Dù đã xuất hiện từ lâu nhưng cảm biến vân tay chỉ mới được tích hợp và phổ biến trên smartphone trong thời gian gần đây để tăng độ bảo mật và tính tiện lợi trong các thao tác xác thực.
Cảm biến vân tay trên smartphone
Việc xác thực đóng vai trò quan trọng trên smartphone và trong suốt chiều dài phát triển nó được hiện thực bằng mật khẩu (chữ & số), mã PIN, mẫu hình và hiện tại có thể nói xác thực bằng sinh trắc học qua nhận dạng vân tay người dùng đã trở thành phương thức phổ biến.
Theo thời gian, nhà sản xuất cũng quyết định vị trí nằm của cảm biến vân tay khác nhau. Đặc biệt là một số nhà sản xuất như Sony, Apple… trước đây vẫn có “gu” đặt cảm biến vân tay khá cố định. Với Sony, qua các đời Sony Xperia Z5 cho đến XZ1 thì họ vẫn kiên trì đặt cảm biến vân tay ở cạnh bên trùng với nút nguồn của máy. Còn Apple thì chỉ đặt cảm biến vân tay trên nút Home ở mặt trước theo thói quen từ iPhone 5s tới iPhone 8 cho đến khi chi tiết này tiêu biến trên các máy iPhone X.
Mặc dù việc tích hợp cảm biến vân tay trên smartphone không phải do Apple thực hiện đầu tiên, nhưng chính cảm biến vân tay Touch ID trên iPhone 5s ra mắt năm 2013 đã thực sự truyền cảm hứng cho các nhà sản xuất khác phổ biến tính năng này trên smartphone sau đó như Galaxy S5 có cảm biến vân tay cũng nằm trên nút Home.
Vị trí đặt lý tưởng nhất của cảm biến vân tay
Mặc dù cảm biến vân tay hiện đang dần được nhúng vào bên dưới màn hình smartphone nhưng về mặt kỹ thuật thì nó cũng là loại cảm biến đặt ở phía trước, hướng trực tiếp đến người dùng.
Một trong những lợi thế lớn nhất của cảm biến vân tay đặt ở mặt trước smartphone là người dùng dễ thao tác khi đặt smartphone trên một mặt phẳng. Người dùng luôn có thói quen đặt ngửa smartphone lên vì họ không muốn màn hình của nó bị xước hay tổn hại và khi họ làm việc, ở nhà hay bất kỳ đâu thì nếu điện thoại nằm trên bàn thi ta chỉ việc đặt ngón tay lên cảm biến và mở khóa tiện lợi.
So với các vị trí khác thì cảm biến vân tay ở mặt trước giúp người dùng dễ xác định được vị trí đặt ngón tay để thao tác chính xác, chẳng hạn như với cảm biến đặt phía mặt sau thì ta vẫn có thể chạm nhầm sang camera sau của máy dễ gây xước, xòa ống kính.
Mặt trái của cách đặt vân tay điện dung phía trước là nó gây trở ngại cho xu hướng thiết kế tràn viền bởi cần một không gian đủ rộng để đặt cảm biến.
Còn đối với máy quét vân tay nhúng trong màn hình thì kể cả loại siêu âm hay quang học thì hiện tại vẫn chưa thực sự chín muồi về tốc độ phản hồi và độ chuẩn xác so với cảm biến vân tay điện dung nên chưa phải là lựa chọn lý tưởng.
Cũng bởi xu hướng vân tay trong màn hình chưa “trưởng thành” và các nhà sản xuất lại muốn ra mắt các smartphone tràn viền nên đã tích cực đặt cảm biến vân tay ở mặt lưng, một số ít thì đặt ở cạnh máy.
Việc đặt ở mặt lưng giúp tạo điều kiện cho smartphone đạt tỉ lệ hiển thị/thân máy cao đồng thời mang đến nhiều tùy chọn ngón tay để mở khóa bởi thuận theo tự nhiên thì đa số các ngón tay người dùng sẽ đặt ở phía mặt sau. Thế nhưng nếu đặt máy quét vân tay quá gần camera thì dễ gây chạm nhầm ảnh hưởng đến ống kính mà những đại diện của Samsung như Galaxy S8, A6, A8…chính là những ví dụ điển hình.
Dù khá hiếm nhà sản xuất đặt cảm biến vân tay ở cạnh bên nhưng đó có vẻ là vị trí “đẹp” nhất của chi tiết này trên smartphone. Bởi vì bất kể cách bạn cầm điện thoại như thế nào thì sẽ có ít nhất một ngón tay đặt ở cạnh thiết bị.
Và cho dù bạn đặt smartphone úp hay ngửa thì cũng sẽ dễ dàng mở khóa nó nếu quét vân tay ở cạnh máy. Hơn nữa dù đặt ở cạnh bên thì tốc độ hoạt động của cảm biến vân tay vẫn đảm bảo tương tự các vị trí khác. Với cảm biến vân tay ở cạnh sẽ không tạo ra thói quen sử dụng ngón tay nào để mở khóa – như ngón cái thường dùng cho cảm biến ở mặt trước, bốn ngón còn lại phù hợp cho cảm biến ở mặt lưng.
Còn vị trí đặt ở cạnh cho phép người dùng thao tác tự nhiên với ngón tay bất kỳ kể cả tay trái hay phải mà không phải ép mình làm quen. Điểm trừ là cảm biến vân tay ở cạnh luôn có diện tích tiếp xúc với ngón tay nhỏ hơn – bởi nó phải phù hợp với “vòng eo” nhỏ nhắn của smartphone – nên sẽ tạo ra tỉ lệ xác suất mở khóa thất bại cao hơn. Hơn nữa vị trí này của cảm biến vân tay sẽ ảnh hưởng đến thao tác nếu ta dùng ốp lưng dày cho smartphone.
Như vậy, hiện tại vẫn chưa thế kết luận được đâu là vị trí thích hợp nhất của cảm biến vân tay trên smartphone. Và các thức lựa chọn chi tiết này hoàn toàn phụ thuộc vào sự ưa thích của cá nhân và thói quen sử dụng của người dùng. Chúng ta có thể trông chờ loại cảm biến vân tay nhúng trong màn hình – vốn đang dần phổ biến – sẽ càng trở nên hoàn thiện hơn về tốc độ và sự chính xác vì nó gần như hội đủ yếu tố cần thiết để góp mặt trên smartphone đương thời.
Thảo Trần