Nếu các cuộc đàm phán giữa Grab và Uber diễn ra suôn sẻ, Grab thâu tóm hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á thì cuộc chiến giành thị phần trong khu vực này của Grab sẽ không có đối thủ.
Sau khi tập đoàn tài chính Nhật bản SoftBank đầu tư hàng tỉ USD vào Uber vào cuối năm 2017, chiến lược kinh doanh Uber đã có nhiều thay đổi. Theo đó, Mỹ và châu Âu – nơi các cuộc chiến pháp lý cam go đang chờ đợi mới chính là thị trường mà Uber cần phải tập trung.
Thị trường Đông Nam Á lâu nay vẫn là miếng mồi ngon để các hãng kinh doanh dịch vụ chia sẻ xe lao vào cạnh tranh nhau khốc liệt, trong đó Grab tỏ ra chiếm ưu thế, giành được thị phần hơn do sự thay đổi linh hoạt động chính sách phục vụ khách hàng theo từng địa phương.
Chẳng hạn, Grab đưa ra các lựa chọn thanh toán linh hoạt hơn, cả bằng thẻ và tiền mặt. Đây là một yếu tố quan trọng khiến khách hàng chuộng sử dụng dịch vụ Grab hơn vì thói quen sử dụng tiền mặt.
Tính đến nay, Grab cung cấp dịch vụ tại hơn 160 thành phố trên khắp các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Myanmar và Campuchia. Năm ngoái, Grab tuyên bố có được 95% thị phần trong dịch vụ chia sẻ xe và 71% trong dịch vụ gọi xe riêng. Hãng này cũng ghi nhận 1 tỉ lượt đi ở khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Uber hiện chỉ mới hoạt động trong khoảng 60 thành phố trong khu vực mà thôi.