Indiegogo là một trong những website hàng đầu hỗ trợ các startup gọi vốn cộng đồng. Hiện tại có rất nhiều dự án đang kêu gọi gây quỹ trên trang này, trong đó có rất nhiều sản phẩm ấn tượng và thú vị. Đó là những sản phẩm nào? Mời bạn đọc theo dõi.
Runcible – Đồng hồ tròn chạy Android
Được giới thiệu lần đầu tiên tại Hội nghị di động thế giới MWC 2015, chiếc đồng hồ có thiết kế giống đồng hồ quả quýt này được bán với giá từ 399 USD.
Tính năng cốt lõi của Runcible được thể hiện trong nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như máy ảnh sẽ được điều khiển bằng cử chỉ; hoặc ứng dụng bản đồ cũng được tùy biến sao cho phù hợp. Theo nhà sản xuất, bạn sẽ ít phụ thuộc vào các hệ sinh thái ứng dụng khổng lồ như trên iOS và Android. Và do mang màn hình tròn, Runcible sẽ không có quyền truy cập vào Google Play Store.
Về cấu hình, sản phẩm được trang bị vi xử lý Snapdragon 410 lõi tứ, GPU Adreno 306, RAM 1GB và 8GB bộ nhớ, Wi-Fi, Bluetooth 4.1, và camera 7 megapixel. Máy được trang bị màn hình 2,5 inch, độ phân giải 640 x 640, mật độ điểm ảnh 256ppi. Có 2 phiên bản khác nhau, một bản được làm từ nhựa tái chế, giá 399 USD; trong khi bản còn lại làm từ gỗ, mẫu được hãng đem đến MWC 2015, có giá bán 499 USD. Trên Indiegogo, Monohm đặt mục tiêu thu được 250.000 USD cho mong muốn sản xuất hàng loạt.
Bioo Lite – Chậu cây có thể sạc pin cho smartphone
Bioo Lite là một chiếc chậu có thể sử dụng năng lượng được tạo ra bởi quá trình quang hợp, để sạc pin cho điện thoại thông minh. Ý tưởng này đã được nghiên cứu và phát triển trong nhiều năm qua, bởi công ty có trụ sở ở (Tây Ban Nha) tên Arkyne Technologies.
Theo công bố của nhà sản xuất, chậu Bioo Lite có thể sạc đầy pin cho smartphone/máy tính bảng 3 lần mỗi ngày. Năng lượng sẽ được tạo ra bất kể ngày hay đêm, do đó người dùng có thể sạc điện thoại của họ bất cứ lúc nào. Có một đặc điểm cần phải lưu ý khi sử dụng chậu là không phải loài thực vật nào cũng sản xuất một lượng điện như nhau.
Arkyne Technologies có thực hiện một chiến dịch gọi vốn trên Indiegogo cho mục tiêu thương mại hóa. Hiện họ đã thu được gần 96.000 euro (~ 108.000 USD), vượt xa con số đề ra ban đầu là 15.000 euro. Giá bán lẻ dự kiến của sản phẩm vào khoảng 140 USD.
Lelo Hex – Bao cao su siêu bền
Nhìn từ bên ngoài, loại bao cao su này không có quá nhiều sự khác biệt. Tuy nhiên nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy nó được tạo thành từ một mạng lưới các hình lục giác, trông như tổ ong. Chính thiết kế này khiến nó trở nên ưu việt hơn so với BCS truyền thống.
Theo nhà sản xuất, khi áp lực tác động đến bao cao su từ bất kỳ điểm nào, nó sẽ khiến bao căng ra ở 6 hướng. Sự linh hoạt đó khiến cho người dùng cảm thấy thoải mái hơn khi sử dụng. Nếu bạn chọt một lỗ vào nó, thiệt hại chỉ xuất hiện ở một ô duy nhất, và không làm hỏng cả BCS như kiểu cũ. Ngoài ra, các vân hình lục giác trên BCS mới cũng giúp ngăn tình trạng trơn trượt trong quá trình sử dụng. Tất nhiên, đây chỉ mới là thông tin đưa ra bởi nhà sản xuất, và hiệu quả của sản phẩm vẫn chưa được chứng minh trong thực tiễn.
Được biết LELO đang thực hiện một chiến dịch gây quỹ trên Indiegogo cho mục tiêu sản xuất của mình. Nếu đặt hàng ngay bây giờ, bạn có thể mua gói 3 chiếc BCS với giá 9,9 USD; 19,9 USD cho gói 12 chiếc, và 34,9 USD cho gói 36 chiếc.
Zus – Dây cáp có thể kéo vật nặng 2 tấn
Điểm nổi bật nhất của Zus là phần lõi của nó được bảo vệ bởi các sợi Kevlar. Trong quá trình thử nghiệm, người ta có thể dùng Zus để kéo một vật nặng 2 tấn, nâng một khối tạ 23kg, chịu được bánh xe cán qua, hay mèo cắn. Ngoài ra, bên ngoài của Zus làm từ chất liệu nylon giúp nó không bị rối khi quấn hay bỏ vào túi quần. Phần cổng USB được thiết kế theo kiểu vuông góc với chốt dây, giúp ta có thể cắm vào nguồn điện dù ở những vị trí có không gian hẹp. Độ dài trung bình của sợi cáp Zus là 1,2m, hỗ trợ sạc nhanh.
Để đặt mua Zus trong giai đoạn gây quỹ, các bạn sẽ phải bỏ ra từ 15 USD, chọn lựa giữa ba loại: Zus cổng microUSB, Zus cổng Lightning, Zus cổng USB-A cho tới USB-C. Thời gian giao hàng dự kiến là vào tháng 7 năm nay.
MagGo – Phụ kiện sạc nam châm
Sạc nam châm MagGo đang được gây quỹ trên dự án Indiegogo. Về cơ bản, MagGo sẽ giúp gắn đầu sạc vào các thiết bị di động iOS, Android… thông qua cơ chế hit nam châm như sạc MagSafe của MacBook. Lợi ích dĩ nhiên là đơn giản tiện lợi, không phải cắm còn nhược điểm là phải gắn adapter vào cổng sạc của thiết bị. Người khởi xướng dự án này trên Indiegogo là Nguyen Ngoc Linh ở Hà Nội.
Sạc gồm một dây sạc và một adapter dành cho mỗi cổng khác nhau gồm Lightning, micro-USB và USB-C, nam châm là cơ chế kết nối giữa hai phần này. Phụ kiện được làm bằng các thành phần như kim loại, neodymium hoặc chấu kết nối có tuổi thọ cao.
Paperlike – Màn hình E Ink dành cho máy tính
Một công ty Trung Quốc tên là Dasung đã cho ra đời chiếc màn hình Paperlike với kích thước lên đến 13,3 inch, kích thước màn hình E Ink lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại. Sản phẩm có độ phân giải màn hình 1600 x 1200 và kết nối với máy tính thông qua cổng USB. Kết nối này vừa đóng vai trò truyền dữ liệu, vừa cung cấp nguồn điện cho màn hình phụ.
Có nhiều chế độ hiển thị khác nhau cho người dùng lựa chọn, tùy vào nhu cầu của họ. Nhược điểm của màn hình E Ink là nó tốn nhiều thời gian để tải xong một nội dung. Thế nên nếu muốn giảm thời gian tải thì bạn cần phải giảm độ chi tiết của nội dung cần hiển thị, và ngược lại.
Nhà sản xuất Paperlike vừa thực hiện thành công chiến dịch gọi vốn trên Indiegogo. Nếu đặt hàng ngay từ bây giờ, bạn có cơ hội sở hữu Paperlike với giá 799 USD, thời gian giao hàng dự kiến vào tháng 8/2016.
Ziro – Hệ thống cho phép người dùng tạo ra một con robot theo ý muốn
Xuất hiện lần đầu tại triển lãm CES 2016 diễn ra đầu năm nay, Ziro là hệ thống cho phép người dùng tạo ra một con robot theo ý muốn, đồng thời điều khiển nó thông qua chuyển động bàn tay và các ngón tay. Thành phần cơ bản của hệ thống này bao gồm tập hợp 4 động cơ có thể cấp năng lượng cho bất kỳ thiết kế robot nhỏ gọn nào. Kèm theo đó là một chiếc găng tay được trang bị cảm biến chuyển động. Một ứng dụng được cài trên smartphone sẽ đóng vai trò kết nối cả 2 yếu tố nói trên thông qua Wi-Fi, cho phép người dùng ghép một động cơ nào đó với một cử chỉ cụ thể.
Ziro đã thực hiện thành công chiến dịch gọi vốn trên Indiegogo. Nếu đặt hàng ngay từ bây giờ, bạn có cơ hội sở hữu bộ sản phẩm đặc biệt này (gồm 1 găng tay, 4 động cơ và một số bộ phận ráp robot) với giá 229 USD. Thời gian giao hàng dự kiến là vào tháng 1/2017.
Volt – Bật lửa dùng điện, pin 1 tuần
Volt có thiết kế gọn đẹp, cùng với đó là khả năng sạc năng lượng nhanh cũng như thời lượng pin. Volt là bật lửa dùng điện thay vì lửa như truyền thống, chi tiết là hai cực sẽ được để ở một khoảng cách gần đủ để phát tia lửa điện để dùng. Lợi thế của việc dùng điện tạo lửa đó là bật lửa sẽ không bị ảnh hưởng bởi gió, chống nước, cũng giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ không khí.
Bên trong Volt có một con chip chuyên dụng giúp Volt chỉ tốn 5 phút để sạc đầy qua cổng microUSB, và với một lần sạc thì Volt có thể dùng tốt trong vòng 1 tuần. Và vì dùng pin sạc lại được nên Volt có thể được sử dụng trong nhiều năm.
Để gây quỹ và đặt mua (nếu thành công) thì bạn phải bỏ ra ít nhất 32 USD (chưa gồm phí vận chuyển), và sẽ giao hàng vào tháng 8 năm nay.
Lifepack – Balo đa dụng
Lifepack có kích thước với bề ngang 29,5cm, cao 46cm và dày 15,2cm, nặng 700g (khi có chứa thêm pin năng lượng mặt trời thì nó nặng 700g + 430g) và đặc biệt là có nhiều tính năng thú vị.
Lifepack có đi kèm một viên pin dự phòng sạc qua cổng USB, nó có thể sạc đầy iPhone 6 trong 12 lần. Viên pin này có hai cổng USB, một có dòng điện đầu ra là 1A và một là 2A. Hơn nữa, viên pin dự phòng này sẽ được làm đầy bằng năng lượng mặt trời, thời gian làm đầy pin lại là khoảng 4 đến 6 giờ đồng hồ để dưới ánh nắng mặt trời nó cũng đóng vai trò là loa ngoài Bluetooth Lifepack có dây khoá chống trộm, chiếc dây này có phần đầu giúp người dùng mở chai nước như cái khui thực thụ.
Lifepack có tổng cộng 4 ngăn chứa bí mật, nó nằm ở phần quai đeo và mặt sau của balo, còn có thêm cổng USB để nối với viên pin dự phòng. Ngăn chứa bên trong Lifepack đều được thiết kế dạng chống va đập, nó có thể đựng một chiếc laptop có kích thước tối đa 15-inch, trong vài trường hợp thì laptop 17-inch với bề ngang dưới 29,5cm có thể bỏ vào được.
Trong giai đoạn gây quỹ, bạn có thể đặt trước với giá từ 169 USD – có hai phiên bản là đen hoặc xám.
Livia – Thiết bị giảm đau bụng cho phụ nữ
Theo nhà sản xuất, Livia sử dụng 2 điện cực khi đặt vào khu vực bụng sẽ có thể dập tắt cơn đau. Sau khi bật máy, các điện cực này sẽ tạo nên các xung điện cực nhỏ kích thích lên dây thần kinh, từ đó xoa dịu cơn đau.
Hiện tại, bạn có thể đặt trước thiết bị Livia với mức giá 85 USD và sẽ giao hàng trong tháng 10 năm nay. Giá khi bán ra dự kiến sẽ là 150 USD, bao gồm một bộ case cũng như cáp sạc USB. Mặc dù vậy cần lưu ý là thiết bị này vẫn chưa nhận được sự cấp phép của cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) về tính hiệu quả trong việc giảm đau cho phụ nữ vào “ngày đèn đỏ”.
Hovr – Máy tập thể dục cho người ngồi máy tính
Về cơ bản, Hovr đơn giản là hai bàn đạp, người dùng chỉ việc đặt hai bàn chân lên và dịch chuyển lên xuống, qua lại, theo vòng tròn tuỳ vào thói quen. Bên cạnh thiết bị phần cứng, Hovr cũng cung cấp phần mềm trên iOS/Android và smartwatch để giúp người sử dụng thiết lập mục tiêu, theo dõi lượng calories đã đốt được, và quá trình tập luyện trong một khoảng thời gian. Hovr sẽ có hai phiên bản: phiên bản gắn vào đáy bàn, và phiên bản độc lập. Hovr sẽ có ba màu là xanh dương, hồng và đỏ đậm.
Hovr đã gây quỹ thành công. Những ai muốn đặt mua Hovr trong giai đoạn này phải bỏ ra từ 99 USD cho bộ gồm: một Hovr, một bệ gắn Hovr, và phần mềm Hovr tương ứng.
Postie – Máy in tin nhắn
Chiếc máy Postie sẽ in tin nhắn ra giấy cho người nhận đọc. Sản phẩm có thiết kế khá dễ thương, với việc gắn smartphone (khi gắn lên sẽ có nhiều hình nền dễ thương hiện ra), ta sẽ thấy Postie như một con vật thè ra mẫu tin nhắn. Postie thực chất là một máy in nhiệt mini, nó sẽ đồng bộ với smartphone của người nhận tin nhắn qua Bluetooth, khi tin nhắn đến thì Postie sẽ in nội dung ra giấy kích cỡ 58mm. Tất nhiên, nó đòi hỏi cả hai người gởi và nhận phải cài ứng dụng Postie, ai thiết lập chế độ là “người nhận” sẽ kết nối máy của mình với Postie.
Giá bán của Postie trong giai đoạn này là 99 USD, thời gian giao hàng dự kiến là tháng 11 năm nay.
PlayDate: Banh thông minh chơi với thú cưng
PlayDate còn có loa ngoài và microphone giúp chủ nhân có thể nghe hoặc ra lệnh cho chó/mèo hoặc chỉ đơn thuần là bật một tiếng huýt sao. Vỏ ngoài của nó có thể thay thế được, và tất nhiên lớp vỏ này là chống trầy xước với vật liệu polycarbonate. Để sử dụng PlayDate, chúng ta chỉ việc tải ứng dụng PlayDate dành cho iOS và Android về, kết nối máy với WiFi, đồng bộ với trái banh PlayDate là xong.
PlayDate đã gây quỹ thành công trên Indiegogo. Giá để sở hữu nó là 169 USD. Thời gian giao hàng dự kiến là vào tháng 12 năm nay.
(Còn tiếp)
TUẤN AN (tổng hợp)