Smart City là mô hình thành phố áp dụng công nghệ mới nhất để nâng cao chất lượng thành phố về mọi mặt.
Đến nay, thế giới vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về Đô thị thông minh/Thành phố thông minh. Nhưng về cơ bản, đó là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.
Sự xuất hiện của các “công nghệ 4.0” thực sự là động lực khiến xây dựng smart city trở thành một xu hướng phổ biến. Các quốc gia đang triển khai xây dựng đô thị thông minh trải rộng khắp thế giới như Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Brazil, Malaysia…
Ngay cả Ấn Độ (nơi GDP bình quân đầu người thấp hơn Việt Nam) cũng đã triển khai kế hoạch xây dựng 100 thành phố thông minh như là một đòn bẩy để phát triển kinh tế.
Nhiều công nghệ chủ đạo của nền công nghiệp 4.0 đang trở thành công cụ đắc lực cho việc triển khai xây dựng đô thị/thành phố thông minh, đặc biệt là với việc đáp ứng hai nhu cầu về nâng cao hiệu quả dự báo phát triển và vận hành đô thị.
Ví dụ, với IoT, các hệ thống vật dụng, thiết bị đều có khả năng cung cấp dữ liệu với quy mô lớn, giúp hình thành một cơ sở dữ liệu chi tiết cực lớn về nhiều lĩnh vực khác nhau. Phân tích dữ liệu lớn sẽ hỗ trợ việc chiết xuất các thông tin quan trọng trong quá trình ra quyết định của chính quyền, người dân và doanh nghiệp.
Ngày càng có nhiều những hệ sinh thái giải pháp thông minh đa dạng từ các nhà cung cấp giải pháp lớn cũng như các sản phẩm từ cộng đồng khởi nghiệp tạo ra một thị trường vô cùng sôi động đáng giá nhiều tỷ đô.
Nhờ đó, smart city có thể giải quyết nhiều vấn đề đa dạng của các đô thị: Từ quy hoạch đô thị, giao thông, y tế, chính quyền, an ninh trật tự, chất lượng môi trường, rác thải, giáo dục, năng lượng, đến cảnh báo ngập nước, nông nghiệp, thanh toán tài chính…