Xuan Yuan Sword 7 phần chơi chính thứ bảy trong series Hiên Viên Kiếm đình đám của nhà phát triển Softstar Entertainment. Trò chơi ra mắt lần đầu năm 2020 và đã đưa người chơi chinh chiến trên phần lớn các nền tảng, trừ hệ máy của Nintendo. Khi thông tin game được phát hành cho Switch được công bố, người viết có chút hoài nghi về tính khả thi của bản chuyển nền này. Đó là vì ngay chính bản PlayStation 4 mà tôi trải nghiệm cách đây vài năm cũng còn chưa được tối ưu tốt hiệu năng, đặc biệt là ấn tượng không tốt từ Sword and Fairy 6 trước đây.
Dành cho bạn nào không biết, Hiên Viên Kiếm là series game nhập vai giả tưởng lịch sử xoay quanh truyền thuyết về thanh kiếm cùng tên. Mỗi phần chơi kể một câu chuyện về Hiên Viên kiếm và Xuan Yuan Sword 7 cũng không ngoại lệ. Tương truyền vào thời kỳ đầu của thế giới, thần Nữ Oa tạo ra hai loài sinh vật là loài người và loài quái vật. Hai loài này cứ hục hặc với nhau thành cuộc chiến bất tận. Loài người tạo ra Hiên Viên kiếm với nỗ lực kết thúc cuộc chiến, tuy thành công nhưng cũng gây nhiều thương vong nặng nề cho đôi bên.
Xuan Yuan Sword 7 lấy bối cảnh vào cuối triều Tây Hán, khi Vương Mãng chiếm ngôi và thành lập nhà Tân gây nên nhiều xáo trộn trong đời sống người dân. Nạn đói hoành hành, dịch bệnh lây lan, quái vật xuất hiện, khắp nơi lầm than. Trải nghiệm game đưa người chơi đến với câu chuyện của hai anh em nhà Thái Sử Lệnh sau trận hỏa hoạn diệt môn. Không ai biết rõ chuyện gì đã xảy ra 10 năm sau đó. Người chơi chỉ được biết hiện tại ở Tiều Ca thôn, Thái Sử Sương bị bệnh rất nặng trong khi Thái Sử Chiêu bỗng có siêu năng lực. Cuộc phiêu lưu bắt đầu.
Dù mở đầu câu chuyện kể với nhiều tình tiết dồn dập, nhưng cách kể chuyện của Xuan Yuan Sword 7 khá rời rạc, nhịp độ thiếu nhất quán. Một phần có lẽ do câu chuyện kể trong game về sau dính nhiều đến Hiên Viên kiếm, nhưng thiếu các sự kiện để hậu thuẫn nội dung cho yếu tố quan trọng này. Tuy trò chơi có hẳn mục bách khoa toàn thư để người chơi tìm hiểu thêm, nhưng tôi đồ rằng có mấy ai dành thời gian ngồi đọc các mô tả và thuật ngữ đặc thù của series này bằng tiếng Anh. Chưa kể tình tiết cốt truyện cũng không quá mới mẻ.
Thậm chí nếu bạn là người chơi từng một thời mê mẩn những bộ phim tiên hiệp, kiếm hiệp đình đám cũng như các RPG nổi tiếng của thập niên 90 như tôi, các tình tiết và âm mưu trong Xuan Yuan Sword 7 càng trở nên kém hào hứng hơn rất nhiều. Có chăng chỉ những ai đó giờ không xem phim tiên hiệp, kiếm hiệp hoặc/và chưa từng trải nghiệm các RPG “cây đa cây đề” ngày xưa mới cảm thấy hào hứng với cốt truyện đơn giản trong game. Phần chuyển ngữ tiếng Anh tuy làm tốt nhưng khó có thể truyền tải đầy đủ do đặc thù ngôn ngữ.
Chẳng hạn minigame Zhuolu Chess chỉ đọc lên thôi cũng thấy không thể suôn và mềm mại bằng cờ Trác Lộc khi phiên âm ra. Đây là môn cờ do nhà phát triển tự sáng tạo, không rõ lấy cảm hứng từ môn cờ nào. Cá nhân tôi thấy nó giống sự kết hợp giữa cờ ca rô và cờ gánh, nhưng sử dụng luật chơi đặc biệt. Ở các nền tảng khác, minigame này có liên quan đến tuyến nhiệm vụ phụ gắn liền với một achievement/trophy. Tuy nhiên Xuan Yuan Sword 7 phiên bản Switch không có hệ thống tương tự nên bạn không cần quan tâm đến cũng được.
Tương tự, hệ thống nhiệm vụ phụ trong game ít có sự kết nối trực tiếp hay bổ trợ câu chuyện kể cho cốt truyện chính. Hầu hết nhiệm vụ phụ đều đòi hỏi bạn chạy việc cho NPC, với đầy đủ yếu tố cầm tay chỉ việc y như hệ thống nhiệm vụ chính. Người chơi có thể tận dụng hệ thống dịch chuyển nhanh gọi là Guard Stone để di chuyển qua lại giữa các khu vực thôn làng, thị trấn khác nhau cho mục đích trải nghiệm game và làm nhiệm vụ. Tôi chỉ cảm thấy ức chế nhất là nhiệm vụ chính cuối cùng có tính “cà khịa” người chơi chạy lòng vòng đến mệt mỏi.
So với PS4, đồ họa bản Switch của Xuan Yuan Sword 7 có sự suy giảm chất lượng rất nhiều. Những khung cảnh hoa mỹ lộng lẫy giờ đây chỉ bằng khoảng 50%. Từ độ phân giải texture rất thấp cho tới các hiệu ứng đồ họa cũng gần như bị cắt bỏ hoàn toàn. Đổ bóng hầu như không có, trong khi những phân cảnh chiều tà hay hửng sáng đều được xử lý lại ánh sáng nhìn rất lạ lẫm, cứ như nhân vật đang bị chói mắt vậy. Trường nhìn cũng có sự thay đổi, khiến những bối cảnh xa đều bị ánh sáng như lớp sương mù giả tạo che khuất.
Thậm chí trong nhiều trường hợp, đội ngũ chuyển nền phiên bản Switch còn phải sử dụng kỹ thuật làm mờ hậu cảnh hoặc tiền cảnh để giảm gánh nặng xử lý đồ họa cho phần cứng của Switch. Không hiếm tình huống mà các nhân vật đứng ở tiền cảnh bị làm mờ nhòe để làm nổi bật hậu cảnh hoặc ngược lại, đôi lúc khiến người viết cảm thấy khó chịu. Có cảm giác Xuan Yuan Sword 7 đã đẩy giới hạn cực đại lên phần cứng hệ máy của Nintendo. Vì khi tôi chơi ở chế độ gắn dock, máy Switch sạc cực lâu so với nhiều game khác.
Tuy đồ họa suy giảm, nhưng chất lượng hình ảnh khi trải nghiệm ở chế độ handheld vẫn rất tốt, tương đương khoảng 7/10 so với phiên bản PS4, chủ yếu do màn hình Switch nhỏ dễ che đi những khiếm khuyết về hình ảnh. Khi xuất hình ra tivi thì chất lượng suy giảm nhiều hơn. Trừ khi bạn không có lựa chọn nào khác, người viết khuyến cáo không nên trải nghiệm Xuan Yuan Sword 7 phiên bản Switch trên tivi. Về vấn đề hiệu năng, phiên bản này có tốt lẫn tệ hơn bản PS4.
Cụ thể phân cảnh nhất định, chẳng hạn Kỳ Đế sơn ở đầu game có hiệu năng kém mượt mà khi chơi trên PS4, nhưng lại khá ổn định trong trải nghiệm bản Switch. Thế nhưng do hạn chế phần cứng nên tốc độ khung hình của Xuan Yuan Sword 7 phiên bản Switch có những lúc không thể duy trì ổn định. Mặc dù trò chơi được thiết lập 30fps, nhưng có những tình huống chiến đấu khi các nhân vật sử dụng đồng loạt kỹ năng cá nhân, chuyện tụt còn trên dưới 20fps không phải hiếm. Thỉnh thoảng còn có tình trạng giật nhẹ không rõ nguyên nhân.
Hấp dẫn nhất là hệ thống chiến đấu được thiết kế khá đơn giản, vừa mang cảm giác hành động nhập vai với nhịp độ nhanh vừa có chút yếu tố soulslike làm màu. Nhân vật điều khiển thi triển võ công thông qua bốn loại võ thú khác nhau, học được thông qua đánh hạ boss. Tuy nhiên, người viết chỉ thấy võ trâu và võ gấu là thật sự hữu ích, còn các võ học còn lại tương đối vô dụng trong trải nghiệm chiến đấu. Bên cạnh võ học, người chơi còn có thể dùng Thiên Thư Chi Lực (Elysium Rift) để làm chậm thời gian, mang đến lợi thế cho nhân vật trong chiến đấu.
Cảm giác chiến đấu trong Xuan Yuan Sword 7 khá hào hứng khi các đòn combo được triển khai thông qua bấm nút liên tiếp, thay vì chuyển đổi qua lại giữa các kỹ năng khác nhau như một số tựa game mà tôi từng chơi. Nâng cấp võ học để học thêm kỹ năng mới cũng rất dễ dàng, chỉ cần bạn thành thạo thế võ đó. Chính xác là sử dụng càng nhiều thì càng thành thạo và mở khóa kỹ năng mới. Những kỹ năng mới này được sử dụng tự động thành các đòn combo khi người chơi bấm nút tấn công, giúp chiến đấu trở nên đơn giản mà vẫn hấp dẫn.
Yếu tố soulslike trong Xuan Yuan Sword 7 thể hiện ở khoảnh khắc bấm nút đỡ để phản đòn, lăn người né tránh và ngồi tán gẫu ở lửa trại. Thế nhưng những tính năng này trở nên khá nhạt nhòa trong trải nghiệm chiến đấu vì độ khó của game không cao ở thiết lập Normal. Cảm giác phản đòn cũng không rõ ràng và khó canh chính xác bằng các game soulslike thật sự. Ít ra thì trò chơi không có tình trạng độ trễ bấm nút cao như Pascal’s Wager, dù phiên bản Switch đã tận dụng hết sức mạnh phần cứng trên hệ máy của Nintendo.
Ngược lại, khía cạnh khám phá trong Xuan Yuan Sword 7 để lại cảm nhận khá trái chiều. Nguyên do là tuy đa dạng khung cảnh nhưng khía cạnh khám phá được xây dựng rất tuyến tính. Nhiều thiết kế của trò chơi cũng gần như không khuyến khích người chơi làm điều này. Những phân đoạn đi cảnh, leo trèo thể hiện rõ nét nhất điều này. Nhân vật không thể nhảy, người chơi chỉ có thể bấm nút để tương tác khi tiếp cận các khu vực cần leo trèo, đi cảnh. Nhiệm vụ của bạn sau đó là bấm nút di chuyển để nhân vật tự biên tự diễn phần diễn hoạt.
Khía cạnh tùy biến nhân vật cũng hầu như không có trong Xuan Yuan Sword 7. Thay vào đó là hệ thống chế tác và nâng cấp gọi là Thiên Thư (Elysium). Hệ thống này chia các trang bị như vũ khí, phụ kiện, trang phục thành những thành phần workshop khác nhau. Người chơi phải nâng cấp các workshop này để có thể nâng cấp các trang bị nói trên thành phiên bản tốt hơn với một số lựa chọn vô cùng hạn chế. Đã thế, những trang bị này chỉ để tăng chỉ số hoặc buff chứ không thể hiện lên ngoại trang hay tạo hình nhân vật.
Dù vậy, chế tác đóng vai trò khá quan trọng trong trải nghiệm Xuan Yuan Sword 7, đặc biệt từ nửa sau game. Người chơi phải sử dụng rất nhiều tài nguyên khác nhau, có được từ phong ấn hồn quỷ hoặc tiêu diệt các loại kẻ thù khác nhau. Bạn cũng có thể mua chúng từ các thương nhân ở khắp nơi trong các thôn làng, thị trấn nhưng chi phí bỏ ra khá đắt và cũng thường ít khi cần phải mua. Ngoài ra, các tài nguyên này còn dùng để nâng cấp workshop nhằm tạo vật phẩm tốt hơn, cũng như nâng cấp trang bị và phụ kiện cho nhân vật.
Lồng tiếng và nhạc nền là hai khía cạnh mà tôi không thể không dành lời khen. Phần lồng tiếng trong Xuan Yuan Sword 7 phiên bản Switch chỉ có tiếng Trung. Ngoại trừ phần lồng tiếng của nhân vật Jipeng để lại cảm giác hơi làm lố, các nhân vật khác đều được lồng tiếng khá truyền cảm. Đây cũng là tựa game nhập vai hiếm hoi trên nền tảng của Nintendo được lồng tiếng đầy đủ tất cả lời thoại. Tuy nhiên cũng giống như trên PS4, phiên bản này vẫn còn một số trường hợp phụ đề không hiện hoặc hiện rồi mất quá nhanh không thể đọc kịp.
Sau cuối, Xuan Yuan Sword 7 mang đến một trải nghiệm nhập vai khá hào hứng cho người chơi máy Switch. Trò chơi sở hữu bối cảnh giả tưởng lịch sử thú vị, kết hợp cùng hệ thống chiến đấu và chế tác hấp dẫn. Tuy đồ họa suy giảm nhiều do phần cứng trên nền tảng của Nintendo, nhưng không thể phủ nhận đội ngũ chuyển nền đã xây dựng mọi thứ tương đối tốt cho hệ máy này. Chỉ tiếc là trò chơi không hỗ trợ một số tính năng đặc thù của Switch, chẳng hạn HD Rumble.
Xuan Yuan Sword 7 hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Switch.
[text-blocks id=”game-box”]