Trek to Yomi là game phiêu lưu hành động gây ấn tượng với phong cách đồ họa độc đáo, gợi nhớ đến những bộ phim trắng đen kinh điển của đạo diễn huyền thoại Nhật Bản Kurosawa Akira. Điều này thể hiện ở nhiều góc quay camera trong mỗi khung hình đều toát lên tính nghệ thuật rất cao, mang cảm giác như bức tranh vẽ hoàn mỹ tái hiện bối cảnh thời Edo của đất nước mặt trời mọc của trải nghiệm game. Đó không phải điểm cộng duy nhất của trò chơi. Từ thiết kế mỹ thuật cho tới cốt truyện lẫn khía cạnh nghe đều tuyệt vời.
Cốt truyện Trek to Yomi là câu chuyện kể khá kinh điển về samurai. Người chơi nhập vai nhân vật chính từ lúc còn nhỏ đến khi trưởng thành. Khi ngôi làng bị bọn thảo khấu cướp bóc, người chơi phải đối mặt với nỗi sợ lớn nhất trong cuộc đời Hiroki và đưa ra quyết định ảnh hưởng đến cái kết cuối trải nghiệm. Trò chơi mở đầu với cậu bé Hiroki thuở thiếu thời đang luyện kiếm với sư phụ để lĩnh hội trọng trách của một samurai thì có biến. Tuy phân đoạn này là tutorial nhưng được lồng rất khéo léo vào câu chuyện kể.
Kỳ thực, thủ pháp kể chuyện cũng là điểm cộng của Trek to Yomi, đưa người chơi đi từ nguyên nhân đến kết quả được hé lộ dần thông qua trải nghiệm game. Nửa đầu trò chơi dẫn dắt bạn theo dấu chân nhân vật chính với trọng trách nặng nề của một samurai và vì lời hứa năm xưa. Nửa sau trải nghiệm mang nhiều cảm giác liêu trai trong xây dựng tình tiết. Đặc biệt, góc nhìn đa dạng và liên tục thay đổi trong suốt thời lượng chơi. Tuy thiết kế môi trường là 3D, nhưng camera thường được cố định có chủ ý khi nhân vật di chuyển.
Trải nghiệm Trek to Yomi được xây dựng xen kẽ giữa 3D và 2D. Cảnh nền là 3D nhưng trải nghiệm diễn ra ở góc nhìn cố định như Onimusha Warlords hoặc không gian 2D. Thiết kế này tuy giúp nhà phát triển mang đến những góc quay ấn tượng và mang đậm cảm giác điện ảnh, nhưng nó khiến trải nghiệm game nhiều khi khá ức chế. Nguyên nhân là tông màu trắng đen làm mọi thứ rất khó quan sát. Trong khi đó, góc nhìn thường xuyên thay đổi khiến người viết không biết khi nào trải nghiệm diễn ra ở không gian ba chiều và khi nào hai chiều.
Chẳng hạn, có những khi camera sẽ di chuyển theo bước đi của nhân vật rồi từ góc cận cảnh chuyển sang góc rộng và ngược lại. Đó là chưa kể các yếu tố như mưa gió, thậm chí lửa mang đến cái nhìn rất khác biệt và đậm tính nghệ thuật trong từng khung hình. Phong cách trắng đen không chỉ mang đến phần hình mới mẻ trong trải nghiệm, mà khía cạnh này được xây dựng rất chuyên nghiệp. Đội ngũ phát triển biết tận dụng triệt để sự tương phản giữa tông màu sáng và tối cũng như hình bóng phản chiếu để tạo chiều sâu về mặt hình ảnh.
Trek to Yomi chuyển sang không gian hai chiều khi Hiroki đối mặt với kẻ thù, mang đến góc nhìn điện ảnh rất đặc trưng trong trải nghiệm chiến đấu. Những phân đoạn này có thể diễn ra với góc nhìn gần hoặc xa tùy vào chủ ý của người chỉ đạo nghệ thuật. Mặc dù nó có tính nghệ thuật rất cao trong điện ảnh, nhưng trải nghiệm chiến đấu để lại cho người viết cảm nhận khá trái chiều, nếu không nói là hiếm khi mang đến cảm giác thỏa mãn. Phần lớn khoảnh khắc chiến đấu diễn ra rất nhanh giống hệt ngoài đời thật.
Kẻ thù và Hiroki thường chỉ trúng vài nhát kiếm là sinh tử chia lìa. Chiến đấu trong Trek to Yomi xoay quanh các hành động cơ bản, ban đầu mang chút cảm giác soulslike nhưng kỳ thực không đến mức đó. Hiroki chiến đấu với đòn tấn công mạnh và nhẹ, cộng với kỹ năng phản đòn và lăn tròn né tránh. Thanh thể lực đóng vai trò quan trọng quyết định khả năng tấn công và đỡ đòn. Nhân vật chính cũng có thể dùng vũ khí tầm xa như phi dao (bo-shuriken), cung và súng thần công (ozutsu) với số lần hạn chế thông qua thu thập vật phẩm.
Ban đầu, kỹ năng chiến đấu của nhân vật khá hạn chế nhưng càng về sau, Hiroki càng học được nhiều kỹ năng tấn công liên hoàn mới hữu dụng hơn để đối đầu với kẻ thù. Người chơi có thể nâng cấp máu và thể lực cho Hiroki thông qua thu thập các vật phẩm nâng cấp tương ứng. Vấn đề ở chỗ, chiến đấu mang nặng cảm giác lặp lại, trong khi chuyển động kiếm pháp của nhân vật nhìn đơ như cây cơ và rời rạc khi sử dụng nối tiếp các kỹ năng tấn công khác nhau. Tệ hơn, người viết còn không cảm nhận được sức mạnh của đòn tấn công.
Tuy trải nghiệm chiến đấu không kém phần thử thách, nhưng khía cạnh này nặng cảm giác lặp lại và không cần thay đổi chiến thuật để chiến thắng. Bạn chỉ đơn giản phản đòn, chém kiếm và lặp lại vài lần đến khi một trong hai nhân vật ‘Trek to Yomi'. Thậm chí trong nhiều trận đánh boss, người viết còn chẳng cần phản hay đỡ đòn mà cứ tiếp cận gần, xả kiếm vào kẻ thù như chém chuối cũng giành phần thắng nhanh như chớp. Ở góc độ người chơi, đây là điểm trừ lớn nhất khiến trải nghiệm game kém hào hứng rất nhiều.
Kỳ thực, trải nghiệm chiến đấu trong Trek to Yomi không tệ vì khá thử thách tính kiên nhẫn của người chơi, đặc biệt khi bạn chưa tìm được chiến thuật chuẩn không cần chỉnh. Vấn đề lớn nhất của khía cạnh này là nó được thiết kế cực kỳ đơn giản và không được mở rộng trong suốt trải nghiệm. Mặc dù về sau Hiroki học được các kỹ năng tấn công liên hoàn mới, nhưng chúng không đủ để mang đến trải nghiệm chiến đấu hào hứng hơn. Tệ hơn, nhà phát triển cũng chẳng bổ sung ý tưởng gì mới mẻ để tạo dấu ấn riêng cho trò chơi.
Bên cạnh chiến đấu, khám phá và giải đố cũng là điểm trừ khác của Trek to Yomi, mang cảm giác như được thiết kế chỉ để kéo dài thời lượng chơi khá ngắn của game hơn. Gọi là giải đố cũng không hẳn chính xác vì nó quá đơn giản và bạn gần như không cần phải động não. Tương tự, trải nghiệm khám phá thường xoay quanh việc chui vào những gian phòng nhìn hao hao nhau lấy vật phẩm thu thập, đồ nâng cấp hoặc mở đường đi khác. Nếu may mắn, bạn có thể vào đúng lối đi có tương tác môi trường giúp tránh trận chiến ngay trước mắt.
Trek to Yomi cũng có chút vấn đề độ trễ lên đến khoảng nửa giây giữa thao tác bấm nút và hành động của Hiroki trên màn hình. Tuy nhiên, do nó có sự khác biệt khi trải nghiệm ở từng hệ máy khác nhau nên tôi không chắc đây là chủ ý thiết kế hay vấn đề của trò chơi. Mặc dù vậy, tin buồn cho những bạn chơi game trên console thế hệ 8 như Xbox One và PlayStation 4 đời đầu là hiệu năng rất kém. Tốc độ khung hình không ổn định đã đành mà còn tạo độ trễ nói trên khá lớn, gây ảnh hưởng xấu đến trải nghiệm chiến đấu.
Sau cuối, Trek to Yomi mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động gây ấn tượng ở khía cạnh nghe nhìn với bầu không khí đặc trưng, cùng với tính nghệ thuật độc đáo cũng như câu chuyện kể thú vị. Thế nhưng, trò chơi gây thất vọng với lối chơi đơn giản, thiếu dấu ấn riêng dù khá thử thách và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Tùy vào khẩu vị và quan điểm của bạn chú trọng khía cạnh nào hơn mà đây là cái tên đáng cân nhắc hay ngược lại.
Trek to Yomi hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4 và Xbox One.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!