Coromon là game nhập vai đầy hoài cổ của “hai thanh niên tham vọng quá cố” (Two Ridiculously Ambitious Guys) Jochem Pouwels và Marcel van der Made đến từ đất nước cối xây gió. Trải nghiệm game xoay quanh lối chơi bắt thú và luyện cấp cho chúng tiến hóa, gợi nhiều hoài niệm đến thời kỳ hoàng kim của series game Pokémon trên hệ máy cầm tay Game Boy Advance. Đây cũng là điểm khác biệt lớn nhất của trò chơi so với những “người anh em thiện lành” khác có cùng công thức gameplay, như Nexomon: Extinction hay Digimon Survive.
Cốt truyện game đưa bạn nhập vai người nghiên cứu chiến trận (battle researcher) tại trung tâm nghiên cứu Lux Selis ở Velua, chuyên nghiên cứu các sinh vật hoang dã coromon. Ngày đầu tiên đi làm, bạn được điều sang biệt đội Titan Taskforce, tham gia điều tra sáu titan khổng lồ ở vùng đất Velua. Thế nhưng ẩn đằng sau đó là hàng loạt sự kiện bất ngờ, đẩy nhân vật chính vào con đường cứu thế. Kỳ thực, Coromon sở hữu cốt truyện không quá đặc sắc nhưng được xây dựng khá chỉn chu, kết hợp cùng lối chơi hấp dẫn và có dấu ấn riêng.
Trò chơi có bảy loài coromon khác nhau cộng với sáu loài đặc biệt có hạn chế nhất định. Mỗi loài đều có ưu và khuyết điểm riêng khi đối đầu với coromon mang thuộc tính tương khắc, đòi hỏi người chơi phải chú ý khi lựa chọn đội hình coromon trong cuộc hành trình. Mặc dù không có thuộc tính đôi nhưng các đòn tấn công của coromon đều khá đa dạng, không nhất thiết chung thuộc tính của chúng. Thiết kế này giúp người chơi dễ dàng tận dụng một loài nhất định để đối đầu với nhiều coromon mang thuộc tính khắc, dù phải chấp nhận vài bất lợi.
Điểm trừ lớn nhất của Coromon là trải nghiệm khá nặng tính cày cuốc. Người chơi phải mất nhiều thời gian cày cấp cho các coromon, đặc biệt là thời điểm đầu trải nghiệm. Không những vậy, khía cạnh câu chuyện kể cũng diễn ra với nhịp độ rùa bò ở thời điểm này, khiến trải nghiệm game khá dễ nản nhất là những ai thiếu kiên nhẫn. Tuy nhiên, điều này không nhất thiết là điểm trừ vì nhà phát triển TRAGsoft xây dựng hệ thống độ khó có mức độ tùy biến cao. Bên cạnh các thiết lập từ dễ đến khó, bạn còn có nhiều tùy chỉnh giúp trải nghiệm game dễ hoặc thử thách hơn.
Một vấn đề mà tôi không thể không đề cập là game thiếu cân bằng, dễ dẫn đến trải nghiệm nặng tính lặp lại từ thiết lập độ khó mặc định trở lên. Cụ thể hơn, người chơi khó tránh khỏi việc cày cuốc cho party ở các khu vực khác nhau và liên tục quay về trung tâm cứu hộ gần nhất để “phục hồi nhân phẩm” cho các coromon trước khi tái chiến. Đó là vì chi phí mua vật phẩm thiết yếu trong Coromon khá đắt đỏ, trong khi số tiền kiếm được chủ yếu thông qua tranh tài cùng các battle researcher khác, hoàn thành nhiệm vụ trong game và Milestones.
Đáng nói, nếu để thua khi so tài với các battle researcher khác thì bạn còn mất một khoản tiền, trong khi số tiền kiếm được ở lần tái đấu sau đó lại thu không đủ bù chi ban đầu. Vấn đề tiền bạc chỉ đỡ hơn nhiều trong trải nghiệm về sau, nhưng nếu để thua trận nhiều lần thì khả năng phá sản vẫn rất cao. Không những vậy, tần suất các trận so tài với các battle researcher rất dày và Coromon không cho phép bạn từ chối những trận đánh này. Chỉ cần bị đối thủ nhìn thấy vốn là điều hầu như khó tránh khỏi, đó sẽ là trận sinh tử chiến.
Đây cũng là vấn đề trong Nexomon: Extinction, khiến người viết nhiều lần ức chế vì lâm vào tình trạng đã nghèo còn mắc cái eo. Chính vì vậy, cày cấp cho các coromon là giải pháp duy nhất mà bạn có thể làm để giành thắng lợi và lấy tiền của các battle researcher đi mua sắm thay vì ngược lại. Đã vậy, các trận đánh ngẫu nhiên cũng nhiều với tần suất liên tục. Có khi nhân vật chính chỉ mới di chuyển được vài bước là đã có trận ngẫu nhiên mới, trong khi vật phẩm để tránh các cuộc chiến này tốn khá nhiều tiền để mua.
Bù lại, trò chơi có nhiều ý tưởng khá thú vị mang dấu ấn riêng so với những game Pokémon kinh điển. Chẳng hạn coromon được xếp hạng lần lượt là Standard, Potent hoặc Perfect tùy vào chỉ số tiềm năng (potential) của chúng, thể hiện thông qua màu sắc khác biệt bên ngoài. Mỗi coromon có hai yếu tố phát triển độc lập là điểm kinh nghiệm, thể hiện bằng thanh màu vàng và điểm chỉ số (stats) hiển thị thông qua thanh xanh dương. Điểm kinh nghiệm thăng cấp và tự động tăng chỉ số cơ bản cũng như mở khóa kỹ năng mới cho coromon.
Ngược lại, điểm chỉ số cho phép người chơi tăng thủ công các chỉ số cơ bản. Đặc biệt, bạn có thể bật hoặc tắt bất kỳ kỹ năng nào của coromon khi chinh chiến, thậm chí dùng vật phẩm cho chúng học kỹ năng nhất định. Những thiết kế này cho phép người chơi tùy biến đội hình khá sâu, không cần cân nhắc buộc “quái sĩ” phải quên kỹ năng nào đó như các game Pokémon kinh điển. Yếu tố trồng cây ăn quả cũng khá thú vị, nhưng việc phải ghi nhớ vị trí gieo hạt để sau này quay lại thu hoạch hơi phiền một chút khi số địa điểm ngày càng tăng.
Checkpoint cũng được sắp đặt ở những vị trí phù hợp và khá tinh tế. Người chơi cũng có thể tận dụng tính năng save game thủ công bên cạnh autosave. Thú vị hơn, Coromon còn hỗ trợ cross-save trên các nền tảng mà trò chơi phát hành. Tính năng này cho phép người chơi dùng chung filesave giữa các hệ máy khác nhau và tiếp tục cuộc hành trình trên hệ máy khác rất dễ dàng. Ở góc độ người chơi, game có vài vấn đề nhỏ khiến tôi hơi khó chịu. Một trong số đó là nhiều đoạn chuyển cảnh cực ngắn nhưng rất dư thừa và phí thời gian người chơi.
Đơn cử khi vào thang máy, thay vì hỏi bạn muốn di chuyển lên hay xuống tầng rồi mới dựng diễn hoạt thì trò chơi làm ngược lại, tạo nên những đoạn chuyển cảnh trùng lắp. Khi chiến đấu cũng vậy. Coromon hiển thị rất nhiều thông báo về tình hình trận chiến và đầy đủ tình trạng của mỗi “đấu thủ”, ngay cả sau khi một trong hai bên đã ‘faint’. Mỗi dòng thông báo như vậy là một lần bấm nút để bỏ qua. Nó để lại cho người viết không ít cảm giác bực mình khi kết hợp cùng tần suất trận đánh ngẫu nhiên dày đặc và trải nghiệm nặng tính cày cuốc.
Đáng chú ý, Coromon cũng có tính năng đấu multiplayer online thông qua các trận xếp hạng hoặc giao lưu. Tuy nhiên, tính năng này có vài vấn đề kỹ thuật và không vận hành tốt như mong đợi. Do cả hai tuyến cáp quang xuyên biển đang đứt ở thời điểm bài viết, tôi không rõ đây là vấn đề của trò chơi hay do đường truyền internet chập chờn trong nước. Cụ thể, người viết gặp khó khăn khi tìm battle researcher so tài thông qua hệ thống ghép trận đấu của trò chơi. Thế nhưng ngay cả khi tìm được đối thủ, trận chiến lại có tình trạng lag rất khó chịu.
Đồ họa trong game tuy mang phong cách pixel, nhưng có sự chăm chút rất lớn với mức độ chi tiết cao. Điều này thể hiện rõ nhất ở tạo hình các coromon vô cùng đa dạng và đầy màu sắc, nhất là khi chúng tiến hóa nhìn khá ngầu. Đây là điểm cộng tuyệt vời với những ai không thích sự chuyển hướng của series game Pokémon sang đồ họa 3D gần đây. Tuy nhiên, hiệu năng của trò chơi khi gắn dock kém mượt mà hơn so với trải nghiệm ở chế độ handheld trên hệ máy của Nintendo, thấy rõ nhất là khi bật tính năng ‘always sprint’ trong Settings.
Đặc biệt hơn, Coromon còn hỗ trợ trải nghiệm game hoàn toàn bằng cảm ứng như bản mobile. Đây là tính năng mà tôi vô tình phát hiện trong quá trình trải nghiệm game. Người viết đã thử vô hiệu hóa hai tay cầm Joy-Con nhưng vẫn trải nghiệm được bình thường, không thấy xuất hiện yêu cầu phải kết nối tay cầm như các game khác. Cơ chế điều khiển trên màn hình cảm ứng của máy Switch trực quan, dễ thao tác không thua gì trải nghiệm bằng tay cầm, từ thao tác chạm biểu tượng để tương tác đến di chuyển nhân vật bằng cần analog ảo.
Sau cuối, Coromon mang đến một trải nghiệm nhập vai khá hấp dẫn, cuốn hút và đầy cảm giác hoài cổ. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là tính cày cuốc khá cao, cộng với nhịp độ câu chuyện kể ban đầu diễn tiến rất chậm. Nếu bạn yêu thích những bản Pokémon kinh điển ngày xưa, đây chắc chắn là cái tên không thể thiếu trong thư viện game. Ngay cả khi bạn là người chơi mới của thể loại bắt và thuần hóa thú này, đây vẫn là trải nghiệm rất đáng cân nhắc.
Coromon hiện có cho PC (Windows, macOS), Nintendo Switch và Android.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!