Ham mê lợi nhuận “khủng”, mờ mắt trước những hứa hẹn ảo như tiền ảo, các nhà đầu tư đang kéo nhau vào chỗ chết bất chấp những lời cảnh tỉnh. Đến khi gặp sự cố, nhà đầu tư “lãnh đủ”.
Nhà đầu tư đang “ăn thịt” lẫn nhau
Những vụ lừa đảo liên quan đến tiền ảo như Pincoin, iFan, Bitconnect, VNCOIN… là bằng chứng xác thực nhất cho những mã đầu tư “bánh vẽ”. Cách đây không lâu, Nguyễn Hữu Tiến – Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc VNCOIN bị Bộ Công an bắt khẩn cấp về những hành vi có dấu hiệu lừa đảo đa cấp.
Có ý kiến cho rằng Nguyễn Hữu Tiến đã thực hiện lừa đảo bằng dự án phát hành tiền ảo đa cấp nhưng trên thực tế, các chiêu thức Tiến áp dụng để huy động vốn từ các nhà đầu tư lại không hoàn toàn là dự án phát triển tiền ảo, nhưng lại có nét giống cách gọi vốn của các quỹ đầu tư. Cho đến khi bị nhà đầu tư đòi nợ ráo riết thì Tiến lại chuyển sang đề nghị trả nợ bằng cổ phần nhưng lại giao dịch trên sàn Otcmax.vn chẳng ai biết đến và cũng chẳng có cơ quan nào giám sát, quản lí.
VNCOIN của Tiến đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo gọi vốn, bán ra các gói đầu tư với giá trị từ 2,5-250 triệu đồng. Nhà đầu tư được cấp mã code đầu tư là dãy số ảo từ 9-10 kí tự. Thế nhưng trong khoảng thời gian từ tháng 8-11/2016, Cty OTCMAX của Nguyễn Hữu Tiến đã kí kết được với hơn 6.000 nhà đầu tư góp vốn với tổng số tiền hơn 200 tỉ đồng. Số tiền huy động được Tiến cho biết sẽ mua lại quĩ tín dụng nhân dân, trung tâm thương mại, mỏ cát… để khai thác và phát triển kinh doanh nhưng cuối cùng đó chỉ là những ngoa ngôn. Trên thực tế, VNCOIN và Thiên Rồng Việt không hề có cơ sở khai thác, sản xuất, kinh doanh và cũng chẳng có liên kết gì với những doanh nghiệp mà Tiến đề cập.
Có một điều đáng lưu ý ở đây là, mã đầu tư mà OTCMAX/VNCOIN “bán ra” cho nhà đầu tư có phải là tiền ảo hay không, và những hội thảo quảng bá nhằm gọi vốn của Nguyễn Hữu Tiến có phải là phương thức ICO gọi vốn đầu tư của các dự án phát triển tiền ảo hay không? Trên thực tế với những chiêu trò đã bị phanh phui, mã đầu tư với dãy số ảo nhưng không hẳn là tiền ảo, song nó chắc chắn là chiếc “bánh vẽ” mà không ít nhà đầu tư đã đặt niềm tin vào đó.
ICO tiền ảo, hơn ¾ là lừa đảo
Tháng 4/2018 khi vụ lừa đảo tiền ảo đa cấp Pincoin và iFan do Cty Mordern Tech thực hiện bị vỡ lỡ thì nạn nhân của nó lên đến hơn 32.000 người tại TP.HCM và các tỉnh, với tổng số tiền thiệt hại được cho là hơn 15.000 tỉ đồng.
Dự án Pincoin đã đi vào báo cáo của Cty tư vấn Satis (Mỹ), là một trong ba dự án tiền ảo với hoạt động gọi vốn ICO lừa đảo số tiền nhiều nhất trên thế giới năm 2017. Chiêu thức của OTCMAX/VNCOIN cũng chẳng khác gì Mordern Tech với Pincoin và iFan: Cam kết trả lãi suất cao rồi lấy tiền của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước, đến khi nhà đầu tư thưa dần không có tiền để trả lãi nữa thì vỡ lỡ thành lừa đảo; hoặc phía kêu gọi đầu tư có ý đồ lừa đảo từ đầu, kêu gọi góp vốn với hứa hẹn lãi suất “khủng”, rồi đến khi có thể vớ bẩm được thì đánh bài chuồn.
Hơn 32.000 nạn nhân của Mordern Tech, thậm chí cả cộng đồng hơn 50.000 người chơi đồng tiền ảo Bitconnect tại Việt Nam khi sàn này bị “sập” dạo tháng 1/2018, cho đến hơn 6.000 nạn nhân của OTCMAX/VNCOIN, họ đã bị hạ gục do đâu? Một nguyên nhân chính yếu xuyên suốt là: Lòng tham + cả tin + ngây thơ.
Cty do Nguyễn Hữu Tiến cầm đầu cam kết trả lãi 1,8%/ngày cho các gói đầu tư liên tục trong 90 ngày làm việc, tính sơ mỗi tháng nhà đầu tư có thể thu về hơn 50%, ba tháng có thể thu về hơn 160%. Chẳng có thương vụ đầu tư kinh doanh nào có thể mang lãi lợi nhuận nhanh và “khủng” đến thế. Có “khủng” thế mới hạ gục được lòng tham của nhiều người.
Cái kết là mất trắng
Mới đây nhất, tối 25/7 vừa qua, thông tin ông Lê Minh Tâm, Tổng Giám đốc Sky Mining (HTX Bầu trời công nghệ – mạng lưới đ ầu tư máy đào tiền ảo được giới thiệu là thuộc hàng lớn nhất tại Việt Nam), đã mất liên lạc với công ty khiến các nhà đầu tư hốt hoảng, đứng trước nguy cơ mất trắng hàng tỉ đồng.
Công ty Sky Mining được cấp phép hoạt động đầu năm 2018 với 80 ngành nghề kinh doanh. Người đại diện pháp luật của công ty là ông N.M.G chứ không phải ông Tâm. Trong thời gian hoạt động, Sky Mining đưa ra nhiều gói đầu tư để người chơi chọn lựa, thấp nhất là 5.000 USD. Với gói đầu tư này, nhà đầu tư sẽ nhận lãi 40 – 50 USD/ngày, 1.500 USD/tháng, thời gian thu hồi vốn từ 3-4 tháng. Khi đạt mức lãi 15.000 USD, tức 300% vốn đầu tư, sẽ kết thúc hợp đồng, công ty thu hồi lại máy đào.
“Đầu tư càng nhiều gói, thu lãi hằng tháng càng cao, thu hồi vốn nhanh và có thể kiếm tiền triệu USD dễ dàng” – nhân viên của Sky Mining chào mời người chơi trên khắp mạng xã hội. Anh Thanh, một nhà đầu tư từng tham gia vào Sky Mining, cho biết lúc đầu công ty trả thưởng đúng cam kết nhưng giá bitcoin lao dốc mạnh, càng đào bitcoin càng lỗ thì hệ thống này gặp sự cố, nhà đầu tư thiệt hại nặng. Ông Thuấn, một nhà đầu tư khác, ước tính sẽ thiệt hại cả chục tỉ đồng nếu công ty này bị “sập”.
Thời gian qua, nhiều công ty lấy danh nghĩa đầu tư tiền kỹ thuật số, đầu tư tài chính nhưng thực chất là lừa đảo vì sau khi “gom” được một số tiền cực lớn, các công ty này “lặn mất tăm” để lại thiệt hại lớn cho người chơi. những mô hình như Sky Mining kêu gọi người dùng đổ tiền vào mua máy đào tiền ảo để hưởng lãi suất cao, thực chất là che mắt nhà đầu tư. Đồng bitcoin nếu đào được, nhà đầu tư cũng không được nắm giữ nên trong mô hình này, nhà đầu tư “nắm đằng lưỡi”.
Chuyện nhà đầu tư mất trắng tiền là hoàn toàn có thể xảy ra. Theo Tổng cục Cảnh sát, pháp luật hiện hành quy định các tổ chức và cá nhân không được phép sử dụng bitcoin hay các loại tiền ảo khác như một loại tiền tệ. Việc này đồng nghĩa việc mua bán, sở hữu đồng tiền ảo tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cao cho nhà đầu tư và tạo điều kiện cho tội phạm lừa đảo, rửa tiền… Do vậy, các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
Từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước cũng đã khẳng định bitcoin không phải là tiền tệ cũng như phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam đồng thời cảnh báo người sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo không được pháp luật bảo vệ. Từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.