Site icon TRAINGHIEMSO.VN

Đánh giá game Yomawari: Lost in the Dark

Đánh giá Yomawari: Lost in the Dark

Yomawari: Lost in the Dark là trải nghiệm kinh dị sinh tồn được xây dựng từ cảm giác hoang mang và sợ hãi của người chơi. Nói thế nhưng đây kỳ thực là phần chơi thứ ba trong series game Yomawari luôn có điểm chung là phong cách tạo hình nhân vật điều khiển rất dễ thương giữa bầu không khí rùng rợn rất đáng sợ. Ẩn sâu trong trải nghiệm là câu chuyện kể tăm tối, mang đậm màu sắc tâm linh của đất nước mặt trời mọc với các loại yokai, đặc biệt là nhân vật biểu tượng Yomawari.

So với các phần chơi trước, Yomawari: Lost in the Dark bổ sung ý tưởng che mặt khá thú vị nhằm mang đến trải nghiệm đáng sợ hơn. Thế nhưng, phần chơi này cũng có bước lùi trong xây dựng bối cảnh khi tái sử dụng khá nhiều asset trong hai bản Night Alone và Midnight Shadows. Không những vậy, game dường như hướng đến người chơi mới hơn khi trải nghiệm có tính cầm tay chỉ việc khá nhiều. Nước đi này để lại cho người chơi lâu năm của series này như tôi chút cảm giác trái chiều.

Bù lại, những điểm cộng của các phần chơi cũ vẫn tiếp tục được “đo ni đóng giày” cho trải nghiệm Yomawari: Lost in the Dark. Từ bầu không khí rùng rợn đặc trưng cho tới hiệu ứng ánh sáng lúc mờ lúc tỏ khi cần thiết, góp phần không nhỏ mang đến những màn hù dọa kinh điển tưởng không đáng sợ ai ngờ đáng sợ không tưởng. Thậm chí ngay từ đầu trải nghiệm, nhà phát triển còn nhấn mạnh họ không chịu trách nhiệm nếu bạn lơ là trong giây lát và cái kết không mong đợi bất ngờ xảy ra.

Thú vị hơn, Yomawari: Lost in the Dark còn cho phép người chơi tùy biến tạo hình của nhân vật điều khiển dù chỉ vài thay đổi nhỏ. Lời khuyên của tôi là bạn nên tùy biến sao cho nhân vật nổi bật nhất trong trải nghiệm, thay vì quan tâm đến hình tượng nhân vật nhất định. Tuy nhiên, bạn cũng đừng lo nếu tạo hình ban đầu không như ý khi trải nghiệm diễn ra. Trò chơi cho phép bạn tùy biến lại bao nhiêu lần cũng được mỗi khi đưa nhân vật chính về nhà nghỉ ngơi thay cho ‘save game'.

Dù chưa gây sốc bằng bản Midnight Shadows, nhưng Yomawari: Lost in the Dark mở đầu khá tăm tối. Nhân vật của người chơi là cô bé Yuzu với những hình ảnh không lẫn vào đâu được của vấn nạn bạo lực học đường. Sau phần giới thiệu nhân vật để lại nhiều cảm xúc rất khó chịu, nhân vật chính thấy mình đang ở giữa khu rừng hoang vu đáng sợ. Trong quá trình tìm lối ra khỏi đây, người chơi gặp cô gái bí ẩn biết rõ về thân thế Yuzu và hé lộ cô bé bị trúng lời nguyền cùng cách hóa giải.

Vậy là cuộc phiêu lưu của Yuzu bắt đầu với mục tiêu chính là tìm manh mối về những mảnh ký ức bị quên lãng. Mỗi vật phẩm ký ức đều gắn liền với khu vực khác nhau như những câu đố chờ bạn giải quyết trước khi trời sáng, thời điểm mà lời nguyền cướp lấy sinh mạng của nhân vật chính. Kỳ thực, mặc dù mô típ câu chuyện kể không mới nhưng ẩn trong đó là nhiều nút thắt bất ngờ đầy cuốn hút, đúng như phong cách kể chuyện quen thuộc của series game Yomawari từ trước đến nay.

Lựa chọn đề tài ít được khai thác khi mô tả những mặt trái của xã hội tiếp tục là điểm cộng của Yomawari: Lost in the Dark như các phần chơi trước. Trải nghiệm game là nhiều câu chuyện kể khác nhau thông qua các nhiệm vụ phụ được chấp bút rất sâu sắc ở mọi khía cạnh. Chẳng hạn Yuzu tìm thấy linh hồn của con chó bị giết hại dã man, không biết có liên quan gì đến phần mở đầu của bản Night Alone? Hay như câu chuyện về người mẹ tìm kiếm đứa con thất lạc đã lâu.

Điểm chung của khía cạnh câu chuyện kể trong Yomawari: Lost in the Dark đều là những chuỗi bi kịch trong cuộc sống. Tuy nhiên, người viết không dám gọi đó là các câu chuyện mang đậm tính nhân văn. Chúng chắc chắn tác động không nhỏ đến cảm xúc của người chơi, nhưng không phải ai cũng đủ kinh nghiệm sống và từng trải để cảm thụ tấn bi kịch tưởng chừng không lối thoát đó. Chính vì vậy, cách mà Yuzu tôn trọng và có sự đồng cảm phù hợp với từng câu chuyện khiến tôi khá bất ngờ.

Ở góc độ người chơi, khó có thể phủ nhận khía cạnh kể chuyện của Yomawari: Lost in the Dark được xây dựng rất xuất sắc. Không dễ để lồng ghép những tình tiết đó vào trải nghiệm một cách tự nhiên, nhất là khi mọi thứ diễn ra liền mạch trong quá trình khám phá. Không những vậy, những món đồ mà bạn thu thập được đều cung cấp cho người chơi manh mối mới hoặc để giải một câu đố thúc đẩy câu chuyện kể tiếp diễn. Tuy nhiên, khía cạnh này ít nhiều để lại cho tôi cảm giác khá trái chiều.

Kỳ thực so với hai phần chơi cũ của series game này, Yomawari: Lost in the Dark cầm tay chỉ việc người chơi quá nhiều. Trong suốt trải nghiệm, Yuzu thường gợi ý rất cụ thể khi bạn thu thập được vật phẩm này dùng để giải đố ở đâu đó. Đã thế, phần chơi này còn bỏ luôn tính năng trở về nhà từ menu. Giờ đây, bạn chỉ có thể dùng đồng xu quý hiếm thường dùng cho mục đích save game tại bức tượng Jizo để dịch chuyển nhanh về vị trí bức tượng gần nhà nhất nếu muốn quay lại nhà.

Ngược lại, điểm cộng lớn nhất của Yomawari: Lost in the Dark là bầu không khí đặc trưng khi mọi thứ gây sợ hãi có thể ẩn giấu bất kỳ đâu trong các khía cạnh của trò chơi. Chính vì không biết khi nào chiêu hù dọa mới sẽ xuất hiện khi bạn đang đi lang thang trong thị trấn, khiến người chơi luôn trong trạng thái bị động trước mọi tình tiết diễn ra. Từ con đường lặng lẽ tưởng chừng vô hại cho tới hẻm nhỏ tăm tối hay thậm chí bên trong tòa nhà vắng vẻ không một bóng người nào đó.

Bạn có thể vô tình bắt gặp bóng ma lang thang ở bất kỳ đâu, đôi khi tạo cảm giác như sự xuất hiện của những linh hồn này đều là ngẫu hứng. Phần lớn yokai đều không tấn công nhân vật chính trừ khi Yuzu mở mắt nhìn chúng. Trong trường hợp vô tình hay cố ý nhìn, nhịp tim của Yuzu đập rất nhanh giúp người chơi nhanh chóng “quay đầu xe” khi cần thiết. Vấn đề ở chỗ, nếu tim đập loạn nhịp thì bạn không còn sức lực để bỏ chạy và chuyện bị ma bắt gần như chắc chắn xảy ra.

Chưa kể, cơ chế “không thấy thì không sợ” được lồng ghép vào trải nghiệm góp phần mang đến cảm giác rùng mình xuyên suốt. Điều thú vị là tạo hình của các yokai trong Yomawari: Lost in the Dark thường gợi sự tò mò rất lớn. Chính vì thế mà không hiếm lần, người viết đều “vô tình” quên mất việc phải bỏ chạy khi lần đầu bắt gặp một con ma có hình thù lạ lẫm nào đó. Mặc dù vậy, trò chơi cũng không nặng tính trừng phạt khi bạn chỉ bị đưa về điểm save game gần nhất và không mất gì.

Đáng chú ý, trừ một số khoảnh khắc đong đầy cảm xúc nhất định, trò chơi có rất ít bản nhạc nền cất lên trong suốt thời lượng chơi. Phần lớn trải nghiệm chỉ có âm thanh tiếng động môi trường được thiết kế và xử lý khéo léo, thường xuyên tạo cảm giác căng thẳng lạnh sống lưng trong suốt trải nghiệm game, mở màn cho những pha hù dọa khiến bạn giật mình vì cảm giác bất ngờ. Mặt khác, những âm thanh này còn giúp người chơi nhận biết nguy hiểm và che mắt Yuzu kịp thời khi cần.

Đồ họa vẫn tiếp tục là điểm cộng của Yomawari: Lost in the Dark tương tự các phần chơi cũ trong series. Trò chơi vẫn sử dụng giao diện game như bức vẽ tay của trẻ con và nhân vật đáng yêu quá mức cần thiết, tạo sự tương phản đầy nổi bật giữa thế giới trong game với những bóng ma lẩn khuất bất kỳ nơi đâu trên cung đường mà bạn di chuyển. Đó là sự kết hợp hoàn hảo và cân bằng về tính thẩm mỹ, sự tương phản cũng như bầu không khí đặc trưng trong suốt trải nghiệm game.

Sau cuối, Yomawari: Lost in the Dark mang đến một trải nghiệm kinh dị sinh tồn khá đặc sắc với nhiều “chiêu trò” thú vị. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là lối chơi thử sai đến khi đúng giảm dần hiệu quả hù dọa một khi bạn  bắt đầu nhận ra và “bắt bài” trò chơi. Bù lại, các khía cạnh khác của trò chơi đều được xây dựng xuất sắc, xứng đáng là cái tên phải có trong thư viện game của các tín đồ thích cảm giác bị hù.

Yomawari: Lost in the Dark hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4 và Nintendo Switch.

Nintendo eShop

Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.

Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm Số  
Xem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Exit mobile version