Unicorn Overlord do Vanillaware phát triển mang đến trải nghiệm chiến thuật nhập vai với chế gameplay hấp dẫn, nếu bạn có thể vượt qua cảm giác khó chịu khi tương tác với giao diện game phức tạp một cách không cần thiết. Điểm trừ nhẹ nhàng hơn một chút là cốt truyện rời rạc, không dễ nắm bắt dù điều này có thể chỉ áp dụng với cá nhân tôi, do một số vấn đề về ngôn ngữ với bản tiếng Trung mà tôi vô tình vướng vào và “mắc kẹt” với nó.
Chuyện là tôi nhận được bản tiếng Trung từ nhà phát hành thay vì bản tiếng Anh như mong đợi. Thế nhưng sau khi chấp nhận đổi sang nền tảng khác cho trải nghiệm game, phiên bản mới vẫn tiếp tục là tiếng Trung nên kế hoạch liên quan đến trò chơi buộc phải đình lại vô thời hạn. Vì tiếc một tựa game chiến thuật nhập vai không được trải nghiệm đúng kiểu cầm trên tay rồi mà không chơi được, nên tôi vẫn cố chấp với phần mềm dịch thuật qua hình ảnh.
Vanillaware có lẽ không quá xa lạ với các tín đồ nhập vai, nếu không phải là Dragon Crown thì có thể là 13 Sentinels: Aegis Rim đã góp phần không nhỏ mang đến danh tiếng cho nhà phát triển này trong nhiều năm nay. Mỗi tựa game của họ đều có sự chăm chút kỹ lưỡng ở lối chơi, đồ họa và cảm giác trải nghiệm đầy thỏa mãn, ít nhất là ở hai cái tên mà tôi vừa đề cập. Unicorn Overlord cũng không hề ngoại lệ dù vẫn còn vài vấn đề nhỏ.
Một trong số đó là giao diện của trò chơi khá rối, khiến việc quản lý vi mô đội hình và các yếu tố khác trở nên khá phiền phức, đặc biệt với người phải chơi bản tiếng Trung mà không hề có khả năng đọc hiểu ngôn ngữ này như tôi. Một số thuật ngữ trong bản tiếng Trung sử dụng cũng khác bản tiếng Anh, khiến tôi khá chật vật để tra soát những thông tin này chính xác cho bài viết, dù rõ ràng đó không phải là vấn đề có căn nguyên từ trò chơi.
Thể loại chiến thuật nhập vai từ trước đến nay khá khó hiểu vì những cơ chế gameplay khác biệt, nhưng ngày càng trở nên thu hút số lượng lớn người chơi hơn. Những cái tên như Marvel’s Midnight Suns hay Tactics Ogre: Reborn là minh chứng cho nhận định này của tôi. Unicorn Overlord tiếp nối sau những thành công đó của các đồng nghiệp khác và nhà phát triển Vanillaware thật sự đã mang đến một trải nghiệm chiến thuật nhập vai ấn tượng.
Trò chơi lấy bối cảnh vương quốc Cornia chìm trong lầm than dưới sự theo đuổi quyền lực của nhân vật phản diện Valmore thông qua ma thuật và gây chiến khắp nơi. Một trong những người phải chạy loạn là hoàng tử Alain. Mười năm sau, Alain khi này đã trưởng thành và bắt đầu những hành động đầu tiên để tiến hành dẹp loạn, đem lại bình yên cho Cornia. Đây là cốt truyện khá dễ đoán với rất ít nút thắt bất ngờ, nhưng phục vụ tốt cho gameplay.
Về lối chơi, Unicorn Overlord mang nhiều cảm giác chiến thuật nhập vai theo thời gian thật hơn. Các yếu tố chiến đấu thường được thể hiện thông qua sức mạnh của một đơn vị quân lực gồm nhiều nhân vật, thay vì những cuộc đối đầu 1v1 trực diện như chiến thuật theo lượt truyền thống. Mỗi trận đánh sẽ có nhiều cứ điểm khác nhau mà người chơi phải tính toán sao cho duy trì quân binh ở trạng thái tốt nhất, cân bằng giữa chiến đấu và nghỉ ngơi để quân ta có thời gian phục hồi.
Mục tiêu của người chơi không chỉ là chinh phạt và cứu rỗi kẻ thù mà tìm thêm các đồng minh mới ở khắp Cornia và các vương quốc lân cận. Mỗi nhân vật dù là phản diện hay đồng minh đều có cung bậc riêng về tạo hình, cảm xúc với đất diễn riêng, dù yếu tố này không phải lúc nào cũng được xây dựng công bằng với tất cả nhân vật. Trò chơi có một hệ thống gọi là Rapport để trao đất diễn và thể hiện cảm xúc giữa các nhân vật trong trải nghiệm.
Tôi đánh giá cao hệ thống này vì những cuộc trò chuyện đó giúp người chơi hiểu thêm về một nhân vật nào đó, nhưng có lẽ do số phận đưa đẩy khi số lượng nhân vật điều khiển quá lớn khiến tính năng này dường như chưa thể bao quát hết đất diễn cho tất cả nhân vật. Nhiều đoạn thoại cảm giác như được biên kịch miễn cưỡng đưa vào để đạt được cái gọi là “cân bằng” giữa các nhân vật, trong khi yếu tố này không ảnh hưởng nhiều đến chiều sâu gameplay.
Vòng lặp gameplay trong Unicorn Overlord khá đơn giản. Mục đích của người chơi là tiêu diệt kẻ thù trong một địa điểm nhất định, thu thập đủ tài nguyên để tái kiến thiết những khu vực này. Bên cạnh đó, bạn còn phải chỉ định người giữ vai trò “bảo vệ bờ cõi” cho các địa điểm này. Mỗi khu vực bản đồ có thể có nhiệm vụ phụ cho những đồng minh mới của Alain. Những nhiệm vụ này thường giúp người chơi có cái nhìn sâu sắc hơn về nhân vật nào đó.
Tuy nhiên, yếu tố chiến lược trong Unicorn Overlord lại rất phức tạp và có chiều sâu, mang đến cảm giác rất thỏa mãn. Thậm chí tôi tin rằng đây là một trong những game chiến thuật nhập vai hay nhất trong năm 2024 dù ý tưởng không hề mới. Chỉ là nhà phát triển vận dụng chúng một cách hiệu quả, tạo nên trải nghiệm chiến thuật nhập vai cuốn hút bất ngờ ngay cả với người phải khá chật vật để hiểu phần hướng dẫn cơ bản bằng tiếng Trung của game như tôi.
Mô tả đơn giản thì tính chiến lược của Unicorn Overlord vẫn xây dựng ý tưởng quanh yếu tố tương khắc giữa các lớp nhân vật. Mỗi lớp nhân vật trong trải nghiệm sẽ có lợi thế hơn các lớp nhân vật cụ thể khác, đồng thời gặp bất lợi khi đối đầu với một số lớp nhân vật nhất định. Ý tưởng này quá quen thuộc nên tôi không muốn đề cập nhiều nhưng khi mở rộng số lượng lớp nhân vật lên đến con số vài chục, việc tối ưu đội hình trở nên rất quan trọng.
Người chơi yêu thích thể loại chiến lược nhập vai thường thích xây dựng một đội hình trong mơ và Unicorn Overlord chính xác mang đến cho bạn điều đó. Mỗi nhân vật sẽ có những điểm mạnh và điểm yếu riêng, khiến việc xây dựng từng đơn vị quân lực đòi hỏi bạn phải bỏ ra nhiều thời gian để tính toán chiến lược, có bù đắp qua lại các ưu và khuyết điểm đặc trưng của những nhân vật này. Đó là cảm giác thỏa mãn khi bạn có đội hình bách chiến bách thắng.
Cảm giác đó thậm chí còn thỏa mãn hơn trong những trường hợp đội hình trong mơ của bạn triệt hạ được đối thủ vượt cấp, thậm chí đông nhân vật hơn hẳn. Tôi không tìm ra được từ ngữ nào để diễn tả cái cảm giác khi đó vì nó quá hào hứng, đến mức tôi chỉ muốn hét lên vì “sướng”. Không có cái sướng nào giống cái sướng nào nhưng chắc chắn một điều, cái sướng này rất dễ gây nghiện và là một trong nhiều yếu tố khiến tôi bị cuốn hút vào trải nghiệm game.
Tất nhiên, nói thế không có nghĩa bạn có thể xem nhẹ cấp độ và trang bị, vì sự thành bại của một trận chiến thường là sự tổng hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Không có yếu tố nào là thật sự quan trọng duy nhất trong chiến lược của người chơi. Nhưng nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ đầu với những tính toán chiến lược hợp lý, bạn hoàn toàn có thể phá vỡ vài quy tắc truyền thống của thể loại chiến thuật nhập vai trong Unicorn Overlord để tạo nên ngoại lệ.
Bên cạnh yếu tố chiến lược và quản lý đội hình các đơn vị quân lực khác nhau, chiến trường trong Unicorn Overlord còn có sự xuất hiện của các yếu tố thiên nhiên hoặc yếu tố bất ngờ, gây tác động đến cục diện trận chiến. Chẳng hạn bão cát có thể làm giảm tầm nhìn hoặc “đổi phe” khi trận chiến đang diễn ra kịch tính. Những yếu tố này dù có thể ít nhiều gây ức chế nhưng mang đến sự bất ngờ thú vị, đòi hỏi người chơi phải có sự chuẩn bị tinh thần kỹ lưỡng.
Đó là chưa kể các lớp nhân vật còn có những kỹ năng riêng, có thể giúp bạn đảo ngược tình thế trận chiến trong một số tình huống nhất định. Bản đồ chiến trường trong Unicorn Overlord cũng khá độc đáo với ý tưởng có phần giống Songs of Silence mà tôi chơi gần đây. Người chơi có thể di chuyển quân giữa các địa điểm khác nhau theo lượt, dẫn tới cách tiếp cận yêu cầu nhiệm vụ một cách có chiến lược thông qua phối hợp từng đơn vị quân lực với điều kiện khác nhau.
Đội ngũ phát triển Vanillaware dù ra mắt tựa game của họ trước, nhưng xây dựng yếu tố chiến lược trong Unicorn Overlord mang đến cảm giác trải nghiệm thỏa mãn hơn. Điểm chung duy nhất của hai tựa game là chiến trận diễn ra tự động dựa trên những điều kiện nhất định, dù là yếu tố môi trường hay hành động cơ bản của nhân vật cụ thể. Những “điều kiện” này góp phần không nhỏ mang đến sự đa dạng trong yếu tố chiến lược của trải nghiệm game.
So với nhiều game chiến thuật nhập vai khác trên thị trường, Unicorn Overlord có đồ họa khá đẹp cộng với hiệu năng rất tốt trên nền tảng của Nintendo. Trò chơi được tối ưu hiệu năng rất ấn tượng trên máy Switch. Tôi chỉ không thích tạo hình của nhân vật chính Alain cho lắm vì nhiều lý do. Và một trong số đó là ban đầu khi chơi, do không có khả năng đọc hiểu tiếng Trung nên tôi nhầm tưởng đây là nhân vật nữ và đang hào hứng với điều đó thì bị tổ trác.
Nhạc nền và phần lồng tiếng Nhật cũng là điểm cộng của Unicorn Overlord. Tuy nhiên, cảm giác khó chịu với việc điều hướng trong hệ thống menu phức tạp được chia thành nhiều lớp với vô số thao tác, lựa chọn, đôi lúc khiến tôi khó tránh khỏi ức chế. Dù vậy, cảm giác này có thể là vì tôi không đọc được tiếng Trung với phiên bản “sai một ly đi một dặm” này, nhưng cảm giác thao tác quá rườm rà là có thật nên tôi nghĩ bản tiếng Anh cũng có vấn đề tương tự.
Sau cuối, Unicorn Overlord mang đến một trải nghiệm chiến thuật nhập vai nổi bật và cuốn hút không chỉ với các tín đồ của thể loại này, mà khả năng cao bao gồm những ai lần đầu tiếp cận dòng game vốn được cho là “khó hiểu” với không ít người chơi này. Với lối chơi có chiều sâu và sáng tạo, cung cấp yếu tố chiến lược phong phú trên nền nghe nhìn ấn tượng, đây hiển nhiên là cái tên không thể thiếu trong thư viện game của giới mộ điệu.
Unicorn Overlord hiện có cho Xbox Series X, PlayStation 4, Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!