Tower of Time là tựa game nhập vai khá độc đáo khi kết hợp với biến tấu thú vị và sáng tạo của yếu tố chiến thuật thời gian thật trong hệ thống chiến đấu. Trò chơi đã ra mắt trên PC hơn hai năm, nhưng đến bây giờ mới có dịp “tỏa sáng” trên các nền tảng console.
Ngay từ những dòng giới thiệu về trò chơi, Tower of Time đã khiến tôi khá tò mò về nó. Tuy nhiên, nhà phát triển Event Horizon đã không quá lời về “đứa con tinh thần” của họ khi xây dựng một câu chuyện kể rất có chiều sâu và nhiều nút thắt cuốn hút bạn vào trải nghiệm game. Tất nhiên, trò chơi giàu nội dung như thế nào tôi xin nhường lại cho bạn trải nghiệm. Chỉ có thể tiết lộ là nó khá đặc sắc so với phần lớn những tựa game thiên về câu chuyện kể mà tôi từng trải nghiệm trước đây, nhất là khi xét ở thể loại nhập vai.
Đội ngũ biên kịch của Event Horizon khá thành công trong việc “dắt mũi” người chơi với hàng loạt những câu hỏi không có câu trả lời, khiến sự tò mò về những gì được tiết lộ luôn thôi thúc bạn tiếp tục trải nghiệm để tìm lời giải đáp. Tuy nhiên, những ai ngại đọc tiếng Anh quá nhiều có thể gặp chút khó khăn trong trải nghiệm. Tower of Time xây dựng phần câu chuyện kể khá phức tạp, nhưng nhiều khi lại diễn ra đồng thời với các tình tiết khác nhau, đòi hỏi sự tập trung của người chơi để nắm bắt nội dung.
Trải nghiệm game như bạn có thể hình dung từ cái tựa là xoay quanh khám phá một tòa tháp. Các nhân vật của người chơi tin rằng nơi đây ẩn chứa một sức mạnh huyền bí có thể cứu rỗi thế giới Artaria của họ. Đây cũng là bối cảnh của Tower of Time khi đưa bạn khám phá khắp nơi từ góc nhìn chéo từ trên xuống. Khía cạnh khám phá được xây dựng mang nhiều cảm giác giống Diablo III về trải nghiệm, nhưng cơ chế gameplay hoàn toàn khác biệt. Không những vậy, nhà phát triển Event Horizon còn thay đổi nhịp độ và lối chơi liên tục trong suốt trải nghiệm game nhờ vào hệ thống chiến đấu độc đáo và sáng tạo.
Các trận chiến trong Tower of Time đòi hỏi bạn vận dụng yếu tố chiến thuật thời gian thật. Phần lớn các trận đánh thường diễn ra thiếu cân bằng, người chơi phải chiến đấu với nhiều đợt kẻ thù xuất hiện và tấn công liên tục. Thiết kế này buộc bạn phải có sự cân nhắc chiến thuật cẩn thận. Đơn cử như ban đầu người chơi điều khiển cặp đôi Kane và Maeve. Trong đó, Kane là “tay chém” mặc giáp trụ đầy mình, nhưng chỉ có khả năng chiến đấu cận chiến. Maeve thì ngược lại, nữ cung thủ này khá yếu khi bị kẻ thù xáp lá cà, nhưng đó là khi chúng chưa được “ăn” những mũi tên sắc nhọn của cô từ xa.
Thậm chí trong trải nghiệm về sau, không khó để Maeve nhanh chóng trở thành “sát thủ” đứng đầu trong hàng ngũ nhân vật của người chơi nhờ vào DPS “đỉnh”. Bạn cũng sẽ dần làm quen với các nhân vật khác đến từ nhiều chủng tộc khác nhau thường thấy trong dòng game nhập vai. Tower of Time cũng có vài gương mặt mới nhưng tôi sẽ dành sự bất ngờ đó cho bạn khám phá. Mỗi nhân vật đều có những kỹ năng đặc trưng riêng hoặc “hợp cạ” với nhau để bạn vận dụng cho ý đồ chiến thuật. Tính chiến thuật trong trải nghiệm game rất “hack não”, nhất là ở những thiết lập độ khó cao.
Như đã đề cập ở trên, Tower of Time có nhịp độ thay đổi liên tục nhờ vào thiết kế mỗi tầng tháp thay đổi. Nó đòi hỏi người chơi phải đáp ứng ở khía cạnh chiến thuật thông qua khả năng “tạm dừng trận đấu”. Tất nhiên thay vì đau đầu bày binh bố trận, bạn cũng có thể giảm độ khó để thưởng thức câu chuyện kể hấp dẫn và không hề nhàm chán của trò chơi. Thế nhưng, trải nghiệm như thế phần nào làm giảm đi rất nhiều sự hấp dẫn của game mà tôi không khuyến khích làm thế. Cảm giác đắn đo cân nhắc trước khi chọn nhân vật hay sử dụng kỹ năng nào tham gia “raid” tháp và nhận về chiến thắng vẻ vang kỳ thực rất thỏa mãn.
Thiết kế này cũng giúp Tower of Time có giá trị chơi lại khá cao, nhất là với những ai thích cảm giác hoàn mỹ và thử nghiệm cách kết hợp các nhân vật cũng như kỹ năng để tìm ra “chân lý”. Chỉ cần bạn thay đổi nhân vật trong party, trải nghiệm cũng đã khác biệt rất nhiều thông qua yếu tố chiến thuật thiên biến vạn hóa. Nhà phát triển Event Horizon cũng khiến tôi đặc biệt chú ý đến sự tinh tế trong từng thiết kế của họ. Đơn cử như mỗi khi bạn đụng độ với kẻ thù có thể tham chiến, thông tin của chúng sẽ được hiển thị minh bạch và rõ ràng, giúp người chơi hiểu rõ họ đang đối đầu với “kẻ thủ ác” nào và làm được gì.
Trừ khi đó là một trận đánh boss, người chơi còn được phép tháo lui và thay đổi chiến thuật trước khi tái chiến, không nhất thiết phải “thử vận may” nếu bạn chưa sẵn sàng. Nếu không tính các trận đánh boss hoành tráng, Tower of Time có đâu đó ba kiểu đánh trận. Mỗi kiểu đều mang đến cảm giác chiến đấu và tính chiến thuật thay đổi rất kịch tính. Nó giúp trải nghiệm game trở nên hào hứng và liên tục được làm mới thay cho cách thiết kế đơn điệu quen thuộc cũ. Thiết lập điều khiển cũng khá trực quan khi sử dụng tay cầm Joy-Con trong phiên bản Nintendo Switch mà tôi trải nghiệm chính.
Cách xây dựng hệ thống thăng cấp cũng là một điểm cộng của Tower of Time, nhất là những ai thích khám phá mọi ngóc ngách màn chơi trong thế giới game. Tuy nhiên, nếu đây không phải là lối chơi của bạn thì trải nghiệm có thể kém hấp dẫn hơn. Các yếu tố nhập vai đều xoay quanh định hướng nói trên và trải nghiệm game không thiếu nội dung cho mục đích này, mà còn được xây dựng để “kích động” bạn làm thế. Đó là chưa kể đồ họa của trò chơi khá đẹp, hiệu ứng ánh sáng ấn tượng ngay cả trên phần cứng “ọp ẹp” của Nintendo Switch. Thậm chí thay đổi trang bị cũng góp phần “làm mới” vẻ bề ngoài của nhân vật.
Tất nhiên, Tower of Time cũng không phải hoàn hảo. Thế nhưng, trò chơi chỉ có vài vấn đề nhỏ gây chút cảm giác “đáng ghét” hơn là ảnh hưởng đến trải nghiệm game nên tôi cũng không xem là điểm trừ. Thay vào đó, những gì mà tựa game này mang đến vô cùng hào hứng và không kém phần thử thách với những ai yêu thích sự cách tân trong thể loại nhập vai quen thuộc. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là nửa sau trải nghiệm có cách thử thách tư duy chiến thuật của người chơi khá bất công, gần như “giáng cái tát” vào công sức mà bạn gầy dựng “đội hình trong mơ” trước đó.
Sau cuối, Tower of Time mang đến một trải nghiệm nhập vai xuất sắc với hệ thống chiến đấu theo thời gian thật sáng tạo và không kém phần thử thách tư duy chiến thuật của người chơi. Đồ họa cũng không hề kém cạnh nhưng nhà phát triển lại thiếu chăm chút cho nhạc nền. Thế nhưng, cốt truyện nhiều nút thắt cùng hệ thống chiến đấu hấp dẫn và kịch tính là những điểm cộng lớn nhất của trò chơi. Nếu yêu thích thể loại này và không ngại sự cách tân, đây chắc chắn là cái tên phải có trong thư viện game của bạn, bất kể trên nền tảng nào.
Tower of Time được phát hành cho PC (Windows, Linux), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!