đầy hào hứng mà người viết rất yêu thích trong nguyên bản Modern Warfare 2. Khá đáng tiếc khi chế độ chơi này chỉ có ba nhiệm vụ với thời lượng rất ngắn.
Sau cuối, Call of Duty: Modern Warfare II mang đến một trải nghiệm FPS đầy hào hứng với gameplay đa dạng. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là phần chơi Campaign chưa tạo bùng nổ cảm xúc ở cả khía cạnh cốt truyện lẫn thiết kế màn chơi. Ngược lại, phần chơi multiplayer thật sự tỏa sáng với các chế độ chơi đa dạng cộng với thiết kế map xuất sắc. Nếu yêu thích dòng game bắn súng góc nhìn thứ nhất nói chung và series Modern Warfare nói riêng, đây chắc chắn là cái tên không thể thiếu cho thư viện game.
Call of Duty: Modern Warfare II hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4 và Xbox One.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!