Huawei đã đăng ký bản quyền tên gọi hệ điều hành Ark OS với văn phòng quản lý tài sản trí tuệ Trung Quốc. Tuy nhiên, dường như mọi người đều đang có cùng suy nghĩ: giải pháp của Huawei là khả thi hay mơ hồ?
Việc công bố hệ điều hành riêng dành cho các thiết bị di động là rất quan trọng trong bối cảnh Huawei đang đối diện với khả năng mất quyền tiếp cận với hệ điều hành Android OS của Google và nhiều ứng dụng phổ biến khác.
Là “ông lớn” trong ngành công nghệ, không ai nghi ngờ việc Huawei hoàn toàn có đủ khả năng xây dựng được hệ điều hành. Vấn đề là, hệ điều hành đó có thể theo kịp các hệ điều hành khác trên thị trường hay không.
Theo các chuyên gia, việc xây dựng một hệ điều hành cần đến rất nhiều nỗ lực về kỹ thuật. Một trong những điểm khó khăn về điện thoại chính là việc chúng quá khác nhau. Ví dụ, màn hình có cấu trúc vô cùng phức tạp và cần phải tương thích với camera hay một số linh kiện khác được lắp vào, điều này sẽ dễ hơn nếu nó chỉ để phục vụ cho điện thoại của Huawei.
Vấn đề là một hệ điều hành chỉ hoạt động với thiết bị của Huawei sẽ chẳng có ý nghĩa nhiều bởi để có thể thành công trong lĩnh vực này cần đến việc có nhiều bên yêu thích và sử dụng hệ điều hành đó. Như vậy nó sẽ giúp tạo ra hệ sinh thái riêng và thu hút được nhiều ứng dụng đi kèm với nó. Đó cũng chính là lý do hệ điều hành của Microsoft, BlackBerry và nhiều công ty khác thất bại.
Rõ ràng là thách thức xây dựng hệ điều hành riêng, phần mềm lõi kiểm soát phần cứng và nhiều phần mềm khác, không chỉ đơn giản nằm ở vấn đề kỹ thuật. Hệ điều hành đó cần phải nhận được sự ủng hộ của người dùng và nhiều công ty sản xuất ứng dụng quốc tế trong bối cảnh ngày một nhiều lo lắng về vấn đề an ninh.
Để hệ điều hành có thể chạy được ở mức độ tương đương như Android, Huawei sẽ còn quá nhiều việc phải làm. Hãng cần phải thuyết phục được các nhà sản xuất viết lại ứng dụng mà họ từng viết cho hệ điều hành iOS và sau đó đưa nhiều triệu ứng dụng lên kho ứng dụng.
Chi phí để làm điều này dĩ nhiên tốn kém, rất có thể hệ điều hành mới Ark OS của Huawei sẽ được xây dựng trên hệ thống Android nguồn mở. Việc xây dựng HĐH mới trên hệ thống Android nguồn mở có lợi thế là giúp các nhà phát triển chạy ứng dụng của họ dễ dàng hơn.
Nếu xây dựng một cấu trúc mới hoàn toàn mới, Huawei không những phải thống lĩnh thị trường Trung Quốc mà còn phải đủ khả năng để xâm nhập vào các quốc gia khác. Nhưng, khó khăn, thách thức đâu chỉ có bấy nhiêu.
Ngay cả khi vượt qua hết các thách thức trên, Huawei vẫn còn một mối lo ngại khác cũng không kém phần quan trọng: chipset. Kiến trúc thiết kế chip của ARM có mặt trong nền tảng của hơn 90% bộ xử lý di động trên thế giới. Tuy nhiên, vào tuần trước ARM cũng tuyên bố sẽ ngưng hợp tác với Huawei theo lệnh cấm của Mỹ.