Biped là tựa game đi cảnh giải đố độc đáo dù cho bạn chơi solo hay quyết định “ăn hành” trong co-op cùng với một ai đó.
Ngoại trừ đồ họa “cưng xỉu” qua các hình screenshot, phải thừa nhận Biped không để lại cho tôi nhiều chú ý ban đầu. Tuy nhiên, tựa game đi cảnh giải đố độc đáo thiên về cơ chế vật lý này lại khiến người viết bất ngờ trong trải nghiệm giải đố hài hước, dễ thương và không kém phần “vật vã” khi co-op. Trò chơi xây dựng công thức gameplay tuyệt vời khi kết hợp giữa yếu tố giải đố và đi cảnh, lấy điểm nhấn nằm ở cơ chế điều khiển “tưởng vô lý nhưng lại rất thuyết phục”. Tất nhiên nếu muốn, bạn vẫn có thể trải nghiệm solo nhưng cảm giác khi đó sẽ rất khác. Không chỉ các câu đố “một thân một mình” khó hơn mà ngay cả cảm giác cười “không nhặt được mồm” cũng không còn nhiều bằng “một trải nghiệm, hai người vui” nữa.
Biped kể về cuộc phiêu lưu của hai người máy “cu-te-phô-mai-que” Aku và Sila. Lối chơi xoay quanh ý tưởng điều khiển nhân vật di chuyển trong môi trường màn chơi dễ thương, vượt qua các chướng ngại vật vô cùng đơn giản và tương tác cho mục đích giải đố. Vấn đề ở chỗ, vì là người máy nên Aku và Sila không di chuyển như người bình thường. Thay vào đó, người chơi phải vận dụng hai cần analog trên tay cầm để điều khiển độc lập hai chân của nhân vật. Tưởng không khó ai ngờ khó không tưởng. Thậm chí còn vượt xa tựa game song đấu đối kháng Override: Mech City Brawl có ý tưởng tương tự. Mỗi bước đi của nhân vật đều là một thử thách trong cách thức điều khiển, nhất là ở thời điểm trải nghiệm ban đầu “trăm hay không bằng tay quen”.
Điều khá hài hước là Biped cung cấp khả năng điều khiển rất tự do. Mỗi cần analog chỉ điều khiển hoạt động di chuyển và xoay chuyển linh hoạt từng chân, nhưng kết hợp để di chuyển nhân vật thế nào lại là câu chuyện khác. Đơn cử như đi qua những cây cầu đổi màu đòi hỏi mỗi nhân vật phải bước theo một nhịp tương ứng với màu sắc hiển thị, nếu một trong hai người trễ nhịp hoặc bấm nhầm là “toi cả lũ”. Nói một cách khác, nếu không muốn “gấu ó” nhau hoặc phải chơi đi chơi lại một phân đoạn “di chuyển đơn giản” nào đó, hai người chơi phải thực hiện hoàn hảo nhịp bước trong trải nghiệm co-op. Thế nhưng, do các yếu tố thử thách nói trên đều được đơn giản hóa trong trải nghiệm một người, cảm giác hào hứng giảm đi rất nhiều khi chơi solo.
Việc không có người “hợp đồng tác chiến” trong những tình huống giải đố nhất định được thay bằng sự hỗ trợ của AI, ít nhiều đều làm mất đi những phân đoạn “cười không nhặt được mồm” mà Biped mang đến trong trải nghiệm co-op. Một số câu đố về sau được điều chỉnh cho trải nghiệm solo có cảm giác khó hơn, chẳng hạn những đoạn phải di chuyển giữ thăng bằng. Chưa kể, AI trong trường hợp này có thể ví von “không sợ kẻ thù mạnh như hổ, chỉ sợ đồng đội ngu như bò” để mô tả ngắn gọn nhất cảm giác trải nghiệm như thế nào. Chúng khiến những pha “tức vì té chết” càng thêm bội phần ức chế. Thế nên, tôi hoàn toàn không khuyến khích chơi solo trừ mục đích săn achievement/trophy. Trải nghiệm khi đó rất khác và tức phát điên là điều chắc chắn.
Ở góc độ người chơi, Biped xây dựng độ khó tăng dần vừa hợp lý nhưng cũng vừa không hợp lý. Ban đầu chỉ là những pha di chuyển đơn giản đến toát mồ hôi hột khiến người điều khiển “đôi tim yêu” cạn lời, nhưng càng về sau có thêm nhiều cơ chế gameplay khác. Đơn cử như cột hai nhân vật lại bằng sợi dây, mang lối chơi tương tự Tied Together mà tôi từng trải nghiệm cách đây khá lâu. Thế nhưng, điểm trừ lớn nhất của game là dù hấp dẫn cực kỳ nhưng trải nghiệm diễn ra tương đối ngắn dù tiềm năng lớn. Nhiều ý tưởng hay ho mà tôi thoáng nghĩ tới vẫn chưa được nhà phát triển khai thác. Chưa kể, thiết kế màn chơi mang cảm giác độc lập chứ không có sự liên kết hoặc kết hợp với nhau, đẩy trải nghiệm lên cao trào để thỏa mãn người chơi hơn.
Không những vậy, tôi cũng không đồng tình trình tự màn chơi trong Biped. Có những màn ở đầu trải nghiệm mang cảm giác “dễ thở” hơn nhiều màn chơi về sau. Tôi nghĩ đó là vì nhà phát triển muốn sắp xếp theo cơ chế gameplay để người chơi dễ làm quen hơn là độ khó tăng dần hợp lý. Bù lại là thiết kế game quá tốt, đặc biệt là đồ họa cực kỳ dễ thương và gameplay vô cùng hấp dẫn. Tutorial chi tiết. Tạo hình các nhân vật “cưng xỉu” và môi trường màn chơi sử dụng những gam màu tươi sáng, bắt mắt. Tuy nhiên, đừng để phong cách hình ảnh hoạt hình dễ thương khiến bạn “bé cái nhầm”. Tuy có nhiều checkpoint nhưng trải nghiệm game có thể vô cùng ức chế với mức độ thử thách khá cao, bất kể bạn chơi co-op cùng một người chơi khác hay solo.
Sau cuối, Biped mang đến một trải nghiệm đi cảnh giải đố co-op thiên về cơ chế vật lý khá độc đáo và tuyệt vời trong nhiều khía cạnh thiết kế. Nếu yêu thích thể loại này và có “người ấy” để chơi cùng, đây chắc chắn là cái tên không thể thiếu trong thư viện game của bạn. Tuy nhiên, hãy cẩn thận vì trải nghiệm co-op tiềm ẩn khả năng phá hỏng mối quan hệ của bạn đó. Đừng đùa!
Biped hiện có cho PC (Windows) và PlayStation 4. Dự kiến phiên bản Nintendo Switch sẽ sớm phát hành trong thời gian tới.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!