WWE 2K Battlegrounds là game đô vật hài hước với rất nhiều khác biệt so với các phần chơi thường niên của series game đô vật WWE trong những năm trước.
Sau hai phiên bản không để lại nhiều dấu ấn gần đây, dòng game WWE 2K có sự chuyển biến mới trong phiên bản năm nay. Tựa game này hướng đến trải nghiệm arcacde vui vẻ với nhiều yếu tố hài hước có tính giải trí cao. Thay cho yếu tố mô phỏng bộ môn đô vật chuyên nghiệp như các phần chơi cũ, WWE 2K Battlegrounds là sự thay thế cho phiên bản năm 2020 với nhiều thay đổi. Từ tạo hình các nhân vật kiểu chibi cho đến phong cách đồ họa cũng hoàn toàn thay đổi. Liệu nhiêu đó có đủ để chiếm lại ánh hào quang cũ?
Một trong những vấn đề lớn nhất của WWE 2K Battlegrounds là số lượng nhân vật đông đảo. Sương sương cũng 70 nhân vật WWE mà trong game gọi là siêu sao (Superstar). Đó là chưa kể hàng loạt cái tên khác đang chờ thượng đài sau phát hành. Thế nhưng, bạn chỉ có thể chọn chưa tới 1/3 trong số này ở đầu trải nghiệm. Phần lớn đều cần cày cuốc miệt mài khiến tôi nhớ đến cơn ác mộng Street Fighter V trước đây. Những cái tên đáng chú ý như The Rock, John Cena hay Ronda Rousey đều phải mở khóa mới có thể trải nghiệm.
Thế nhưng, muốn mở khóa superstar thì bạn phải có Battle Buck, một loại tiền tệ có được thông qua trải nghiệm thông thường ở các chế độ chơi. Battle Buck rất dễ kiếm, nhưng con số để mở khóa mỗi nhân vật khiến tôi cảm thấy choáng váng vì mức độ “bòn tiền” của WWE 2K Battlegrounds. Đó là chưa kể mỗi nhân vật lại có vài bộ phục trang, nhiều khi chỉ là đổi màu nhưng với mức giá “cắt cổ”. Đơn cử như bộ đồ khác màu cho Ronda Rousey tốn 3000 Battle Buck, nhưng một trận đấu thường chỉ thu về khoảng 1/10 con số này.
Để làm phép tính đơn giản, tôi đã chơi WWE 2K Battlegrounds miệt mài vào những ngày cuối tuần rảnh rỗi trong hai tuần lễ vừa qua, nhưng cũng chỉ kiếm được hơn 100000 Battle Buck. Đây là con số vô cùng khiêm tốn so với số Battle Buck gấp ba mà bạn phải bỏ ra để mở khóa tất cả các nhân vật. Đó là còn chưa tính tới số Battlle Buck để mở khóa những bộ đồ khác của mỗi nhân vật. Lạc quan mà nói thì trò chơi có thể giữ chân bạn trong khoảng một tháng liền, nhưng đời không như là mơ.
Battle Buck không chỉ dùng để mở khóa và mua trang phục cho nhân vật. Bạn còn dùng nó để nâng cấp chỉ số cho nhân vật yêu thích. Đây là điều mà tôi nghĩ WWE 2K Battlegrounds đã đi quá xa trong việc cân bằng giữa khía cạnh cày cuốc và hào hứng. Có cảm giác trải nghiệm game được thiết kế để gây ức chế cho người chơi, khiến họ phải chấp nhận bỏ tiền tươi Golden Buck ra mua “thóc thật”. Bạn vẫn có thể chơi tà tà cày Battle Buck ngày qua ngày, nhưng không thể phủ nhận đó chắc chắn là điểm trừ lớn nhất của trò chơi.
Khía cạnh gameplay cũng không phải không có vấn đề. Về cơ bản, các đô vật trong WWE 2K Battlegrounds được chia thành 5 lớp nhân vật: rounder, technican, powerhouse, high-flyer và brawler. Mỗi lớp nhân vật này có những moveset cơ bản cộng với các tuyệt kỹ của riêng mỗi superstar. Điều này giúp trải nghiệm game khá hào hứng và đậm tính giải trí hơn so với phiên bản của những năm trước. Người chơi có thể tung những đòn tấn công liên hoàn đơn giản chỉ bằng cách phối hợp hai nút đấm và đá cơ bản.
Mặt khác, gần như mọi thứ có trong các bản WWE 2K cũ đều được tái hiện trong trải nghiệm WWE 2K Battlegrounds theo cách đơn giản hơn. Thanh thể lực (stamina) vẫn đóng vai trò chủ lực trong việc tung các tuyệt kỹ cá nhân. Trong khi đó, việc sử dụng “công cụ hỗ trợ” hoàn toàn được phép mà không có bất kỳ sự trừng phạt nào. Một số thiết kế sàn đấu thậm chí còn có các yếu tố tương tác để người chơi hoặc AI tận dụng. Chẳng hạn cá sấu đói rã họng chờ đô vật xấu số bị đối thủ ném thẳng vào miệng nó.
Đáng chú ý, chế độ chơi Campaign xây dựng câu chuyện kể thông qua những trang truyện tranh khá thú vị. Lý do mỗi trận đấu đều có đầu có đuôi rõ ràng, mang đến tiếng cười và đóng vai trò tutorial cho người chơi mới. Chỉ tiếc là bạn không thể điều khiển bất kỳ superstar yêu thích nào trong chế độ chơi này. Tất cả các đô vật do người chơi điều khiển đều hư cấu với tạo hình đáng yêu. Đơn cử như chàng Bolo ở chapter đầu khiến tôi liên tưởng đến tinh tinh Caesar trong phim Rise of the Planet of the Apes với chòm râu dê.
Bên cạnh Campaign, WWE 2K Battlegrounds cũng còn các chế độ chơi khác như “tàu nhanh” Exhibition cho cả đô vật nam và nữ, đủ các hình thức thi đấu từ one-on-one, tag team, triple threat, steel cage đến fatal 4-way, gauntlet và royal rumble. Trò chơi có hai chế độ Tournament và King of the Battleground dành cho trải nghiệm PvP trực tuyến. Tournament có khá nhiều giải đấu với luật riêng. Muốn tham gia, bạn phải đóng phí bằng Battle Buck hoặc Golden Buck. Đúng là ý tưởng lớn gặp nhau với Street Fighter V.
King of the Battleground thì như cái tên đã gợi ý. Đây là thử thách lên đến tám người cùng thượng đài, kẻ thắng là người “sống lâu trăm tuổi” trên sàn đấu. Đặc biệt, các chế độ chơi online trong game đều hỗ trợ cross-play giữa PC, Xbox One, Nintendo Switch và Stadia. Riêng người chơi PlayStation 4 “tự kỷ” với nhau. Ngoài ra, không thể không kể đến hai chế độ Character Creator và Battleground cho bạn tha hồ tạo hình mẫu nhân vật hoặc sàn đấu riêng. Nhân vật tự tạo còn được tham gia chế độ Battleground Challenge.
Một vấn đề cũng không thể không nhắc tới là game gần như không hỗ trợ chơi offline. Bạn phải kết nối mạng nếu muốn nhận thưởng Battle Buck trong trải nghiệm. Trong khi phong cách đồ họa của WWE 2K Battlegrounds có phần được xây dựng phù hợp với hệ máy của Nintendo, nhưng bản thân nền tảng này lại gặp nhiều vấn đề nhất. Một trong số đó là câu chuyện khi không có kết nối mạng khi trải nghiệm, yêu cầu ‘always connected’ khiến chế độ chơi handheld trên máy Switch gần như vô dụng hoàn toàn.
Chưa kể, phần cứng yếu kém của Nintendo Switch cũng không phải là lựa chọn tốt để trải nghiệm WWE 2K Battlegrounds ở chế độ handheld. Hệ máy này bắt đầu gặp khó khăn trong việc giữ hình ảnh sắc nét nhất có thể khi trận đấu có số lượng đối thủ từ bốn trở lên. Hình ảnh thu nhỏ của các đô vật khi chờ bạn “quẹo lựa” để mở khóa trong Superstar cũng vậy, nhìn khá mờ chứ không sắc nét trong khi kết nối với dock thì hình ảnh rõ hơn. Việc không tối ưu cho chế độ handheld là điểm trừ của riêng bản Nintendo Switch.
Sau cuối, WWE 2K Battlegrounds mang đến một trải nghiệm đô vật kiểu arcade khá hài hước và đậm tính giải trí. Điểm trừ lớn nhất là nhiều vấn đề trong thiết kế gameplay mang cảm giác cày cuốc khá nặng nề hoặc thiếu công bằng, chẳng khác nào buộc người chơi “móc hầu bao”. Nếu có thói quen chơi tà tà và không đặt nặng mở khóa nhân vật, đây có thể là cái tên đáng chú ý nhất là người chơi casual. Thế nhưng, bạn sẽ thất vọng nếu mong đợi một trải nghiệm có tính mô phỏng cao hoặc “tàu nhanh” mà lại không muốn bỏ thêm tiền.
WWE 2K Battlegrounds được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác