Tricky Towers là một sự biến tấu độc đáo của dòng game Tetris kinh điển, mang đến một trải nghiệm giải đố có một không hai cực kỳ kịch tính.
Thật ra Tricky Towers không phải là một tựa game mới vì trò chơi đã phát hành trên PC một thời gian, nhưng mãi đến bây giờ mới xuất hiện trên các nền tảng console. Thế nhưng, khi bạn kết hợp với khả năng cơ động của Nintendo Switch với lối chơi multiplayer đặc trưng, thì đây là một tựa game party cực kỳ hấp dẫn, mang đến những cuộc thi thố đầy hào hứng với bạn bè trong những buổi hội họp.
Ngay từ những cái nhìn đầu tiên, người chơi có thể nhầm lẫn Tricky Towers chỉ là một game Tetris đơn thuần nhưng kỳ thực đấy là một nhận định hết sức sai lầm. Trò chơi tuy vẫn mang nhiều yếu tố cốt lõi quen thuộc của thể loại game “xếp gạch” nhưng với nhiều yếu tố khác biệt. Nếu không cẩn thận thì bạn sẽ “ăn gạch” nhiều hơn là xếp. Chưa kể, việc vận dụng “phép thuật” đúng thời điểm cũng là một điều khiến bạn đau đầu khi phải cân nhắc trong trải nghiệm.
Như cái tên của trò chơi gợi ý, người chơi sẽ phải xây dựng những tòa tháp chông chênh tùy theo yêu cầu của màn chơi. Mặc dù nghe có vẻ không lấy gì làm thử thách, nhưng chính sự xuất hiện của yếu tố vật lý về xây dựng khiến trải nghiệm trong game trở nên khó một cách khó chịu, nhất là trong phần chơi đơn. Mỗi hình khối đều có một độ nặng và khả năng cân bằng của nó, chỉ cần bạn đặt sai vị trí một chút là đã đủ khiến cả tòa tháp sụp đổ trong chớp mắt.
Phần chơi đơn của Tricky Towers được chia thành hai chế độ chơi là Trial và Endless. Trial có ba dạng màn chơi được chia thành ba lối chơi khác nhau là Race Challenge, Puzzle Challenge và Survival Challenge. Mục tiêu của người chơi trong cả ba loại màn chơi này đều tương tự nhau, nhưng đi kèm với những quy luật khác biệt nhất định cùng nhiều “tai bay vạ gió” mà trò chơi “ném” cho bạn mà lại chỉ có một số chiêu “phản đòn” yếu ớt. Tất cả đều được thiết kế khá thú vị, mang đến trải nghiệm hết sức hấp dẫn và mới mẻ.
Trải nghiệm với những màn chơi Race Challenge giống như một cuộc chạy đua mà bạn phải xây dựng tòa tháp cao đến đích trong thời gian giới hạn. Yếu tố chạy đua cùng thời gian khiến người chơi phải có khả năng phản ứng nhanh, không có nhiều thời gian để suy nghĩ vì mục đích chính là độ cao chứ không phải sự vững chắc của tòa tháp như hai chế độ chơi còn lại. Trong khi đó, Puzzle Challenge lại mang đến lối chơi giải đố pha chút yếu tố thử và sai, đòi hỏi sự động não nhiều hơn như cái tên của nó.
Về mặt gameplay, những màn chơi Puzzle Challenge cung cấp cho người chơi một nền tảng cố định và yêu cầu bạn phải sắp xếp số lượng mảnh ghép nhất định sao cho vừa khít trong không gian hẹp đó. Vấn đề ở chỗ, người chơi không được để mảnh ghép nào rơi hoặc chạm phải tia laser “ngăn sông cách chợ” trong màn chơi. Đây là một trải nghiệm khá thú vị, đòi hỏi người chơi phải thử đi thử lại nhiều chiến thuật xây dựng khác nhau để bảo đảm được yêu cầu đặc trưng của màn chơi. Nghe thì có vẻ dễ nhưng kỳ thực đây là một trong những trải nghiệm tiêu tốn của bạn không ít thời gian để nghiền ngẫm và suy nghĩ rồi thử đi thử lại, khá là “hại não”.
Cuối cùng là những màn chơi Survival Challenge. Đúng như cái tên của nó, mục tiêu của người chơi vẫn là xây một tòa tháp vững chắc và càng cao càng tốt cho đến khi sử dụng hết số mảnh ghép mà trò chơi cung cấp. Về cơ bản thì đó là một trải nghiệm giao thoa giữa Race Challenge và Puzzle Challenge, nhưng bổ sung thêm một số luật chơi mới. Cụ thể, người chơi chỉ có ba giọt máu tương đương với tối đa ba lần được làm rơi các mảnh ghép xuống vực. Đã vậy, trong suốt quá trình xây tháp thì trò chơi thỉnh thoảng lại đưa vào yếu tố “phá hoại” làm khó cho người chơi.
Lúc thì khóa một mảnh ghép nào đó không cho phép bạn xoay vị trí của nó, khi thì lại phóng to một mảnh ghép nào đó trở nên khổng lồ khiến bạn phải suy tư cân nhắc rất nhiều về khả năng cân bằng của tòa tháp. Với chế độ chơi này thì tôi “điên tiết” nhất là khi bị sương mù che đỉnh tháp nên không thể đặt đúng vị trí cần thiết hoặc bất ngờ tăng tốc độ rơi các mảnh ghép khiến người chơi không trở tay kịp. Đây có thể nói là chế độ chơi khó nhất mà Tricky Towers mang đến trong trải nghiệm, nhất là từ những khoảng 2/3 màn chơi về sau trong tổng số 50 màn chơi trial của chế độ chơi đơn.
Endless thì giống như một sự giao thoa giữa Race Challenge và Survival Challenge, trong đó người chơi xây một tòa tháp càng cao càng tốt mà không có giới hạn thời gian lẫn chiều cao. Tuy nhiên, thú vị hơn hết vẫn là thi tài xây tháp ở chế độ chơi Local Battle hoặc Online Battle cùng những người chơi khác. Local Battle là một trải nghiệm hấp dẫn nhất, cho phép người chơi tùy chỉnh khá nhiều thứ, từ kiểu màn chơi cho tới độ khó lẫn số vòng chơi trong một lần. Đáng tiếc là phần chơi chế độ chơi Online Battle lại không cho bạn lựa chọn chi tiết như thế. Thay vào đó chế độ này chỉ ghép người chơi với chế độ chơi ngẫu nhiên nào đó, nhiều khi khá bực mình khi trúng phải kiểu chơi mà bạn không thích.
Một điều đáng đề cập là Tricky Towers bán khá nhiều vật phẩm ảo gồm chủ đề màu sắc trang trí cho các mảnh ghép và nhân vật. Tuy nhiên, các yếu tố vật phẩm ảo này không có bất kỳ tác động nào đến trải nghiệm mà chỉ có một mục đích để trang trí. Nếu thích thì bạn có thể mua để ủng hộ thêm cho nhà phát triển, hoặc nếu không thích thì bạn vẫn có thể sử dụng các nhân vật và chủ đề có sẵn. Dù vậy, vấn đề lớn nhất của trò chơi có lẽ là các trial trong phần chơi đơn mang cảm giác quá khó. Nếu chơi liên tục dễ tạo cảm giác lặp lại dù độ khó về sau ngày càng cao, đúng như nghĩa của từ trial là thử thách vậy. Mặt khác, nhạc của game tuy khá nhẹ nhàng nhưng nếu bạn chơi trong thời gian dài thì lại khá chán vì giai điệu cứ đều đều chứ không sôi động.
Sau cuối, Tricky Towers là một tựa game giải đố khá độc đáo và sáng tạo. Trò chơi đặc biệt kết hợp khá hoàn hảo với trải nghiệm trên Nintendo Switch khi bạn có thể chơi giải trí hoặc thi tài với bạn bè bất cứ lúc nào so với các nền tảng khác. Nếu thích dòng game party và thể loại giải đố, thì đây chắc chắn là một cái tên rất đáng chú ý.
Tricky Towers được phát hành cho PC (Windows, macOS, Linux), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát triển hỗ trợ.