Ultra Age là game phiêu lưu hành động do Next Stage và Visual DART đồng phát triển. Trò chơi gây ấn tượng cho người viết không chỉ ở lối chơi chặt chém hấp dẫn gợi nhớ đến Devi May Cry kinh điển, mà còn nhờ vào đồ họa đẹp và hiệu năng tuyệt vời ngay cả trên hệ máy của Nintendo. Không những vậy, đưa con tinh thần của họ còn khác biệt với dấu ấn riêng liên quan đến cơ chế chiến đấu hành động nhanh đầy hào hứng. Kết hợp cùng câu chuyện kể dương đông kích tây tuy chưa đủ khiến bạn trầm trồ nhưng vẫn là điểm cộng khuyến khích.
Bối cảnh Ultra Age diễn ra vào tương lai năm 3174, đưa người chơi đến với thanh niên trẻ trâu Age và người máy Helvis trong sứ mệnh giải cứu nhân loại khỏi diệt vong. Mọi chuyện bắt đầu khi bộ đôi tìm đến trái đất hoang tàn để tìm hiểu nguyên nhân khiến nhà máy Shelter mất liên lạc với phi thuyền Orbital Arc. Trong khi đôi bạn trẻ người và máy còn đang mải cà khịa nhau, đại họa bất ngờ kéo đến buộc bộ đôi phải chạy đua giải quyết. Không may, sự xuất hiện của họ khiến cư dân nơi đây nổi giận và rượt cả hai chạy có cờ.
Mở đầu trải nghiệm, Ultra Age gây khó hiểu cho người chơi vì cách kể chuyện đi từ kết quả rồi quay ngược lại nguyên nhân. Người chơi bị đẩy vào bối cảnh trong game mà không biết rõ chuyện gì đã xảy ra. Trong khi đó, mối quan hệ của hai nhân vật chính Age và người máy Helvis cũng thiếu kết nối ngữ cảnh để bạn hiểu những câu thoại giữa họ. Đã vậy, các diễn viên lồng tiếng cũng chưa thật sự thổi hồn cho nhân vật. Tôi đã thử chuyển đổi giữa giọng tiếng Anh lẫn Nhật nhưng đều không ưng ý phần lồng tiếng ngôn ngữ nào cả.
Ngược lại, hệ thống chiến đấu lại là điểm cộng tỏa sáng của Ultra Age: mượt mà, đã tay và đầy thỏa mãn. Chiến đấu gợi chút cảm giác thử thách Souls-like như Ninja Gaiden Collection. Về cơ bản, chìa khóa giành chiến thắng là khoảnh khắc bấm nút né tránh đúng lúc để phản đòn, gây tê liệt kẻ thù và dồn combo tạo sát thương khủng đến chúng. Tuy kẻ thù không quá đa dạng trong tạo hình do quy mô phát triển, nhưng mỗi loại đều có kỹ năng tấn công riêng, đòi hỏi người chơi phải có chiến lược cụ thể chứ không thể tay nhanh hơn não nện nút.
Hệ thống vũ khí cũng là điểm cộng đáng chú ý của Ultra Age. Nhân vật chính có thể trang bị 4 loại vũ khí và chuyển đổi qua lại giữa chúng. Mỗi loại đều sở hữu phong cách chiến đấu khác nhau, đồng thời tác động khác biệt tùy vào kẻ thù mà bạn đối mặt. Đơn cử như Claymore hiệu quả hơn khi chiến đấu với lũ người máy, trong khi đối mặt quái thú thì kém hơn hẳn. Bạn có thể nhận biết mức độ hiệu quả của từng loại vũ khí với kẻ thù thông qua chỉ số sát thương đổi sang màu cam, thay vì trắng mỗi lúc chúng trúng đòn.
Đặc biệt, các vũ khí đều có độ bền nhưng không như bạn nghĩ. Kỳ thực, vũ khí trong Ultra Age chỉ là vật chất được tạo thành từ những mảnh tinh thể nhiều sắc màu thu thập trong môi trường màn chơi. Tùy vào màu mà chúng được chuyển hóa thành vũ khí tương ứng. Hệ thống tinh thể đóng vai trò quan trọng trong chiến đấu và nâng cấp chỉ số cho nhân vật lẫn vũ khí. Không những vậy, các tinh thể chỉ được hoàn nguyên sau mỗi 12 giờ trong game nên khá cân bằng, hạn chế khả năng “cày” tinh thể cho mục đích quá rõ ràng từ người chơi.
Tuy nhiên, bạn cũng không cần lo chuyện thiếu tinh thể phục hồi độ bền cho vũ khí trong chiến đấu. Ultra Age được thiết kế rất cân bằng. Tôi không gặp bất kỳ trường hợp thiếu hụt nào như thế trong suốt trải nghiệm game. Chưa kể khi sắp tới ngưỡng giới hạn của độ bền, chúng còn cho phép bạn “bung lụa” tuyệt kỹ liên hoàn gây sát thương cực khủng đến kẻ thù. Kết hợp với vũ khí là roi điện dùng để lôi chúng lại gần cho Age ra tay hoặc lợi dụng kẻ thù ở xa để gây thương nhớ, xây dựng đòn tấn công liên hoàn như Devil May Cry kinh điển.
Chưa hết đâu! Những khoảnh khắc lôi kẻ thù lại gần cho ăn đập không chỉ tăng sự hào hứng chiến đấu mà còn giúp làm đầy thanh Critical, tăng khả năng tấn công mạnh mẽ hơn nữa cho Age. Sự kết hợp giữa các loại vũ khí, thi triển combo tối đa và roi điện giúp tạo nên trải nghiệm chiến đấu vô cùng thỏa mãn. Người chơi còn có thể tận dụng kỹ năng né tránh biến Age trở nên vô địch tạm thời trong giây lát. Mặc dù những cơ chế gameplay nói trên không hoàn toàn mới, nhưng chúng đóng vai trò không nhỏ cho điểm cộng của hệ thống chiến đấu.
Khả năng tùy biến nhân vật điều khiển cũng không hề bị xem nhẹ. Bên cạnh hệ thống cây kỹ năng cho từng loại vũ khí, người chơi còn có thể thu thập Power Gear để nâng cấp cho trang bị và các module cung cấp buff cho các chỉ số nhất định của Age. Các Power Gear này tuy không giấu quá kỹ nhưng nếu không chịu khó khám phá và quan sát, khả năng bạn vô tình bỏ sót chúng cũng không hề nhỏ. Do lợi ích mà chúng mang đến, việc thu thập sót cũng là vấn đề không hề nhỏ, nhất là khi đối đầu con boss rất khó chịu ở thời điểm giữa trải nghiệm.
Mặc dù vậy, không có kẻ thù nào là bất khả chiến bại hay quá thử thách như nhiều game Souls-like đình đám khác. Cảm giác điều khiển khá tốt và nhạy nút, không khiến người chơi cảm thấy bất công khi bại trận và phải ‘respawn’ trước kẻ thù. Ở góc độ người chơi, Ultra Age cũng không nặng tính trừng phạt, nhưng thiết lập vị trí checkpoint ở cách xa nhau không hiếm lần trở thành vấn đề gây ức chế. Nó khiến bạn phải chơi lại một đoạn khá dài, chiến đấu với toàn bộ kẻ thù dọc đường giống như lần đầu tiên trải nghiệm game vậy.
Điều đó cũng đồng nghĩa nếu bạn để nhân vật thiệt mạng khi đối đầu với boss, việc đi lại phân đoạn vừa dài lại vừa phải chiến đấu với những kẻ thù tìm mọi cách rút máu của Age trước khi tiếp cận boss, kỳ thực là cảm giác không hề hào hứng. Thế nhưng, điểm trừ lớn nhất của Ultra Age là thiết kế màn chơi đẹp và đa dạng nhưng không ấn tượng. Có khi trước đó bạn đang lang thang giữa thiên nhiên tuyệt đẹp với thác nước và cây cầu nên thơ, ngay sau đó đã bước vào phòng thí nghiệm bỏ hoang hay khu rừng có nhiều kẻ thù đang chờ xin tí huyết.
Thỉnh thoảng có những phân đoạn thay đổi góc nhìn từ không gian 3D thành 2D tương tự như NieR: Automata, nhưng hiệu ứng chuyển đổi chưa tinh tế nên để lại cảm giác hơi gượng ép. Dường như đó chỉ là những phân cảnh mà nhà phát triển muốn tạo chút điểm xuyết nhằm thay đổi cảm giác nhìn hơn là có ý nghĩa nhất định trong thiết kế màn chơi. Mặc dù vậy, tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác phần lớn thiết kế màn chơi chỉ là những hành lang hay lối đi thông nhau vào những khu vực mở trước khi tiếp cận không gian lớn hơn.
Một vấn đề mà tôi cũng không thể không đề cập là Ultra Age thiếu sự bổ trợ của nhạc nền trong trải nghiệm game. Phần lớn những phân đoạn cất lên tiếng nhạc là khi bạn đụng độ với kẻ thù, nhưng lại không hoàn toàn khớp với khoảnh khắc trải nghiệm. Sự hạn chế của khía cạnh này ít nhiều làm giảm cảm giác hào hứng trong trải nghiệm game. Bù lại, trò chơi sở hữu đồ họa đẹp với hiệu năng rất tốt ngay cả trên hệ máy của Nintendo. Tuy có sự hy sinh nhẹ về chất lượng hình ảnh so với PlayStation 4, nhưng phiên bản Switch vẫn khá ấn tượng.
Ở góc độ người chơi, không có gì tệ hơn cảm giác chờ tải dữ liệu khi bạn đang hăng máu phục hận kẻ thù đã tiễn nhân vật lên mây trong khoảnh khắc sơ suất trước đó. Thế nên, Ultra Age gây ấn tượng với thời gian tải dữ liệu rất nhanh, gần như tức thời trong không ít trường hợp. Nó giúp giảm đi cảm giác ức chế mỗi khi nhân vật thiệt mạng và ‘respawn’. Đó còn là điểm cộng giúp tăng thêm giá trị cho cảm giác trải nghiệm. Thậm chí nhờ sử dụng game engine, các đoạn chuyển cảnh cũng chuyển tiếp rất liền mạch vào trải nghiệm game.
Sau cuối, Ultra Age mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động chặt chém rất hấp dẫn với đồ họa đẹp và hiệu năng tuyệt vời. Mặc dù câu chuyện kể còn thua kém so với khía cạnh khám phá và chiến đấu, nhưng trải nghiệm game kỳ thực là cảm giác đầy hào hứng với nhịp độ chơi rất nhanh, biến trò chơi trở thành cái tên cực kỳ đáng cân nhắc cho thư viện game của bạn.
Ultra Age hiện có cho PlayStation 4 và Nintendo Switch. Bản PC sẽ sớm ra mắt trong thời gian tới.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!