Uncharted: Legacy of Thieves Collection là bộ sưu tầm gồm hai game phiêu lưu hành động Uncharted 4: A Thief’s End và bản mở rộng độc lập Uncharted: The Lost Legacy. Tuy con số 4 có thể khiến người chơi mới cảm thấy quan ngại nhưng kỳ thực, bạn hoàn toàn có thể trải nhiệm bộ sưu tầm này mà không cần quan tâm nhiều đến ba phần chơi trước trong series Uncharted. Một phần là nhờ vào kịch bản được chấp bút xuất sắc từ đội ngũ phát triển Naughty Dog và không chỉ có thế.
Khác với bản PC của Marvel’s Spider-Man Remastered do đội ngũ Nixxes Software thực hiện công tác chuyển nền (port), bộ sưu tầm “di sản của những tên trộm” được giao cho Iron Galaxy từng bị “mất điểm” với bản port PC của Batman: Arkham Knight. Thế nhưng, đó là chuyện xưa rồi diễm. Sau hơn nửa năm phát hành cho PlayStation 5, Uncharted: Legacy of Thieves Collection đã trở lại và lợi hại hơn xưa trên PC với hiệu năng tuyệt vời, dù vẫn còn sự cố crash game gây khó chịu.
Không những vậy, bộ sưu tầm này cũng khắt khe hơn trong việc kiểm tra phần cứng PC của người chơi có đáp ứng yêu cầu của trò chơi hay không. Nếu như trước đây người viết có thể chơi Marvel’s Spider-Man Remastered trên PC có CPU thấp hơn yêu cầu tối thiểu, giờ phải ngậm ngùi sử dụng máy khác để chơi game. Mặc dù vậy vấn đề crash game vẫn tiếp tục gây ám ảnh, cho thấy công tác chuyển nền chưa hoàn hảo chứ không hẳn vấn đề liên quan đến cấu hình máy, cụ thể là CPU.
Mặc khác, Uncharted: Legacy of Thieves Collection cũng không yêu cầu GPU quá cao và đáng tiếc không hỗ trợ RTX. Đây là điều có thể hiểu được khi cả hai bản remaster Uncharted 4: A Thief’s End và Uncharted: The Lost Legacy của bộ sưu tầm này đều được xây dựng trên game engine cũ của Naughty Dog phát triển cho PlayStation 4. Phần tùy biến đồ họa vẫn chỉ là những điều chỉnh quen thuộc tương tự God of War bản PC, chứ không nhiều như Marvel’s Spider-Man Remastered.
Trải nghiệm cả hai game trong Uncharted: Legacy of Thieves Collection với cấu hình PC sử dụng RTX 3080 cho kết quả ấn tượng như Resident Evil Village phiên bản Mac. Cụ thể ở thiết lập Ultra, trò chơi luôn giữ tốc độ khung hình trên 70fps với những khung cảnh ngoài trời, trong khi các khu vực trong nhà thường duy trì trên 100fps. Nếu bật DLSS ở thiết lập Performance, tốc độ khung hình giữ ổn định con số 144fps ở độ phân giải 4K upscale.
Thiết lập Ultra cũng không đủ làm khó trên cấu hình máy yếu hơn sử dụng RTX 3070. Tốc độ khung hình vẫn duy trì ổn định con số 60fps ở độ phân giải 1440p dù bật hay tắt DLSS. Ngay cả laptop sử dụng GPU AMD 6700S cũng không gặp khó khăn khi duy trì tốc độ khung hình trên 50fps với độ phân giải 1600p. Nếu bật FSR ở thiết lập Balanced, tốc độ khung hình tăng gần gấp đôi khá ấn tượng với chút hy sinh về chất lượng hình ảnh, dù không dễ thấy trừ khi bạn so sánh trực tiếp.
Tuy nhiên, người viết nhận thấy thiết lập Ultra và High không quá khác biệt nhiều về mặt hình ảnh. Hầu hết chỉ có thể nhận thấy khi so sánh trực diện giữa hai thiết lập. Nếu bạn chỉ sở hữu RTX 2070 hoặc GPU tương đương của đội đỏ, trải nghiệm vẫn khá tốt khi thiết lập đồ họa ở chế độ High và tận dụng DLSS hoặc FSR với thiết lập Balanced, dung hòa giữa chất lượng hình ảnh cũng như hiệu năng của GPU tầm này ở 1440p. Nếu bạn tham độ phân giải cao hơn thì hơi quá sức GPU.
Đáng chú ý, Uncharted: Legacy of Thieves Collection được nhà phát triển yêu cầu cài đặt trên SSD ở cả cấu hình tối thiểu lẫn khuyến cáo. Người viết có thử cài đặt trên HDD và gặp tình trạng giống như tải dữ liệu không kịp, khiến nhân vật không di chuyển hoặc như bị đứng hình trong đoạn chuyển cảnh. Vấn đề này có lẽ liên quan đến cách xây dựng bộ nhớ đệm tận dụng tốc độ cao của SSD, thể hiện qua việc bộ sưu tầm này cần thời gian chuẩn bị shader cache trước khi bạn trải nghiệm game.
Nếu người chơi làm gián đoạn quá trình này, hiệu năng game bị ảnh hưởng rất lớn do trò chơi sẽ thực hiện trong quá trình chơi game và ngốn CPU rất nhiều. Không những vậy, mỗi khi bạn cập nhật driver card màn hình thì Uncharted: Legacy of Thieves Collection lại làm mới shader cache khá phiền phức. Điều này đặc biệt quan trọng khi chơi trên Steam Deck. Chiếc máy chơi game PC cầm tay này có hiệu năng khá tốt với thiết lập Medium khi kết hợp FSR Quality cho tốc độ khung hình trên 40fps.
Chỉ những phân cảnh hiệu ứng particle nhiều, cộng với kẻ thù đông mới có tình trạng tăng giảm tốc độ khung hình trên Steam Deck. Người viết thử khóa tốc độ khung hình ở 30fps và cho trải nghiệm rất tốt với thiết lập Medium. Bạn cũng có thể thử thiết lập High và FSR Quality mà không sợ cố quá thành quá cố với chiếc máy chơi game PC cầm tay của Valve. Kỳ thực, thiết lập Medium và High mang đến chất lượng đồ họa không khác nhau nhiều trên màn hình nhỏ xíu của Steam Deck.
Người viết chỉ hơi khó chịu với tình trạng giật hình nhẹ giữa các đoạn chuyển cảnh khi trải nghiệm Uncharted: Legacy of Thieves Collection, nhưng dường như chỉ xuất hiện một cách khó hiểu trên Steam Deck. Bên cạnh hiệu năng tốt, cả hai trò chơi cũng thừa hưởng những tính năng đi kèm trong bản remaster trên PS5, như không khóa tốc độ khung hình và độ phân giải 4K vô cùng sắc nét, cộng với khả năng phản hồi nhanh hơn trước thao tác của người chơi v.v…
Đặc biệt, bản PC của Uncharted: Legacy of Thieves Collection còn hỗ trợ độ phân giải ultrawide tỷ lệ 21:9 và 32:9, thậm chí cho phép độ phân giải cao hơn 4K với cấu hình phần cứng đủ mạnh. Người viết cũng nhận thấy bản PC có sự cải thiện nhẹ chất lượng hình ảnh ở một số khía cạnh như đổ bóng và texture môi trường có độ phân giải cao hơn. Tùy vào thiết lập đồ họa, mọi thứ trong cảnh quan như cây cỏ nhìn chi tiết và có phần rậm rạp hơn, dễ thấy nhất là những khung cảnh ở tầm xa.
Không chỉ hiệu năng tốt, cả hai game trong Uncharted: Legacy of Thieves Collection còn gây ấn tượng với câu chuyện kể hấp dẫn. Uncharted 4: A Thief’s End đưa người chơi đến với nhân vật chính Nathan Drake quen thuộc của series game này. Về cơ bản, Nathan có nhiều nét tương đồng Lara Croft trong loạt game Tomb Raider khi đều là “thợ săn” kho báu và phiêu lưu khắp nơi để tìm những cổ vật quý hiếm. Phần chơi này đưa người chơi đi từ cao nguyên hoang dã Scottish đến tận Madagascar.
Khác biệt lớn nhất giữa hai series là trải nghiệm game Uncharted hướng đến chất hành động nhiều hơn. Mặt khác, trong khi Lara Croft là nhà khảo cổ học tài ba thì Nathan Drake chỉ là tên trộm lắm tài nhiều tật, có quá khứ huy hoàng theo nghĩa bóng cùng bộ sậu dẻo miệng. Tuy nhiên, Nathan chỉ trộm vì đam mê khi luôn đưa ra những quyết định khiến người chơi bất ngờ vào phút chót. Kết quả là nghèo vẫn hoàn nghèo cho đến khi người em trai Samuel lưu lạc lâu năm bất ngờ xuất hiện.
Lối chơi của Uncharted 4: A Thief’s End không thể gọi là sáng tạo so với nhiều cái tên phiêu lưu hành động trên thị trường ở thời điểm ra mắt ban đầu, nhưng trò chơi tìm được lối đi riêng khi vượt qua khỏi bức tượng đài của series game Tomb Raider tái khởi động. Nhà phát triển Naughty Dog kết hợp khéo léo thế giới mở của trò chơi với thiết kế màn chơi rộng lớn, mang đến trải nghiệm game vẫn thiên về khám phá và chiến đấu nhưng mang cảm giác tự do nhiều hơn.
Đặc biệt, tuy có thêm sự xuất hiện của Samuel nhưng mối quan hệ mặn nồng giữa Nathan và Elena mới là tâm điểm của câu chuyện kể. Trải nghiệm game là sự dung hòa đầy cân bằng giữa yếu tố giải đố, chiến đấu bằng súng và cận chiến cũng như kết hợp hành động lén lút để chống lại kẻ thù. Tuy nhiên, trừ khi bạn đủ kiên nhẫn chứ trong phần lớn trường hợp, nỗ lực hành động lén lút của người viết thường trở thành cuộc đấu súng hỗn loạn như thường thấy trong các phim hành động.
Tuy chế độ chơi multiplayer đầy cuốn hút trong game nguyên bản bị gỡ bỏ khỏi Uncharted: Legacy of Thieves Collection nhưng bù lại, bản mở rộng độc lập Uncharted: The Lost Legacy mang đến trải nghiệm cũng hào hứng không kém. Phần chơi này đưa bạn nhập vai Chloe Frazier, nhân vật nữ “có máu mặt” trong Uncharted 2 và 3 với tính cách hoàn toàn tương phản “gái ngoan” Elena Fisher. Điểm nhấn của Chloe chính là cây roi lúc mềm lúc cứng trước mỗi cú vụt.
Tạo hình Chloe Frazier gợi nhớ đến nhà khảo cổ Indiana Jones trong loạt phim do nam diễn viên Harrison Ford thủ vai chính và ông Steven Spielberg làm đạo diễn. Thú vị hơn, sự tung hứng của cặp đôi Chloe và Nadine mang đến hiệu quả bất ngờ khi khai thác khía cạnh phát triển tâm lý của hai nhân vật. Ở góc độ người chơi, trải nghiệm Uncharted: The Lost Legacy để lại nhiều cảm xúc chẳng hề thua kém Uncharted 4: A Thief’s End với các tình huống “mỗi nhà mỗi cảnh” được xây dựng khéo léo.
Đáng chú ý, Uncharted: Legacy of Thieves Collection hỗ trợ đầy đủ các tính năng của tay cầm DualSense, nhưng phần thiết lập không suôn sẻ như khi chơi Marvel’s Spider-Man Remastered. Ban đầu trò chơi không nhận tay cầm khi cắm vào cổng USB đầu tiên cho đến khi tôi thử đổi cổng USB khác. Ngoài ra, nếu máy bạn có cài phần mềm tùy biến nút bấm thì cần vô hiệu hóa các ứng dụng này, kể cả bỏ tùy chọn ‘PlayStation Configuration Support’ trong phần thiết lập tay cầm của Steam.
Sau cuối, Uncharted: Legacy of Thieves Collection mang đến trải nghiệm phiêu lưu hành động 2-trong-1 khá đặc sắc. Cả hai trò chơi trong bộ sưu tầm này đều khá tương đồng chất lượng ở gần như mọi khía cạnh, nhất là khả năng chơi game mượt mà trên Steam Deck và không đòi hỏi cấu hình khủng. Nếu bạn yêu thích thể loại này, đây chắc chắn là cái tên không thể thiếu trong thư viện game.
Uncharted: Legacy of Thieves Collection hiện có cho PC (Windows) và PlayStation 5.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!