Việt Nam và tiềm năng kinh tế số với eSports: Từ trò chơi giải trí đến ngành công nghiệp tỷ đô

Đăng bởi: Ngày: 04/06/2025

Theo báo cáo từ Newzoo, năm 2022 ghi nhận 532 triệu người xem eSports toàn cầu. Trong đó, 261 triệu là khán giả thường xuyên – con số dự kiến tăng lên 318 triệu vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng trung bình 8,1%/năm. Khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là một trong những điểm nóng của sự tăng trưởng, với tỷ lệ lên tới 27,6%/năm trong giai đoạn 2020 – 2025.

Riêng tại Việt Nam, theo khảo sát của YouGov năm 2023, có khoảng 16% dân số theo dõi eSports – tương đương với các quốc gia có nền eSports phát triển như Indonesia và Đài Loan. Trong khi đó, tổng doanh thu từ ngành này đạt 5,78 triệu USD trong năm 2023, tăng 11,15% so với 2022. Việt Nam không chỉ vượt qua Singapore về mặt doanh thu, mà còn đang tiến gần đến top đầu khu vực như Indonesia, Thái Lan và Philippines.

Không dừng lại ở đó, tổng giá trị giải thưởng từ các giải đấu trong nước năm 2023 đã đạt hơn 41 tỷ đồng, tăng 32,26% so với năm trước. Những con số này cho thấy eSports không chỉ là một trào lưu, mà đang trở thành một phần thiết yếu trong chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam.

eSports – Bệ phóng cho kinh tế số Việt Nam

Minh chứng rõ nét cho tiềm năng kinh tế của eSports là giải đấu Chung Kết Thế Giới (Worlds 2022) của bộ môn Liên Minh Huyền Thoại tổ chức tại Mỹ đã đóng góp 53 triệu USD cho nền kinh tế địa phương. Dự kiến, Worlds 2024 sẽ mang lại 12 triệu bảng Anh cho kinh tế London.

Việt Nam, với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện và cộng đồng game thủ lớn mạnh, đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các giải đấu tầm khu vực và quốc tế. Các sự kiện như LCP Finals 2025 và First Stand 2027 dự kiến tổ chức tại Việt Nam không chỉ thu hút khán giả mà còn góp phần phát triển ngành du lịch, truyền thông và dịch vụ sự kiện.

Việt Nam và tiềm năng kinh tế số với eSports: Từ trò chơi giải trí đến ngành công nghiệp tỷ đôNgành eSports không chỉ tạo ra những trận đấu hấp dẫn mà còn mở rộng hệ sinh thái việc làm. Tại Mỹ, ngành này đã tạo ra hơn 50.000 việc làm trực tiếp trong năm 2023 và dự kiến tăng 20% vào năm 2025. Tại bang Georgia, eSports mang lại 500 triệu USD và 12.000 việc làm, lan tỏa đến các lĩnh vực công nghệ, truyền thông và giáo dục.

Tại Việt Nam, các trường đại học bắt đầu tích hợp đào tạo chính quy về eSports. Tiêu biểu như Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị triển khai chương trình chuẩn BTEC của Anh, hay Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông bắt đầu tuyển sinh ngành game từ năm 2024. Đây là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp mới mẻ nhưng đầy tiềm năng này.

Xuất khẩu nội dung và tài năng việt

Không chỉ tiêu thụ nội dung trong nước, Việt Nam còn đang từng bước xuất khẩu sản phẩm và nhân lực eSports ra thế giới. Các tuyển thủ Việt Nam như Lazyfeel (đội DRX – Hàn Quốc) hay crazyguy (đội RRQ – tham dự giải Masters Toronto của VALORANT) đã và đang khẳng định vị thế của game thủ Việt trên sân chơi quốc tế.

Nhiều đội tuyển lớn như TALON hay Virtus.Pro cũng chọn game thủ Việt làm nòng cốt ở các bộ môn như Đấu Trường Chân Lý. Điểm cộng của tuyển thủ Việt nằm ở kỹ năng cao, tinh thần thi đấu máu lửa và chi phí chuyển nhượng hợp lý – trở thành lựa chọn hấp dẫn trong mắt các tổ chức eSports quốc tế.

Song song đó, việc phát triển nội dung số như livestream, truyền hình trực tiếp các giải đấu cũng là mũi nhọn mới. Đơn cử như ON Live Esports – đơn vị thuộc VTVCab – đang đẩy mạnh phủ sóng eSports trên truyền hình quốc gia, tạo kênh truyền thông chính thống giúp khán giả đại chúng dễ dàng tiếp cận hơn với eSports.

eSports không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là công cụ truyền thông hiệu quả để quảng bá hình ảnh quốc gia. Điển hình, Riot Games – nhà phát hành LMHT toàn cầu – dự kiến quay series truyền hình gồm 9 tập và phim hoạt hình online tại Cát Bà, Hải Phòng vào cuối năm 2025. Theo bà Rose Lam, Giám đốc Riot Studios, Việt Nam được đánh giá cao không chỉ bởi cảnh quan đẹp mà còn nhờ lượng người hâm mộ đông đảo và ổn định – yếu tố quan trọng để tạo hiệu ứng truyền thông quốc tế.

Việt Nam và tiềm năng kinh tế số với eSports: Từ trò chơi giải trí đến ngành công nghiệp tỷ đôLợi thế của Việt Nam trong cuộc đua eSports

Việt Nam sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi để bứt phá trong ngành công nghiệp thể thao điện tử, điển hình là dân số trẻ (hơn 60% dân số dưới 35 tuổi – độ tuổi vàng của game thủ), văn hóa game mạnh mẽ, có sự thay đổi rõ rệt về nhận thức thông qua việc eSports đã được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của SEA Games, ASIAD. Ngoài ra, yếu tố chi phí hợp lý cũng giúp Việt Nam có tính cạnh tranh cao so với các quốc gia khác.

Theo anh Nguyễn Trần Sơn, Quản lý phát triển eSport VNGGames, doanh nghiệp này đặt mục tiêu phát triển eSports thành ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng góp vào nền kinh tế số quốc gia.

“Để đạt được mục tiêu này, VNGGames sẽ tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức đúng đắn về eSports, đề xuất chính sách pháp lý, ưu đãi cho doanh nghiệp và tổ chức eSports. Song song đó là phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đào tạo chính quy, chuyên nghiệp; đồng thời thu hút đầu tư quốc tế, tạo sân chơi toàn cầu cho game thủ Việt. Đặc biệt, việc xây dựng hệ sinh thái bền vững, từ phong trào đến chuyên nghiệp, từ nội dung tiêu dùng đến xuất khẩu cũng là yếu tố không thể bỏ qua”, anh Sơn cho biết.

Từ những con số tăng trưởng ấn tượng, nguồn nhân lực trẻ dồi dào đến định hướng phát triển chiến lược từ doanh nghiệp như VNGGames, Việt Nam đang từng bước vươn lên trở thành trung tâm eSports của khu vực. Không chỉ là một ngành giải trí, eSports đang mở ra cánh cửa mới cho kinh tế số Việt Nam – nơi cơ hội, sáng tạo và bản sắc văn hóa được kết nối chặt chẽ trong kỷ nguyên số hóa toàn cầu.