Nhiều “dịch vụ ngầm” đang cung cấp một gói hỗ trợ đánh sập tài khoản cá nhân theo cách rất độc: thông báo cho Facebook người dùng nick đó đã qua đời bằng giấy chứng tử giả.
Theo Zing, một “chiêu” mới đang lan nhanh trong cộng đồng chuyên “RIP nick” thuê là sử dụng giấy chứng tử, cáo phó giả… để bán cho các cá nhân muốn “trả thù” người khác trên Facebook. Chiêu này nghe qua có vẻ khá mắc cười nhưng thực tế nó đang được vận dụng rất hiệu quả. Cách làm này dựa vào điểm yếu về việc kiểm duyệt thông tin khá lỏng lẻo của Facebook. Cụ thể, hacker sẽ gửi một mẫu yêu cầu cho Facebook, thông báo việc chủ tài khoản Facebook mục tiêu đã qua đời, kèm theo đó nhằm tăng sự tin tưởng thì nhóm này còn kèm thêm những giấy tờ có liên quan như giấy chứng tử, cáo phó (có cả mộc đỏ), chứng minh nhân dân “người mất”…
Giá của mỗi phôi cáo phó, giấy chứng tử được bán dao động 100.000-200.000 đồng. Thường những phôi này tồn tại dưới dạng một file PSD (chuẩn dùng cho Photoshop) kèm theo font chữ để thêm vào nội dung. Mặc dù việc làm giả giấy tờ này không được pháp luật cho phép nhưng nhiều đối tượng vẫn ngang nhiên “rao vặt” trên Facebook.
Facebook có quy định về các tài khoản nếu người đó qua đời khá rõ ràng. Sau khi ai đó qua đời, Facebook sẽ tưởng nhớ tài khoản của họ nếu có thành viên gia đình hoặc bạn bè gửi yêu cầu. Tưởng nhớ một tài khoản sẽ giúp bảo vệ tài khoản đó bằng cách ngăn chặn mọi người đăng nhập vào tài khoản. Người duy nhất có thể quản lý tài khoản được tưởng nhớ là liên hệ thừa kế do chủ tài khoản chọn. Một liên hệ thừa kế có thể thực hiện những việc như: ghim bài viết trên trang cá nhân, trả lời lời mời kết bạn mới, cập nhật ảnh đại diện và ảnh bìa. Nếu chủ tài khoản chưa chọn liên hệ thừa kế, tài khoản sẽ không được bất kỳ ai chủ động quản lý sau khi yêu cầu tưởng nhớ.
Cũng theo Zing thì mức giá phải trả để “khai tử” một người trên Facebook cũng khá đắt: dao động 2-5 triệu đồng cho một tài khoản. Thậm chí nhiều “hacker” mới tập tành làm dịch vụ còn nhận hợp đồng với giá chỉ 200.000 đồng. Đương nhiên khả năng thành công của việc đưa một tài khoản về “nơi chín suối” tỷ lệ thuận với số tiền bỏ ra. Chiêu thức “die nick” này thường được sử trong những trường hợp cạnh tranh không lành mạnh. Những người buôn bán hàng online hay có hiềm khích từ trước thường là nạn nhân. Đặc biệt giới nghệ sĩ, người nổi tiếng thường bị các anti fan chơi xấu theo cách này.
Ngày càng có nhiều chiêu trò của các đối tượng để cạnh tranh không lành mạnh. Như trước đó Trải Nghiệm Số cũng từng đề cập, một chiêu thức đơn giản khác cũng từng được sử dụng. Đó là nếu bạn kết bạn với một “người lạ” nào đó vì đơn giản là ai kết bạn thì mình thì mình “accept” thôi. Người này có thể thêm bạn vào vai trò là Administrator (người điều hành) của một trang do người này tạo ra (hoàn toàn có thể nếu đã là bạn bè). Sau đó người này sẽ đăng các thông tin phản cảm, hay những thông tin vi phạm chính sách của Facebook. Và Facebook sẽ tự động xoá trang đó cũng như tất cả những người điều hành trang này, dĩ nhiên trong đó sẽ có bạn. Hiện tại Facebook đã sửa lỗi này khi người được thêm quyền cần phải bấm chấp nhận hay không.