Vsmart Joy 3 ra mắt trong giai đoạn khá ảm đạm của thị trường công nghệ do dịch virus corona COVID-19 hoành hành. Tuy nhiên, theo nhiều trang thì máy có số lượng bán ra là 12.000 máy chỉ sau 14 giờ lên kệ. Liệu đây có phải là con số thực tế và vì sao nó lại hot đến vậy?
Ban đầu mình cũng không quan tâm lắm về loạt máy thế hệ thứ ba của Vsmart. Nhất là sau đợt máy thế hệ thứ 2 khá fail, và các phiên bản ra mắt trước như Vsmart Active 3 ra mắt trước đó cũng không có gì quá nổi trội. Tuy nhiên Vsmart Joy 3 lại rất ổn. Trên thực tế nó cũng không có gì quá nổi trội nếu không nhắc đến cái giá của nó: 1.990.000đ lúc khuyến mại.
Hiện tại mình tin là con số 12.000 máy bán hết sau 14 giờ là con số thực vì mình đã dạo các trang như FPT Shop thì trang khuyến mại landing cho sự kiện bán giá 1.990.000đ từ 14-16/2 đã bị gỡ xuống và máy đã về mức giá 2.290.000đ (cao hơn 300.000đ so với giá flash sale). Mình đặt một máy ở CellphoneS nhưng shop mình đặt cũng hết hàng, sale phải chuyển đơn hàng qua một shop khác.
Qua trường hợp của Vsmart Joy 3, có thể thấy phân khúc máy ở mức hai triệu đồng rất khốc liệt tuy nhiên một sản phẩm hoàn toàn có thể tạo dấu ấn ở phân khúc này nếu đem đến một cấu hình tương xứng. Trường hợp của Vsmart Joy 3 làm mình nhớ đến một giai đoạn thành công của Xiaomi Redmi 5A cũng nhờ đánh thẳng vào giá và cấu hình ngon. Vậy cấu hình ngon giá rẻ trong tâm lý người dùng hiện nay là gì?
1. Chip Snapdragon
Vsmart Joy 3 sử dụng chip Snapdragon 632, 8×1.8GHz. Mình tin là máy sẽ không đạt được thành công như vậy nếu được trang bị một con chip không phải Snapdragon. Tâm lý người dùng Việt Nam hiện tại có vẻ rất chuộng Snapdragon, gần như là tiêu chí đầu tiên khi chọn điện thoại. Bằng chứng là cho đến nay không có nhiều máy trang bị dòng chip khác thành công trên thị trường (mình đang nói ở phân khúc bình dân).
2. Phải có sạc nhanh
Viên pin 4000mAh hay 5000mAh ngày nay theo mình sẽ không còn gây được ấn tượng nếu không kèm sạc nhanh. Đó là một trong những lý do thất bại của phiên bản Vsmart Active 3 ra mắt trước đó. Máy này tặng kèm sạc 18W, nhưng máy lại không hỗ trợ sạc nhanh (lạ lùng!!!). Với viên pin 4000mAh thì máy sạc cực lâu (có thể do máy trang bị chip MediaTek không hỗ trợ sạc nhanh) nên đã gặp “nút thắt cổ chai” này. Vsmart Joy 3 có giá chỉ phân nửa nhưng pin 5000mAh, sạc nhanh 18W thì không hot mới lại.
3. Màn hình lớn
Vsmart Joy 3 có màn hình khá lớn là 6.52 inchs, HD+(720 x 1600 Pixels) dạng “giọt nước”, màn hình cũng không có gì nổi bật nhưng với mức giá 1.990.000đ là quá ngon.
Theo mình thì hiện nay ba yếu tố trên là quan trọng nhất ở phân khúc giá rẻ, nó quyết định người dùng có chọn mua hay không. Nhiều bạn cho rằng camera cũng quan trọng tuy nhiên theo mình ở phân khúc này thì camera chỉ ở mức bình thường, khó có thể yêu cầu gì hơn. Các yếu tố phụ khác nếu có quan tâm sẽ là cổng sạc (phải là USB Type-C), RAM+ROM tốt (nhưng thường phân khúc này chỉ tầm 2GB/32GB).
Yếu tố thuần Việt theo mình thì không có giá trị gì. Mình vẫn chọn mua một máy ở một nhãn hàng bất kỳ nếu nó có cấu hình tốt.
Hiện tại nhiều trang giá Vsmart Joy 3 đã để giá về 2.290.000đ, mức giá này đã kém hấp dẫn hơn và mình nghĩ nó sẽ bớt hot hơn. Tuy nhiên với trường hợp máy có giai đoạn flash sale 1.990.000đ khá thành công, đây là một case khá hay để các hãng khác học hỏi khi muốn tăng thị phần tại thị trường Việt Nam.