Trine 3: The Artifacts of Power là một tựa game khá tham vọng trong series game đi cảnh giải đố Trine với đổi mới quan trọng là môi trường không gian 3D hoàn toàn thay vì vẫn trung thành với lối chơi 2,5D quen thuộc. Điều này ít nhiều cũng làm thay đổi cảm giác trải nghiệm của người chơi.
Kỳ thực, Trine 3: The Artifacts of Power chỉ là tựa game mới trên nền tảng Nintendo Switch sau khi hai phần chơi Trine Enchanted Edition và Trine 2: Complete Edition lần lượt xuất hiện trên nền tảng này hồi cuối năm ngoái và Tết Nguyên đán năm nay. Trước đó, series Trine đã “công phá” trên các nền tảng khác một thời gian khá dài. Thời điểm mới phát hành, trò chơi gây nhiều tranh cãi giữa cộng đồng người chơi khi cho rằng thời lượng chơi không tương xứng so với những gì mà hai phần chơi trước mang đến.
Tuy nhiên, ít ai biết phần ba của series Trine suýt chút nữa đã khiến nhà phát triển Frozenbyte bị “hồi mã thương” vì tham vọng chuyển sang không gian màn chơi hoàn toàn 3D. Đó là lý do mà phần chơi này có thời lượng ngắn hơn hai phần chơi trước và kết cấu màn chơi không đa dạng do đã bị cắt bỏ rất nhiều nội dung trong quá trình phát triển, vì kinh phí tăng vọt ngoài khả năng của nhà phát triển so với dự kiến ban đầu. Bỏ qua câu chuyện buồn không nên nhắc đến nói trên, Trine 3: The Artifacts of Power vẫn tiếp tục cuộc phiêu lưu giải đố với phần giới thiệu quen thuộc trong vài màn chơi đầu tiên về ba nhân vật chính: hiệp sĩ Pontius, “vua trộm” Zoya và pháp sư Amadeus.
Điểm trừ dễ thấy ngay đầu trải nghiệm là Trine 3: The Artifacts of Power bổ sung thêm yếu tố thu thập các vật phẩm tam giác vàng rải rác khắp mỗi màn chơi. Vấn đề ở chỗ, để mở khóa màn mới thì bạn phải tìm được đủ số lượng tam giác vàng mà màn chơi đó yêu cầu. Chính vì vậy mà ngoài yếu tố giải đố, thu thập tam giác vàng còn là mục đích chính mà người chơi phải làm trong suốt trải nghiệm. Ở góc độ người chơi game, đây có lẽ là một giải pháp để kéo dài thời lượng chơi tương tự game ReCore trước đây và cũng là điểm trừ lớn nhất của cả hai tựa game này.
Điểm trừ thứ hai cũng ảnh hưởng đến trải nghiệm game chính là môi trường màn chơi 3D. Sự thay đổi từ không gian 2D sang môi trường 3D lẽ ra đã mang đến cảm giác trải nghiệm hấp dẫn hơn, nhưng không! Cách thiết kế góc nhìn của Trine 3: The Artifacts of Power khiến tựa game này gây nhiều phiền toái trong hơn. Đơn cử như ngay từ đầu trải nghiệm, người chơi sẽ gặp tình huống mà góc camera cố định của game khiến bạn rất khó xác định chiều sâu trong không gian 3D. May mắn là tuy yếu tố này xảy ra trong suốt trải nghiệm, nhưng kỳ thực tôi không gặp nhiều khó khăn với phần đi cảnh lắm.
Dù vậy, đôi lúc vẫn không tránh khỏi ức chế khi phải loay hoay tìm cách thu thập một tam giác vàng nào đó vì vấn đề này. Việc khó xác định chiều sâu không gian trong môi trường 3D khiến người chơi khó phân biệt rõ ràng tiền cảnh và hậu cảnh trong game, dẫn đến cảm nhận sai hoặc nhầm lẫn khoảng cách khiến trải nghiệm đi cảnh nhiều khi khá ức chế. Trước đây, tôi nhớ có một trường hợp tương tự là game Super Mario 3D Land trên nền tảng 3DS khi trải nghiệm game ở chế độ thuần 2D. Trine 3: The Artifacts of Power cũng tương tự vậy, giống như bạn chơi tựa game nói trên mà không bật chế độ 3D hoặc trên chiếc máy 2DS vậy.
Ở góc độ người chơi, tôi không nghĩ đây là chủ đích thiết kế của nhà phát triển mà có lẽ do họ không có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế màn chơi trong môi trường 3D hoàn toàn mà thôi. Bởi lẽ, hai năm sau khi Trine 3: The Artifacts of Power lần đầu ra mắt, nhà phát triển Frozenbyte đã gây ấn tượng với tựa game Nine Parchments có lối chơi “tung chưởng” kiểu chặt chém khá thành công, đồ họa tuyệt đẹp, hỗ trợ trải nghiệm co-op bốn người cùng chơi cực kỳ hấp dẫn. Có lẽ những “tinh hoa” và “kinh nghiệm xương máu” rút tỉa từ Trine 3 đã giúp họ mang đến thành công cho tựa game nói trên.
Dù vậy, bản thân tôi vẫn nghĩ series Trine không phù hợp với lối chơi đi cảnh 3D. Bởi lẽ, không gian và tạo hình nhân vật trong Trine 3: The Artifacts of Power mang đến cho tôi cảm giác khá xa lạ, nhất là khi nhìn cận cảnh khuôn mặt của “bộ ba anh hùng” của series trong phần chơi này, cứ như là dàn nhân vật hoàn toàn mới vậy. Tuy nhiên, vì nó hơi thiên về cảm nhận cá nhân nên tôi cũng không xem đây là điểm trừ của trò chơi. Ngược lại với nhân vật, cảnh nền bao gồm cả hậu và tiền cảnh trong game lại khá ấn tượng, sử dụng những gam màu rực rỡ tuyệt đẹp ngay cả trên phần cứng của Nintendo Switch.
Mặc dù phiên bản Nintendo Switch thua kém về chất lượng đồ họa so với các nền tảng khác, nhưng vẫn đủ ấn tượng không khác gì một bữa tiệc thị giác. Từ những đại dương rộng lớn khi nhìn từ trên cao cho đến ánh hoàng hôn xa xa trên những bãi biển, rồi những khu rừng tuyệt sắc đầy hoa thơm cỏ lạ và sinh vật. Nó cho thấy nhà phát triển thật sự rất chăm chút đứa con tinh thần của họ và điều này cũng vô tình hay chủ ý giúp yếu tố giải đố trong game được “thơm lây”. Tuy nhiên, dù vẫn giữ được sức hấp dẫn nhưng cơ chế giải đố thiếu sự đa dạng là một điều hơi đáng tiếc. Phần lớn các câu đố đều liên quan đến yếu tố vật lý và xoay quanh việc cân nặng, khả năng cân bằng hay một số khoảnh khắc cần hành động đúng thời điểm.
Thế nhưng, ngoài yếu tố 3D gây một số vấn đề phát sinh phiền phức trong trải nghiệm, toàn bộ những gì thú vị và hấp dẫn trong hai phần chơi đầu vẫn tiếp tục là điểm nhấn trong trải nghiệm Trine 3: The Artifacts of Power. Trải nghiệm co-op ba người cùng chơi vẫn tiếp tục là một trong những điểm sáng của phần chơi này. Các nhân vật cũng có thêm một số kỹ năng mới, chẳng hạn như Zoya có thể cột hai vật thể lại với nhau để tạo mặt phẳng di chuyển mới hay Pontius và Amadeus có kỹ năng “đầu đội trời, chân đạp đất” để nhún lên vị trí cao hơn trong các phân đoạn đi cảnh và giải đố.
Sau cuối, Trine 3: Artifacts of Power mang đến một trải nghiệm đi cảnh giải đố thú vị và hấp dẫn dù vướng phải một số vấn đề do sử thay đổi cảm giác gameplay quen thuộc so với hai phần chơi trước. Tùy vào mỗi người chơi mà yếu tố này ảnh hưởng đến trải nghiệm game ít hoặc nhiều. Dù các yếu tố khác có nhiều cải thiện so với các phần chơi cũ bên cạnh vấn đề mới phát sinh, nhưng cảm giác trải nghiệm thay đổi là điều rất khó điều chỉnh trong cảm nhận của người chơi. Nếu những phát sinh mới không làm bạn khó chịu thì đây chắc chắn vẫn là phần tiếp theo đáng chú ý của series Trine trước khi phần bốn ra mắt.
Trine 3: The Artifacts of Power được phát hành cho PC (Windows, macOS, Linux), PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!