Theo thông báo vừa được Uber phát đi mới đây, nếu đối tác để trôi tín hiệu yêu cầu chuyến đi thì tài khoản sẽ bị tạm thời vô hiệu hóa.
Thông báo này được Uber phát đi sau vụ việc tài xế đối tác của hãng này tập trung trước trụ sở để yêu cầu hãng điều chỉnh giảm chiết khấu ăn chia và có các chính sách hỗ trợ tài xế trong việc cấm đường trên 13 tuyến phố vào giờ cao điểm,… Tuy nhiên, vì không đạt được các thỏa thuận nên nhiều tài xế Uber đã tắt ứng dụng vào giờ cao điểm đồng thời không nhận chuyến xe.
Phía Uber ngay sau đó đã gửi thông báo đến các đối tác Uber Hà Nội, nội dung cảnh báo từ ngày 20/1, Uber Hà Nội sẽ áp dụng chính sách quản lý chất lượng, bao gồm tỷ lệ nhận và hủy chuyến.
“Việc đối tác không nhận chuyến hay hủy chuyến nhiều dẫn đến trải nghiệm không tốt cho khách hàng, từ đó ảnh hưởng rực tiếp đến chính nguồn thu nhập của đối tác. Vì vậy, nhằm cải thiện và đảm bảo chất lượng ở thành phố Hà Nội, các quý đối tác hãy chấp nhận các yêu cầu gọi xe khi trực tuyến và hoàn thành tất cả các chuyến đi đã nhận”, thông báo cho biết.
Việc để trôi tín hiệu yêu cầu chuyến đi – theo Uber – có thể khiến tài khoản của đối tác bị tạm thời vô hiệu hóa”.
Trước Uber, ngày 10/1, tài xế Grab tại TP.HCM đã bãi công, tập trung trước trụ sở công ty này để phản đối chính sách thu thuế mới. Lí do là vì từ ngày 1/1/2018, Grab tiến hành kê khai, thu hộ thuế và việc thu thuế, phí được trừ trực tiếp từ ví tài khoản của tài xế GrabBike và GrabExpress, với giá trị cuốc xe ở mức 23,6%. Mức này bao gồm 20% là phí sử dụng ứng dụng và 4,5% mức thu hộ trên 80% doanh thu đối tác nhận được (tương đương 3,6%).
Lý giải về mức thu thuế mới này, phía Grab Việt Nam cho biết, trong năm 2016, 2017, hãng đã dùng ngân sách để nộp hộ đối tác (tài xế). Sang năm 2018, để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, công ty ra thông báo mức thuế thu hộ đối với đối tác của mình.
Để tỏ rõ thái độ không hài lòng, nhiều tài xế GrabBike ngày 11/1 đã tắt ứng dụng không nhận khách khiến nhiều người khá khó khăn khi muốn đặt xe ôm Grab. Làn sóng phản đối tiếp tục lan ra Hà Nội khi vài ngày sau đó tài xế Hà Nội cũng tập trng trước trụ sở Uber, Grab Hà Nội tiếp tục phản đối chính sách chiết khấu. Cả hai hãng đều xử lý bằng cách mở cuộc gặp hai bên nhưng sau đó phải hủy bỏ vì không đạt được thỏa thuận ban đầu.