Sau một thời gian phát triển mạnh từ thời Nintendo 64 và PlayStation 2, dòng game đi cảnh 3D gần như tuyệt chủng trong nhiều năm gần đây. Thế nhưng năm nay, chúng ta lại chứng kiến sự trỗi dậy của thể loại một thời vang bóng này. Và Yooka-Laylee là một trong số đó mà tôi muốn giới thiệu đến các bạn.
Khi nhìn thấy những hình ảnh đầu tiên của Yooka-Laylee, tôi thậm chí còn tưởng trò chơi ăn theo dòng Banjo-Kazooie cũ. Phải đến khi tìm hiểu thông tin về trò chơi, mới hay đây là sản phẩm của đội ngũ Rare từng phát triển nhiều tựa game hay cho hệ máy Nintendo 64. Thú vị hơn, hai nhân vật chính trong Yooka-Laylee vẫn kế thừa cách đặt tên theo nhạc cụ của Banjo-Kazooie. Khác chăng chỉ là giờ đây là tắc kè và dơi thay cho gấu và chim.
Đồ họa của Yooka-Laylee khiến tôi cảm giác nhà phát triển đầu tư khá tử tế. Với thiết kế đầy ắp những gam màu tươi sáng và bắt mắt, thế giới trong Yooka-Laylee hết sức sinh động. Cảm giác trải nghiệm giống như bạn đang xem một bộ phim hoạt hình 3D chất lượng cao vậy. Chuyển động nhân vật khá mượt mà và tự nhiên. Điều này không khiến tôi ngạc nhiên vì trò chơi sử dụng Unreal 4 engine. Nhưng ở khía cạnh trải nghiệm, tôi có cảm giác engine này có vẻ không hợp lắm với những gam màu rực rỡ đầy màu sắc thế này. Nó phù hợp hơn với những môi trường màn chơi mang kiến trúc Gothic cổ kính và chút u tối.
Môi trường trò chơi cũng được xây dựng rất tốt. Rực rỡ và sống động. Bạn có thể cảm nhận rất rõ điều này khi quan sát nhân vật và môi trường trong trò chơi. Hai nhân vật chính Yooka-Laylee chẳng hạn, nếu để yên không làm gì một thời gian, bạn sẽ thấy chúng đùa giỡn với nhau. Hay xa xa kia, lũ bướm hồng đang tung cánh lượn lờ quanh bụi cây xanh rờn mát mắt chờ nhân vật chụp bắt. Thậm chí, các nhân vật phụ cũng được đầu tư xây dựng hình ảnh khá dễ thương. Trong số đó, nhiều gương mặt tôi thấy quen thuộc, dường như lấy cảm hứng từ nhiều phim hoạt hình nổi tiếng xưa cũ.
Về mặt gameplay, Yooka-Laylee thật sự tái hiện hoàn hảo trải nghệm dòng game đi cảnh 3D từ thời Nintendo 64. Nhưng điều này không hẳn là tốt, nhất là khi trò chơi điện tử đã phát triển không ngừng trong suốt gần 20 năm qua. Vấn đề lớn nhất của trò chơi là bạn hoàn toàn mù đường, không biết phải bắt đầu từ đâu. Yooka-Laylee không có chỉ dẫn hay gợi ý, cũng hoàn toàn không có bản đồ, gần như đánh đố người chơi.
Trong khi đó, Yooka-Laylee vẫn trung thành lối chơi đi cảnh 3D quen thuộc. Trò chơi có rất nhiều vật phẩm thu thập, đủ để bạn phải lùng sục khắp mọi ngõ ngách của trò chơi. Mục tiêu chính của người chơi là thu thập các Pagie, thực chất là những trang sách bị thất lạc. Càng tìm được nhiều Pagie, bạn có cơ hội mở thêm màn chơi mới hoặc mở rộng màn chơi cũ với nhiều thử thách mới hơn.
Để mở thêm màn chơi mới cũng là vấn đề đáng nói. Yooka-Laylee không thiết kế một trung khu để bạn chọn màn chơi khác như nhiều game hiện đại ngày nay, ví dụ như Rayman Origins. Thay vào đó, người chơi phải đi lùng sục khắp nơi để tìm lối vào màn chơi mới. Nếu nó dễ dàng thì không có gì đáng nói, đằng này trải nghiệm không khác gì một nhiệm vụ khó khăn để thử tài người chơi.
Bên cạnh các Pagie là nhiệm vụ chính, người chơi còn có thể thu thập các Butterfly, những con bướm lớn màu tím để mở rộng thanh máu cho nhân vật hoặc lông vàng (Quill) như một loại tiền tệ sử dụng trong trò chơi. Nhưng thú vị nhất vẫn là các Ghost Writer. Mỗi màn chơi đều có một số lượng Ghost Writer khác nhau, trốn sâu kín trong những nơi khó ngờ nhất của màn chơi. Nhưng việc tìm thấy chúng cũng không hẳn thu thập được chúng, bạn còn phải có kỹ năng cần thiết để “khuất phục” chúng.
Kỹ năng của người chơi có được từ Trowser. Hắn là một tên tay buôn có hình dạng con rắn màu đỏ với bộ mặt khá gian xảo như bản chất con buôn của hắn. Mỗi màn chơi đều có những kỹ năng mới, và Trowser bán thứ gì cũng đắt kinh khủng. Chính vì thế, bạn thường phải lang thang rất lâu trong màn chơi mới thu thập đủ Quill, rồi tìm Trowser để có thể mua được kỹ năng cần thiết. Bằng không, thường là người chơi sẽ chẳng bao giờ hoàn tất được màn chơi đó.
Một trong những vấn đề khiến tôi khá khó chịu là ở phần “lồng tiếng”. Các nhân vật nói chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ vô nghĩa, nghe khá nhức đầu. Nhưng điều khiến tôi phát bực nhất là thiết kế không cho phép bạn bỏ qua những đoạn chuyển cảnh. Mà những đoạn này thì các nhân vật tha hồ nói thứ tiếng ngoài hành tinh khó hiểu nào đó. Và cuối cùng là góc nhìn camera thường xuyên thay đổi rất tùy hứng, gây nhiều khó khăn khi bạn đang cần canh góc độ chính xác để thực hiện cú nhảy “thần sầu” nào đó.
Tựu chung mà nói, Yooka-Laylee đã thật sự kế thừa được tinh thần của Banjo-Kazooie trước đây. Thậm chí nếu tôi nói rằng trò chơi chỉ dành cho những fan cũ của Banjo-Kazooie cũng không hẳn là sai. Nếu đã từng trải qua thời thơ ấu với những tựa game đi cảnh 3D nổi tiếng thời Nintendo 64 hay PlayStation 2, bạn sẽ thích cái cảm giác hoài niệm xưa mà Yooka-Laylee mang đến. Còn nếu đã quá quen thuộc với phong cách game hiện đại ngày nay, có thể bạn sẽ không thể ưa nổi Yooka-Laylee một chút nào. Điều này có lẽ đúng ngay cả khi bạn thích lối đồ họa tươi sáng, sinh động của trò chơi.
Yooka-Laylee hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4 và Xbox One. Phiên bản Nintendo Switch dự kiến ra mắt trong năm nay.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!