Yomawari: The Long Night Collection là một bộ sưu tầm series game kinh dị sinh tồn, phát hành vừa đúng dịp Halloween năm nay dành cho nền tảng Nintendo Switch.
Khác với những tựa game kinh dị thường có những hình ảnh và môi trường rất đáng sợ, gây nên sự sợ hãi trong tâm trí người chơi ngay từ những hình ảnh đầu tiên thì Yomawari: The Long Night Collection ngược lại. Bộ sưu tầm này mang đến một thế giới với các nhân vật hết sức dễ thương. Ngay cả các bạn ma trong đó cũng có không ít những nhân vật rất đáng yêu, dù đằng sau đó thì chưa chắc mọi thứ đúng như bạn nghĩ. Đó có thể là một thế giới rất tăm tối với những yếu tố tâm linh kỳ lạ, những câu chuyện đau lòng hoặc những khoảnh khắc giật nảy người lạnh toát sống lưng. Đó chính là những gì mà bạn có thể mong đợi khi trải nghiệm Yomawari: Long Night Collection, mang đến cả hai phần chơi Yomawari trong một bộ sưu tầm game.
Yomawari là nhân vật biểu tượng của cả series, có hình dạng như một con sên với nhiều xúc tu và một mắt nhắm hờ hững. Dù vậy, nó có khả năng cảm nhận rất rõ mọi thứ xung quanh và lúc thì trở nên nguy hiểm vô cùng nhưng cũng có lúc lại rất tốt bụng, không biết đường nào mà lần. Đây là một sinh vật bí ẩn chỉ xuất hiện vào ban đêm, thường bắt cóc những bé gái đi lang thang lúc nửa đêm, bỏ vào một chiếc túi mà nó luôn mang theo. Người ta tin rằng nó là cái kén của nhiều linh hồn với những tính cách khác nhau. Ngoài việc cùng có sự xuất hiện của sinh vật này ra, Yomawari: Night Alone và Yomawari: Midnight Shadows không có gì liên quan về mặt nội dung. Cả hai chỉ có cùng phong cách đồ họa và lối chơi, nhưng lại mang đến cảm nhận rất khác biệt giữa hai trải nghiệm.
Trong Yomawari: Night Alone, người chơi sẽ vào vai một bé gái không rõ tên và tham gia vào cuộc phiêu lưu tìm kiếm người chị gái bị mất tích. Yomawari: Midnight Shadows thì đưa bạn đến với cuộc phiêu lưu của hai người bạn lạc mất nhau sau một buổi đi xem bắn pháo hoa cuối cùng trước khi chia tay. Với thứ “vũ khí” duy nhất là đèn pin trên tay, người chơi sẽ phải khám phá cả thị trấn và đối mặt với những nguy hiểm từ những con ma hay linh hồn và sinh vật ở khắp nơi, giải những câu đố để tìm người thân yêu. Cả hai đều mang đến cảm giác trải nghiệm hết sức cô độc khi lang thang trên những con phố vắng vẻ và tăm tối. Nhưng ẩn sâu trong đó là những cuộc chạy trốn bán sống bán chết để sinh tồn, những cảnh màn hình đỏ lòm mỗi khi bạn va phải một con ma nào đó.
Kinh khủng hơn là bạn không thể làm gì để chống trả ngoài việc soi đèn để thấy một số những linh hồn hay con ma lang thang. Trong khi bạn lang thang khắp nơi để tìm cách giải quyết một câu đố nào đó, thường là tìm lối đi khác để tiếp cận một khu vực nào đó trong trải nghiệm, một con ma có thể từ đâu đó bất ngờ chạy ngang qua lao thẳng vào bạn mà không kịp né tránh. Kết quả là màn hình đỏ hiện lên, người chơi bị ném về lại với bức tượng Jazu vừa dùng để dịch chuyển nhanh giữa các khu vực, mà cũng là một chỗ save nhanh giữa trải nghiệm. Phần lớn lối chơi của hai game trong Yomawari: The Long Night Collection đều tuyến tính và tập trung vào yếu tố thử và sai. Bạn sẽ để nhân vật chết rất nhiều vì những chướng ngại vật mà trò chơi đưa vào, và sau đó tự nhớ để né tránh chúng vào lần sau.
Yếu tố này có thể khiến trải nghiệm trở nên khá căng thẳng đến cùng cực, đòi hỏi tính kiên nhẫn rất cao ở người chơi. May mắn là ngay cả khi bạn để nhân vật chết giữa trải nghiệm thì những vật phẩm lấy được trước đó vẫn được giữ lại, giảm bớt yếu tố “đau khổ” cho người chơi. Tôi không nhớ tính năng này có từ khi trò chơi phát hành lần đầu các hệ PlayStation Vita, Windows và PlayStation 4 hay chỉ mới được bổ sung trong bộ sưu tầm Yomawari: The Long Night Collection cho nền tảng Nintendo Switch, nhưng nó giúp trải nghiệm đỡ ức chế hơn rất nhiều. Không chỉ vậy, người chơi còn phải chú ý đến nhịp tim của nhân vật, được hiển thị bằng một thanh dài ở dưới cùng màn hình.
Đây cũng là thanh sức khỏe của nhân vật cho mục đích chạy nhanh, nhưng khi đụng phải kẻ thù thì thanh này đập loạn xạ và thu lại rất nhanh mỗi khi bạn chạy. Nó nhanh hơn rất nhiều so với bình thường bạn chạy và không có kẻ thù nào xung quanh. Về mặt khoa học, khi bạn sợ hãi một điều gì đó, tim của bạn sẽ đập nhanh hơn và sản sinh nhiều hóc-môn adrenaline làm tăng nhịp tim và huyết áp, giúp cơ thể sẵn sàng chạy trốn khỏi nguy hiểm hoặc chiến đấu chống lại nỗi sợ hãi đó. Thế nhưng, nếu adrenaline tràn quá nhiều vào tim, nó sẽ là một chất độc và gây tổn thương cơ quan nên cơ thể không thể duy trì tình trạng này quá lâu và sẽ khiến bạn mất đi “sự can đảm” đó. Nếu xét về trải nghiệm thì đây là một hạn chế rất lớn cho nhân vật, nhưng nếu xét trên thực tế thì yếu tố này khá thú vị và có phần hợp lý.
So với nhiều tựa game khác khá lu mờ về sự đa dạng của các kẻ thù mà người chơi phải đối đầu thì Yomawari: The Long Night Collection ngược lại. Nếu tính cả hai phần chơi gộp lại thì trò chơi có một lượng kẻ thù hết sức đồ sộ và mỗi linh hồn hay con ma đều có cách tiếp cận khác nhau khá thú vị, giúp người chơi hiểu biết thêm về một văn hóa tâm linh và truyền thuyết của đất nước Nhật Bản. Cũng như bao tựa game kinh dị sinh tồn khác, “tránh voi chẳng xấu mặt nào” chính là cách duy nhất khi đối mặt với kẻ thù. Phổ biến nhất là bạn cho nhân vật núp trong bụi cây hoặc các biển hiệu lớn như hướng dẫn ban đầu của trò chơi. Trong một số trường hợp, khi kẻ thù đứng chắn một lối vào nào đó đang cần tiếp cận, người chơi cũng có thể đánh lạc hướng chúng bằng cách ném một hòn đá hoặc chiếc máy bay giấy.
Bên cạnh rất nhiều yếu tố gameplay được tái sử dụng lại từ Yomawari: Night Alone, bản thân phần chơi Yomawari: Midnight Shadows cũng có thêm một số cải tiến mới. Chẳng hạn như kẻ thù có thể tụ hội với nhau ở những lối ra vào, buộc người chơi phải kết hợp hoàn hảo giữa lối chơi hành động lén lút và ném vật phẩm đúng thời điểm để vượt qua. Những phân đoạn này mang đến ít nhiều cảm giác ức chế trong trải nghiệm, nhưng nó cũng thật sự khá thỏa mãn nếu bạn thực hiện kế hoạch hoàn mỹ. Mặt khác, phần chơi này cũng hướng đến yếu tố giải đố nhiều hơn so với phần đầu của series, các trận đánh boss cũng là một câu đố bí ẩn, đòi hỏi bạn phải thử và sai nhiều lần để tìm ra phương pháp tấn công đúng nhất so với phần đầu của trò chơi.
Tất nhiên, vì là một bộ tuyển tập game nên Yomawari: The Long Night Collection cũng không tránh khỏi những vấn đề cố hữu từ tựa game gốc. Một trong những vấn đề gây bực bội nhất trong trải nghiệm Yomawari: Night Alone là việc nhặt các vật phẩm trong game đòi hỏi vị trí chính xác ở cấp độ pixel, nhiều khi cực kỳ ức chế trong những tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”. Rất may là Yomawari: Midnight Shadows đã khắc phục vấn đề này. Tuy nhiên, với độ khó cao do chủ yếu dựa trên lối trải nghiệm thử và sai với tiết tấu nhanh chậm bất thường, nên cả hai tựa game có thể sẽ là một rào cản với những người chơi thích “đánh nhanh, rút gọn” và không có nhiều kiên nhẫn.
Bù lại, trò chơi có phong cách đồ họa đặc trưng hết sức ấn tượng, với giao diện được thiết kế cực kỳ đáng yêu sử dụng những hình vẽ ngộ nghĩnh như từ nét vẽ của một đứa trẻ. Thú vị hơn là cả hai tựa game đều có sự vận dụng âm thanh tiếng động rất tuyệt vời, giúp tăng thêm sự căng thẳng trong trải nghiệm. Từ tiếng rầm rầm của sàn nhà hay tiếng sột soạt của những bụi cây trong khu rừng, rồi đến cả những tiếng gào của những con sinh vật có hình thù kỳ quái, tất cả đều góp phần làm tăng căng thẳng trong trải nghiệm lên rất nhiều, có thể khiến bạn giật mình đánh rơi cả máy Nintendo Switch khi đang trải nghiệm.
Sau cuối, Yomawari: The Long Night Collection mang đến một trải nghiệm rất đúng giống như ông bà ta hay nói là đừng “nhìn mặt mà bắt hình dong”. Đằng sau sự dễ thương của các nhân vật và đồ họa thì trò chơi mang đến một trải nghiệm kinh dị sinh tồn với rất nhiều sinh vật kỳ lạ hay thậm chí là kỳ cục. Nhưng đằng sau những kẻ thù kỳ lạ hay thậm chí xấu xí, cục mịch, có khi là cả một câu chuyện thú vị nào đó chứ không xấu xa như những gì bạn thấy. Chưa kể, cả hai trò chơi còn lồng ghép rất nhiều nhiệm vụ phụ bằng các câu chuyện dựa trên truyền thuyết dân gian của Nhật Bản rất thú vị, chẳng hạn như câu chuyện về cô nữ sinh Hanako vào thời Thế chiến thứ hai. Nếu yêu thích thể loại kinh dị sinh tồn và sở hữu Nintendo Switch, đây là một bộ sưu tầm mà bạn không nên bỏ qua.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!