Ở thế yếu hơn về thương hiệu, uy tín, kinh nghiệm, các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc sử dụng những chiêu thức nào để thu hút khách hàng?
Trong bối cảnh tốc độ người dùng thay thế smartphone chậm hơn nhiều so với trước, không một hãng smartphone nào không dùng đến chiêu trò để bán hàng. Các hãng smartphone lớn, tên tuổi như Apple, Samsung… chạy đua đi đầu về thiết kế, công nghệ – cho dù nhiều thứ chỉ là sự cải tiến, hoặc hiện thời chưa có ích thực sự cho người dùng nhưng sau đó trở thành trào lưu chung. Còn các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc vẫn bám lấy “cấu hình cao, giá rẻ” để “thuốc” người dùng. Có điều, giá điện thoại Trung Quốc giờ cũng không còn rẻ nữa (trên dưới 10 triệu đồng), nên cái gọi là “cấu hình cao” càng được đẩy lên một cách điên rồ.
Đổ tiền cho marketing ồ ạt
Hàng hoá Trung Quốc thường bị mang ấn tượng xấu: hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng và giá rẻ. Smartphone Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ. Ban đầu, công thức của smartphone Trung Quốc gói gọn: nhái iPhone + giá rẻ. Sau đó, công thức này được bổ sung thêm “cấu hình cao”.
Bạn không thể phủ nhận cạnh tranh xét về giá là thứ mà các công ty Trung Quốc làm rất tốt. Tuy nhiên, thiếu “hoả lực” của một thương hiệu cao cấp, và hoạt động với lợi nhuận biên mỏng như dao cạo, thậm chí là lỗ, họ cần doanh số khổng lồ để tiếp tục tham gia cuộc chơi.
Muốn vậy, các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc không chỉ tranh giành thị phần ở thị trường tỉ dân Trung Quốc mà còn mở rộng ra thị trường nước ngoài, chủ yếu là các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Đông Nam Á… Mỗi hãng áp dụng cho mình chiến lược riêng. Như anh em nhà Oppo và Vivo áp dụng chiến lược đơn giản nhưng khá hiệu quả: theo đuổi thị trường bán lẻ, đặc biệt ở vùng nông thôn với chiến dịch tiếp thị, tài trợ, khuyến mại ồ ạt trên khắp các mặt trận: truyền hình, online, offline.
Ở Trung Quốc, Xiaomi đã có thể bán được một lượng lớn smartphone nhờ cái người Trung Quốc gọi là “marketing chết đói” – phân phối một lượng cực kỳ hạn chế điện thoại ở một thời điểm dẫn đến hàng chục ngàn điện thoại được bán hết hầu như ngay lập tức.
OnePlus, thành lập năm 2013 bởi một lãnh đạo cấp cao của Oppo, cũng áp dụng chiến lược marketing ồ ạt như Oppo, nhưng chỉ bán cho những người được mời. Theo phân tích của các chuyên gia marketing, đây đã là một động lực chính trong việc tạo ra sự cuồng nhiệt đối với sản phẩm này vì nhà sản xuất đánh trúng bản chất của con người: Chúng ta luôn muốn những gì chúng ta không thể có được. Việc mua hàng theo hệ thống chỉ dành cho khách hàng được mời cho phép nhà sản xuất dần dần “điền đầy” nhu cầu trong khi duy trì sự trông đợi của khách hàng. Điều này cũng làm tăng sự hấp dẫn của điện thoại như là một “sản phẩm VIP” chỉ dành cho một nhóm khách hàng.
Cùng áp dụng chiến lược marketing ồ ạt, Huawei đổ tiền vào thị trường châu Âu để quảng cáo về hình ảnh của mình hiện diện khắp mọi nơi – từ cửa hàng flagship đặt tại địa điểm nổi bật của trung tâm Brussels (Bỉ), cho đến các banner quảng cáo khổng lồ trùm toàn bộ toà nhà ở Berlin (Đức), Lodz (Ba Lan), biển quảng cáo điện tử trên các tuyến đường cao tốc, trung tâm thành phố… Chiến lược còn bao gồm tài trợ cho các đội bóng lớn như Arsenal, AC Milan, Paris Saint-Germain, o bế các cầu thủ ngôi sao như Lionel Messi và Robert Lewandowski. Về cơ bản, Huawei tìm ra người châu Âu thích gì thì gắn logo của họ vào đó. Khi hình ảnh của họ ở châu Âu – một thị trường lớn nhưng khó tính – được củng cố thì đó sẽ là đà vững chắc để Huawei chinh phục được các thị trường khác.
Cấu hình smartphone Trung Quốc đi xa đến đâu?
Song dù các hãng smartphone Trung Quốc có áp dụng chiêu thức marketing nào chăng nữa cũng phải cuốn người dùng vào mê trận cấu hình, thông số cao ngất ngưởng. Nhà sản xuất nào cũng đang cố gắng vượt đối thủ về thông số kỹ thuật – xét về mặt nâng cấp phần cứng là tốt, nhưng đó không phải là sáng tạo và không thiết yếu đối với đại đa số người dùng.
Về thông số kỹ thuật, smartphone Trung Quốc tập trung vào ba yếu tố: camera – bạn có thể có camera phụ đến 20 “chấm” và con số này có thể cao hơn nữa; RAM lớn và chip nhiều lõi.
Chụp ảnh, đặc biệt là chụp selfie bây giờ là một tính năng thiết yếu của một chiếc smartphone. Các nhà sản xuất Trung Quốc đã nhanh chóng nắm bắt được thị hiếu của người dùng nên tập trung quảng bá cho tính năng này. Oppo tự cho mình là chuyên gia selfie từ đầu năm 2016 với mẫu Oppo F1 (sau này là F1 Plus, F1s, F3…), camera trước tiến hoá từ 16 megapixel lên camera kép (1 camera 16 megapixel và 1 camera 8 megapixel để xoá phông và chụp ảnh góc siêu rộng, theo quảng cáo của nhà sản xuất). Thực tế, cái gọi là chuyên gia selfie là cho kết quả ảnh chụp khuôn mặt người trở nên lung linh hơn: mắt đen, da mịn trắng hồng, môi đỏ mà không cần đến ứng dụng chỉnh sửa ảnh nào. Nó cũng đáp ứng nhu cầu thích đẹp của con người – không ai muốn đăng ảnh bản thân lên mạng với những vết rám, nếp nhăn hay mụn nhọt.
Quan niệm của người dùng về camera selfie tốt chỉ đơn giản làm sao cho da trắng mịn, má đỏ, môi hồng…
Do vậy, đối với camera selfie, vấn đề không phải là càng nhiều “chấm” càng tốt – thứ mà các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đang chạy đua – mà là tinh chỉnh phần mềm sao cho ảo diệu, tức giúp người dùng tự hài lòng. Còn số “chấm” của máy ảnh đề cập đến số pixel có thể chụp. Các megapixel lớn hơn, hình ảnh của bạn càng lớn. Các chuyên gia ảnh cho rằng với nhu cầu phổ biến của người dùng là hiển thị trên màn hình smartphone và post lên mạng xã hội, như Facebook, thì camera 8 megapixel là vừa. 8 megapixel tương đương với độ phân giải 3264 × 2448 và kích thước của một tờ giấy A4. Nếu bạn thậm chí không in bất cứ thứ gì lớn hơn kích thước A4 hoặc xem hình ảnh trên một màn hình có độ phân giải lớn hơn hình ảnh của bạn, nhiều hơn 8 megapixel không tạo ra sự khác biệt ngoại trừ càng ngốn dung lượng bộ nhớ.
Tuy nhiên, với việc quảng cáo nhấn mạnh số “chấm”, các hãng smartphone Trung Quốc đang khiến người dùng hiểu nhầm camera càng nhiều “chấm” càng tốt. Thậm chí, Vivo hiện còn có mẫu smartphone với camera selfie đến 20 “chấm”. Cứ đà này, không biết camera selfie trên smartphone Trung Quốc còn nhiều “chấm” đến đâu?
Một thông số phần cứng khác được smartphone Trung Quốc quảng cáo hăng hái là RAM. Model đời sau có RAM cao hơn model đời trước. Cách đây hơn một năm, smartphone RAM 3GB là phổ biến. Đến nay, RAM smartphone tăng lên 4GB, 6GB, thậm chí là 8GB – cao hơn cả một chiếc máy tính cá nhân phổ thông. Có thể kể đến các smartphone RAM 6GB như OnePlus 3, LeEco Le Max 2, ZUK Z2 Pro, Asus Zenfone 3 Deluxe, Vivo Xplay 5 Elite, và Meizu Pro 6… Nguyên nhân là do giá RAM ngày càng rẻ và quảng cáo nhiều RAM vẫn có hiệu quả (như trường hợp model Oppo F1s năm 2017 nâng cấp RAM lên 4GB, bộ nhớ trong 64GB với giá cao hơn Oppo F1s bản 2016 RAM 3GB, bộ nhớ trong 32GB).
Nhiều người dùng kiểm tra thông số chipset và dung lượng RAM khi mua smartphone. Cho nên chắc chắn RAM là một thông tin đáng quan tâm. Nhưng bao nhiêu RAM là phù hợp?
Nói ngắn gọn, hãy coi RAM là bộ nhớ ngắn hạn mà bộ vi xử lý dùng để chứa các file cần truy xuất nhanh và thường xuyên. RAM cho phép smartphone/máy tính khả năng phản hồi ngay lập tức thay vì phải đợi vài giây. Nếu smartphone gặp khó khăn lúc mở ứng dụng, có khả năng là bạn đang cần thêm RAM.
Nhiều RAM hơn có nghĩa là thực hiện đa nhiệm mượt hơn, với điều kiện smartphone có bộ vi xử lý mạnh. Nhưng chỉ tăng lượng RAM thì không làm cho trải nghiệm mượt hơn. Điều nó làm được là cho phép tải nhiều app hơn cùng một lúc, đặc biệt khi sử dụng chế độ chia đôi màn hình có trên Android 7.0.
Cho nên, thành thực mà nói, với điện thoại iOS/ Windows bạn không cần nhiều RAM, còn với điện thoại Android, hiện giờ một chiếc điện thoại 3GB hoặc 4GB RAM là quá đủ cho mức độ sử dụng bình thường. Và để biết xem điện thoại của bạn có đủ RAM đáp ứng nhu cầu sử dụng không thì bạn vào phần Cài đặt =>> quản lý bộ nhớ =>> sử dụng RAM. Nếu dung lượng RAM còn trống hơn 300 MB là ổn.
Vậy tại sao các nhà sản xuất smartphone vẫn chạy đua tăng RAM? Có hai xu hướng: một là các nhà sản xuất lấy đây là một lợi điểm bán hàng (dù nó không thực sự cần thiết đối với người dùng); hai là một số nhà sản xuất đang quan tâm hơn tới smartphone có khả năng Thực thế ảo (VR) và Thực tế tăng cường (AR) vốn cần khá nhiều nguồn lực để chạy mượt mà. Do đó, lượng RAM lớn mới thực sự có ý nghĩa. Song bạn cũng nên biết rằng, bản thân AR và VR hiện tại cũng chưa thiết thực với người dùng, mà chỉ là một yếu tố để nhà sản xuất marketing nâng sản phẩm lên.
Một chiêu trò phổ biến khác của các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc là chạy đua smartphone nhiều lõi – đến giờ là 8 lõi (của nhà sản xuất chip giá rẻ Đài Loan MediaTek hoặc của mình tự sản xuất như Kirin (Huawei) và sắp tới là chip Surge S2 của Xiaomi. Tại sao điện thoại 8 lõi bị xem là chiêu trò? Bởi vì các nhà sản xuất smartphone đang khiến người dùng hiểu rằng nhiều lõi là tốt hơn, trong khi thực tế, nhiều lõi không nhất thiết là tốt hơn
Bạn đừng nhìn vào các con số như “tám lõi” và “lõi tứ” để quyết định lựa chọn mua smartphone.
Công nghệ là thứ phức tạp. Công việc của người làm tiếp thị là đơn giản hoá nó để người mua đưa ra quyết định mua sắm nhưng vấn đề là họ có trung thực và nỗ lực để làm điều đó hay không. “Nhiều hơn là tốt hơn” là công thức đơn giản mà các nhà tiếp thị thường áp dụng. Nhưng giống như nhiều megapixel không làm cho chất lượng bức ảnh đẹp hơn, nhiều lõi không có nghĩa là hiệu năng của bộ vi xử lý sẽ nhanh hơn.
Hiệu năng của bộ vi xử lý không tăng chỉ đơn thuần bằng việc tăng lõi xử lý. Có nhiều yếu tố khác tác động đối với hiệu năng. Có nhiều yếu tố quyết định đến hiệu năng của 8 lõi xử lý. Nó phụ thuộc tốc độ của CPU, phần mềm được thiết kế để tận dụng các lõi xử lý, thiết kế và kiến trúc của bộ vi xử lý.
Có nhiều lõi hơn trong một bộ xử lý có nghĩa là một phần mềm – bất kể chạy trên PC hay điện thoại – có thể đồng thời làm được nhiều việc hơn. Một ví dụ chương trình PC tận dụng đa lõi là Excel của Microsoft. Excel có thể sử dụng tất cả các lõi sẵn có trong một PC để tăng tốc những tính toán phức tạp, phân chia công việc và cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn. Một ví dụ khác là Adobe Photoshop, nơi những tính toán xử lý hình ảnh phức tạp được thực hiện trên hàng triệu điểm ảnh.
Nhưng khả năng này phải được tích hợp vào phần mềm, và hầu hết các chương trình đều không tận dụng được nhiều lõi. Điều này có nghĩa là hiệu suất của phần mềm này phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ của một lõi, và số lõi bao nhiêu ít có ảnh hưởng. Trong hầu hết các trường hợp, ít lõi nhanh hơn tốt hơn là nhiều lõi nhưng chậm, vì trải nghiệm người dùng bắt đầu bị ảnh hưởng khi các lõi quá chậm.
Lý do các bộ xử lý PC chủ yếu không có nhiều hơn 4 lõi: Hầu hết không thể tận dụng được số lõi lớn hơn 4.
Với bộ vi xử lý smartphone, trường hợp nhiều lõi hơn có thể còn tệ hơn vì việc đa nhiệm trên smartphone còn hạn chế hơn so với trên PC. Hầu hết người dùng điện thoại thông minh chỉ làm một nhiệm vụ một lúc, có nghĩa là hiệu suất của một lõi đơn là quan trọng hơn số lõi. Dung lượng pin của smartphone để chạy bộ xử lý cũng hạn chế – tuổi thọ pin sẽ bị ảnh hưởng nếu sử dụng nhiều năng lượng hơn – do đó tăng gấp đôi số lõi phải làm cho mỗi lõi giảm sức mạnh đi. Trong hầu hết các trường hợp, điều này dẫn đến hiệu suất kém hơn.
Vậy tại sao các nhà sản xuất chip vẫn thúc đẩy chip 8 lõi?
MediaTek là một trong những công ty đầu tiên giới thiệu chip 8 lõi. Mục tiêu của MediaTek là nhắm cạnh tranh với Qualcomm ở phân khúc cao cấp, dễ dàng thuyết phục người dùng móc hầu bao hơn vì tin rằng nhiều lõi hơn hiệu suất sẽ tốt hơn. Qualcomm, mặc dù trước đó đã tuyên bố bộ xử lý 8 lõi là “ngớ ngẩn”, nay cũng quay 180 độ khi công bố chip 8 lõi của mình.
Lý do? Bởi vì đó là người tiêu dùng Trung Quốc muốn. Một lãnh đạo Qualcomm từng nói: Người tiêu dùng ở Trung Quốc muốn 8 lõi. Đó là yếu tố rất cao trên danh sách lựa chọn sản phẩm của họ; trong khi ở Mỹ và Tây Âu, người tiêu dùng lại muốn thứ hoàn toàn khác. Do đó, chúng tôi đã thực sự nhận ra rằng nếu đó là điều người tiêu dùng Trung Quốc muốn, đó là điều khách hàng Trung Quốc của chúng tôi, các nhà sản xuất thiết bị gốc của chúng tôi muốn thì Qualcomm phải quan tâm đến nhu cầu đó. Đó là lý do tại sao chúng tôi có chip 8 lõi.
Smartphone được trang bị chip 8 lõi là bởi nhu cầu chip nhiều lõi vô lý từ người tiêu dùng Trung Quốc, sau đó lan ra các thị trường đang phát triển khác như Ấn Độ – cũng xuất phát từ quảng cáo khiến người dùng tin càng nhiều lõi càng tốt – chứ không phải vì nó thực sự làm cho trải nghiệm người dùng tốt hơn. Toàn bộ chiến lược của MediaTek đang dựa trên chiêu trò quảng cáo và Qualcomm cũng như những người chơi khác đang phải đua theo.
Như đã nói ngay từ đầu, không một nhà sản xuất nào không sử dụng đến chiêu trò quảng cáo. Đối với các nhà sản xuất Trung Quốc, đang muốn thoát khỏi hình ảnh thương hiệu giá rẻ, chất lượng thấp, thì càng cần phải tận dụng tất cả những mánh lới có thể. Với những gì chúng ta đang chứng kiến trên thị trường, xem ra smartphone Trung Quốc chưa có bài gì mới ngoài việc đẩy thông số camera, RAM và chip… như là cơ sở để tăng giá bán. Điều đó có nghĩa người dùng đang và sẽ phải trả tiền nhiều hơn cho những thứ mà họ chưa thực sự cần thiết. Và có lẽ họ cũng không biết điều đó.
Theo VN Review