Tracks – ToyBox Edition là game mô phỏng xây dựng khá độc đáo không chỉ về yếu tố gameplay mà cả phong cách đồ họa có một không hai và tính giáo dục cao. Thế nhưng, trò chơi được cho là thân thiện với gia đình này lại sở hữu độ khó cao đến độ bỗng dưng muốn khóc. Chính vì thế mà trải nghiệm game có thể không dành cho số đông, nhất là những ai muốn tìm kiếm một tựa game mô phỏng xây dựng thiên về tính giải trí cao như Jurassic World Evolution hay RollerCoaster Tycoon Adventures.
Tracks – ToyBox Edition có hai chế độ chơi Free Play và Passengers mang nhiều tương đồng nhau về lối chơi. Thế nhưng, Passengers có nhiều hạn chế hơn về mặt tư duy sáng tạo trong trải nghiệm. Về cơ bản, nhiệm vụ của người chơi đều là xây dựng mô hình đường ray xe lửa và mọi thứ “tuyệt tác” bằng gỗ mà bạn có thể nghĩ ra. Trò chơi có khá nhiều những thứ trang trí, đủ để bạn xây cả thành phố chứ đừng nói chỉ là xe lửa gỗ trên những đường ray cùng các công trình liên quan như đời thật.
Những thứ có thể xây dựng trải dài từ ngôi nhà hay cửa hàng cho tới đồi núi, sông sâu hay rừng rậm. Phong cách mô hình hóa các công trình xây dựng khiến mọi thứ trong Tracks – ToyBox Edition nhìn rất cưng và phù hợp với mọi đối tượng người chơi. Đó là chưa kể mức độ chi tiết khá cao của những thứ mà bạn có thể xây dựng trong trải nghiệm game. Thậm chí nếu muốn, người chơi cũng có thể thay đổi màu sắc của bầu trời lẫn thời tiết cho mô hình nhìn đỡ nhàm chán.
Yếu tố xây dựng trong Tracks – ToyBox Edition đa dạng đến mức nó gần giống những tựa game xây dựng như Project Highrise hơn là mang chủ đề mô phỏng đặc trưng kiểu Two Point Hospital. Tuy nhiên, điểm trừ lớn nhất của tựa game này trong trải nghiệm lại là cơ chế điều khiển phức tạp, sử dụng kết hợp các tổ hợp nút bấm khác nhau cho những hành động xây dựng nhất định. Mặc dù trò chơi đã có hướng dẫn khá chi tiết ngay từ đầu, nhưng tôi vẫn chẳng thể nào nhớ hết được các thao tác.
Đáng chú ý, bản Nintendo Switch mà tôi trải nghiệm cũng không hề hỗ trợ điều khiển cảm ứng ở chế độ handheld. Điều này khiến nhiều thao tác đơn giản trên PC được chuyển đổi khá rắc rối trên tay cầm, một trong những điểm trừ lớn nhất của Tracks – ToyBox Edition. Độ phức tạp của nó tuy không gây nhiều khó khăn với vô số ý tưởng đậm chất NASA như Kerbal Space Program Enhanced Edition, nhưng cũng tạo không ít phiền nhiễu đầu trải nghiệm, nhất là khi bạn chưa nhớ hết các nút thao tác quan trọng.
Đó là chưa kể hệ thống ‘save/load’ cũng có cách vận hành khá lạ thường. Thay vì save game lưu giữ toàn bộ dữ liệu về công trình kiến trúc, chế độ và màn chơi, Tracks – ToyBox Edition lại chỉ lưu dữ liệu về công trình kiến trúc. Nếu người chơi không dùng ‘Level select’ để chọn màn trước, các công trình xây dựng do bạn thiết kế có thể hiển thị sai lệch do khác màn. Mặc dù game có cảnh báo điều này trước khi ‘load’, nhưng tôi khá ngạc nhiên khi nhà phát triển Whoop Group chọn thiết kế phức tạp hóa như thế.
Trải nghiệm Tracks – ToyBox Edition chỉ có hai chế độ Free Mode và Passengers. Về cơ bản, Free Mode trao cho bạn sự tự do sáng tạo mà không có bất kỳ hạn chế nào. Người chơi chỉ cần chú tâm vào xây dựng mô hình trong mơ, ngắm nhìn thành quả của bạn khi chiếc xe lửa gỗ vận hành mà không cần để ý đến không gian sắp đặt như ngoài đời thật. Tuy không chắc về khả năng sở hữu không gian vô tận trong game, nhưng tôi chưa gặp trở ngại nào về hạn chế không gian trong suốt thời gian trải nghiệm.
Hoàn thành mô hình và ngắm nhìn xe lửa gỗ chạy trên những tuyến đường ray kỳ thực là một cảm giác vô cùng thỏa mãn. Trải nghiệm hạn chế hơn là chế độ chơi Passengers đưa ra những thiết kế không gian có sẵn, yêu cầu bạn gắn kết mọi thứ lại với nhau. Ở góc độ người chơi, chế độ này có phần dễ tiếp cận hơn. Nhờ vào những chi tiết có sẵn giúp bạn định hình về kiến trúc phải xây dựng hay chia thành nhiều tầng ra sao. Passengers giống như phần hướng dẫn bạn chi tiết trước khi đến với Free Mode vậy.
Kỳ thực, đây cũng là chế độ mà tôi khuyến cáo bạn nên trải nghiệm đầu tiên. Với những yêu cầu nhiệm vụ và cơ sở hạ tầng sẵn có, những người chơi không có nhiều kiến thức về xây dựng như tôi dễ dàng nắm bắt điều gì nên và không nên làm hơn. Tuy nhiên, chế độ chơi này có thời gian giới hạn cho một số yêu cầu nhất định, nhưng lại không trừng phạt người chơi khi hoàn thành không kịp giờ mà chỉ đánh dấu những thứ “trễ hạn” đó. Đây lại là một thiết kế khó hiểu khác của Tracks – ToyBox Edition.
Dù có một số thiết kế khó hiểu gây chút phiền lòng cho người chơi, nhưng không thể phủ nhận Tracks – ToyBox Edition sở hữu giá trị chơi lại gần như vô tận với chế độ Free Play và lối chơi đặc trưng. Một khi bạn đã quen dần với cơ chế điều khiển nhiều tổ hợp nút bấm, trải nghiệm game khi đó chỉ bị hạn chế duy nhất ở khả năng sáng tạo của người chơi. Cho dù là ý tưởng đường ray xe lửa thông thường hay uốn khúc quanh co như tàu lượn cảm giác mạnh, bạn sẽ không thất vọng với những gì mà game mang đến.
Sau cuối, Tracks – ToyBox Edition mang đến một trải nghiệm mô phỏng xuất sắc và đặc biệt phù hợp với mọi lứa tuổi. Miễn là bạn có thể vượt qua “vòng gởi xe” của cơ chế điều khiển có phần rắc rối không cần thiết, đây chắc chắn là cái tên phải có trong thư viện game với giá trị chơi lại mà nó mang đến gần như vô tận.
Tracks – ToyBox Edition hiện có cho PC (Windows), Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác