Blasphemous là tựa game đi cảnh kiểu metroidvania rất ấn tượng ở phong cách đồ họa độc đáo kết hợp hệ thống chiến đấu khá thỏa mãn.
Blasphemous có màn mở đầu có lẽ phải dùng từ khủng khiếp nhất mà tôi từng trải nghiệm trong năm nay tính đến thời điểm này. Nhân vật của người chơi được gọi là Penitent One với khẩu khí rất đặc biệt khi không nói một lời nào mà chỉ lặng lẽ “hành động”. Từ này trong tiếng Anh có nghĩa là kẻ sám hối. Với cái tên như thế, có lẽ bạn cũng phần nào hình dung được trải nghiệm game sẽ diễn ra như thế nào. Nói một cách đơn giản nhất theo kiểu “dân chơi”, tôi sẽ gọi đó là một trải nghiệm Soulborne 2D được kết hợp với yếu tố metroidvania.
Trò chơi mang đến một câu chuyện khá bí hiểm với điều dễ hiểu nhất mà bạn thấy chính là nỗi đau. Yếu tố này được minh họa với những hình ảnh chi tiết và vô cùng ấn tượng, thể hiện khá sốc trong những khung hình hay các đoạn chuyển cảnh mang nhiều chất liệu về tôn giáo khá rùng rợn. Nhân vật của người chơi mang tạo hình khá kỳ lạ, di chuyển qua những thành phố đổ nát hay những hầm ngục u ám để sám hối và đền tội. Trong suốt chặng đường đi, sẽ có rất nhiều kẻ thù mang hình thù kỳ dị hay những con trùm khổng lồ ngáng đường bạn và đó cũng là những thử thách mà Penitent One phải vượt qua.
Cách thiết kế này khiến trải nghiệm game khá đậm tính khám phá và gây nhiều tò mò cho người chơi. Mọi thứ đều khá mơ hồ ngay từ những khoảnh khắc đầu tiên, thậm chí bạn cũng không biết Miracle là gì và tại sao bạn phải ngăn chặn nó. Thế nhưng, chính sự mơ hồ này gợi cho người chơi một cảm giác háo hức trong trải nghiệm để tìm hiểu mọi thứ, nhất là khi nó kết hợp với yếu tố gameplay khá tuyệt vời của Blasphemous. Trải nghiệm game được cấu thành bởi hai yếu tố chính: khám phá và chiến đấu. Mỗi yếu tố đều để lại ấn tượng khá tốt ở góc độ người chơi game.
Hệ thống chiến đấu trong Blasphemous khá đơn giản, nhưng mang đến cảm giác khá thỏa mãn nhờ vào phần thiết kế chuyển động và âm thanh đều rất tốt. Vũ khí của người chơi là thanh trường kiếm Mea Culpa luôn phát ra những âm thanh rất đã tai, tạo cảm giác mỗi đòn tấn công nguy hiểm như thế nào. Điều đó còn được hậu thuẫn với số lượng máu mà nhân vật chính mất đi khi trúng đòn của kẻ thù. Ngược lại, kẻ thù cũng khá đa dạng và sáng tạo về tạo hình, với ưu và khuyết điểm khác nhau. Tất cả đều quá ấn tượng và mang cảm giác có một không hai, không lẫn vào đâu được. Dù vậy, tôi vẫn muốn thấy thêm những thiết kế đầy sáng tạo khác từ nhà phát triển Game Kitchen trong trải nghiệm game vì sự ấn tượng ban đầu quá lớn.
Kỳ thực, rất hiếm tựa game 2D đồ họa pixel nào để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc như Blasphemous mang đến, đặc biệt là trong khâu tạo hình các nhân vật. Blasphemous không chỉ tạo cho tôi cảm giác đó với nhân vật chính, mà ngay cả những kẻ thù thông thường hay những con boss to “khủng bố” cũng đều có dấu ấn rất riêng. Không những vậy, dù yếu tố chiến đấu đóng một vai trò lớn trong trải nghiệm, nhưng phần khám phá cũng khá thử thách với những phân đoạn đi cảnh và một số câu đố mà người chơi phải giải quyết trong suốt trải nghiệm. Một số phân đoạn đi cảnh cũng dễ khiến người chơi ức chế. Thế nhưng, hai yếu tố này được pha trộn với nhau khéo léo để không tạo cảm giác lấn áp nhau, mang đến trải nghiệm rất hào hứng.
Blasphemous cũng làm khá tốt yếu tố điều khiển. Nhân vật phản ứng nhanh với những gì mà người chơi điều khiển bấm nút. Hành động của nhân vật cũng diễn ra ở nhịp độ hợp lý và những cảnh máu me xuất hiện khá thường xuyên như một yếu tố tô điểm cho trải nghiệm game. Cho dù bạn hạ gục kẻ thù bằng đòn tấn công thông thường hay một cú phản đòn đầy bạo lực hoặc hành quyết chúng, dư âm để lại đều khá phấn khích với cảm giác tưởng thưởng mà trải nghiệm game mang đến. Điều thú vị là mỗi kẻ thù đều có vài đòn tấn công riêng, đòi hỏi người chơi phải học cách chiến đấu với chúng trong lần đầu trải nghiệm. Yếu tố này dễ khiến trải nghiệm game mang cảm giác thử và sai, đôi lúc cũng hơi khó chịu một chút.
Tiêu diệt kẻ thù sẽ giúp bạn thu được Tears of Atonement, sử dụng như một loại tiền tệ trong game để người chơi nâng cấp Mea Culpa và mở khóa những kỹ năng mới. Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của Blasphemous là bạn sẽ chết rất nhiều lần đến mức xem chuyện đó như một phần tất yếu của trải nghiệm. Tuy nhiên, mỗi lần chết bạn sẽ để lại mảnh Guilt nơi “sa trường” với hai lựa chọn: hoặc bạn quay về chỗ chết nhặt lại “tội lỗi” của mình bất chấp khả năng sẽ chết tiếp dưới tay kẻ thù đã khiến bạn “lên đường” khi đó hoặc tìm đến các bức tượng và cũng là checkpoint để tẩy tội. Vấn đề ở chỗ, lựa chọn sau sẽ “hô biến” thanh thể lực của nhân vật càng lúc càng ngắn đi và đó không phải là điều gì vui vẻ khi đối mặt với boss. Chưa kể, Tears of Atonement nhận được sau đó cũng sẽ ít đi.
Với những ai chưa từng “nếm mùi đau khổ” với những tựa game có độ khó cao, mức độ trừng phạt trong Blasphemous có thể khiến bạn “khóc một dòng sông”. Thế nhưng, trò chơi rất hiếm khi tạo cảm giác bất công trong trải nghiệm mà hầu như mọi hậu quả đều là sai lầm của người chơi trong điều khiển và chiến đấu mà thôi. Duy chỉ có một trường hợp khiến tôi khá ức chế là khi bị kẻ thù vây hãm “đánh hội đồng”, nếu bạn để nhân vật trùng đòn sẽ bị bật lùi và ngã xuống sàn. Tuy nhiên, khi nhân vật tự đứng dậy lại là lúc bạn rất dễ bị trúng “đòn combo” khác từ kẻ thù mà không thể chống đỡ, dẫn tới tình huống nhân vật bị đánh bật vào ngay bãi chông đằng sau lưng. Thiết kế này chẳng khác nào cố ý hại chết người chơi.
Mặc dù trường hợp này không xảy ra thường xuyên trong trải nghiệm game, nhưng nếu vô tình lâm vào hoàn cảnh này thật sự rất dễ khiến bạn nổi điên khó kiềm chế, đặc biệt nếu checkpoint cách khá xa vị trí nhân vật “tử vì đạo”. Thế nhưng, vấn đề khiến tôi ức chế hơn chính là hoạt cảnh chuyển động của nhân vật khá dài, khiến bạn phải mất thời gian chờ khoảng một đến hai giây mới có thể tiếp nối với hành động khác được. Nếu bấm sớm hơn thì trò chơi không nhận nút bấm đó và không thực hiện điều khiển của người chơi. Tương tự, thời gian nhấn để nhân vật thực thi một kỹ năng cũng dài hơn so với nhiều tựa game đi cảnh khác trên thị trường, nhiều lúc rất là bực mình và mang cảm giác như game phản hồi kém với điều khiển của người chơi.
Bù lại, Blasphemous có rất nhiều vật phẩm thu thập được giấu ở nhiều ngóc ngách trong thế giới game. Đáng chú ý là chúng rất đáng công bạn bỏ ra tìm kiếm vì mỗi vật phẩm thu thập đều có một câu chuyện riêng đi kèm, tiết lộ cho bạn biết nhiều thứ về các nhân vật trong game. Nếu không ngại đọc chữ vì trình độ tiếng Anh hạn chế hoặc thích đọc những mẩu chuyện tương tự, bạn sẽ còn hào hứng hơn khi biết một số nội dung trong đó khá dài do mức độ chi tiết cao và chứa đựng nhiều thông tin đáng chú ý, giúp người chơi hiểu thêm về những câu chuyện xoay quanh thế giới game. Ở góc độ người chơi game, đây có lẽ là một trong những tựa game ấn tượng và đáng chơi nhất năm nay.
Sau cuối, Blasphemous mang đến một trải nghiệm đi cảnh kiểu metroidvania độc đáo gần như hoàn mỹ không chỉ ở khía cạnh gameplay mà cả phong cách đồ họa pixel rất ấn tượng với không khí u ám hết sức tăm tối. Nhạc nền cũng không phải ngoại lệ, rất tuyệt vời nhất là những trận đánh boss. Vấn đề lớn nhất của game là độ khó cao khiến nó không phù hợp với mọi đối tượng người chơi và cũng là điểm trừ đáng tiếc nhất. Nếu yêu thích thể loại này và không ngại một chút thử thách, bạn đừng nên bỏ qua tựa game này.
Blasphemous được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!