Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) – Khuyến cáo cho thành phố Hồ Chí Minh” nhằm giới thiệu những kinh nghiệm thực tế quý giá trong việc nghiên cứu, ứng dụng AI trong và ngoài nước, từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM – lời giải cho bài toán kết nối trong đô thị thông minh.
Khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển với tốc độ nhanh, thì cuộc chạy đua mang tên “Trí tuệ nhân tạo – Artificial Intelligence – AI” của những Tập đoàn công nghệ trên thế giới cũng đang ở đỉnh điểm.
Xu hướng đầu tư trí tuệ nhân tạo đang lan rộng từ các Quốc gia, các Tập đoàn lớn, các Quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu, cho đến các Công ty khởi nghiệp… dẫn tới sự thay đổi đáng kinh ngạc của nền kinh tế toàn cầu, có quy mô tác động và tốc độ phát triển theo cấp số lũy thừa, có thể làm thay đổi cách thức con người sống, làm việc và điều hành xã hội, trong đó phần đóng góp của AI được dự báo sẽ lên tới 15.700 tỷ đô la vào năm 2030.
Ông Dương Anh Đức – giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM phát biểu tại họp báo.
Tại Việt Nam, khi chủ trương và kế hoạch triển khai cuộc cách mạng công nghệ 4.0 được Chính phủ ban hành nhằm kịp thời nắm bắt xu hướng phát triển của thế giới, việc ứng dụng công nghệ AI vào sản xuất và đời sống cũng như công tác quản lý hành chính nhà nước được lãnh đạo TP.HCM đánh giá là yếu tố quan trọng để xây dựng, phát triển thành phố nhanh, bền vững, sớm trở thành đô thị thông minh, đồng thời là cơ hội vàng để ghi tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới, song song với những kết quả nhảy vọt về tăng trưởng kinh tế.
Chính vì vậy từ năm 2018, lãnh đạo TP.HCM đã chủ trương đề xuất, ban hành cơ chế, chính sách cho nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất và đời sống, đồng thời tích hợp một số lĩnh vực AI vào đề án xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, như lời Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Bước vào cách mạng 4.0 thì không thể không nghiên cứu ứng dụng AI và thành phố sẽ dành ưu tiên thúc đẩy AI. Với dân số hơn 10 triệu người, thị trường tại chỗ, nguồn lực kinh tế lớn mạnh là những thuận lợi rất lớn để hình thành Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo”.
Chương trình “Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM giai đoạn 2019-2025” có vai trò quan trọng để thực hiện thành công đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.
Ngày 20/3/2019, Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp tổ chức lần 1 Hội thảo khoa học “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP.HCM giai đoạn 2019 – 2025”. Trong khuôn khổ hội thảo, Ban tổ chức đã mời các diễn giả là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang công tác tại các đơn vị như: Đại học Quốc gia TP.HCM, Viện John von Neumann, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Trường đại học Bách khoa,… và đại diện các Sở, Ban, Ngành, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu đến từ nhiều Viện, Trường, Hiệp hội, các doanh nghiệp, các nhóm khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố.
Qua hội thảo này, các đại biểu đánh giá việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống cũng như quản lý hành chính là yếu tố quan trọng để phát triển Thành phố và cần tập trung nguồn lực phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo nhằm bắt kịp xu thế công nghệ trong tương lai.
Các đại biểu đã tích cực đề xuất, kiến nghị các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo, tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nắm bắt công nghệ, xây dựng và phát triển nguồn cơ sở dữ liệu kết hợp cùng cơ sở hạ tầng mạng truyền thông đồng bộ.
Đồng thời, Thành phố sẽ nghiên cứu và chọn lựa đối tác chiến lược cùng triển khai Chương trình trí tuệ nhân tạo trên nguyên tắc lợi ích bình đẳng giữa các bên tham gia.
Tiếp theo hội thảo lần 1, ngày 25/9/2019, Ủy ban nhân dân TP.HCM cùng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức lần thứ 2 Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) – Khuyến cáo cho TP.HCM” giới thiệu những kinh nghiệm thực tế quý giá trong việc nghiên cứu, ứng dụng AI trong và ngoài nước, từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM – lời giải cho bài toán kết nối trong đô thị thông minh.
Chương trình hội thảo dự kiến tập trung vào các chủ đề chính:
+ Giới thiệu tình hình quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng AI; khuyến nghị, đề xuất và các cam kết hỗ trợ cho TP.HCM.
+ Kinh nghiệm trong nghiên cứu, ứng dụng, triển khai AI trong từng lĩnh vực cụ thể: giao thông vận tải, giáo dục, y tế, ngân hàng, sản xuất, IoT…
+ Hiện trạng và kinh nghiệm, các giải pháp (về chính sách, tài chính, thị trường…) trong nghiên cứu, đào tạo, giảng dạy AI tại các trường đại học, viện nghiên cứu.
+ Hiện trạng, tình hình nghiên cứu, ứng dụng AI và đề xuất, kiến nghị của các tổ chức, doanh nghiệp… đã triển khai, ứng dụng AI trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
+ Chương trình, chiến lược quốc gia về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển AI tại Việt Nam.
Bên cạnh hội thảo, ngày 26/9/2019, Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức lớp tập huấn giới thiệu, cập nhật, bổ sung thông tin, kiến thức, nâng cao nhận thức về AI cũng như khả năng, lĩnh vực ứng dụng AI trong nghiên cứu, quản lý và sản xuất.
Từ kết quả ghi nhận được từ hội thảo lần 1 (ngày 20/3/2019) và hội thảo lần 2 (ngày 25/9/2019), Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại học Quốc gia TP.HCM, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước sẽ tổng hợp, hoàn thiện và trình Ủy ban nhân dân TP.HCM xem xét, ban hành “Chương trình “Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM giai đoạn 2019-2025”.
Trong năm 2019-2020, Thành phố sẽ xem xét phương án phát động cuộc thi nhằm phát hiện, chọn lựa được các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực quản lý, sản xuất, điều hành có hàm lượng chất xám cao, đem lại hiệu quả kinh tế, hiệu quả đầu tư và lợi ích cộng đồng cao; đồng thời xác định một số lĩnh vực cần ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngay (giao thông vận tải, y tế, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, môi trường, cấp thoát nước, điện lực) nhằm giải quyết những thách thức của quá trình đô thị hóa, hỗ trợ mạnh mẽ cho triển khai đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh; Đồng thời thúc đẩy hình thành hệ sinh thái các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tại Thành phố.