Xiaomei and the Flame Dragon’s Fist là game hành động gợi nhớ đến Kung-Fu Master và Spartan X trên máy arcade hay Kung-Fu kinh điển thời NES vào giữa thập niên 80. Thay vì sử dụng đồ họa 8-bit thì nhà phát triển PiXEL chọn 16-bit. Thậm chí, nếu xem đây là bản làm lại đầy bất ngờ của các tựa game vừa đề cập cũng không sai. Trò chơi có hẳn câu chuyện kể có lớp có lang về truyền thuyết Hắc Long và Hỏa Long thuật, xoay quanh hành trình của hai chị em Xiaoyin và Xiaomei làm nền cho câu chuyện kể và trải nghiệm game đầy thử thách.
Thú vị hơn, kết cấu màn chơi trong Xiaomei and the Flame Dragon’s Fist cũng tương tự Kung-Fu Master. Cụ thể, trải nghiệm game trải dài qua năm màn chơi và cuối mỗi màn là trận đánh boss có khi chỉ kết thúc trong vòng ba nốt nhạc. Bên cạnh khác biệt lớn nhất là khía cạnh nghe nhìn theo phong cách 16-bit, trò chơi còn có thêm cơ chế gameplay mới cho nhân vật điều khiển so với game kinh điển. Nó có liên quan đến tuyệt kỹ Hắc Long và Hỏa Long cho mỗi nhân vật chính thông qua thanh nội công ở góc trái dưới cùng màn hình.
Dành cho bạn nào không biết, game arcade Kung-Fu Master hay Spartan X được thiết kế như hậu bản của phim hành động hài “Quán ăn lưu động” Wheels on Meals do Hồng Kim Bảo viết kịch bản và đạo diễn. Trong khi đó, lối chơi của game chịu ảnh hưởng nhiều từ phim “Trò chơi tử thần” Game of Death của Lý Tiểu Long. Tuy chịu nhiều ảnh hưởng của những cái tên kinh điển nói trên, nhưng Xiaomei and the Flame Dragon’s Fist được nhà phát triển PiXEL xây dựng cốt truyện hoàn toàn mới về hai nhân vật chính Xiaomei và Xiaoyin.
Lối chơi của Xiaomei and the Flame Dragon’s Fist rất đơn giản nhưng không kém phần thử thách. Người chơi điều khiển nhân vật chính Xiaomei di chuyển từ trái sang phải trong không gian 2D và hạ gục tất cả kẻ thù tiếp cận bạn. Hầu hết kẻ thù đều dễ dàng KO sau khi dính một đòn đánh và có không ít kẻ thù đòi hỏi bạn phải ngồi hay nhảy mới có thể đánh trúng. Nếu để kẻ thù tiếp cận quá gần, nhân vật chính sẽ bị rút dần máu đến ‘game over’ nhưng chúng cũng sẽ “hút máu” Xiaomei khi bạn ra đòn không đúng nhịp.
Cuối mỗi màn chơi là trận đánh boss thử thách. Mỗi con boss có những đòn tấn công khác nhau, thường đòi hỏi người chơi thực nghiệm thông qua giải pháp thử sai để có chiến thuật tấn công trong… lần sau. Tất nhiên cũng giống như phiên bản NES, Xiaomei and the Flame Dragon’s Fist có khá nhiều “góc chết” mà bạn có thể tận dụng để tiễn boss đăng xuất khỏi trò chơi. Không loại trừ đây là những “tính năng” do đội ngũ phát triển vô ý hoặc cố tình tạo ra để tạo cảm giác hoài cổ như nguyên tác.
Độ khó trong các màn chơi cũng được xây dựng tăng dần khá hợp lý. Ban đầu, kẻ thù có thể dễ dàng triệt hạ bằng bất kỳ đòn đấm hay đá nào của Xiaomei nhưng càng về sau, chúng càng khác biệt khi chỉ có thể hạ gục bằng đòn tấn công nhất định. Chẳng hạn rắn chỉ thất thế trước đòn xoạc chân, trong khi những kẻ thù nhỏ chỉ sợ đòn xoạc chân hoặc quả đấm ngồi. Đó là chưa kể bạn phải sử dụng đòn đánh trên không để tiễn mấy con dơi về trời hay tung nhiều đòn liên tiếp mới có thể triệt hạ kẻ thù chơi “dao phóng lợn”.
Chiến đấu với kẻ thù giúp bạn hồi thanh nội công dùng để tung chưởng đầu rồng lửa hoặc “múa lửa” trên không. Mỗi tuyệt kỹ đều có ưu và khuyết riêng nhưng đầu rồng hiệu quả hơn trong màn chơi, còn đòn múa lửa phù hợp với trận đánh boss nhất định hơn. Cụ thể, đầu rồng lửa có thể xuyên qua nhiều kẻ thù bất kể chiều cao trong khoảng cách nhất định. Múa lửa là đòn tấn công bay đá, thường chỉ hữu dụng khi bạn không muốn mất máu trong lúc “va chạm” với boss. Quan trọng nhất vẫn là di chuyển và ra đòn đúng thời điểm.
Mức độ thử thách trong Xiaomei and the Flame Dragon’s Fist khá cao tương tự những “người anh em thiện lành” của trò chơi và đây là chủ ý thiết kế của nhà phát triển. Nếu để nhân vật thiệt mạng, bạn phải chơi lại từ đầu màn khá ức chế nhưng nếu bại trận khi đối đầu với boss, bạn chỉ phải tái đấu mà thôi. Thử thách lớn nhất của trải nghiệm game chủ yếu ở các màn chơi chứ không phải đánh boss do những “cao thủ võ lâm” này thường tấn công rập khuôn, chỉ cần thuộc bài là thể dễ dàng cho boss “đo đất”.
Vấn đề lớn nhất của Xiaomei and the Flame Dragon’s Fist là thời lượng rất ngắn so với mức giá của trò chơi. Giá trị chơi lại cũng không cao khi game chỉ mở khóa thêm chế độ chơi Xiaoyin, cho phép người chơi điều khiển chị của Xiaomei với bí thuật Hắc Long thay cho Hỏa Long. Ngoài ra còn có Gallery thưởng cho người chơi những hình artwork được mở khóa thông qua trải nghiệm game. Khía cạnh nghe nhìn của trò chơi cũng không có gì đặc biệt khi khá tương đồng hầu hết các game 16-bit thời nay.
Tôi chỉ không thích chơi game có tỷ lệ khung hình 4:3. Cảm giác điều khiển trong Xiaomei and the Flame Dragon’s Fist khá tốt và nhạy nút. Thế nhưng, cơ chế nhảy bằng cần analog hơi khó chịu, một phần do vấn đề “biết rồi khổ lắm nói mãi” của cần analog trên Joy-Con. Đáng tiếc là trò chơi không cho phép tùy biến lại các nút bấm thao tác trong trải nghiệm game. Người viết nghĩ trải nghiệm sẽ tốt hơn rất nhiều nếu hành động nhảy được gán cho nút bấm riêng như Ganryu 2, thay vì dùng giải pháp là nút lên.
Sau cuối, Xiaomei and the Flame Dragon’s Fist mang đến một trải nghiệm hành động khá hào hứng, gợi nhiều cảm giác hoài cổ và đặc biệt không kém phần thử thách. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là thời lượng không tương xứng mức giá và không có các lựa chọn về tỷ lệ khung hình khi đây là game mới được phát triển, không phải trò chơi kinh điển chạy phần mềm giả lập. Nếu thích trải nghiệm hoài cổ và Kung-Fu kinh điển, đây chắc chắn là cái tên đáng để bạn cân nhắc nhưng chỉ khi có các đợt giảm giá.
Xiaomei and the Flame Dragon’s Fist hiện có cho Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!