Warparty là tựa game chiến thuật thời gian thật giữa ba phe độc đáo với bối cảnh thời đồ đá.
Mỗi khi nhắc đến dòng game chiến thuật thời gian thật, chúng ta đều nghĩ ngay đến PC. Không phải các nền tảng console không có game RTS nhưng kỳ thực nền tảng này vốn không phù hợp cho trải nghiệm này. Mọi người cứ nghĩ như thế cho đến khi Command & Conquer 3: Tiberium Wars được phát hành trên Xbox 360. Thế nhưng, phải đến khi Halo Wars được phát hành hai năm sau đó thì quan điểm về game chiến thuật thời gian thật chỉ dành cho PC mới thay đổi. Với việc phát hành đa nền tảng, liệu Warparty có khiến bạn thay đổi cái nhìn khắt khe về game RTS chỉ dành cho PC?
Warparty lấy bối cảnh ở thời kỳ đồ đá với cuộc chiến diễn ra giữa ba phe Wildlanders, Vithara và Necromas. Về cơ bản, người Wildlanders như cái tên gọi của họ, giống như người cổ đại thời ăn lông ở lỗ, khá cân bằng giữa khả năng công và thủ. Thay vì cưỡi ngựa như thường thấy thì giờ họ là những chiến binh cưỡi khủng long. Trong khi đó, người Vithara thì “lấy sức người vượt qua sức thiên nhiên”, sử dụng phép thuật để thuần hóa và điều khiển những con khủng long thay họ thực thi những chuyện giết chóc. Cuối cùng là người Necromas với khả năng “hồi sinh” người chết, có thể kéo cả binh đoàn golem và zombie từ xác của kẻ thù đi chinh chiến. Mỗi phe đều có ưu và khuyết điểm khác nhau, phù hợp với chiến thuật của mỗi người chơi.
Đồ họa của Warparty thuộc loại khá, mang hơi hướng hoạt hình và sử dụng những gam màu tươi sáng. Tuy nhiên, có cảm giác nhà phát triển lấy cảm hứng từ series Warcraft vì tôi nhận thấy có vài nét tương đồng. Dù vậy, thiết kế hình dựng của ba phe vẫn tạo cảm giác khác biệt, không lẫn lộn với nhau. Các loại quân khác nhau cũng có khác biệt rõ rệt, dễ nhận diện trong trận chiến. Đây là một yếu tố khá quan trọng trong dòng game RTS, vì nếu thiết kế các loại quân hao hao nhau thì người chơi rất dễ lẫn lộn khi cuộc chiến hỗn loạn diễn ra. Ngay cả thiết kế các công trình cũng tạo sự khác biệt, giúp bạn dễ dàng nhận ra quân ta đang chiến đấu với phe nào.
Yếu tố điều khiển được nhà phát triển học hỏi khá nhiều từ game Halo Wars và cải tiến một chút khi đưa tựa game này lên các nền tảng console. Người chơi sẽ sử dụng cần analog trái để thao tác việc xây dựng quân và các công trình trên một vòng tròn lựa chọn. Việc chọn toàn bộ quân trên màn hình sử dụng một nút bấm, hoặc nếu bạn chỉ muốn chọn một nhóm nhỏ quân đang đứng tụ tập thì cũng có một nút bấm khác được thiết kế riêng cho việc này. Để giải quyết vấn đề quản lý quân và tài nguyên, mỗi khi người chơi mở vòng tròn lựa chọn lên sẽ khiến trò chơi tạm dừng để bạn thao tác.
Mặc dù nó khá hữu ích, nhưng cách thiết kế này có thể phá vỡ nhịp độ chơi đặc trưng của game chiến thuật thời gian thật trong Warparty. Tôi cũng không chắc nhiều người chơi sẽ đồng tình với lối thiết kế này. Một điểm khác của trò chơi cũng có thể khiến bạn không thích nằm ở yếu tố chiến thuật. Trong Warparty, yếu tố này có thể gói gọn trong hai từ “old-school”. Thay vì tập trung vào các nâng cấp công trình để tăng sức mạnh cho quân ta, trò chơi lại hướng đến yếu tố “đánh nhanh, thắng lẹ” quen thuộc của những tựa game chiến thuật thời gian thật ngày xưa.
Điều đó có nghĩa là bên nào xây quân nhanh và nhiều hơn thì khả năng thắng sẽ cao hơn. Bạn phải kết hợp giữa các yếu tố thu thập tài nguyên, xây dựng và nâng cấp công trình để tạo nên cả một đạo quân hùng mạnh càng nhanh càng tốt. Nếu không, cơ hội chiến thắng sẽ rất mong manh. Tuy nhiên trên bản console là Xbox One, tôi thường xuyên gặp khó khăn khi muốn lựa chọn một quân nhất định nào trong đám quân đông đúc, thường dẫn đến những trì hoãn nhất định trong việc điều khiển, khá là ức chế trong không ít trường hợp. Chưa kể khi quân quá đông trên màn hình, tốc độ khung hình tụt giảm thấy rõ, nhưng về tổng quát thì hiệu năng vẫn khá tốt trong phần lớn trường hợp.
Một vấn đề khác của trò chơi là kẻ thù thường xuyên tấn công căn cứ của người chơi, ngay cả sau khi bạn vừa thảm bại trước một đợt tấn công “hoành tráng” nào đó, gần như không cho người chơi cơ hội để hồi phục binh lực trước khi tái chiến. Tôi không rõ đây là thiết kế chủ ý của nhà phát triển hay là lỗi game, nhưng nó gây ức chế cực kỳ, nhất là khi bạn không thể save game ngay giữa màn chơi. Đã vậy, trò chơi có một vấn đề cũng khó chịu không kém đó là tự động thoát về menu chính trong trường hợp tay cầm của bạn bị ngắt kết nối vì bất kỳ lý do gì. Chẳng hạn như khi hết pin hoặc trong trường hợp bạn tạm ngừng chơi và để máy đi đâu đó một thời gian, khiến tay cầm tự ngắt kết nối để tiết kiệm pin, coi như công sức trong màn chơi của bạn mất trắng!
Warparty cũng mang đến cho tôi cảm giác không thoải mái về vấn đề cân bằng của ba phe trong game. Dù cả ba phe này đều tạo sự khác biệt về chiến thuật và khá độc đáo, nhưng tôi có cảm giác phe Necromas quá mạnh khi có thể triệu hồi những tử binh chiến đấu mà không tốn bất kỳ tài nguyên nào cả. Đặc biệt là trên console, khi bạn có thể dễ dàng triệu hồi cả một đạo quân xác sống chinh chiến mà không cần phải thông qua các thao tác xây dựng quân như hai phe còn lại, đã là một lợi thế rất lớn trong các trận multiplayer online với những người chơi khác. Mặt khác, các tháp phòng thủ quá yếu, không đủ sức ngăn chặn sự tấn công của kẻ thù để người chơi tập trung cho công tác xây và dựng quân cũng là một vấn đề không nhỏ trong trải nghiệm.
Sau cuối, Warparty mang đến một trải nghiệm chiến thuật thời gian thật khá hào hứng theo kiểu kinh điển ngày xưa. Mặc dù vẫn còn tồn đọng một số vấn đề nhưng hầu hết đều có thể giải quyết bằng các bản vá trong tương lai. Nếu yêu thích những series game RTS ngày xưa như Command & Conquer, Dune hay Red Alert thì đây là một cái tên rất đáng chú ý.
Warparty được phát hành cho PC (Windows, macOS), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!