Lúc này đây, các thông số cơ bản của một chiếc smartphone như chip, RAM, màn hình mấy inch,… thật không còn khiến người ta tò mò. Cái khiến dư luận bàn tán nhiều giờ đây chỉ xoay quanh chuyện camera được trang bị trên đó mấy “chấm”, zoom thế nào, độ mở ống kính bao nhiêu,… mà thôi.
Đang gây chú ý lúc này là việc hãng điện thoại di động Hàn Quốc vừa tung ra Galaxy K Zoom, một dòng smartphone cao cấp trang bị camera tích hợp nhưng “năng lực” chụp hình không hề thua kém những chiếc máy ảnh số ngắm-và-chụp tối tân nhất. Không riêng Samsung, thời gian qua hầu hết các tên tuổi lớn đều nhắm đến khai thác tính năng chụp ảnh trên smartphone nhưng kết quả thì không phải ai cũng đều thành công.
Vậy vì sao Samsung lại trình làng mẫu K Zoom này? Còn nhớ, Samsung đã từng phát triển Galaxy S4 Zoom, một biến thể của bom tấn S4 mà Samsung ra mắt hồi năm ngoái. Cho dù được Samsung đặt nhiều kỳ vọng nhưng kết quả dòng máy này mang lại không được như mong muốn. Galaxy S4 Zoom nhanh chóng bị người dùng lãng quên dù thời gian ra mắt cũng chưa bao lâu. Màn hình nhỏ hơn, nhưng lại dày hơn khá nhiều so với S4 do ống kính camera nhô ra khiến ngoại hình S4 Zoom không mấy gây cảm tình, nếu không muốn nói là dễ khiến người ta khó chịu khi áp chiếc máy ảnh lên tai để đàm thoại!
Thất bại của S4 Zoom càng khiến Samsung quyết tâm chinh phục sự hài lòng của người dùng trong việc trải nghiệm chụp ảnh bằng điện thoại. Sự ra đời của K Zoom đã hầu như khắc phục được vấn đề. Thứ nhất, máy trông không còn dày, giống một chiếc máy ảnh như S4 Zoom nữa (dù cũng chưa thực sự mảnh mai). Một thay đổi lớn khác chính là tên gọi của sản phẩm. K Zoom có thể hơi giống Galaxy S5 ở phần lưng nhưng nó đích thị là một dòng smartphone hoàn toàn mới, khác biệt và không liên quan. Nếu gặt hái được bất cứ thành công nào với K Zoom, rất có thể sẽ có K2, rồi K3 nữa được tung ra trong thời gian tới.
Nhưng con đường mà Samsung đang đi, và hứa hẹn sẽ có kết quả tốt không phải là không có chông gai, nhất là các đối thủ sừng sỏ lâu năm như Nokia, HTC chưa bao giờ có ý định để Samsung một mình tung hoành.
Nokia hiện vẫn rất thành công với 808 PureView, một mẫu điện thoại khá dày ra mắt từ năm 2012 nhưng cho tới nay vẫn chưa hãng nào phá được kỷ lục số chấm của nó: 41MP. Có thể 808 không phải là một mẫu smartphone thực sự khả dụng trong thực tế, nhưng nó cho thấy những gì mà Nokia cũng như các mẫu điện thoại chụp hình trong tương lai có thể làm được. Kế tiếp đó là Lumia 1020, mẫu smartphone 41 MP mà hãng này trình làng hồi hè năm ngoái. Dù vẫn hơi dày ở mặt sau để dành chỗ cho camera nhưng về cơ bản, phần cứng của 1020 đã mảnh mai và sành điệu hơn nhiều so với người anh em 808. Quan trọng nhất, 1020 cũng tạo ra được những bức ảnh tuyệt vời, khó tin và thậm chí một số trang công nghệ còn khẳng định rằng, trông chúng “nuột” hơn cả ảnh của 808.
Với HTC, One (M8) là một vũ khí hạng nặng. HTC đã bố trí một camera thứ hai nhỏ hơn, nằm sát cạnh camera chính để bổ trợ một loạt tính năng mới. Chẳng hạn như nó có thể học theo camera Lytro, cho phép bạn chụp ảnh trước rồi lấy nét sau, hoặc chuyển đổi một bức ảnh 2D thông thường thành ảnh hiệu ứng 3D. Việc lựa chọn tiêu cự cũng đồng nghĩa với việc camera có thể làm mờ phông nền – một hiệu ứng mà thường thì bạn chỉ đạt được khi sử dụng máy ảnh số cỡ lớn và ống kính tốc độ nhanh mà thôi.
Cuộc chiến dường như chỉ mới bắt đầu. Các hãng đều vẫn đang nỗ lực tìm kiếm nhiều cách tiếp cận khác nhau. Nhưng cái chính vẫn là phải giải quyết được bài toán hóc búa, chẳng hạn như đặt linh kiện camera “ngon” đó vào bên trong điện thoại như thế nào, cũng như xác định phương diện nào của camera, kích cỡ của bộ cảm biến hay những tính năng hoa lá cành mới là yếu tố có ý nghĩa nhất đối với chất lượng ảnh chụp cuối cùng.
C.T