Automachef là tựa game khá độc đáo về công việc đầu bếp, tập trung vào yếu tố giải đố và quản lý kho vận với mức độ thử thách tương đối cao, mang lối chơi khác hẳn hoàn toàn với những cái tên quen thuộc có cùng đề tài này như series Overcooked hay Cook, Serve, Delicious!.
Tự động hóa không phải là vấn đề mới trong khâu sản xuất nhiều mặt hàng hiện nay, chẳng hạn như điện thoại di động hay các sản phẩm điện tử, xe hơi v.v… Thế nhưng, ý tưởng tự động hóa trong bếp núc có vẻ khá lạ lẫm và đó cũng là ý tưởng mà Automachef mang đến trong trải nghiệm. Trò chơi lấy câu chuyện về một người máy “phản phé”, có ý đồ thống trị ngành thức ăn nhanh bằng tự động hóa. Đây cũng là trải nghiệm mà tựa game này mang đến, nhưng có thể không phải theo cách mà bạn nghĩ.
Điểm trừ đầu tiên của Automachef là phần tutorial, nhưng không phải thiếu thân thiện với người chơi mới mà là không đề cập đến một số thông tin quan trọng, cần thiết trong trải nghiệm. Chẳng hạn như khi bạn lắp đặt sai dây chuyền tự động ở một khâu nào đó, trò chơi lại không hướng dẫn người chơi cách gỡ bỏ thiết bị lắp sai đó. Ngay trong menu cũng không có phần mô tả về các phím bấm như thế nào. Tôi phải mày mò một lúc mới phát hiện ra đó là giữ nút B trên tay cầm Nintendo Switch khi tương tác với thiết bị cần gỡ bỏ. Đáng tiếc nhất là phiên bản Nintendo Switch mà tôi trải nghiệm không hỗ trợ điều khiển cảm ứng dù trải nghiệm và giao diện game rất phù hợp với điều khiển bằng cảm ứng.
Về cơ bản, trải nghiệm Automachef mang cảm giác giống series game giải đố kinh điển ngày xưa là Crazy Machines nhưng phức tạp hơn. Trong mỗi màn chơi, bạn sẽ nhận được yêu cầu ý tưởng, người chơi phải thiết kế dây chuyền tự động hóa và hiện thực hóa thiết kế để hoàn thành màn chơi. Ở chế độ chơi chính Campaign, bạn được cung cấp một số lượng thực phẩm tương đối hạn chế, khoản tiền đầu tư và số lượng nguyên liệu tối đa được sử dụng cũng như định mức điện năng tiêu thụ. Nhiệm vụ của người chơi là phải xây dựng hoàn chỉnh dây chuyền máy móc tự động, tạo ra các món ăn theo yêu cầu của thực khách đi kèm với một số yêu cầu phụ nặng tính thử thách dù không bắt buộc. Thế nhưng, ngay từ yêu cầu chính thì trải nghiệm vẫn nói dễ hơn làm.
Lối chơi của Automachef xoay quanh việc lắp đặt các thiết bị và gán các hoạt động cho chúng để di chuyển nguyên vật liệu sang khâu chế biến và xuất ra thành phẩm cuối cùng. Thế nhưng, trong khi phần tutorial khá chi tiết với mọi thứ gần như được cầm tay chỉ việc, phần chơi Campaign chính thức lại khiến tôi cảm thấy “nản lòng chiến sĩ”. Chào đón người chơi là một không gian sản xuất “trống vắng”, không có bất cứ thứ gì. Người chơi phải tự hình dung ra thiết bị tự động hóa của họ sẽ lắp đặt vào những vị trí như thế nào từ A tới Z, cũng như các băng chuyền sẽ chuyển hướng nguyên vật liệu ra sao để đạt hiệu quả tối ưu nhất. Trò chơi chỉ gợi ý một điều duy nhất là không gian màn chơi to hay nhỏ, tương ứng với mức độ quy mô của mô hình tự động hóa.
Ban đầu, trải nghiệm khá đơn giản nhưng độ khó càng tăng cao về sau, đòi hỏi người chơi phải tối ưu hóa mô hình tự động hóa, mang nhiều cảm giác như code phần mềm vậy. Bạn cũng phải đưa ra các thiết bị giống như các hàm trong code để thực hiện một số quy trình nhất định như phân loại nguyên liệu, rồi từ từ đến những cỗ máy tự động phức tạp hơn. Đơn cử như nhánh này nếu thỏa điều kiện này thì làm gì và nhân nhánh ra tiếp tục công việc ra sao. Những ai học hoặc làm về cơ khí, tự động hóa hoặc code chắc sẽ rất thích trải nghiệm mà Automachef mang đến, vì nó khá gần gũi với chuyên ngành của bạn. Dù vậy, cách mà nhà phát triển thiết kế trải nghiệm cũng rất đáng khen, tạo được sự hấp dẫn đối với các “tay mơ” không hiểu biết về những công việc nói trên như tôi.
Vấn đề lớn nhất của Automachef là phần lớn các câu đố đều không có nhiều hướng giải quyết. Thay vào đó, lời giải thường đòi hỏi người chơi hiểu rõ về cách thức vận hành của những thiết bị và lắp ráp nó vào đúng bộ máy tự động hóa định trước. Nếu có khác, có lẽ chỉ là khác biệt về vị trí thiết kế băng chuyền và điều này không làm thay đổi vấn đề nói trên. Nhiều yêu cầu màn chơi tưởng chừng nghe rất đơn giản, nhưng đòi hỏi “chất xám” từ người chơi khá nhiều trong khâu thiết kế và lập trình vận hành. Chẳng hạn, để tự động hóa việc chế biến một phần ăn hamburger giống như các cửa hàng thức ăn nhanh, bạn phải xây Assembler, Dispenser và Food Processor chỉ để phân loại nguyên liệu cần thiết trước khi chuyển sang khâu chế biến.
Thế nhưng đó vẫn chỉ mới là bề nổi, người chơi còn phải xây Electric Grill, các Robotic Arm (Dumb) và hàng loạt băng chuyền để thực hiện khâu chế biến và ra thành phẩm chuyển đến thực khách. Chưa hết, để đạt hiệu quả chi phí vận hành, bạn còn phải thiết lập các điều kiện để chuỗi thiết bị chỉ vận hành khi có đơn hàng, chứ không phải hoạt động liên tục ngay cả khi thực khách không gọi món, gây lãng phí nguyên vật liệu và chi phí tiền điện. Nói một cách khác, hệ thống của bạn thiết kế để tự động hóa khâu chuẩn bị và chế biến ra món ăn từ A đến Z, nhưng chỉ khi có đơn hàng chứ không phải hoạt động liên tục như các nhà máy chế biến đồ hộp. Đó là điểm khác biệt và cũng là thử thách lớn nhất mà người chơi phải giải quyết. Tóm lại, vẫn là nói dễ hơn làm.
Bên cạnh Campaign, trò chơi còn có thêm Contracts Mode cũng giúp Automachef tăng thêm giá trị chơi lại nếu bạn chưa cảm thấy thỏa mãn với phần “luyện não” của chế độ chơi chính. Nguyên lý vẫn vậy, người chơi giờ đây quản lý một công ty chuyên xây dựng các nhà bếp tự động hóa theo yêu cầu. Tiền kiếm được từ những công trình này giúp bạn mở khóa thêm nhiều thiết bị mới, trao cho người chơi cơ hội thực hiện những hợp đồng bếp tự động phức tạp hơn, đòi hỏi chất xám nhiều hơn. Nếu muốn tìm hiểu thêm về cách vận hành của các thiết bị, người chơi có thể sử dụng Test Site. Đặc biệt, bản PC có hỗ trợ Steam Workshop, cho phép bạn tự thiết kế và chia sẻ các “tuyệt tác” của mình để thử thách những người chơi khác trên khắp thế giới.
Bổ trợ cho trải nghiệm “nói dễ hơn làm” của Automachef là đồ họa mang phong cách hoạt hình dễ thương, đơn giản với những gam màu tươi sáng và những thiết bị, dây chuyền sử dụng tông màu xám nên khá nhẹ ở khía cạnh dựng hình. Có lẽ vì vậy mà tôi gặp vấn đề tụt giảm tốc độ khung hình hay hiệu nắng kém đáng chú ý nào trong suốt trải nghiệm. Thậm chí, tôi cũng không chắc đây có phải là một tựa game dựng hình 3D không hay chỉ là đồ họa kiểu 2D nhưng được thiết kế để tạo cảm giác 3D. Phần nhạc cũng vậy, được nhà phát triển sử dụng những bài nhạc dễ nghe với giai điệu nhẹ nhàng tạo cảm giác thư giãn, khá phù hợp với lối chơi “hại não” mà tựa game này liên tục mang đến trong suốt trải nghiệm.
Sau cuối, Automachef mang đến một trải nghiệm giải đố vô cùng hấp dẫn, độc đáo và không kém phần thử thách. Thế nhưng, dù không thể phủ nhận trò chơi mang đến một trải nghiệm thú vị, nhưng độ khó cao bất ngờ vào khoảng nửa sau trải nghiệm và yếu tố giải đố tuyến tính có lẽ là những điểm trừ đáng tiếc nhất của tựa game này. Dù vậy, nếu yêu thích dòng game giải đố, đây chắc chắn là một cái tên mà bạn không muốn bỏ qua.
Automachef được phát hành cho PC (Windows) và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác