Valthirian Arc: Hero School Story 2 hậu bản của tựa game cùng tên với lối chơi kết hợp giữa nhập vai và mô phỏng quản lý. Thế nhưng, trải nghiệm game để lại cho người viết nhiều cảm giác trái chiều vì thiếu sự cải thiện gameplay so với tiền bản. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là không có ý tưởng sáng tạo mà chỉ tái sử dụng những “chiêu trò” cũ quá quen thuộc trong các dòng game cùng thể loại. Đó là chưa kể lỗi game rất nhiều cộng với lối chơi có tính câu giờ, càng khiến trải nghiệm trở nên khá kén người chơi.
Mở đầu trải nghiệm Valthirian Arc: Hero School Story 2 là phần hướng dẫn cơ bản, được xây dựng thông qua những khung thoại hiển thị đầy chữ. Đây là giải pháp tương tự các game của nhà phát triển Compile Heart khiến tôi cảm thấy khá ngán ngẫm và quyết định tua nhanh vào trải nghiệm. Về cơ bản, trải nghiệm game vẫn tương tự Valthirian Arc: Hero School Story với hai yếu tố cơ bản: mô phỏng quản lý hoạt động của trường học và tham gia các cuộc chiến đấu theo lượt thông qua hệ thống nhiệm vụ đơn giản, nhàm chán.
Xen kẽ với hai yếu tố này là các đoạn chuyển cảnh được xây dựng theo phong cách visual novel, đòi hỏi bạn phải đọc thoại và bấm nút tương tác. Tuy nhiên, cả hai khía cạnh nói trên đều không có nhiều khác biệt so với game tiền nhiệm. Yếu tố nhập vai trong Valthirian Arc: Hero School Story 2 khá đơn giản khi xoay quanh di chuyển vào các khu vực, tiêu diệt quái vật và hoàn thành yêu cầu nhiệm vụ rồi quay trở về trường làm báo cáo. Nó đơn giản đến mức chỉ xoay quanh những yêu cầu lặp đi lặp lại.
Chẳng hạn bạn có thể nhận được yêu cầu thu thập trong nhiệm vụ này, mở rương báu trong nhiệm vụ khác hoặc chỉ đơn giản là tiêu diệt số lượng quái vật nhất định. Đáng nói, bản đồ và vị trí kẻ thù xuất hiện không có nhiều thay đổi, kết hợp với hệ thống chiến đấu nhàm chán đến mức không tạo cảm giác tưởng thưởng, kể cả khi bạn nhận được không ít phần thưởng sau khi tiêu diệt kẻ thù. Ở góc độ người chơi, trải nghiệm nhập vai trong Valthirian Arc: Hero School Story 2 được xây dựng hời hợt đến mức tẻ nhạt.
Khía cạnh ít nhàm chán nhất là quản lý trường học trong vai trò hiệu trưởng. Tương tự Home Run High, người chơi cũng xây dựng các công trình khác nhau liên quan đến yếu tố giáo dục đặc thù để mở rộng trường học, sắp xếp sinh viên vào các lớp học “đúng người đúng thời điểm” và ghi nhận thành tích mà họ đạt được trước khi chuyển qua khía cạnh nhập vai. Người chơi cũng được giao các yêu cầu phải hoàn thành, nhưng phần lớn những yêu cầu này không có thưởng và mang tính bắt buộc, không cho bạn tự do trải nghiệm.
Valthirian Arc: Hero School Story 2 có hai loại tiền tệ: Gold và Arc Stone. Người chơi thu được tiền vàng thông qua hoàn thành nhiệm vụ và diệt quái, còn Arc Stone chỉ có được từ tiền học phí của sinh viên và hoàn thành các yêu cầu nhất định từ hiệu trưởng. Yếu tố quản lý chủ yếu đòi hỏi bạn phải làm hài lòng giới sinh viên, từ đó giúp nhà trường kiếm được tiền để trang trải cho các hoạt động giáo dục. Chẳng hạn, người chơi không được bắt sinh viên “cày cuốc” quá nhiều khiến họ không vui dẫn tới học tập kém hẳn.
Đã vậy, tiền bạc trong Valthirian Arc: Hero School Story 2 rất hạn chế khiến trải nghiệm khá nặng cảm giác cày cuốc. Người chơi phải thiết lập mối quan hệ với trường đối thủ để giảm độ khó của yếu tố nhập vai. Vấn đề ở chỗ, trải nghiệm quản lý trường học cũng không có điểm gì sáng tạo hay nổi bật so với cái tên “nặng ký” như Two Point Campus. Xen kẽ yếu tố chiến đấu và quản lý là các phân đoạn visual novel thêm thắt chút yếu tố câu chuyện kể không có gì hấp dẫn, chủ yếu để người chơi làm quen giáo viên mới và lối chơi.
Thỉnh thoảng, trường học sẽ tổ chức các sự kiện như hội thi câu cá hay bơi lội dưới dạng minigame, nhưng trò chơi không có hướng dẫn mà để mặc cho người chơi tự tìm hiểu “học thuật”. Tuy khía cạnh nghe nhìn trong Valthirian Arc: Hero School Story 2 có sự cải thiện dễ thương hơn game tiền nhiệm, nhưng yếu tố này không đủ tác động tích cực đến lối chơi khá nhàm chán của trò chơi. Mặt khác, giao diện game cũng không được tối ưu cho trải nghiệm trên màn hình nhỏ như máy Switch ở chế độ handheld, Steam Deck hay ASUS ROG Ally.
Một vấn đề mà tôi không thể không đề cập là giao diện trong Valthirian Arc: Hero School Story 2 mang cảm giác như được thiết kế dành cho trải nghiệm trên PC sử dụng chuột hơn. Tương tự Idol Manager phiên bản Switch, mọi thao tác trong trò chơi đều rất vụng về và mất nhiều thời gian hơn cần thiết đến mức gây ức chế. Cỡ chữ hiển thị rất nhỏ và khó có thể đọc được trên các máy chơi game cầm tay kể trên, càng biến trò chơi thành nhiệm vụ bất khả thi khi trải nghiệm trên Nintendo Switch Lite có màn hình nhỏ hơn.
Sau cuối, Valthirian Arc: Hero School Story 2 mang đến trải nghiệm nhập vai kết hợp mô phỏng quản lý khá trái chiều. Điểm trừ lớn nhất của game là lối chơi nặng cảm giác câu giờ không cần thiết, như được thiết kế dành cho nền tảng di động hơn. Đã vậy, đội ngũ phát triển chưa phát huy hết tiềm năng của trò chơi khi xây dựng cơ chế gameplay còn đơn giản và thiếu sáng tạo. Nếu bạn yêu thích phần chơi trước của series game này, đây vẫn là cái tên khá đáng cân nhắc và ngược lại.
Valthirian Arc: Hero School Story 2 hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!