Balan Wonderworld là game hành động đi cảnh gợi nhiều cảm giác hoài cổ từ hai cái tên vô cùng kinh điển NiGHTS Into Dreams và Super Mario 64. Tuy nhiên, tùy vào mức độ yêu thích của bạn với hai tựa game nói trên mà trải nghiệm có thể hào hứng hoặc để lại cảm giác khá lẫn lộn. Một phần là do thiết kế game có nhiều hạn chế khó chịu, khiến vòng lặp gameplay càng trở nên kém hào hứng về sau. Đó là chưa kể thiết kế màn chơi ‘old-school’ thiên về thu thập vật phẩm và không có gợi ý cũng gây không ít ức chế cho người chơi.
Balan Wonderworld là trải nghiệm phiêu lưu của hai nhân vật Leo Craig và Emma Cole với rất nhiều thông điệp đáng chú ý, mang nhiều âm hưởng từ NiGHTS Into Dreams trong thiết kế hình ảnh và lối chơi tương đồng với Super Mario 64. Điều này thể hiện ngay từ những đoạn phim CG chuyển cảnh đẹp rạng ngời và bắt mắt thay cho lời dẫn truyện xuyên suốt trải nghiệm game. Mỗi thế giới trong game kể lại tình huống khó khăn trong cuộc sống của nhân vật đại diện nào đó, trải dài từ việc không có bạn bè cho tới câu chuyện mùa màng thất bát vì lốc xoáy.
Vấn đề ở chỗ, những câu chuyện kể không lời này mang tính hình tượng khá cao chứ không có sự giải thích rõ ràng. Đã vậy, tình tiết còn diễn ra nhanh như chớp. Mới cảnh trước vừa mở đầu cho tình huống sự kiện thì chỉ vào đánh thắng boss là vấn đề đã giải quyết xong. Cách xây dựng câu chuyện kể như thế dễ gây khó hiểu cho người chơi. Nó cũng không mang đến cảm giác tưởng thưởng thỏa mãn trong trải nghiệm, điều vốn khá quan trọng với những tựa game đi cảnh thiên về thu thập vật phẩm như Balan Wonderworld.
Về cơ bản, mục tiêu của người chơi là thu thập các bộ cosplay và sử dụng kỹ năng riêng từ chúng giúp nhân vật vượt qua chướng ngại vật, thu thập nhiều loại vật phẩm giấu đâu đó trong môi trường màn chơi. Đáng chú ý là những bức tượng thu thập đóng vai trò quan trọng trong trải nghiệm vì chúng giúp bạn mở khóa thêm các chapter mới. Xen kẽ với thu thập vật phẩm, Balan Wonderworld còn liên tục làm mới trải nghiệm bằng các minigame tương tác, từ đơn giản như thu thập trứng và ngọc nuôi các bé Tims để nâng cấp đảo thời gian cho tới vận dụng QTE.
Trong số này, nhàm chán nhất là các minigame Balan’s Bout được kích hoạt khi người chơi tìm được chiếc nón ảo thuật gia của Balan, đưa bạn tham gia cuộc chiến với các kẻ thù Negati thông qua cơ chế QTE. Nó vừa nhạt nhẽo vừa mất thời gian khi buộc bạn phải xem những pha hành động lặp đi lặp lại hết lần này đến lần khác. Mục đích duy nhất của minigame này là nhận tượng vàng Balan nếu bạn phản xạ bấm nút hoàn hảo. Nếu không hoàn thành QTE được như vậy, bạn phải quay lại màn chơi vào lúc khác để vượt thử thách đến khi đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, Balan Wonderworld không cho phép bạn chơi đi chơi lại một màn để săn thưởng từ các minigame. Nếu cố tình làm vậy, từ lần chơi thứ hai liên tiếp trở đi thì các minigame này sẽ bị vô hiệu hóa, không thể kích hoạt được nữa. Thay vào đó, người chơi phải trải nghiệm các màn chơi khác nhau trước khi quay lại. Ở góc độ người chơi, thiết kế này là điểm trừ khá khó chịu vì cố ý hạn chế trải nghiệm của người chơi. Nếu không biết, bạn thậm chí có thể nhầm tưởng game không cho phép “cày màn” để hoàn thành bộ sưu tầm tượng vàng Balan.
Vấn đề ở chỗ, cho dù ý đồ thiết kế là gì thì nhà phát triển dường như không quan tâm đến cảm giác của người chơi, đặc biệt là những ai theo chủ nghĩa hoàn hảo. Bạn cứ tưởng tượng đang “nóng máu” vì bấm QTE trật nhịp, mất công đi lại màn chơi để lấy cho đủ tượng mà không thể kích hoạt được minigame, không tức điên mới lạ. Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của Balan Wonderworld là số lượng cosplay quá nhiều, nhưng mỗi bộ chỉ mang đến kỹ năng vô cùng cơ bản. Số lượng các kỹ năng na ná nhau về công năng cũng không phải hiếm trong suốt trải nghiệm.
Đơn cử như chapter 2 có hai bộ cosplay Jellyjolt và Dynamic Dolphin cùng cho phép bạn bơi trong luồng nước. Ngoài tạo hình, khác biệt duy nhất của cả hai là Dynamic Dolphin cho phép bạn nhảy ngang thoát khỏi luồng nước, trong khi Jellyjolt thì trôi đến cuối luồng nước nhưng đổi lại là khả năng giật điện kẻ thù. Tương tự, càng về sau càng có nhiều bộ cosplay trùng nhau về chức năng. Chẳng hạn chỉ riêng khả năng di chuyển lơ lửng trên không một khoảng thời gian, sương sương cũng có 4-5 bộ xuất hiện rải rác giữa các chapter khác nhau.
Mỗi bộ như thế thường chỉ có một khác biệt về kỹ năng, không đủ tạo cảm giác đa dạng trong suốt thời lượng game. Đó là chưa kể, việc chuyển đổi giữa các bộ cosplay được thiết kế rất vụng về, gây ức chế không ít trừ khi bạn biết trước mỗi màn chơi cần đến những kỹ năng nào. Người chơi chỉ được trang bị tối đa ba bộ cosplay trong màn chơi và có thể chuyển đổi qua lại rất nhanh giữa 3 bộ này. Thế nhưng nếu muốn đổi sang các bộ khác, bạn phải tìm đến checkpoint đặt rải rác trong các màn chơi và chờ vài giây đến khi phòng thay đồ xuất hiện.
Mặc dù checkpoint thường khá gần nhau, nhưng hàng loạt tình huống không tránh khỏi trong trải nghiệm khiến mỗi lúc cần đổi cosplay mới chẳng khác nào cực hình. Lý do là bạn cần phải nhớ công năng của mỗi bộ, nhưng càng trải nghiệm thì số lượng càng nhiều và khó tránh khỏi việc nhầm lẫn phải quay lại checkpoint để đổi tiếp. Đó chỉ mới là một trong số nhiều lý do khiến trải nghiệm Balan Wonderworld trở nên khá ức chế. Đặc biệt là thiết kế màn chơi theo kiểu ‘old school’, đòi hỏi bạn phải tự khám phá và tìm các bức tượng vàng được giấu khá kín đáo.
Tìm được vị trí tượng vàng Balan là một chuyện, nhưng xác định bạn cần bộ cosplay nào để tiếp cận lại là chuyện khác. Phần lớn những bức tượng giấu kín đều đòi hỏi kỹ năng từ các bộ cosplay trong những chapter mãi về sau. Chẳng hạn, thu thập trọn bộ tượng trong act 2 của chapter 2 cần đến kỹ năng từ bộ cosplay ở tận chapter 7! Ở góc độ người chơi, thiết kế vòng lặp gameplay của Balan Wonderworld chẳng khác nào mang đến giá trị chơi lại cưỡng bức. Vì không biết bức tượng cần đến kỹ năng nào nên bạn phải luôn cố thử đến khi thất bại mới biết.
Trong khi đó, nếu không chịu khó thu thập đủ số tượng Balan thì không mở khóa được chapter mới, phải chơi đi chơi lại màn cũ và thử nhiều cách để lấy. Đặc biệt, Balan Wonderworld không chỉ có trải nghiệm solo mà còn hỗ trợ co-op hai người cùng chơi. Thế nhưng, mặc dù bạn được lợi về số bộ cosplay hơn vì mỗi người chơi được trang bị 3 bộ khác nhau, nhưng nó cũng phát sinh vài vấn đề khó chịu khác. Cụ thể là mỗi người chơi thu thập các cosplay độc lập, nhưng chìa khóa để lấy cosplay mới trong màn thì vẫn vậy chứ không nhân đôi số lượng.
Mô tả đơn giản là người này lấy trước thì người còn lại phải chờ chìa khóa mới xuất hiện khá mất thời gian. Khi đổi bộ cosplay ở phòng thay đồ cũng vậy, giao diện không được tối ưu cho trải nghiệm co-op mà chỉ cho phép người chơi thay đổi tuần tự, người này xong rồi đến người kia. Ngược lại, người chơi có thể gắn kết hai nhân vật vào nhau để thực hiện những pha đi cảnh đầy thử thách mà không bị ức chế vì trình độ khác biệt của cả hai. Tuy nhiên, khá đáng tiếc khi Balan Wonderworld không hỗ trợ co-op online mà bạn chỉ có thể chơi co-op local.
Ở khía cạnh nghe nhìn, Balan Wonderworld làm khá tốt cả hai, nhưng điều đó tùy thuộc vào mức độ yêu thích của bạn với cái tên kinh điển NiGHTS Into Dreams. Trò chơi sử dụng những bản nhạc sôi động, vui tai, góp phần tạo nên trải nghiệm rất hào hứng và gợi nhiều cảm giác quen thuộc của tựa game nói trên. Những khoảnh khắc cuối mỗi chapter để lại nhiều cảm xúc, phù hợp với ý đồ của nhà phát triển khi muốn xây dựng trải nghiệm dựa trên ý tưởng nhà hát ca múa nhạc. Tương tự, đồ họa cũng mang nhiều nét tương đồng cái tên nói trên trong tạo hình nhân vật.
Nếu thích phong cách đồ họa của NiGHTS Into Dreams, khả năng cao là bạn sẽ hào hứng với hình ảnh trong Balan Wonderworld và ngược lại. Thế nhưng, so với trải nghiệm trên PlayStation 5 hay Xbox Series X|S, trò chơi chưa tối ưu hiệu năng cho các hệ console PlayStation 4 hay Xbox One và đặc biệt là Nintendo Switch. Mặt khác, tuy game tận dụng tính năng “phản hồi xúc giác” của tay cầm DualSense khá tốt, nhưng do kỹ năng của các bộ cosplay thường hao hao nhau nên chưa tạo nhiều khác biệt về cảm giác trải nghiệm như Sackboy: A Big Adventure.
Sau cuối, Balan Wonderworld mang đến một trải nghiệm hành động đi cảnh để lại cảm giác khá trái chiều vì thiết kế game có nhiều hạn chế khó chịu. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là các thông điệp có tính nhân văn, cùng với số lượng nội dung ẩn hấp dẫn và giá trị chơi lại khá cao. Nếu bạn yêu thích những trải nghiệm kinh điển như NiGHTS Into Dreams và Super Mario 64 ngày xưa, đây kỳ thực là cái tên khá đáng cân nhắc và ngược lại.
Balan Wonderworld hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác