Trials of Mana là bản làm lại của “siêu phẩm” JRPG kinh điển Seiken Densetsu 3 từ thời SNES. Phiên bản này hoàn toàn khác với Trials of Mana bản 2D cùng tên trong bộ Collection of Mana phát hành giữa năm 2019.
Phần lớn người chơi có lẽ chỉ biết Seiken Densetsu 3 từ thời SNES qua bản dịch fanmade của Neill Corlett. Lý do đơn giản là vì phiên bản gốc tiếng Nhật có một lỗi lập trình, khiến việc khắc phục tốn nhiều tiền và công sức khi chuyển ngữ và phát hành ngoài đất nước mặt trời mọc. Lý do kinh tế khiến kế hoạch phát hành không được thực hiện. Chỉ mãi đến giữa năm ngoái, trò chơi mới bất ngờ được chuyển ngữ và bán kèm trong bộ Collection of Mana, lấy tựa chính thức Trials of Mana. Điều khá bất ngờ là gần một năm sau đó, game tiếp tục ra mắt bản làm lại trên nền đồ họa 3D và phát hành ngay sau FINAL FANTASY VII Remake không lâu.
Tuy nhiên, bản làm lại Trials of Mana không được đầu tư nhiều như FINAL FANTASY VII Remake. Đã vậy, thời điểm phát hành quá sát và có phần lặng lẽ cũng vô tình khiến trò chơi mất hút trên thị trường. Dẫu thế, đây vẫn là JRPG khá ấn tượng ở khía cạnh hoài cổ xen lẫn những thiết kế hiện đại. Phiên bản làm lại bám rất sát nội dung trong bản chuyển ngữ của Trials of Mana 2D trong bộ Collection of Mana, thậm chí những câu thoại cũng “sao y bản chính”. Các nhân vật quen thuộc cũ nhất là nữ được thổi sinh khí mới trong tạo hình cel-shade, mang đậm phong cách anime đáng yêu và táo bạo cùng hệ thống chiến đấu cũ được hiện đại hóa.
Trials of Mana bản làm lại vẫn giữ nguyên câu chuyện kể đa chiều từ nhiều nhân vật. Trò chơi lấy bối cảnh trong thế giới viễn tưởng khi mana là là nguồn sống cho vạn vật nơi đây. Sự sống bắt đầu khi Goddess of Mana dùng Sword of Mana để kiến tạo thế giới và tiêu diệt “bát đại thần thú” Benevodon, giam cầm chúng trong 8 Mana Stone trước khi kiệt sức và hóa thành Tree of Mana. Một thời gian dài sau đó, Mana bắt đầu suy giảm, Tree of Mana dần héo úa giữa cuộc tranh giành quyền lực của các vương quốc để giải thoát Benevodon khỏi Mana Stone. Từ đây mở màn cho câu chuyện của các nhân vật, mỗi người đều mang nỗi niềm riêng.
Tùy vào lựa chọn nhân vật của người chơi mà câu chuyện kể sẽ thay đổi. Cách xây dựng này khá giống OCTOPATH TRAVELER nhưng số lượng nhân vật ít hơn, gây cho tôi ấn tượng không nhỏ khi xét thời điểm Seiken Densetsu 3 phát hành là từ năm 1995. Trò chơi được chấp bút với kịch bản khá xuất sắc. Đội ngũ biên kịch gần như chuẩn bị trước mọi tình huống có thể diễn ra tùy vào lựa chọn nhân vật của người chơi. Thiết kế này giúp mang lại giá trị chơi lại khá cao cho game và Trials of Mana bản làm lại cũng không hề ngoại lệ. Kỳ thực, nó được tái hiện “sao y bản chính” câu chuyện kể đó trên nền đồ họa mới cùng các cải tiến gameplay.
Người chơi chọn một nhân vật chính và hai nhân vật phụ, mở ra câu chuyện kể khác nhau. Cả ba nhân vật sẽ hội ngộ tại một thời điểm nhất định, chung sức vì mục tiêu lớn hơn. Tôi chỉ có thể tiết lộ đó là một câu chuyện sở hữu nhiều nút thắt và đầy cảm xúc, đi kèm vài ý tưởng ngốc xít và có phần hơi trẻ con nhưng rất đáng yêu của các nhân vật. Nếu muốn hiểu rõ toàn bộ nội dung và động cơ của mỗi người, bạn phải chơi lại ít nhất hai lần với bộ ba nhân vật khác nhau. Tuy đây là đặc trưng gameplay của Trials of Mana, nhưng điểm trừ là nó dễ khiến người chơi mù mờ về hành tung khó hiểu của các nhân vật khác trong lần chơi đầu tiên.
Mỗi nhân vật đều có khả năng tùy biến với các tuyệt kỹ Class Strike và Ability mang tính cá nhân của từng nhân vật. Ngoài ra còn có Chain Ability được dùng chung một khi có thành viên trong party mở khóa. Người chơi sử dụng Training Point có được khi nhân vật thăng cấp để mở Ability và Chain Ability mới thông qua cộng điểm vào các chỉ số tương ứng của nhân vật. Tuy nhiên, nếu bạn không chú ý đọc kỹ phần hướng dẫn cơ bản, hệ thống kỹ năng có thể gây khó hiểu với người chơi mới. So với Seiken Densetsu 3, bản làm lại có một số cải tiến đáng chú ý, chẳng hạn cho phép hồi lại việc đổi lớp nhân vật hoặc “tẩy” Training Point.
Về cơ bản, mỗi nhân vật khi hội đủ điều kiện, có thể thay lớp nhân vật lần đầu để cường hóa theo hai hướng light và dark. Trong đó, light thiên về hỗ trợ và phòng thủ trong khi dark thiên về khả năng thiện chiến, đi kèm với đó là mở khóa thêm các kỹ năng mới. Khi đạt cấp độ cao hơn và thu thập được vật phẩm cần thiết, người chơi có thêm nhiều lựa chọn để phối ghép lớp nhân vật với nhau tùy thuộc vào lối chơi cá nhân. Đáng chú ý, Trials of Mana bản làm lại có giá trị chơi lại đầy hấp dẫn khi bổ sung lần đổi lớp nhân vật thứ tư sau khi kết thúc trải nghiệm. Tính năng này vốn không có trong Seiken Densetsu 3.
Thú vị hơn, bản làm lại của Trials of Mana cũng có chút thay đổi về cơ chế gameplay so với game gốc, hướng đến yếu tố hành động nhiều hơn thay vì theo định hướng cũ thiên về nhập vai. Hệ thống chiến đấu được tinh chỉnh lại với các đòn tấn công mạnh và nhẹ gán cho các nút bấm trên tay cầm, cho phép nhân vật có thể thi triển các đòn combo đơn giản. Nó mang nhiều cảm giác như phiên bản rút gọn và chỉnh sửa từ FINAL FANTASY VII Remake. Bạn vẫn có thể điều khiển nhân vật né tránh hoặc sử dụng phép theo thời gian thật, nhưng không thể đỡ đòn cũng chẳng thể chuyển nhanh giữa party với nhau nếu không thỏa kèm điều kiện.
Thay vào đó, nhịp độ trận chiến sẽ chậm hơn dù vẫn giữ cảm giác chặt chém hành động nhanh. Thiết kế này tuy khiến cảm giác chiến đấu trong Trials of Mana khá hấp dẫn, nhưng dẫn đến một số vấn đề trong trải nghiệm. Điều thú vị là thay vì chấp nhận “được vạ thì má đã sưng”, bạn có thể tận dụng nó làm lợi thế trong trận chiến. Về cơ bản, mỗi hành động của nhân vật như thi triển tuyệt chiêu hoặc phép đều có số lượng khung hình nhất định, phải hiển thị hết mới có thể tiếp tục hành động mới. Điều này đồng nghĩa nếu kẻ thù đang tung đòn tấn công và bạn ra tay trễ dù chỉ một khung hình, cơ hội chúng trúng đòn là zero và ngược lại.
Một vấn đề cũng không thể không nhắc tới là camera khi chiến đấu thường có những góc quay rất “trời ơi đất hỡi”. Nó buộc người chơi phải thường xuyên thay đổi góc nhìn cho phù hợp với “nghịch cảnh” khá khó chịu. Lời khuyên của tôi là hãy hạn chế sử dụng tính năng lock-on nhiều nhất có thể, vì bạn sẽ gặp rắc rối với nó giống như FINAL FANTASY VII Remake. Tuy nhiên, người chơi cũng có thể hạn chế điểm trừ này bằng cách chỉnh lại khoảng cách camera trong phần tùy chọn để có góc nhìn tốt hơn. Thế nhưng, hãi hùng nhất là AI ăn hại của Trials of Mana, thường xuyên gây cho tôi những cơn “nhồi máu cơ tim” thừa sống thiếu chết.
Về cơ bản, người chỉ điều khiển một nhân vật trong party để chiến đấu, hai nhân vật còn lại do AI đảm nhận. Thế nhưng, “trí tuệ nhân tạo” tệ đến mức gần như không được tích sự gì ngoài việc giãy chết liên tục. Chúng khiến tôi phải thường xuyên hồi sinh hết sức vất vả, gây ức chế cực kỳ trong những phân đoạn đánh boss. Thế nhưng, nếu không cẩn thận vấn đề khung hình hành động nói trên, bạn có thể khiến nhân vật điều khiển “thăng thiên” khi đang cố gắng “thăng hoa” cho đồng đội AI. Một trong những trận ức chế nhất ban đầu là Zehnoa. Con boss này có đam mê dùng bẫy giăng khắp lối đi rồi thổi gió đẩy party ra xa lao thẳng vào bẫy.
Đáng nói, AI không biết cách tránh bẫy mà chỉ chạy theo người chơi và để mất máu đến mất mạng. Do lần đầu đánh nên tôi không biết yếu điểm của boss để mở khóa tuyệt kỹ khắc thuộc tính trước. Mà dù có phát hiện ra ngay giữa trận, bạn cũng không cách nào tùy biến lại cây kỹ năng của party vì Trials of Mana khóa tính năng này khi vào trận. Không những thế, người chơi chỉ được phép sử dụng tối đa 9 món cho mỗi vật phẩm khi lâm trận. Nếu mải cho AI “tiêu thụ”, khi đến lượt bạn cần sẽ không còn cái nào mà dùng. Vấn đề ở chỗ, nếu để AI “đi về nơi xa” thì không có nhân vật dự phòng để hồi sinh cho nhau cũng khá nguy hiểm. Khó ở chỗ đó.
Ở khía cạnh hình ảnh, Trials of Mana mang cảm giác vay mượn từ phong cách anime với tạo hình nhân vật bắt mắt, nhiều màu sắc của Dragon Quest XI. Từ hình thể nhân vật “chuẩn không cần chỉnh” cho tới xây dựng thế giới trong những thành phố hay thị trấn mà người chơi dừng chân đều khá chăm chút. Mỗi địa điểm mang dấu ấn riêng về thiết kế kiến trúc, sử dụng gam màu khác biệt để tôn lên đặc trưng văn hóa của từng khu vực. Tuy nhiên do sử dụng engine Unreal, trò chơi có hiện tượng hiển thị texture chậm đặc trưng của game engine này. May mắn là trên PlayStation 4, vấn đề này không gây nhiều chú ý vì thời gian khá ngắn, chỉ khoảng 1 giây.
Nền tảng Nintendo Switch thì ngược lại. Tình trạng chậm hiển thị texture kéo dài lâu hơn, có thể vô tình giảm cảm hứng trải nghiệm. Chưa kể, không khó để nhận thấy tuy chất lượng đồ họa trên cả hai hệ máy khá tương đồng ở khía cạnh nhìn, nhưng bản Switch kém sắc nét hơn thấy rõ. Tuy nhiên, đây là bệnh chung của Nintendo Switch do phần cứng yếu kém, khả năng xử lý chậm nên tôi không xem đó là điểm trừ cho phiên bản này. Bù lại, trò chơi có hiệu năng khá tốt ở cả hai chế độ handheld và dock, tương đương Dragon Quest XI bản Switch. Chưa kể, trải nghiệm tuyến tính nhưng yếu tố khám phá, thu thập khá thỏa mãn là điểm cộng lớn.
Sau cuối, Trials of Mana bản làm lại mang đến một trải nghiệm JRPG tuyệt vời, kết hợp nhuần nhuyễn yếu tố hoài cổ và cải tiến gameplay tốt hơn trên nền đồ họa mới bắt mắt, nhiều màu sắc. Nếu yêu thích thể loại này, đây chắc chắn là cái tên phải có trong thư viện game của bạn. Tuy nhiên, những ai quá quen thuộc với bản dịch fanmade của Seiken Densetsu 3 ngày xưa sẽ gặp chút khó khăn với tên một số nhân vật thay đổi hoàn toàn lạ lẫm.
Trials of Mana được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!