Uncanny Valley là tựa game kinh dị sinh tồn với đồ họa pixel khá độc đáo và đáng sợ, nhưng đáng tiếc lại không thể hiện hết tiềm năng của nó.
Về cơ bản, Uncanny Valley là một tựa game kinh dị 2D theo phong cách đồ họa retro. Tuy nhiên, trò chơi làm được điều mà rất nhiều tựa game cùng thể loại khác đã “ngã ngựa” trong những năm vừa qua: không khí kinh dị đến nổi da gà. Bạn có thể thấy một chút gì đó pha trộn của khá nhiều series game kinh dị sinh tồn nổi tiếng như Alone in the Dark, Silent Hill và cả chất hành động của Resident Evil.
Đó có thể là những con đường đầy sương mù dày đặc gần như không thể quan sát bằng mắt thường, phải dùng đến đèn pin chiếu sáng giống như series Silent Hill. Hay những hình ảnh khá kinh hoàng ngay cả với đồ họa pixel của trò chơi trong những tựa game Alone in the Dark kinh điển. Và cuối cùng là một chút hành động kiểu Resident Evil, nhưng đi kèm với yếu tố nhân quả khá rõ rệt trước mỗi hành động của người chơi.
Ngay từ đầu trải nghiệm, Uncanny Valley đã làm quá tốt điều mà rất hiếm tựa game kinh dị trên thị trường làm được. Trò chơi cho bạn quyền kiểm soát hoàn toàn phần cốt truyện, với mọi quyết định hay hành động của người chơi đều dẫn đến những kết quả khác nhau, tạo nên một trải nghiệm hết sức hấp dẫn ngay từ đầu game. Nhân vật của người chơi là Tom, một anh chàng thường xuyên gặp những cơn ác mộng, đến nhận công việc mới là làm người gác đêm cho cơ sở của tập đoàn Melior ở vùng núi hẻo lánh.
Tại nơi đây bạn bắt đầu gặp một số nhân vật như gã mập Buck với tính cách khó ưa hay một cô nàng “tuyệt thế giai nhân” tên Eva. Sau màn dào đầu hết sức hấp dẫn và gây nhiều tò mò với các câu hỏi của Tom, người chơi bắt đầu bước vào trải nghiệm và phát hiện ra có nhiều điều không bình thường tại cơ sở rộng lớn nhưng gần như bỏ hoang này. Những câu hỏi liên tiếp được đặt ra và bức màn sự thật chỉ có thể dần dần hé lộ qua nhiều lần trải nghiệm của người chơi. Đây cũng là một trong những điểm hấp dẫn khi trải nghiệm Uncanny Valley, mang đến giá trị chơi lại cao.
Môi trường màn chơi được thiết kế không quá nhiều để có nhiều thứ phải tương tác, nhưng lại được xây dựng khá tốt để người chơi có rất nhiều việc phải làm. Bên cạnh công việc chính phải đi tuần tra tại khu văn phòng làm việc cho đến hết ca trực, người chơi còn tìm thấy rất nhiều bí mật được che giấu và sự gắn kết hết sức khéo léo giữa những bí mật này. Một buổi trực như vậy chỉ mất khoảng 5 đến 6 phút thời gian thực nên phần lớn người chơi không có nhiều thời gian để khám phá tìm hiểu các khu vực màn chơi trong mỗi buổi trực.
Mặc dù nghe có vẻ không nhiều việc để làm, nhưng toàn bộ trải nghiệm Uncanny Valley đòi hỏi người chơi phải đặc biệt chú ý đến những manh mối và lần theo chúng một cách khôn ngoan để tránh không gây “bứt dây động rừng”. Vấn đề ở chỗ, trò chơi không cho bạn nhiều thời gian trong mỗi ca trực và đây là một thiết kế khá khó hiểu. Người chơi phải chia nhỏ việc khám phá ra mỗi ngày, thậm chí còn phải tranh thủ thời gian để về khu nhà ở khá xa trước khi ngủ gục ngoài đường vì kiệt sức. Mặt khác, mọi hành vi cử chi của người chơi đều luôn dẫn đến những hệ quả trong tương lai và điều này có thể dẫn đến nhiều lần chơi lại khác nhau theo thiết kế đặc trưng của game.
Cái hay của lối thiết kế này là cho bạn rất nhiều lựa chọn và làm những gì mà bạn muốn. Nó rất đáng để thử vì tùy theo những gì mà bạn làm, những “cái định mệnh”… theo nghĩa đen lại nhiều một cách ngạc nhiên. Đơn cử như lần đầu trải nghiệm, tôi đã dẫn nhân vật vào chỗ chết với một kết thúc rất xấu vì không thể thoát khỏi cơn ác mộng trở thành hiện thực, thậm chí còn không kiếm được vũ khí để tự vệ. Thế nhưng với lần chơi kế tiếp thì tôi đã biết trước một số hậu quả nên tìm cách tránh từ trước và thay đổi hướng tiếp cận khác, mang đến một trải nghiệm thay đổi hoàn toàn mới khá bất ngờ về sau.
Tùy thuộc vào số lần chơi lại của bạn, lượng sự kiện đan xen nhau giữa các hành động của người chơi lại nhiều đáng ngạc nhiên trong Uncanny Valley. Trò chơi khuyến khích bạn dựa trên những thông tin mà đã thu thập được từ những lần trải nghiệm trước đó, từ đó chơi lại game nhiều lần để mở khóa những sự kiện này và tìm ra hướng tiếp cận mới. Đây là điểm khiến tôi ấn tượng trong thiết kế gameplay của trò chơi. Tuy nhiên, điểm yếu của lối thiết kế này là không phải người chơi nào cũng sẵn sàng để chơi lại rồi tiếp tục trải qua một số phân đoạn nhàm chán ở thời điểm ban đầu để tiếp tục đào sâu sự thật.
Thế nhưng, điểm yếu của nó là liên tục làm gián đoạn trải nghiệm của người chơi, chắc chắn là một điểm trừ rất lớn với những ai khó tính. Trong trường hợp này, rõ ràng game không mang đến cho bạn nhiều giá trị như mong đợi nhưng đó là quyết định của bạn. Còn ở những khía cạnh khác, nhà phát triển dường như khá chăm chút cho thiết kế và phần chuyển động của các nhân vật. Ngay cả phần âm thanh và nhạc cũng tạo được cái không khí rùng rợn mơ hồ một cách cố ý trong trải nghiệm khá tốt. Những phân đoạn “đụng độ” khá kịch tính và căng thẳng, có thể in dấu trong tâm trí người chơi ở lần trải nghiệm kế tiếp là một điểm cộng khá thú vị. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên cảm giác sợ hãi khi trải nghiệm, ngay cả trên nền đồ họa pixel tưởng chừng chẳng có gì đáng sợ.
Vấn đề lớn nhất vấn đề của Uncanny Valley là hệ thống hành trang được xây dựng khá “lượm thượm” khi chuyển sang nền tảng game console. Điều này là do trải nghiệm ban đầu của trò chơi được thiết kế dành cho PC và chưa được tối ưu hóa tối phần điều khiển cho trải nghiệm trên tay cầm. Chưa kể, game có nhiều lỗi khá vớ vẩn liên quan đến giao diện và hành trang, nhiều khi khiến tôi muốn nổi điên trong lúc trải nghiệm. Đáng nói là những lỗi này dường như xuất hiện từ lâu các nền tảng khác, nhưng không hiểu sao đến phiên bản Nintendo Switch mới được phát hành vào những ngày cuối năm nay vẫn không được khắc phục. Đây là một điều rất đáng chê trách.
Sau cuối, Uncanny Valley tuy có một số vấn đề về lỗi game gây khó chịu và thiếu sự chăm chút tỉ mỉ, nhưng vẫn mang đến một trải nghiệm kinh dị khá hấp dẫn với giá trị chơi lại cao. Tuy nhiên, yếu tố cốt truyện phi tuyến tính quá mở cũng là một con dao hai lưỡi của trò chơi. Một mặt nó khuyến khích người chơi khám phá và chơi lại nhiều lần để vén màn bí ẩn nội dung, nhưng mặt khác nó cũng có thể khiến bạn vô tình biết được sự thật quá sớm tùy vào cách mà bạn trải nghiệm. Khi đó thì giá trị chơi lại gần như mất đi và người chơi có thể bỏ phí rất nhiều phân đoạn kinh dị mà nhà phát triển đầu tư vào game. Nếu yêu thích thể loại kinh dị sinh tồn và không quan trọng yếu tố đồ họa, đây là một tựa game rất đáng trải nghiệm.
Uncanny Valley được phát hành cho Windows, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác