Adore là trải nghiệm phiêu lưu hành động góc nhìn top-down có sự kết hợp giữa yếu tố nhập vai và roguelike, nhưng không chỉ dừng ở đó. Trò chơi còn xoay quanh khía cạnh bắt thú và đối đầu với những kẻ thù khác tương tự Coromon, nhưng với nhiều điều chỉnh gameplay thú vị vừa mang dấu ấn riêng vừa không kém phần thử thách và từng khiến đứa cháu hơn 10 tuổi của tôi phải khóc òa, dù có sự hỗ trợ của người viết trong quá trình trải nghiệm. Trò chơi có tính trừng phạt quá cao khi thu hồi mọi thứ nếu bạn để nhân vật thiệt mạng.
Adore lấy bối cảnh hỗn loạn ở thế giới Gaterdrik sau cái chết “thần của vạn sinh vật” Draknar và bị “ác thần của tận cùng” Ixer đánh cắp cái gọi là “nguyên thể thần thánh” Divine Essence. Cái tựa của trò chơi thật ra không thể hiểu theo nghĩa đen mà kỳ thực muốn ám chỉ cộng đồng những người thuần hóa quái vật luôn trung thành vào thần Darknar. Nhân vật điều khiển Lukha xấu số của người chơi là một trong số đó và được hồi sinh bởi một giọt nguyên thể còn sót lại của Darknar. Vậy là cuộc phiêu lưu bắt đầu.
Có lẽ tôi cũng chẳng cần phải đề cập cốt truyện của Adore không có gì đặc sắc và chỉ đơn thuần là cuộc chiến chống lại Ixer để thu hồi Divine Essence của thần Draknar về đúng người đúng chốn, khôi phục trật tự và hòa bình vốn ngự trị trên Gaterdrik bấy lâu. Tuy nhiên để hiểu được bối cảnh của trò chơi, người viết đã phải liên tục sử dụng tính năng phóng to thu nhỏ có sẵn trên Nintendo Switch mới có thể đọc được các con chữ rất nhỏ ở chế độ handheld của máy. Đây là điểm trừ quá quen thuộc trên hệ máy của Nintendo.
Bù lại, dù không sở hữu cốt truyện hấp dẫn hay đáng chú ý, nhưng nhà phát triển Cadabra Games cũng khá thành công trong việc xây dựng bối cảnh hoàn toàn mới mẻ cho Adore, thậm chí có thể mở ra series game hoàn toàn mới với truyền thuyết riêng. Sự tương tác giữa hai nhân vật Lukha đầy lạc quan và Draknar xấu tính trong mỗi nhiệm vụ luôn giữ cho trải nghiệm game bớt nhàm chán, bất chấp thuật toán phát sinh màn chơi trong khám phá và chiến đấu còn nhiều hạn chế khi tái sử dụng asset cũ rất thường xuyên.
Tương tự Monster Crown, trải nghiệm Adore cũng yêu cầu người chơi bắt và thuần hóa thú. Cụ thể, Lukha có thể thu thập những sinh vật này từ rương báu hoặc thông qua công cụ gọi Particles of Gaterdrik. Cách thứ nhất quá rõ ràng nên không có gì phải đề cập, trong khi giải pháp thứ hai thường mang cảm giác hên xui mà xui nhiều hơn hên. Sau khi ném công cụ nói trên, người chơi phải điều khiển Lukha tiếp cận thật gần trong nửa đường kính quanh con thú. Khi đủ thời gian tiếp xúc thì việc thuần hóa và bắt hoàn thành.
Vấn đề ở chỗ trong nhiều trường hợp, người chơi phải đối mặt với nhiều con thú trên màn hình, không thể sử dụng Particles of Gaterdrik mà không bị chúng tấn công hội đồng. Một phần nguyên nhân còn do cơ chế gameplay của Adore thiên về hành động thông qua điều khiển trực tiếp, thay vì hệ thống chiến đấu và bắt thú theo lượt như những tựa game có lối chơi tương tự trên thị trường. Đó là chưa kể màn chơi được kiến tạo theo thuật toán ngẫu nhiên và chia thành những hầm ngục chứa đầy những sinh vật chỉ chờ cấu xé bạn.
Hệ thống nhiệm vụ của Adore cũng không mấy đa dạng dù đây là điểm trừ cố hữu trong những tựa game có lối chơi tương tự, biến nó thành tính năng mà bạn không chịu thì cũng phải chịu. Tuy nhiên, thiết kế nhiệm vụ lười biếng của nhà phát triển Cadabra Games thì tôi cũng bó tay. Hầu như các nhiệm vụ chính đều có chung ý tưởng kịch bản. Nếu không yêu cầu bạn đi diệt sinh vật huyền thoại nào đó thì cũng thanh trừng các “tội đồ” Adorer phản phé nào đấy. Đã vậy, góc nhìn top-down cũng góp phần “phụ họa” điểm trừ nói trên.
Ở góc độ người chơi, Adore được xây dựng với nhiều hạn chế khó chịu, không tương xứng với tham vọng của đội ngũ phát triển. Chẳng hạn, Lukha chỉ có thể mang tối đa ba Particles of Gaterdrik nên người chơi phải cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định thuần hóa con thú nào. Chưa kể, các loại thú có thể thuần hóa trong game cũng không hề đa dạng như Nexomon: Extinction mà chỉ có bốn loại Beast, Nature, Mystic, Arcanae. Người chơi có thể sử dụng Synergy để cường hóa thú tạm thời cả khả năng chiến đấu và tăng kháng thuộc tính.
Bên cạnh sử dụng bốn loại thú tương khắc nhau, Lukha còn có thể nâng cấp Rune, Artifact, Trait để nhận thêm các buff hỗ trợ. Tuy nhiên, tính trừng phạt trong Adore quá cao khi lấy hết tất cả vàng và Fragment của người chơi mỗi khi bạn để nhân vật điều khiển thiệt mạng. Bên cạnh vàng, Fragment khá quan trọng vì cho phép người chơi mở khóa các nâng cấp vĩnh viễn và mang đến cơ hội “trường thọ” hơn cho nhân vật. Đó là vì Lukha không có khả năng chiến đấu mà chỉ có thể triệu hồi thú ra tay hộ.
Tuy nhiên, chiến đấu hộ trong trường hợp của Adore cũng rất khác những tựa game có cùng lối chơi. Thay vì triệu hồi chúng ra trong trận chiến theo lượt, người chơi gọi thú ra là chúng tự động chiến đấu trong thời gian ngắn thông qua các nút bấm trước khi “co vòi” và trốn mất. Một điểm khác biệt khác nữa là tuy mỗi con thú đều có thanh HP riêng, nhưng nếu bạn để chúng bị đánh cạn hết HP thì các sát thương sau đó trực tiếp rút đi thanh HP của Lukha, buộc người chơi phải có chiến thuật “thượng đài” cẩn thận.
Nếu không, bạn có thể vô tình rơi vào trường hợp “chết chùm” cả đám mà còn trắng tay cực kỳ ức chế. Điều duy nhất mà người chơi có thể làm là canh thời khắc hợp lý, cũng như điều chỉnh chính xác vị trí có tính chiến thuật để triệu hồi “thú chiến” ra tấn công và thu hồi chúng kịp thời trước khi kẻ thù động thủ. Thế nhưng nói dễ hơn làm, nhất là khi nhiều kẻ thù cùng xuất hiện trên màn hình. Lúc đó, hệ thống xác định mục tiêu trở nên rất tùy hứng và không dễ để bầy thú tuân thủ chính xác chiến thuật của người chơi.
Đã vậy, nhịp độ chơi khá nhanh của Adore đòi hỏi bạn phải có phản xạ nhanh nhạy trước các tình huống chiến đấu. Thậm chí, trải nghiệm trên Nintendo Switch còn gặp vấn đề liên quan đến thiết kế cố hữu của hệ máy này: độ chính xác thấp của cần analog trên tay cầm Joy-Con. Đó là tôi còn chưa đề cập đến thanh thể lực của Lukha, gián tiếp hạn chế số lượng thú mà người chơi có thể triệu hồi chiến đấu. Trong khi đó, việc thu hồi chúng lại giúp phục hồi phần nào thể lực, đòi hỏi bạn phải tính toán cẩn thận khi ra quân.
Bù lại, mỗi hầm ngục trong trải nghiệm Adore thường ngắn và có thể kết thúc tương đối nhanh, hiếm khi gây ức chế dù lối chơi khó tránh khỏi cảm giác lặp lại do thiết kế đặc trưng. Thế nhưng, khía cạnh nghe nhìn của Adore để lại cảm giác khá lẫn lộn. Đồ họa tuy có mức độ chi tiết cao nhưng đáng tiếc không có dấu ấn riêng. Hiệu năng không có gì đáng phàn nàn trên Nintendo Switch, nhưng nhạc nền và thiết kế âm thanh thì hơi nghèo nàn cộng với khía cạnh phát triển nhân vật gần như không có.
Sau cuối, Adore mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động khá hào hứng với nhiều ý tưởng mới mẻ so với những cái tên có cùng lối chơi trên thị trường. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là tính thử thách và trừng phạt cao hiếm thấy so với mức độ trung bình của dòng game này. Ngược lại, nếu nhiêu đó lý do không đủ thuyết phục bạn xuống tiền thì đây rõ ràng không phải tựa game dành cho bạn.
Adore hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!