Among Us là game multiplayer co-op hài hước với phong cách đồ họa kiểu hoạt hình “đáng ghét”, đòi hỏi sự tương tác giữa những người chơi với nhau để tìm ra “kẻ giấu mặt”. Game đang được cộng đồng Việt Nam gọi với cái tên: “Ma sói phiên bản vũ trụ”.
Mặc dù không phải là mới về thời gian phát hành lẫn cơ chế gameplay, nhưng Among Us bỗng nổi như cồn gần đây. Đáng chú ý, tựa game này không có gì mới mẻ về mặt ý tưởng so với nhiều cái tên có cùng công thức của board game “Ma Sói”. Trò chơi như phiên bản rút gọn về mặt ý tưởng gameplay của Project Winter hay Secret Neighbor mà tôi từng chơi hoặc bạn có thể nói ngược lại. Trong đó, một nhóm từ 4 đến 10 người chơi phải vừa tìm cách sinh tồn, vừa tìm ra ai là kẻ sát nhân trên tàu vũ trụ “nội bất xuất ngoại bất nhập”.
Khác biệt lớn nhất là tựa game của nhà phát triển Innersloth có đồ họa 2D đơn giản tận dụng những gam màu tối, sở hữu tạo hình nhân vật hài hước nếu không nói là khá ngốc xít. Trò chơi không có các cơ chế sinh tồn như Project Winter mà chỉ xoay quanh mục tiêu của hai đối tượng người chơi được hệ thống chọn ngẫu nhiên: Crewmate và Impostor. Một bên là “sói đội lớp cừu”, luôn tìm cách “tiễn vong” người khác rồi “thảo mai” đổ tội cho mọi người. Mục tiêu của những người chơi còn lại là tìm ra chân tướng kẻ thủ ác ẩn mặt.
Crewmate như bạn có thể hình dung là những người chơi thông thường. Nhiệm vụ chính là thực hiện việc sửa chữa phi thuyền thông qua các mini-game đơn giản và khá đa dạng, nhưng chỉ ở vài lần chơi ban đầu. Chúng chỉ xoay quanh những công việc đơn giản như nối dây điện hay xếp vật phẩm vào vị trí trong thời gian nhất định v.v… Vấn đề ở chỗ, đây là thời điểm sơ hở mà Crewmate gần như không thể nhận biết chuyện gì đang diễn ra xung quanh, dễ bị “người xấu” ra tay bất ngờ.
Thậm chí ngay cả khi bị Impostor sát hại, trải nghiệm của thành viên Crewmate quá cố vẫn tiếp diễn với đặc quyền nhỏ, hạn chế là không thể tương tác với những người chơi khác. Thế nhưng trong phần lớn trường hợp, những “nạn nhân” này đều thường rời khỏi game và để lại gánh nặng “nhà bao việc” cho những Crewmate còn sống. Ngược lại, Impostor là những kẻ ác đội lớp cừu với đam mê ném đá giấu tay, tạo hỗn loạn bằng cách phá hoại phi thuyền và tạo hiện trường “vụ án căn phòng kín” nhằm làm tăng ngờ vực giữa những người chơi.
Tuy Impostor không thể thực hiện hành vi sửa chữa phi thuyền thông qua các minigame, nhưng có thể tận dụng những nơi ẩn mình được thiết kế riêng cho nhân vật này cho kế hoạch “gắp lửa bỏ tay người”. Vấn đề ở chỗ, các Crewmate không thể truy xuất được cho những nơi này. Chưa kể, các Crewmate cũng không thể biết Impostor là ai đang cải trang trong số những người cùng chơi, tạo nên cảm giác ngờ vực lẫn nhau. Mối nghi ngờ càng tăng mỗi khi có nạn nhân mới trong số các Crewmate lại bị kẻ sát nhân giấu mặt ra tay.
Cơ chế “chiến đấu” của Among Us thậm chí còn đơn giản hơn, xoay quanh việc bình chọn (vote) ai là Impostor trong số những người chơi. Ai nhận số lượt bình chọn nhiều nhất sẽ bị “đá” ra khỏi phi thuyền và vòng lặp trải nghiệm cứ tiếp diễn như thế đến khi điều kiện thắng được đáp ứng. Với người chơi Impostor, chỉ cần “đâm sau lưng chiến sĩ” đủ số lượng nhân vật Crewmate mà vẫn “bình chân như vại” là thắng. Trong khi những người chơi Crewmate cần hoàn thành các nhiệm vụ sửa phi thuyền hoặc vote chính xác ai là Impostor.
Tuy mỗi ván cũng chỉ có tối đa 3 Impostor, nhưng do không thể làm nhiệm vụ hoặc “báo tử” giống các Crewmate, mức độ thành bại của người chơi này phụ thuộc vào khả năng “ngây thơ vô số tội” và “tổ lái” trước những cáo buộc thuyết phục mọi người “vote” cho bạn. Đáng chú ý, kỹ năng “Hitman” của Impostor cũng không thể sử dụng liên tục mà có thời gian cooldown. Trong khi đó, bị phát hiện có mặt hiện trường là một trong những tình huống “tình ngay lý gian” khó tránh khỏi khiến bạn bị mọi người lật mặt.
Ở góc độ người chơi, đây là ý tưởng hay ho tạo nên trải nghiệm kịch tính và hấp dẫn. Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của Among Us là mức độ “từng trải sự đời” của người chơi. Không dễ để các Crewmate tìm ra ai là Impostor khi chơi cùng một nhóm bạn lạ mặt. Càng chơi nhiều, khả năng mọi người “lật mặt nhau” ngày càng khó đến mức phải có chiến thuật “hack não”. Tuy nhiên, đó là khi mọi người trải nghiệm đúng với thiết kế mà không sử dụng những phần mềm hỗ trợ liên lạc và tương tác khác bên ngoài game.
Tôi từng gặp trường hợp chơi với một nhóm người lạ có lẽ là bạn bè của nhau và bị nạn nhân sử dụng quyền trợ giúp “gọi điện cho người thân” để mọi người cùng lật mặt tôi đang nhập vai Impostor. Điều này khá ức chế khi đó là ván public chứ không phải private có cài mật khẩu. Tương tự, khi chơi cùng nhóm bạn cũng cần có những nguyên tắc chung được đặt ra để tránh tình trạng “gian lận thi cử”, nếu không sẽ khiến trải nghiệm trở nên nhàm chán một cách nhanh chóng. Dù vô tình hay cố ý, đây là những hành vi “phá game” khá phổ biến.
Sau cuối, Among Us mang đến một trải nghiệm “lật mặt kẻ phản bội” khá kịch tính và thú vị với cơ chế gameplay đơn giản, dễ chơi và có thời lượng mỗi ván tương đối ngắn. Đây là cái tên rất đáng chú ý nếu có được nhóm bạn để cùng chơi cho mục đích thư giãn, vui vẻ giữa thời điểm giãn cách xã hội vì Covid-19. Thế nhưng, trải nghiệm cũng có nhiều rủi ro kém hào hứng hơn khi chơi cùng người lạ mà bạn nên cân nhắc.
Among Us hiện có cho PC (Windows), Android và iOS. Xem thêm bài kinh nghiệm chơi game Among Us.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác