Google Dịch (còn có tên là Google Translate) là dịch vụ dịch qua lại giữa các ngôn ngữ do Google phát triển đã 10 năm. Rất nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh việc sử dụng dịch vụ này đã xảy ra.
Trai Tây dùng Google dịch “tâm sự” rồi lừa gái Việt
Một người đàn ông giới thiệu sống ở Anh thông qua facebook – nickname Pauhector Miranda, đã làm quen với cô giáo mầm non tên T. sống tại Nam Từ Liêm, Hà Nội. Do cô gái không biết tiếng Anh nên ông này đã dùng google dịch để trò chuyện, trao đổi về cuộc sống, sinh hoạt với cô gái trên mạng xã hội. Người này khoe thu nhập của mình là 11 nghìn bảng Anh, một thời gian thì tỏ tình với cô gái. Sau đó ông ta nói rằng sẽ chuyển cho cô giáo T. số tiền 80 nghìn USD. Ngày 17/3/2016, ông này nói đã gửi quà về cho cô gái bằng đường hàng không gồm iphone, vàng, máy tính xách tay… và dặn làm theo hướng dẫn của công ty chuyển phát quà.
Nghĩ được đổi đời nên khi có số điện thoại lạ gọi đến yêu cầu chuyển tiền để làm thủ tục nhận hàng, cô T. không nghi ngờ chuyển số tiền 29.380.000 đồng vào tài khoản Vietcombank được cung cấp. Tuy nhiên, sau khi cô T. đã gửi tiền thì ông người Anh lại tiếp tục nhắn tin thông báo số quà bị hải quan Việt Nam giữ và hối cô T. làm theo đề nghị của công ty để lấy hàng. Nhưng số tiền lần 2 quá lớn đến 130 triệu đồng nên cô T. đâm nghi và hỏi số điện thoại thật bên công ty thì người liên lạc không cho và tắt máy luôn. Cô T. đã làm đơn trình báo đến CA TP. Hà Nội về việc mình bị lừa đảo trên mạng và mất 30 triệu đồng.
Khi Google Translate hiển thị nội dung phản cảm…
Những ngày đầu tháng 9 năm ngoái, người dùng té ngửa khi Google Dịch đã dịch thuật một từ tiếng Việt sang tiếng Anh nhưng lại hiện lên một nội dung rất lạ. Nhiều người giải thích có thể do có vài người “nhàn cư vi bất thiện” đã bấm vào nút thông báo dịch sai và gửi lên cho Google để thay thế bản dịch mới. Điều này có vẻ không thực tế vì với một bộ máy lớn như Google sẽ không dễ gì để cho một vài người dùng vào Troll tất cả những người dùng khác như vậy. Khả năng thứ 2 có lẽ là do những người tham gia kiểm tra dịch thuật của Google Translate đã bấm nhầm nút duyệt từ này khiến nó trở thành bản dịch chính thức trên Google. Cách thứ 3 có lẽ hơi bất thường nhưng vẫn có khả năng, các bạn vẫn biết Google xưa nay nổi tiếng với những “quả trứng phục sinh” (một thuật ngữ để chỉ những trò đùa được ẩn trong các phần mềm) vô cùng hài hước được bố trí rải rác trên khắc hệ sinh thái của mình. Vì thế sự kiện này có thể coi là 1 quả trứng phục sinh đối với người dùng Việt Nam bởi sau nhiều ngày vấn đề trên vẫn còn tồn tại.
Hot girl Khả Ngân bị chỉ trích khi dùng ‘Google dịch’ tiếng Anh
Khả Ngân bị cư dân mạng chế giễu vì không giỏi Anh văn nhưng lại thích chứng tỏ. Cô liên tục sử dụng tiếng Anh để cập nhật trạng thái và giao lưu với fan nhưng nhiều người cho rằng hầu hết những câu tiếng Anh mà Khả Ngân sử dụng đều được cô dịch từ Google. Theo những người am hiểu thì Google dịch hay cho ra những câu thiếu chính xác và có phần buồn cười. Ngoài ra việc Khả Ngân không sành tiếng Anh lại khiến nhiều người nghi ngờ về danh hiệu học sinh giỏi mấy năm liền mà cô từng chia sẻ trước đây.
Google dịch kiểu mắc… dịch

Hình ảnh vùng đất chết Mordor và Con mắt của Sauron trong phiên bản điện ảnh được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên.
Phần Google Translate dịch từ tiếng Ukraine sang tiếng Nga của Google đã mắc lỗi ngớ ngẩn khi dịch “người Nga” thành “kẻ xâm chiếm” và tên nhà ngoại giao hàng đầu Nga thành “chú ngựa non buồn bã”. Tình trạng này kéo dài ít nhất trong một ngày, tuy được Google khắc phục ngay sau đó nhưng nhiều hình ảnh chụp màn hình lỗi dịch sai của Google đã được lưu lại. Trong đó, “Liên bang Nga” (bằng tiếng Ukraine) được dịch thành từ “Mordor” – tên gọi đỉnh núi của quỷ dữ, một địa điểm hư cấu trong Chúa tể những chiếc nhẫn. Từ “người Nga” lại được dịch thành “okkupanty” (giống occupiers trong tiếng Anh, tức những người xâm chiếm) và họ của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov được dịch là “grustnaya loshadka”, tức “sad little horse” (chú ngựa non buồn bã). Người phát ngôn của Google cho biết chương trình dịch thuật là hoàn toàn tự động và việc dịch sai là kết quả của “lỗi kỹ thuật”.
Những lỗi sai của Google, không biết vô tình hay hữu ý, lại đẩy mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine thêm nóng bỏng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm 2014.
Giấy khen song ngữ dịch từ Google translate mắc nhiều lỗi
Tờ giấy khen của Trường THCS Trần Quốc Toản phát cho học sinh đạt thành tích cao trong năm học 2005-2016 bị phát hiện nhiều lỗi sai.
Bức ảnh về tờ giấy khen song ngữ Anh – Việt của Trường THCS Trần Quốc Toản (phường Hồng Hà, TP Hạ Long), trao tặng cho học sinh có thành tích cao trong học tập năm học 2015-2016 được chia sẻ trên mạng xã hội đã làm dậy song dự luận. Lý do là vì tờ giấy này không có Quốc huy, thông tin phần tiếng Anh chưa chuẩn, nhiều từ được dịch bằng Google translate. Ví dụ từ “tặng” được dịch là Donate thay vì Award, Certify như thông thường. Hay cụm từ “Đạt danh hiệu học sinh giỏi” được dịch thành “Won the title of Excellent Students”.
Lý giải về việc này, bà Đàm Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản cho biết, trước đó đơn vị in ấn gửi bản mẫu đến và đã được nhà trường chỉnh sửa, tuy nhiên khi in lại là bản chưa sửa. Phòng Giáo dục TP Hạ Long (Quảng Ninh) sau đó thu hồi toàn bộ giấy khen đã phát cho học sinh và cấp lại giấy khen chuẩn cho các em.
TUẤN AN (tổng hợp)