Transient là game phiêu lưu thiên về câu chuyện kể của nhà phát triển Thổ Nhĩ Kỳ Stormling Studios. Trò chơi có sự kết hợp của lối chơi ‘mô phỏng đi bộ’ cùng yếu tố giải đố để giữ trải nghiệm game hấp dẫn và lôi cuốn. Không những vậy, game còn có sự giao thoa nội dung giữa bối cảnh cyberpunk và yếu tố rùng rợn từ vũ trụ hư cấu Cthulhu của nhà văn kinh dị người Mỹ H.P. Lovecraft. Đây là sự kết hợp khá độc đáo và hiếm thấy của dòng game phiêu lưu rùng rợn trên thị trường hiện nay.
Kỳ thực, Transient được phát hành vào Halloween năm nay. Thế nhưng, do nhận thấy thời điểm đó không phù hợp nên tôi tạm hoãn lên bài và cuối cùng quên mất cho tới bây giờ. Lý do chính của việc hoãn bài viết là vì trải nghiệm game không có chút gì đáng sợ, trong khi yếu tố rùng rợn cũng gần như không có. Đó là chưa nói đến yếu tố Cthulhu Mythos không để lại nhiều ấn tượng so với khía cạnh cyberpunk hoàn toàn nổi trổi của trò chơi. Điều này không chỉ thể hiện ở chất liệu hình ảnh mà cả câu chuyện kể.
Transient là đưa người chơi đến với nhân vật Carter Randolph, một trong bốn thành viên của nhóm hacker Odin. Câu chuyện được bắt đầu từ giữa lưng chừng nội dung và chỉ được hé lộ dần thông qua trải nghiệm khám phá ‘mô phỏng đi bộ’ của trò chơi. Mặc dù có vài liên kết nội dung đến với Conarium của cùng nhà phát triển, nhưng bạn hoàn toàn không cần trải nghiệm tựa game nói trên để hiểu được câu chuyện kể. Thay vào đó, trải nghiệm game diễn ra ở bối cảnh hiện đại và có nhiều yếu tố giải đố hơn.
Vấn đề lớn nhất của Transient là nội dung khá khó hiểu, nhưng đó là nếu bạn không chú ý những thông tin thu thập được. Thậm chí, trong những thông tin đó nhiều khi còn có sẵn câu trả lời cho những câu đố đang khiến bạn bóp trán tìm lời giải. Khởi đầu từ câu chuyện không đầu không đuôi, người chơi phải mở dần những nút thắt bằng cách quay ngược về khởi điểm và cuối cùng đi đến kết thúc. Đáng chú ý, cái kết của trò chơi có thể để lại cảm giác khá trái chiều tương tự như kết thúc của Conarium.
Đây có thể là điểm trừ rất lớn với không ít người chơi, đặc biệt khi Transient có nội dung vô cùng cuốn hút. Ý tưởng hack trong trò chơi không phải là mới, nhưng cách tiếp cận của nhà phát triển Stormling Studios có phần khác với Observer: System Redux của Bloober Team về mặt thiết kế gameplay. Điểm tương đồng nhất là nhân vật chính Carter sử dụng thiết bị gọi là PHI (Perception Heightening Implant) để quét môi trường màn chơi tìm các kết nối công nghệ cho mục đích tương tác và khám phá.
Đáng chú ý, khía cạnh gameplay của Transient đa dạng đến mức ngạc nhiên, rất ít khi được tái sử dụng nhiều lần. Người chơi không chỉ giải các câu đố mà còn phải khám phá môi trường màn chơi để tìm manh mối, tham gia vào các minigame được thiết kế rất chất lượng. Một trong những minigame đầu tiên là bạn phải hack vào hệ thống bảo mật bằng cách đoán mật khẩu bẻ khóa nhẹ nhàng. Vài minigame khác được thiết kế đúng nghĩa minigame, đòi hỏi bạn tham gia vào trải nghiệm game được lồng trong Transient.
Ý tưởng tương tự các game arcade mà bạn có thể chơi trong Yakuza Kiwami 2. Các minigame này mang cảm giác như để tri ân hai cái tên kinh điển Alone in the Dark và System Shock ngày xưa, với rất nhiều nét tương đồng về thiết kế. Với mức độ gameplay đa dạng như vậy, không khó để thừa nhận đây cũng chính là điểm cộng của Transient. Trong suốt trải nghiệm với thời lượng chỉ vài ba tiếng ngắn ngủi, người viết không hề có cảm giác lặp lại dù là xét ở khía cạnh hình ảnh hay gameplay.
Phần lớn chất liệu hình ảnh đa dạng, dung hòa được yếu tố cyberpunk và Cthulhu Mythos cũng là điểm cộng khác của Transient. Môi trường được xây dựng rất đẹp và đa dạng. Không gian màn chơi trong từng chapter liên tục thay đổi, từ địa điểm chính trong nhà của Carter cho đến các không gian ảo mà người chơi phải kết nối cho mục đích điều tra. Dù vậy, điểm trừ đồ họa là tạo hình các nhân vật người nhìn khá tệ, trông không khác mấy ma-nơ-canh. Chuyển động của các nhân vật cũng cực kỳ hạn chế.
Thế nhưng, điểm trừ lớn nhất của trò chơi lại là độ khó của những câu đố khá sáng tạo. Vấn đề ở chỗ, không phải các câu đố quá khó mà thường do người chơi không có chút khái niệm gì về hướng giải đố. Đây cũng là vấn đề lớn nhất của Conarium trong trải nghiệm game, nhưng Transient đã cải thiện đỡ “hack não” hơn nhiều. Trò chơi có nhiều gợi ý thông qua Journal và các tài liệu mà bạn thu thập được. Tuy nhiên, vẫn có một số câu đố khiến bạn “ngu người” và cần kiên nhẫn để tìm ra yêu cầu của nó là gì.
Ngoài ra, Transient có một điểm trừ thiên về cảm nhận của người chơi mà tôi cảm nhận ngược lại. Đó là khía cạnh Cthulhu Mythos gần như bị lấn áp bởi các yếu tố cyberpunk. Những ai kỳ vọng nội dung đặc sệt những trò jump-scare đậm chất rùng rợn hoặc kinh dị của Lovecraft sẽ rất thất vọng với những gì mà đội ngũ phát triển Stormling Studios đã nhào nặn nên trải nghiệm game. Ở góc độ người chơi, tôi vốn không hào hứng với các tựa game nhuốm đầy màu sắc ‘Lovecraftian’ nên càng xem đây là điểm cộng.
Sau cuối, Transient mang đến một trải nghiệm phiêu lưu rùng rợn khá tuyệt vời nếu bạn không đặt nặng yếu tố kinh dị từ vũ trụ Cthulhu của Lovecraft. Mặc dù không hề đáng sợ nhưng với thiết kế gameplay đa dạng và kích thích tư duy độc đáo, đây là cái tên vô cùng xứng đáng xuất hiện trong thư viện game của bạn, nhất là những ai yêu thích dòng game phiêu lưu đậm chất khoa học viễn tưởng và không ngại chút yếu tố rùng rợn tạo cảm giác mới mẻ trong trải nghiệm.
Transient hiện chỉ có cho PC (Windows).
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!