Zombotron là tựa game đi cảnh bắn súng màn hình ngang kết hợp với yếu tố twin-stick và một chút gì đó nhập vai.
Zombotron thật ra không phải là một tựa game mới, nhưng cũng không phải là một game cũ. Phiên bản mà tôi đang đề cập kỳ thực là bản làm lại từ series game Zombotron ngày xưa vốn được phát triển cho nền tảng Flash. Hiện nay, nhà phát triển vẫn cho phép người chơi trải nghiệm tựa game này trên trang chủ của họ gồm đủ cả ba phần chơi, với lối chơi đi cảnh bắn súng kết hợp yếu tố twin-stick khá độc đáo với phần điều khiển kết hợp giữa bàn phím và chuột. Phiên bản làm lại Zombotron cũng vẫn giữ nguyên cách điều khiển như cũ, nhưng được làm lại toàn bộ trải nghiệm cộng với hỗ trợ thêm điều khiển bằng tay cầm.
Nhân vật của người chơi là Blaze, một tay lính đánh thuê đang lần theo một tín hiệu bí ẩn trên hành tinh Zombotron. Khi tiếp cận, nhân vật chính của chúng ta nhanh chóng phát hiện ra đây là nơi cư ngụ của các zombie và nhiệm vụ nhanh chóng chuyển sang việc làm thế nào để bảo toàn mạng sống cho bản thân. Tất nhiên, đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhất là với lối trải nghiệm đặc thù của trò chơi cùng với hàng loạt vấn đề trong gameplay mà bạn sẽ gặp. Nói một cách khác, tựa game này tiếp tục ghi dấu mình vào danh sách những tựa game “khó xơi” đang ngày càng trở thành một xu hướng chung trong thiết kế game.
Trải nghiệm trong Zombotron mang tiếng là đi cảnh bắn súng nhưng lại thiên về yếu tố sinh tồn nhiều hơn. Trò chơi cung cấp cho bạn số lượng đạn dược khá ít ỏi, trong khi yếu tố twin-stick đòi hỏi sự chính xác cao khi bắn thì lại được thiết kế ít nhiều gây khó khăn cho người chơi. Ban đầu, bạn có thể cảm thấy việc bắn khá thoải mái, nhưng càng về sau người chơi sẽ dần nhận ra tiết kiệm đạn và bắn chính xác là hai điều kiện tiên quyết trong trải nghiệm tựa game này. Điều đó buộc người chơi phải chấp nhận rủi ro tìm kiếm khắp môi trường màn chơi để cố gắng kiếm thêm đạn cho cuộc chiến sinh tồn của nhân vật.
Cũng như đa phần những tựa game cùng thể loại khác, Zombotron thiết kế màn chơi khá tuyến tính. Ngoài một số yếu tố giải đố đơn giản để tìm vật phẩm hiếm hoặc để mở cửa, hầu hết màn chơi đều có giấu những khu vực ẩn thưởng thêm “đồ ngon” nếu bạn chịu khó khám phá. Người chơi cũng có thể thu thập tiền kiếm được trong trải nghiệm để mua thêm vũ khí mới hoặc đạn dược, nhưng giá khá đắt nên việc chấp nhận rủi ro tìm kiếm bí mật để đổi lấy trang bị xịn vẫn gần như là lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên, hành trang của nhân vật khá hạn chế. Dù game có nhiều loại vũ khí đa dạng và quen thuộc, nhưng bạn không thể mang theo tất cả vũ khí mà chỉ có thể chọn lựa một số trong đó mà thôi.
Nếu từng trải nghiệm những tựa game twin-stick trước đây, bạn sẽ nhận thấy lối chơi trong Zombotron khá quen thuộc. Về cơ bản, nhân vật của bạn di chuyển riêng rẽ với hướng bắn do cả hai yếu tố này được điều khiển độc lập với nhau từ phía người chơi. Đây là yếu tố khá đặc trưng của thể loại twin-stick, nhưng nó mang đến trong tôi cảm giác khá kỳ cục khi điều khiển nhân vật trong tựa game này. Blaze luôn xoay hướng theo điều khiển của súng, bất kể bạn di chuyển nhân vật đi về hướng nào. Không những vậy, cơ chế vật lý trong game tuy ban đầu tạo cảm giác khá thú vị, nhưng về sau lại dễ trở thành cơn ác mộng.
Thay vì tốn đạn để tiêu diệt kẻ thù, bạn có thể tận dụng yếu tố môi trường để tiêu diệt chúng bằng nhiều cách khác nhau, như đẩy thùng phuy rơi vào đầu hay kích nổ một thùng thuốc nổ nào đó v.v… Vấn đề ở chỗ, những yếu tố môi trường này cũng góp phần gây cản trở cuộc hành trình của người chơi rất nhiều. Không ít lần tôi bị mắc kẹt vào những yếu tố này khiến nhân vật chết rất oan uổng và hết sức ức chế. Nếu không cẩn thận, trải nghiệm Zombotron dễ dàng trở thành yếu tố “chọc giận” sự kiên nhẫn của người chơi. Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của trò chơi là các trận đánh boss.
Boss trong Zombotron đều “không phải dạng vừa đâu” và cực kỳ bá đạo có lẽ là mô tả ngắn gọn nhất về chúng. Ngược lại, nhân vật của người chơi lại luôn mang đến cảm giác điều khiển kém linh hoạt, đòi hỏi nhiều ở sự chú ý của bạn trong suốt quá trình trải nghiệm game. Chưa kể, boss không những là kẻ thù cực kỳ đáng gờm, mà còn khiến bạn cảm thấy game Sekiro: Shadows Die Twice vẫn còn “nhẹ tay” với người chơi lắm. Vì ít ra thì tựa game nói trên chỉ đòi hỏi nhiều ở kỹ năng người chơi, còn Zombotron thì có khi tài năng thôi chưa đủ mà bạn còn cần rất nhiều may mắn mới có thể chiến thắng.
Dù vậy, một số boss lại dễ bị người chơi cho ăn “quả lừa” rất nhẹ nhàng, nhưng tôi nghĩ đây là lỗi game và sẽ sớm được nhà phát triển khắc phục trong các bản vá tương lai. Điều thú vị là phiên bản làm lại của Zombotron mang nhiều cảm giác như nhà phát triển hướng đến đối tượng người chơi cũ thích hoài cổ, muốn tìm lại cảm giác trải nghiệm series game Zombotron phiên bản Flash ngày xưa hơn. Nếu từng chơi tựa game gốc, bạn sẽ thấy nhiều yếu tố quen thuộc, từ cách mà Blaze đi ngược như Michael Jackson cho đến hàng loạt các yếu tố gameplay trong phiên bản làm lại.
Thế nhưng, tựa game này cũng có một số điểm khác biệt đáng khen ngợi so với phần chơi đầu tiên trong series phiên bản Flash mà tôi đã trải nghiệm từ trang web của nhà phát triển. Dễ thấy nhất là nền đồ họa vẽ tay hoàn toàn mới chi tiết đến ấn tượng, cùng một số yếu tố nhập vai được bổ sung so với bản gốc trên nền Flash ban đầu. Các bí mật giờ đây được giấu kỹ hơn, đòi hỏi người chơi khám phá nhiều hơn và đôi khi cần một chút may mắn nữa. Tuy nhiên, độ khó của phiên bản làm lại cũng vì thế mà tăng khá cao so với ban đầu, nhất là càng về sau trải nghiệm thậm chí có lúc khá cao một cách bất ngờ.
Sau cuối, Zombotron mang đến một trải nghiệm run and gun khá hấp dẫn và thú vị khi kết hợp nhiều yếu tố gameplay cũ và hiện đại vào nhau một cách cân bằng và hài hòa. Nếu yêu thích series gốc trên nền tảng Flash, gần như chắc chắn bạn sẽ yêu thích phiên bản làm lại này ngoại trừ độ khó tăng cao. Ngay cả lần đầu đến với series này thì đây vẫn là một cái tên rất đáng chú ý của thể loại này. Tuy nhiên, một số yếu tố gameplay hoài cổ của trò chơi có thể khiến những ai chưa từng chơi phiên bản Flash từ trước gặp chút khó khăn ban đầu để làm quen.
Zombotron hiện chỉ được phát hành cho PC (Windows, macOS).
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!