Tháng 9/2017, sau khi Cục Thuế TP.HCM tiến hành thanh tra Uber đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và truy thu số tiền hơn 66,68 tỉ đồng. Được biết, đến thời điểm hiện tại, Uber vẫn chưa thực hiện việc nộp thuế này.
Lãnh đạo Cục thuế TP.HCM cho biết, nếu quá thời hạn căn cứ theo quy trình quản lý nợ thuế, Cục thuế sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại khoản 1 điều 3 Thông tư số 215/2013/TT-BTC Hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
Cụ thể, Cục thuế sẽ thực hiện từng bước các biện pháp cưỡng chế đối với Uber như sau: trích tiền từ tài khoản của Uber tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng; yêu cầu phong tỏa tài khoản. Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập. Thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật để thu tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
Nếu Uber vẫn tiếp tục không thực hiện nghĩa vụ thuế, Cục thuế sẽ tiến hành thu tiền, tài sản khác của Uber do tổ chức, cá nhân khác đang giữ. Tiếp đến là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.
Theo báo cáo của cục thuế TP.HCM, tổng doanh thu Uber tại thị trường Việt Nam trong ba năm 2014 – 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 là 2.776 tỉ đồng. Gần 3.000 tỷ đồng doanh thu nhưng số thuế mà Uber kê khai chỉ là hơn 76,8 tỉ đồng. Vì vậy, Cục Thuế TP.HCM đã tiến hành thanh tra Uber, sau đó ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và truy thu Uber B.V với số tiền hơn 66,68 tỉ đồng vào tháng 9/2017.
Lấy lý do đã thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ theo Hiệp định chống đánh thuế hai lần, Uber B.V Hà Lan đã gửi đơn khiếu nại lên Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính. Sau hơn ba tháng tiếp nhận và xử lý, Bộ Tài chính đã bác khiếu nại của Uber B.V Hà Lan về quyết định truy thu 66,68 tỷ đồng thuế.
Theo Bộ Tài chính, Uber B.V không được miễn thuế theo hiệp định chống đánh thuế hai lần ký giữa Việt Nam và Hà Lan vì có cơ sở thường trú tại Việt Nam (là các lái xe). Đơn vị này cũng phải có trách nhiệm truy thu các khoản thuế của các lái xe mà đơn vị này chưa thực hiện khấu trừ thuế.
Do đó, ngành thuế buộc Uber phải nộp khoản tiền thuế tại Việt Nam là có căn cứ, hoàn toàn không trái với hiệp định tránh đánh thuế hai lần.