Vừa diễn ra tại TP.HCM, Smart City 3600 là hoạt động trao đổi học thuật thường niên do Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM bảo trợ và trực tiếp chỉ đạo thực hiện.
Hội thảo hướng đến việc giới thiệu, trao đổi các giải pháp hệ thống thông tin thông minh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực tương tác thời gian thực và ứng dụng của các hệ thống này trong các hoạt động triển khai xây dựng một đô thị thông minh (smart city), đô thị hiện đại lấy người dân làm “trung tâm của sự phục vụ”.
Đây còn là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT-VT (ICT) tại TP.HCM nói riêng và toàn quốc nói chung cùng nhau trao đổi, thảo luận các giải pháp kết nối, tương tác giữa máy tính – con người và ứng dụng vào các lĩnh vực cụ thể trong quản lý, phục vụ trực tiếp người dân và toàn xã hội như: quan trắc và đưa ra các thông tin dự báo nhanh chóng – chính xác về môi trường, thời tiết dựa trên nguồn dữ liệu đa ngành; quản lý và điều khiển giao thông trong đô thị thông minh trên nền tảng IoT; đảm bảo an ninh trật tự với các hệ thống camera quan sát có khả năng nhận diện đối tượng; hay như các hệ thống thông minh được ứng dụng trong phân tích hình ảnh (ngành y tế).
Các chuyên gia cũng thảo luận về các nghiên cứu, ứng dụng về mô hình, ứng dụng kỹ thuật phân tích đáp ứng đồng bộ, tối ưu hóa tương tác thời gian thực để giải quyết các vấn đề cụ thể của giao thông, y tế, môi trường. Bên cạnh đó là các vấn đề về kiến trúc phần cứng và phần mềm có liên quan đến tương tác thời gian thực như hạ tầng truyền thông, cấu trúc bộ nhớ chuyên dụng, thiết kế vi mạch tích hợp cho ứng dụng thời gian thực, phần mềm mô phỏng cho các kiến trúc và ứng dụng mới…
Nội dung thiết thực, mang tính thực tế cao
Mở đầu hội thảo, đại diện Viện Khoa học và Công nghệ tính toán (ICST) đã trình bày tham luận với chủ đề Hệ thống quan trắc và cảnh báo chất lượng không khí, với hướng tiếp cận mới là sử dụng các mô hình quang hóa (CMAQ) kết hợp với mô hình dự báo khí tượng (WRF) để dự báo chất lượng không khí theo thời gian thực ở TP.HCM và một số vùng lân cận do Viện chủ trì thực hiện.
Giải pháp này hiện được giới chuyên gia đánh sẽ là nền tảng giúp tiếp tục phát triển, hoàn thiện các hệ thống quan trắc, tính toán mô phỏng và dự báo chất lượng không khí khu vực thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới
Quá trình mô phỏng và tính toán dựa trên dữ liệu phát thải từ các nguồn giao thông và công nghiệp, đây là 2 nguồn chính đóng góp tải lượng phát thải nhiều nhất vào không khí trên địa bàn TP.HCM.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Kỳ Phùng – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ tính toán, chủ nhiệm đề tài khẳng định “đề tài đã xây dựng được quy trình dự báo chất lượng không khí phù hợp với khu vực TP.HCM. Việc áp dụng dữ liệu camera trong hệ thống giám sát camera giao thông của thành phố là phương pháp mới phù hợp với mục tiêu xây dựng bộ dữ liệu giao thông chi tiết và có mức độ phân bố rộng hơn so với các phương pháp truyền thống ngoài thực địa, giúp tiết kiệm về mặt chi phí, nhân lực và thời gian.
Ngoài ra, việc áp dụng kết quả dự báo chất lượng không khí toàn cầu vào việc tính toán dự báo địa phương là một yếu tố quan trọng đảm bảo tính đúng đắn trong bài toán mô phỏng chất lượng không khí địa phương khi chịu ảnh hưởng của các khu vực lân cận và xa hơi nữa là vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới”.
Tiếp tục tập trung vào chủ đề chính là đô thị thông minh, tham luận giới thiệu các công nghệ và giải pháp quan trắc, điều khiển giao thông đô thị thông minh đã và đang triển khai tại một số địa phương của Việt Nam do PGS.TS Phạm Hồng Quang đến từ Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam trình bày đã cung cấp những thông tin mới nhất về thiết bị cảm biến, điều khiển, điện tử, tin học và viễn thông trong lĩnh vực giao thông để điều hành và quản lý hệ thống giao thông vận tải.
Theo PGS.TS Phạm Hồng Quang, xây dựng thành phố thông minh là xu hướng được rất nhiều đô thị trên thế giới, không chỉ riêng ở Việt Nam, đang áp dụng để giải quyết các vấn đề cấp bách về giao thông, y tế, môi trường… nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Loạt 6 giải pháp IoT đặc thù cho thành phố thông minh ở Việt Nam cũng đã được đại diện Global CyberSoft giới thiệu trong tham luận “Giải pháp IoT cho thành phố thông minh” nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết, đặc thù của việc ứng dụng công nghệ cho thành phố thông minh tại Việt Nam, đặc biệt những giải pháp đã được kiểm nghiệm thành công qua thực tế triển khai như giải pháp giao thông thông minh SmartTraffic, giải pháp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao SmartAgri, giải pháp an ninh công cộng Public Satefy, nền tảng dịch vụ công City Center, giải pháp cho lĩnh vực hàng không Airport, bộ giải pháp bán lẻ FlexBA.
Báo cáo tham luận “Truy xuất thông tin từ dữ liệu hình ảnh y-sinh” được trình bày chi tiết tại hội thảo khoa học Smart City 3600 lần thứ II năm 2018 chính là kết quả của việc ứng dụng bộ 3 ‘máy học, thị giác máy tính, và học sâu’ vào ngành y – sinh nhằm cung cấp dữ liệu đầu vào đáp ứng nhu cầu tìm kiếm những giải pháp tối ưu, toàn diện, hiệu quả, linh hoạt cho việc xác định nhân tế bào trong nhiều bối cảnh nghiên cứu khác nhau.
Diễn giả TS.BS. Đoàn Xuân Quang Minh cho biết, với tiêu chí tìm ra giải pháp xác định nhanh, chính xác nhân tế bào trong nghiên cứu y-sinh học, nhóm nghiên cứu tại phòng phân tích hình ảnh ở Broad Institute of MIT & Harvard đã cùng kết hợp với các chuyên gia của Kaggle (thuộc Google), NVIDIA và tập đoàn tư vấn Booz-Allen-Halminton tổ chức cuộc thi giải thuật Data Science Bowl 2018 nhằm tìm kiếm những giải pháp tối ưu, toàn diện, hiệu quả, linh hoạt cho việc xác định nhân tế bào trong nhiều bối cảnh nghiên cứu khác nhau (độ phóng đại thay đổi, cắt lớp 2 hoặc 3 chiều, thuốc nhuộm đặc thù khác nhau, các dòng tế bào thông thường/đặc biệt…).
Trong tổng số 68.000 giải thuật được ghi nhận tại cuộc thi, ba giải pháp đoạt giải đều rất thuyết phục khi đưa ra chính xác đáp án về vị trí và đường biên cho mỗi nhân tế bào. Đáng chú ý hơn cả, nhóm nhà khoa học và chuyên gia của phòng phân tích hình ảnh ở Broad Institute of MIT & Harvard đã nỗ lực gần 4 tháng vẽ đường biên thủ công cho gần 40.000 nhân tế bào để cung cấp dữ liệu cho cuộc thi.
Cuối cùng, khi mà công nghệ Blockchain đang lên ngôi, thì việc ứng dụng Blockchain vào triển khai xây dựng đô thị thông minh cũng được các nhà khoa học chú trọng.
Tham luận “Ứng dụng công nghệ blockchain trong đô thị thông minh” đã cơ bản đề xuất một khung kiến trúc mạng lai tích hợp công nghệ Blockchain với các thiết bị thông minh để cung cấp một nền tảng truyền thông an toàn trong đô thị thông minh, bao gồm các vấn đề liên quan đến blockchain ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau trong thực tế.
Nhóm chủ đề chính tại hội thảo khoa học Smart City 3600 lần thứ II năm 2018:
- Chủ đề thứ nhất về môi trường thông minh, với giải pháp quan trắc và cảnh báo chất lượng không khí tương tác thời gian thực
- Chủ đề thứ hai về giao thông thông minh, với hệ thống giám sát điều khiển giao thông
- Chủ đề thứ ba về quản lý dữ liệu, cụ thể là dữ liệu dựa trên công nghệ blockchain tương tác thời gian thực.
- Chủ đề thứ tư về hệ sinh thái thông tin và các chuyển đổi dữ liệu trong hệ thống IoT
- Chủ đề thứ năm về xử lý hình ảnh và ứng dụng trong giám sát
- Chủ đề thứ sáu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý hình ảnh y sinh